Đảng Cộng Sản Việtnam quen thói mượn danh nghĩa nhân dân, cứ mỗi lần Đại Hội Đảng, là họ đều trình diễn màn ‘vận động toàn đảng, toàn quân, toàn dân’ góp ý kiến ‘xây dựng đảng’. Nhưng rồi ý kiến hay ho nào cũng đều bị liệng thùng rác hết.
Đến lần buộc phải sửa đổi Hiến Pháp này, nhằm đáp ứng với tình thế mới, dù Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương đã quyết định không bỏ Điều 4 về quyền lãnh đạo tuyệt đối toàn trị của đảng Cộng Sản, và vẫn duy trì Điều Khoản, quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu”.
Nhưng lại đã ra lệnh cho Quốc Hội làm trò hề, phát động Phong Trào Toàn Dân Góp Ý Sửa Hiến Pháp 1992, để một lần nữa đảng Việtcộng mượn danh nghĩa đại diện toàn dân, thực hiện mưu đồ toàn trị và hợp pháp hóa việc cướp đoạt tài sản quốc dân Việt Nam.
Nhân đó, một nhóm Trí Thức Việtnam đưa ra kiến nghị với Quốc Hội, khởi đầu với 72 người đứng tên - đến nay, ngày 25/02/13, đã lên con số 5365 người ký tên – Theo nhóm Trí Thức này:
“Hiến Pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về toàn dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội”. “Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 chưa thấu suốt bản chất của một Hiến Pháp Dân Chủ…”.
Đúng, vì lời nói đầu của Bản Hiến Pháp 1992 chứng tỏ đây chỉ là ‘Cương Lĩnh’ của một đảng chính trị cầm quyền, bắt cả nước phải theo đuổi một chủ nghĩa không tưởng, chứ không phải là mục tiêu tạo ra Công Ước Quốc Gia Dân Chủ, bởi dân, do dân, vì dân, nhằm bảo vệ Quyền Làm Chủ thật sự của Công Dân, tạo môi trường cho toàn dân chung sức bảo vệ Chủ Quyền Độc Lập Dân Tộc và Toàn Vẹn Lãnh Thổ Tổ Quốc, Phát Huy nền Văn Hóa Viên Dung Đa Nguyên, Phân Nhiệm, Điều Hợp, Phát Triển Kinh Tế Thị Trường Tự Do, thực thi Công Bằng Nhân Ái và An Toàn Xã Hội…trong một thế giới Nhân Chủ Nhân Văn.
Nhóm Trí Thức này thêm rằng:
“Hiến Pháp phải mang tính chính đáng được đo bằng nhiều tiêu chí: Thứ Nhất, hiến pháp phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc, đồng thời đoàn kết toàn dân, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng đến sự phát triển dân tộc. Thứ Hai, hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của nhân dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để lập ra các cơ quan nhà nước. Thứ Ba, hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế giới văn minh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt nam đã tham gia.
Nên nhóm 72 Trí Thức đã Kiến Nghị 7 điểm:
1- về Lời Nói Đầu.
2- về Quyền Con Người.
3- về Sở Hữu Đất Đai.
4- về Tổ Chức Nhà Nước.
5- về Lực Lượng Vũ Trang.
6- về Trưng Cầu Đân Ý.
7- về Thời Hạn Góp Ý.
Đồng thời đưa ra bản DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013 gồm Lời Nói Đầu, với VII Chương, 81 Điều. Trong đó, tuy Lá Cờ Đỏ Sao Vàng đẫm máu người dân, và bàn Tiến Quân Ca man rợ khát máu “Thề phanh thây uống máu quân thù” vẫn còn là Quốc Kỳ và Quốc Ca.
Nhưng dĩ nhiên Điều 4 Hiến Pháp và Điều Khoản về đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu, bị biến mất. Khiến cho Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư cộng đảng hoảng hồn, coi đó là “biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Đài truyền hình Việtnam tối 25/02/13, dẫn lời Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở tỉnh Phú Thọ, rằng:
“Vừa rồi đã có các luồng ý kiến, cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Trọng lớn tiếng đe dọa: “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến Pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên, đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký nộp đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó”.
Chưa biết Nguyễn Phú Trọng và đảng Việtcộng xử lý ra sao với 72 nhà Trí Thức đã từng góp công sức ‘hãn mã’ cho đảng và chế độ, cùng gần Sáu Ngàn công dân ký vào bàn Kiến Nghị đây?
Thực tế cho thấy, Nguyễn Phú Trọng đã sớm phá hỏng màn trình diễn góp ý sửa hiến pháp bịp bợm của đảng Việtcộng rồi. Nhưng dù sao, tòan dân trong, ngoài nước và cả thế giới đã thấy rõ nhu cầu Đa Nguyên Chính trị đã xuất hiện trong đời sống chính trị ở Việtnam.
Gần Sáu Ngàn người đã bất chấp hiểm nguy ký tên vào bản Kiến Nghị, đưa ra Dự Thảo Hiến Pháp Dân Chủ, đòi bỏ Dự Thảo Hiến Pháp Độc Tài thì đúng là Đa Nguyên Chính Trị rồi, dù đây chỉ là một trò hề của Việtcộng, nhưng với những người ký tên vào Kiến Nghị thì lại là “lộng giả thành chân”. Khiến cho Người Dân không còn sợ Việtcộng nữa.
Chưa biết nhóm 72 Trí Thức phản ứng ra sao về sự đe dọa của Nguyễn Phú Trọng? Riêng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên phóng viên, biên tập viên trang mạng của báo Gia Đình và Xã Hội của lề phải, đã bị buộc phải thôi việc vì bài viết bộc trực, thẳng thừng phản đối lập luận của ông Nguyễn Phú Trọng về sự ‘suy thoái’.
Nguyễn Đắc Kiên viết rằng:
“Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ ‘suy thoái’ thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người là đảng vìên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4 Hiến Pháp, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việtnam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay…ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân Tộc VN? Tôi đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông… Thế ra những người không theo đảng cộng sản trên thế giới này là vô đạo đức hết à? … đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng…chính trị, tư tưỏng ông đang muốn nói là chính trị tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản?... ông thử đọc lại Cương Lĩnh chính trị và Điều Lệ đảng của các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hoá quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái…”.
Nguyễn Đắc Kiên đòi tổ chức một Hội Nghị Lập Hiến để Hiến Pháp đó thể hiện ý chí của toàn dân Việtnam, chứ không chỉ kiến nghị sửa Hiến Pháp như 72 nhà Trí Thức. Vậy là thêm một Nguồn Tư Tưởng Chính Trị nữa của giới trẻ cùng xuất hiện tại Việtnam.
Little Saigon ngày 26/02/2013
Lý Đại Nguyên
(Trí Nhân Media)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét