Pages

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Tinh giản những “cái ô”


congchucBộ Nội vụ đang “nghĩ mưu”, ngôn ngữ chính thống là “chỉ đạo kiểm tra từ đó đưa ra giải pháp”, để giải quyết tình trạng 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.
Dẫu là cuộc gặp mang tính chất hiếu hỉ cuối năm, rút cục, báo chí vẫn không “nhịn” được khi đặt cho gia chủ những câu ngang xương mắc họng. Nào thì là chuyện chạy công chức trăm triệu, nào là cuộc thi tuyển lãnh đạo ở Quảng Ninh, và tất nhiên, là tình trạng 30% công chức “cắp ô”.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói: “Sau khi có thông tin Bộ Nội vụ đã chỉ đạo kiểm tra từ đó đưa ra giải pháp làm thế nào để những người gia nhập đội ngũ công vụ phải tận tụy làm việc phục vụ nhân dân, có tinh thần trách nhiệm với xã hội”.
Thật khó gọi đây là một câu trả lời. Nó tròn xoe, không có thông tin và thật…kinh điển. Cũng thật khó tin là tình trạng 30% công chức cắp ô sẽ được khắc phục khi mà Bộ còn đang nghĩ mưu.


Thực ra không cần phải là một thứ trưởng hưởng lương 7-8 “chấm”, cũng có thể nghĩ ra phương án giải quyết cái “của nợ 30%” đang phải nuôi báo cô này.  Phó Thủ tướng nói phải “xắp xếp” lại. Nói cho có vẻ phù hợp với thời sự là “tái cơ cấu”. Hoặc thẳng thắn, thật thà kiểu Ngọc Trinh: Đuổi thẳng cổ.
Gì cũng được, miễn là đừng tinh giản biên chế. Miễn là đừng cải cách hành chính. Vì sao ư? Vì nhiều người hẳn sẽ mắt chữ A mồm chữ O khi biết rằng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của BCH TƯ Đảng về tinh giản biên chế và chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, số “biên chế” không những không giảm mà còn  tăng tới 25%. Cụ thể, thời điểm bắt đầu của “tinh giản”, của “cải cách” năm 2000, tổng số biên chế công chức hành chính của cả nước mới chỉ hơn 200.000 thì năm 2010, con số này là 260.000.
Còn nhớ Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói ông đã từng tiếp xúc với những “công chức cắp ô”, trong một sự thật là “Ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có hiện tượng đó”. Và theo ông cần có “một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp mà từng vị trí đều được xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách của mình thì số công chức “có cũng được không có cũng được” sẽ giảm đi”.
Nhưng đến bao giờ có một nền hành chính hiện đại để người dân khỏi đóng thuế nuôi báo cô “30% của nợ”?
Trở lại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ, một quan chức là Phó vụ trưởng công chức viên chức Hoàng Quốc Long thanh minh rằng trong thời gian qua, đội ngũ (gần 3 triệu công chức) đã hoàn thành tốt sứ mạng của mình. Theo cách hiểu của ông Long, Phó thủ tướng đưa ra con số đó để các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tinh giản đội ngũ nhằm cải cách chế độ tiền lương và chất lượng cán bộ.
Và ông nói đầy ẩn ý: “Một cơ quan cũng như một cỗ xe, có những bộ phận các đồng chí tưởng không quan trọng nhưng nó là cấu thành của một cỗ máy. Nếu cắt 30% thì cỗ máy không hoạt động được”.
Cái ẩn ý là ở chỗ 30% này sẽ để “tinh giản”- lại “tinh giản”. Chứ không phải “cắt bỏ”.
Tóm lại có kiểm tra thế nào, nghĩ mưu sâu kế hiểm ra sao thì quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện “tinh giản”.
Nhưng đến bao giờ thì “tinh giản” không đồng nghĩa với một phép trừ? Có lẽ là chỉ khi “tinh giản” được những người đang thực hiện “tinh giản”. Hoặc trả lời theo “kiểu Ngọc Trinh” là chỉ khi tinh giản được những “cái ô”.

Không có nhận xét nào: