Phạm Trần (Danlambao) – Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) chỉ biết dựa vào Quân đội và Công an để cai trị độc quyền và độc đảng là một sai lầm chính trị làm suy yếu dân tộc, kìm hãm phát triển đất nước và gia tăng hiểm họa bị Trung Cộng đè đầu bóp cổ. Sau đây là những bằng chứng:
Thứ nhất, trong hầu hết các bài viết chống bỏ Điều 4 Hiến pháp thừa nhận đảng có quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” không qua bầu cử tự do và dân chủ trong quá khứ cũng như hiện tại, từ sau khi Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 được đem ra lấy ý kiến toàn dân từ ngày 02/01/2013, đều xuất phát từ hai lực lượng Quân đội và Công an.
Lực lượng thứ ba, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan có trách nhiệm giữ vững tư tưởng cán bộ, đảng viên cũng có một số bài viết bảo vệ “quyền lãnh đạo tuyệt đối và đương nhiên” cho đảng, nhưng giọng điệu băng đảng ít hơn trong hai phe Quân đội và Công an.
Tại sao có chuyện này?
Bởi vì Quân đội và Công an là hai lực lượng lấy “bảo vệ đảng” và “trung thành với đảng” trên cả Tổ quốc và nhân dân làm phương châm hành động để được nuôi ăn đầy đủ và được hưởng nhiều bổng lộc hơn cả nhân dân vừa là cha mẹ và làm chủ đất nước!
Do đó, việc hiến định Quân đội trong Điều 70 sửa đổi bổ sung cho Điều 45 Hiến pháp 1992 phải bị lên án là sai trái và ngược ngạo, theo đó “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Việc buộc Quân đội phải trung thành và bảo vệ đảng cầm quyền khi thực tế quân đội là của nước do dân và của dân có nhiệm vụ ưu tiên phải bảo vệ Tổ quốc và nhân dân là phản bội xương máu của Tổ tiên đã đổ xuống cho Tổ quốc trường tồn.
Hơn nữa khi viết Điều 70 như thế, những người soạn thảo đã “đồng hóa đảng với Tổ quốc” và đặt quyền lợi của Tổ Quốc dưới quyền lợi của đảng là việc phải bị lên án là ngạo ngược vì đã coi rẻ sinh mạng của các thế hệ đã “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” và dân tộc sống mãi muôn đời chứ không phải cho đảng, vì đảng là của một thiểu số.
Ngoài ra Điều 70 còn nhố nhăng quy định quân đội của Việt Nam còn phải “thực hiện nghĩa vụ quốc tế ”, nhưng cho ai và vì ai?
Chẳng nhẽ Quân đội được gọi là “lực lượng vũ trang nhân dân” không coi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh cho nhân dân là ưu tiên mà còn bị đảng lôi đi “đánh thuê” cho nước ngoài, hay “xâm lăng” nước khác để giữ cam kết với một cường quốc, hay một khối nước nào đó có cùng ý thức hệ như đảng CSVN đã từng thi hành với Nga-Tầu trong hai cuộc chiến xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa (từ 1960 đến 1975) và Cao Miên năm 1978?
Lẽ ra khi “sửa đổi” thì Hiến pháp sau phải hay hơn, tốt hơn và có lợi cho dân cho nước hơn Hiến pháp cũ chứ cớ sao lại lạc hậu và sẵn sàng để quân đội làm “tay sai” cho ngoại bang như thế?
Ngược chiều vì quyền và lợi?
Thứ hai, bằng chứng “gió thổi ngược chiều” để đưa Quân đội vào Hiến pháp, ngoài việc “chính trị hóa” còn có âm mưu giữ cho cái ghế cai trị độc quyền của đảng vững mãi. Nó cũng có có mục đích chống lại những đòi hỏi ngày một gia tăng trong nhân dân muốn chấm dứt độc tài, đa nguyên đa đảng để nhân dân tự quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình qua bầu cử bằng lá phiếu tự do và dân chủ.
Hãy đọc lại Điều 45 của Hiến pháp 1992 xem Quân đội phải trung thành với ai: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước.”
Trước đó, trong Điều 51 Hiến pháp 1980 cũng minh thị: “Các lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả của cách mạng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tự do, hạnh phúc và lao động hòa bình của nhân dân, cùng toàn dân xây dựng nước nhà.”
Điều 8 trong Hiến pháp 1959 cũng không thấy bóng dáng đảng đâu hết: “Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hòa bình của nhân dân.”
Trong khi ấy, Hiến pháp năm 1946 viết rất đơn giản nhưng ai đọc cũng hiểu nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc là của dân và do dân như quy định trong hai Điều 4 và 5 của Chương II nói về Nghĩa vụ và Quyền lợi Công dân:
Điều thứ 4
Mỗi công dân Việt Nam phải:
- Bảo vệ Tổ quốc
- Tôn trọng Hiến pháp
- Tuân theo pháp luật.
Điều thứ 5
Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính.
Như vậy xuyên qua 4 Hiến pháp, từ 1946 đến 1992, Quân đội khi nào cũng phải đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết vậy hà cớ gì Ban soạn thảo lại quy định Quân đội phải coi Đảng hơn cả Quốc gia và Dân tộc trong Hiến pháp sửa đổi 2013?
Phải chăng vì đảng đã dành cho Bộ Quốc phòng nhiều đặc quyền và đặc lợi kinh tế như đang được quản lý hơn 110 Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực quan trọng như cơ khí, hóa chất; nông, lâm và hải sản; điện, điện tử, viễn thông v.v… cho nên nếu không trung thành thì sẽ bị mất khối lượng tài sản khổng lồ này, hoặc ngược lại vì được lợi nên nhất định Quân đội phải trung thành với đảng để giúp đỡ nhau?
Nhưng mọi nguồn lợi kinh tế ở Việt Nam đều do đảng nắm giữ và chia phần cho phe nhóm để bảo vệ nhau nên các Doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng có làm ra tiền thì cũng chỉ để bảo vệ “ lợi ích nhóm” là chính. Trên 5 triệu binh sĩ, cả chính quy và trừ trị, có được hưởng đồng nào không thì chưa có thống kê chi tiêu nào được công khai nên khó mà biết hàng tỷ bạc thu vào đã chui vào túi ai?
Chỉ biết Tập đoàn viễn thông Viettel lớn nhất của Quân đội, có 30,000 công nhân, tương dương quân số 1 Quân đoàn do một Trung tướng làm Tổng Giám đốc và hai Thiếu tướng Phó Giám đốc.
Sau đó đến các Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12); Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15); Tổng Công ty Đông Bắc; Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH).
Dưới các Tổng Công ty là Công ty ở cấp Sư đoàn do các Tổng Giám đốc, tương đương cấp Tư lệnh trông coi. Các đơn vị Hải quân và Cảnh sát biển chiếm ưu thế.
Công an thì sao?
Thứ ba, đối với lực lượng Công an thì được quy định trong Điều 72 (sửa đổi, bổ sung Điều 47 Hiến pháp 1992): “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
Nếu đem so với Điều 47 (Hiến pháp 1992) thì lực lượng Công an không còn phải bảo đảm “các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân” nữa!
Hãy đọc lại điều này: “Nhà nước xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm.”
Như vậy là thế nào? Những người soạn thảo lại “hiến định hóa” cả việc tước bỏ các quyền bẩm sinh của người dân được “tự do” và “dân chủ” thì có độc tài, lạc hậu không?
Nhưng Công an đối với đảng như thế nào?
Báo cáo của “Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung Ương tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW4 (Khóa XI) viết: “Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, có lối sống trong sạch, giản dị, chấp hành nghiêm kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, nêu cao ý chí tấn công tội phạm, tinh thần phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó… sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân…” (Tài liệu Công an, 29/8/2012)
Thế là “hòa cả làng” rồi nhá!
Cả Quân đội và Công an, hai lực lượng “xương sống” giữ cho đảng không tan để một mình cầm quyền mãn đời đã “trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước” trên cả Tổ quốc và Nhân dân thì đảng chắc ăn như bắp còn gì nữa, phải không?
Lực lượng Công an đã coi dân như rơm rác hay như kẻ thù tại các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, còn cả gan ngăn dân không cho tưởng niệm các liệt sỹ của hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa, nay lại đẩy dân xuống hạng chót của thang bậc được bảo vệ thì Hiến pháp viết ra cho ai thi hành?
Những con vẹt mỏ cùn
Khi lực lượng Công an được phép “đặt đảng lên đầu dân” như như Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã viết thì một số “quan chức lý luận” của Công An còn chạy đua với bên Quân đội lên tiếng bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng bằng mọi giá, vì theo họ, đó là “đòi hỏi khách quan tất yếu của cách mạng Việt Nam”.
Một trong những người này là Đại tá, Phó Giáo sư Nguyễn Bình Ban, quyền Viện trưởng Viện Lịch sử Công an. Ông Ban viết rằng: “Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, chống xâm lược thống nhất đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng ta đã được cả dân tộc thừa nhận và tuân theo.”
Nói như thế là “nhận khống”. Không có điều gọi là “cả dân tộc” đã “thừa nhận và tuân theo” đảng CSVN. Có chăng là chỉ có một bộ phận người dân đi theo đảng CSVN hay bị kẹt lại vùng quân đội Cộng sản kiểm soát trong chiến tranh như ở miền bắc vĩ tuyến 17 đã phải sống và làm theo chế độ Cộng sản vì họ không có lựa chọn nào khác.
Còn lại lối 25 triệu người sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa từ phía nam Vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu có thừa nhận đảng CSVN bao giờ đâu?
Ông Nguyễn Bình Ban còn hô hào: “Chúng ta kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch (TLTĐ) và cơ hội, xét lại phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng hoặc chỉ thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc, đòi Đảng trả lại quyền lực cho nhân dân khi kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Thực chất là đòi hạ bệ, tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chống lại xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH)… Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng XHCN, Đảng cũng mắc một số sai lầm, khuyết điểm cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực tiễn. Song, khuyết điểm này không phải bắt nguồn từ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng mà có nguyên nhân căn bản là Đảng chậm đổi mới tư duy về CNXH và con đường đi lên CNXH; cộng với sự yếu kém, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước v.v…” (Báo Công an, 23/02/013)
Tại sao đảng chỉ mắc có “một số sai lầm, khuyết điểm”? Nếu chỉ có “một số” thì đất nước đâu có chậm tiến và nhân dân đâu đến nỗi lạc hậu như bây giờ? Những người như ông Ban, cả Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN thử sờ lên gáy xem sau 83 năm có mặt trên đất nước, đảng CSVN đã đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chưa?
Hãy nhìn sang các nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á, chẳng hạn như Thái Lan để biết trình độ dân trí và sự phồn thịnh của họ cao gấp bao nhiều ngàn lần người Việt Nam bây giờ? Những người Cộng sản từng kiêu ngạo trong chiến tranh hãy bình tâm xét lại chân tướng mình xem đã có khả năng đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân trong thời bình chưa?
Và tại sao Đại tá Nguyễn Bình Ban lại đổ lỗi cho “tư duy” (hay cách suy luận), “cơ chế” và “chính sách quản lý”? Những thứ này từ con người của đảng mà ra chứ đâu có tự trên trời rơi xuống. Những yếu kém về kinh tế, nạn tham nhũng, mất công bằng, bất công, xáo trộn trong xã hội, văn hóa suy đồi, đạo lý băng hoại, vi phạm quyền con người, kìm kẹp dân chủ, lấy mất tự do của dân là do cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền đã làm theo chủ trương của đảng và chính sách của nhà nước chứ chẳng lẽ dân lại tự ý gây ra để làm khổ mình?
Lối đỗ thừa chạy tội này không đánh lừa được dân đâu. Người dân Việt Nam ở Thế kỷ 21 không còn khờ khạo dễ bị đánh lừa như người dân sống trong Thế kỷ 20 chứ đừng nghĩ đến các Thế kỷ trước.
Ai suy thoái tư tưởng?
Chuyện này cũng giống như lời nói rất chướng tai ngày 25/02 (2013) của Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng tại Vĩnh Phúc. Ông Trọng nói rằng: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa… Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì nó là cái gì?!… Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
Ô hay, là người lãnh đạo đảng cầm quyền mà ông khinh dân như thế thì “tư duy” của ông này phải có vấn đề. Nếu đầu óc ông bình thường thì ông Trọng không thể buông ra những nhận xét chủ quan một chiều và độc tài như thế.
Bởi vì khi Đảng và Quốc hội kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 thì đảng phải lắng nghe mọi ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều chứ không thể vu oan cáo vạ cho những ai khác lập trường và quan điểm với mình.
Vì vậy, ngay sau khi lời nói của ông Trọng được công bố trên Đài Truyền hình ở Việt Nam ngày 25/02 (2013) thì phản ứng từ nhiều phía đã nổi lên.
Quyết liệt và đầu tiên là của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, Phóng viên báo Gia đình & Xã hội (Gia đình.Net).
Ông Kiên viết quan điểm của mình trên mạng báo “Cùng Viết Hiến Pháp” của nhóm Trí thức chủ xướng gồm có: Tiến sỹ toán học Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago); Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập VietnamNet, học giả Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công Shorenstein, Đại học Harvard; Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago.
Trong bài “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng”, ông Kiên can đảm nói thẳng: “Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.”
Sau bài viết này, báo Gia đình & Xã hội (của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) buộc ông Kiên thôi việc.
Tờ báo viết: “Báo Gia đình & Xã hội xin thông báo, do anh Nguyễn Đắc Kiên (nguyên phóng viên) vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng Kỷ luật của Báo Gia đình & Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên.
Hiện nay anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật với các phát ngôn, hành vi của mình. Các đơn vị, cá nhân lưu ý khi liên hệ công việc, đề nghị liên hệ thẳng với Tòa soạn, không qua anh Nguyễn Đắc Kiên.”
Rõ ràng đây là hành động ngăn cấm quyền tự do ngôn luận, và chắc chắn phải đến từ Ban Tuyên giáo của đảng CSVN.
Nhưng không phải chỉ có Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên chỉ trích ông Trọng mà còn có nhiều người khác, điển hình như Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã phổ biến bài viết của mình trên các mạng báo “truyền thông xã hội”.
Trong một đoạn, ông nói: “Vừa nghe xong, như một phản xạ vô điều kiện, tôi bỗng buột miệng: “Trời ơi, cái cậu này ăn nói hàm hồ quá nhỉ!”.
Sao lại có thể quy chụp những người yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, yêu cầu đa nguyên đa đảng, yêu cầu “tam quyền phân lập”; những người tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể…” là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Nguyễn Phú Trọng có biết những ai đã và đang tích cực tham gia những hoạt động trên không?
Đó là cụ Nguyễn Trọng Vĩnh 96 tuổi – nguyên Bí thư tỉnh ủy Thanh hóa, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nhà văn kỳ cựu khả kính Nguyên Ngọc, Bộ trưởng, ủy viên TW Đảng Nguyễn Đình Lộc, cố vấn Thủ tướng Nguyễn Trung, phó chủ tịch Quốc hội, giáo sư tiến sỹ Phan Đình Diệu, giáo sư -
thứ trưởng Chu Hảo, tiến sỹ-thứ trưởng Trần Nhơn, luật gia – phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, luật gia – phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Lê Hiếu Đằng, viện trưởng – giáo sư Tương Lai, viện trưởng-tiến sỹ Nguyễn Quang A…
Trong số đó, về tuổi tác: có người bậc cha chú, có người bậc đàn anh của ông; về trình độ: bậc thầy của ông; về quá trình cách mạng: bậc tiền bối so với ông.
Vậy mà Nguyễn Phú Trọng dám thóa mạ họ là những kẻ suy thoái mọi mặt. Dưới con mắt Nguyễn Phú Trọng, họ là những kẻ không còn tư tưởng chính trị đúng đắn, lối sống suy đồi, đạo đức kém cỏi…
Thật là nghênh ngang, trân tráo, và hỗn xược.”
Tiến sỹ Giang kết luận: “Vậy là ông Nguyễn Phú Trọng không những xấc xược với bề trên mà còn thất lễ với cả bộ phận lớn dân tộc!”
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng viết trên Basamnews: “Muốn duy trì điều 4 trong Hiến pháp, ông Trọng muốn giữ độc quyền đảng trị. Tuy nhiên, không ít đảng viên, kể cả không ít đảng viên cấp cao, đều biết rõ cái độc quyền ấy thực chất chỉ cốt duy trì quyền uy chính trị và đặc quyền đặc lợi vật chất cho những đảng viên có chức quyền biến chất. Hầu hết các đảng viên cấp thấp, không có chức quyền, không đặc quyền đặc lợi, hoặc có chức quyền nhưng lại có lương tri đều băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh của đất nước trước hiện tượng suy thoái đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” đảng viên hiện nay.
Không ít đảng viên tâm huyết và có trí thức nhận ra sự thật phũ phàng: quay lưng với mọi thành tựu chính trị – xã hội của nhân loại (đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội), đảng CSVN đã quá lạc hậu, xơ cứng, bế tắc về đường lối, đang bị những kẻ vô liêm sỉ, cơ hội xấu xa núp bóng để đục khoét tham nhũng trắng trợn, trở thành vật cản kìm hãm vô cùng tai hại cho sự phát triển đi lên của đất nước, làm Việt Nam càng ngày càng tụt hậu và trở nên xa lạ so với khu vực và thế giới.
Đảng CSVN có hơn 3 triệu đảng viên, và số đảng viên hưởng đặc quyền đặc lợi chỉ là một phần trong số đó, trong khi cả nước có gần 90 triệu dân. Giữ điều 4 Hiến pháp là gì, nếu chẳng phải là khư khư độc quyền đảng trị như “đười ươi giữ ống”, giữ lợi ích bất chính cho một thiểu số người, bất chấp phương hại nặng nề tự do, hạnh phúc của nhân dân, kéo lùi tương lai phát triển của đất nước?.”
Rõ ràng Tổ tiên người Việt nói không sai khi “thượng bất chính thì hạ tắc loạn” nên trước ông Trọng cũng đã có những loại phản biện “thiếu văn hóa” với những Trí thức và lão thành cách mạng như của ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Nguyên Cát thuộc Học viện Quốc phòng xuất hiện trên báo Quân đội Nhân dân ngày 16/12/2912.
Ông này hồ hởi viết rằng: “Mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và toàn xã hội luôn được các thế lực thù địch đặt lên hàng đầu trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng, hướng lái Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Đặc biệt hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng đợt sinh hoạt dân chủ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 được tiến hành vào quý I năm 2013, để tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng ta. Mưu đồ của họ là tạo sự nghi ngờ, mất lòng tin, dẫn đến đối lập với Đảng, đòi bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, quy định về vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và toàn xã hội.”
Nhưng ông Cát và cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa có biết rằng nhân dân và nhiều “bậc thầy” Cộng sản của các ông ở Nga và các nước Đông Âu cũ đã quay lưng, sổ toẹt vào Chủ nghĩa Mác-Lênin từ khuya rồi không?
Chỉ có những kẻ còn ngủ mê của đảng CSVN mới không nhìn ra, hoặc đã thấy nhưng vẫn tham quyền cố vị nên cứ ngoi ngóp lội ngược dòng?
(02/013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét