Nguyễn Long Việt - Thư gửi GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn và cộng sự về việc ký tên Bản kiến nghị do 72 nhân sỹ, trí thức soạn thảo
Kính gửi: GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn và cộng sự,
Thực sự không phải khi phải viết nhiều thư đến các GS và các cộng sự trong dịp cuối năm bận rộn thế này. Nhưng vì, có một số sự kiện cũng mong muốn GS và các cộng sự chia sẻ.
Thứ nhất, trang Cùng viết Hiến pháp ra đời đã tạo thêm cho bạn đọc một kênh thông tin cho bạn đọc tham khảo về Hiến pháp. Tôi nghĩ, có lẽ hơi thiển cận một chút, nhưng điều này có dẫn tới việc “chia đàn, xẻ nghé” giới trí thức Việt Nam hay không?
Hiện nay, Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 và Bản Hiến pháp mẫu do 72 nhân sỹ, trí thức soạn thảo, và đến nay đã có hơn 2,500 người ký tên ủng hộ.
Tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ, và dưới góc độ luật học, tổi đánh giá rất cao chất lượng của Bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu này.
Hôm nọ, giáo sư Châu trả lời tôi trên trang thichhoctoan.net là trong số những người khởi xướng và biên tập trang Cùng viết Hiến pháp, “có người đồng ý, có người không”. Tôi xin được hỏi là GS có thể cho tôi biết là ai đồng ý, và ai không đồng ý được không? Nếu không đồng ý thì vì sao?
Tôi nghĩ, để làm được Bản kiến nghị và Bản Hiến pháp mẫu, 72 nhân sỹ, trí thức đã phải lao động rất miệt mài. Trong số đó, có nhiều người rất giỏi và có kinh nghiệm lâu năm như cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, GS Chu Hảo, GS Tương Lai,…
Có lẽ, vì thời gian góp ý kiến cũng không còn nhiều, nếu chúng ta cùng nhau đóng góp ý kiến dựa trên một Bản kiến nghị và Bản Hiến pháp mẫu được nhiều người ủng hộ như vậy sẽ tốt hơn. Hơn bao giờ hết, nhân sỹ, trí thức của chúng ta nên “ngồi cùng nhau” để kiến tạo nên một bản Hiến pháp có chất lượng. Ngày xưa, các anh hùng Lương Sơn Bạc tạo được sức mạnh cũng nhờ sự hy sinh chức vị của những người thủ lĩnh mà sát nhập tạo nên 108 vị anh hùng hảo hán. Từ đó, mới có quyền “mặc cả” với chính quyền.
Trong khi, Cùng viết Hiến pháp mới khởi xướng, chưa có một chiến lược cụ thể để viết như thế nào, viết ra sao? Ai viết?… bao giờ thì “cùng viết Hiến pháp” sẽ viết xong một bản Hiến pháp mẫu…
Hôm nay, tôi xem video của 15 người đại diện trao bản kiến nghị tới Ban Biên tập sửa đổi HP trên trang Ba Sàm. Bác Phạm Duy Hiển phát biểu rằng, nhóm nhân sỹ, trí thức đang muốn nghe những lời cho rằng bản kiến nghị là sai.
Do vậy, tôi hy vọng rằng những ý kiến không đồng ý, và việc chỉ ra những khuyến khuyết của những người khởi xướng và ban Biên tập trang Cùng viết Hiến pháp đối với Bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu của 72 nhân sỹ, trí thức sẽ thật sự có ý nghĩa.
Thứ nhất, giúp nâng cao chất lượng của bản Kiến nghị và Hiến pháp mẫu này. Thứ hai, những người soạn thảo các văn bản này cũng sẽ rút kinh nghiệm và học hỏi được những điều rất bổ ích từ các đóng góp.
Tôi cũng có khá nhiều năm nghiên cứu luật học. Khi đọc Bản kiến nghị, đặc biệt là Bản Hiến pháp mẫu, tôi thấy rằng, nếu đặt lên bàn cân, Bản Hiến pháp này không thua kém gì so với các bản Hiến pháp của nhiều nước dân chủ trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức…
Tôi rất hy vọng các thành viên thành lập trang Cùng viết Hiến pháp chỉ ra những sai sót trong các bản kiến nghị này, và đây cũng là cơ hội để tôi học hỏi thêm.
Một việc nữa, tôi vào mạng đọc báo, thấy một số ý kiến, (tuy không thiện cảm lắm, nhưng tôi cũng rất thẳng thắn để chia sẻ), cho rằng “Giáo sư Ngô Bảo Châu đã không làm thì thôi, đã làm là phải làm trưởng”.
Tôi cũng không thực sự bị thuyết phục bởi quan điểm đó nhưng người ta nhìn những gì đang diễn ra, người ta có thể nghi ngờ.
Tôi thì cho rằng có rất nhiều người dành tình cảm lớn cho GS, nên việc GS khởi xướng sẽ thu hút được đông đảo trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ tham gia, đó là một diễn đàn rất tốt để chia sẻ, trao đổi thông tin.
Tôi chỉ có một điều là, xin GS đừng IM LẶNG. Xin viện dẫn câu nói rất hay của trí thức Nguyễn Trường Tộ: “Biết không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa”.
Từ khi trang Cùng viết Hiến pháp ra đời, tôi chưa thấy một bài nào thể hiện quan điểm của GS (Chẳng hạn như Hiến pháp phải thế này, thế kia, tôi đồng ý hay phản đối việc không quy định điều 4, lý do như thế này…).
Tôi xin lấy một ví dụ. Ông A rất giỏi về ngoại giao, đã giàn xếp thành công tranh chấp biển Đông, và Trung Quốc đã trả Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam. A được trao giải Nobel. Nhà nước mở ra chương trình ra đề thi toán. Ông A khởi xướng và ngồi trong ban Biên tập. Và bài nào mà ông A thấy hay, sẽ cho đăng. Như vậy, người gửi có quyền đặt câu hỏi về hiểu biết của ông A hay không?
Ví dụ trên có giống với cách mà GS đang đối xử với những người nghiên cứu luật học hay không?
Một vấn đề khác là, tuy lời mở đầu của trang là “nhằm tạo thêm một không gian đối thoại”, nhưng trên các bài viết không có chỗ để bạn đọc có thể tranh luận với nhau hay với tác giả… Và có lẽ, việc gửi tranh luận lại phải gửi mail cho trang, như vậy cũng tạo ra không ít khó khăn cho cả bạn đọc và ban Biên tập, cũng như mất tính cập nhật.
Thay cho lời kết,
Với những kinh nghiệm trong nghiên cứu, học tập, sinh tại các quốc gia tiên tiến, các Giáo sư Châu và Giáo sư Sơn chắc chắn có những ý kiến nhất định cho đợt sửa đổi Hiến pháp lần này. 125
Tôi chỉ mong các thành viên thành lập trang Cùng viết Hiến pháp, đặc biệt là Giáo sư Châu và Giáo sư Sơn cho tôi cũng như các bạn trẻ biết được là các Giáo sư có đồng ý với Bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu do 72 nhân sỹ trí thức khởi xướng hay không? Nếu không đồng ý thì lý do là gì? Nếu đồng ý, thì các Giáo sư đang và sẽ ký tên? (Bởi tôi nghĩ, thời gian rất có hạn).
Nhiều người cho rằng, các GS chỉ giỏi về lĩnh vực nghiên cứu các lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý nhưng tôi nghĩ rằng đến người nông dân, công nhân còn đọc hiểu được những bản Kiến nghị đó có lợi cho dân tộc, chả lẽ với kinh nghiệm sống ở nhiều nước tiên tiến lại không thể đưa ra những ý kiến riêng cho mình?
Nếu 2000 người ký, thì nhà chức trách có thể không trả lời (theo tiền lệ nên tôi mạo muội đoán) nhưng giả sử 1 triệu người ký thì là một chuyện khác. Nhà chức trách sẽ phải lắng nghe bởi các áp lực không chỉ trong nước, mà còn cả dư luận thế giới. Mà các GS là những nhân tố rất quan trọng, là những người có thể thức tỉnh giới trẻ Việt Nam, hiện phần lớn đang ngủ quên trên những kênh giải trí…
Nhân tiện, tôi cũng kêu gọi bạn đọc phổ biến Bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu cho càng nhiều người càng tốt, để ký tên tạo nên sức mạnh. Có như vậy, mới hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, mới không bị các nước trên thế giới, chí ít là các quốc gia láng giềng bỏ xa. Dân ta phải đi làm thuê cho các nước, dưới cái tên “xuất khẩu lao động” nhưng đó là một nỗi buồn của toàn dân tộc Việt.
Người Việt chịu khó, tiết kiệm. Người Việt ra nước ngoài lập nghiệp thì 90% là tay trắng. Trong khi, ở trong nước, bởi người lãnh đạo không thông qua tranh cử dân chủ, mà qua cơ cấu, nên không tìm ra được người có tài và có tâm giúp ích cho đất nước. Tôi không cần lãnh đạo có bằng Giáo sư hay Tiến sĩ mà cái tôi cần là chính sách, là anh làm được điều gì cho người dân. Đôi khi, tài mà không bị ràng buộc thì người ta lại sử dụng tài đó để làm lợi cá nhân.
Do vậy, chúng ta cần phải xây dựng một bản Hiến pháp giới hạn quyền lực nhà nước, tránh lạm quyền, tham nhũng. Điều quyết định nên việc thành công của sửa đổi Hiến pháp lần này là Điều 4. Nếu không bỏ được Điều 4 là một thất bại, như tôi từng nói trong bài Điều 4 mới là vấn đề của mọi vấn đề.
Với việc quy định Điều 4, những người trong Đảng Cộng sản VN đang “bôi xấu” hình ảnh của những chiến sỹ Cộng sản chân chính. Cụ tôi từng là Đảng viên 1930/1931. Ngày xưa, Đảng Cộng sản phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc thì người dân theo, và trong thời kỳ đó, có sự cạnh tranh đa đảng. Nhưng bây giờ, nếu Đảng Cộng sản không còn những người như thế nữa thì phải nhường chỗ cho người khác lãnh đạo.
Tại sao anh đòi giữ điều 4 để lãnh đạo? Có phải anh vào Đảng là trở thành tinh hoa như những người chiến sỹ cộng sản xưa đâu? Tại sao anh không dựa vào chính anh, mà phải dựa vào công lao của những người đi trước để bắt người ta phải phục tùng? Tại sao anh vào cùng “hội” với cụ tôi thì anh tước quyền tranh cử, ứng cử của 87 triệu dân khác?
Lý sự như anh, tôi có thể đưa ra lập luận là cụ tôi sáng suốt, hơn nữa tôi là con cháu của anh hùng Nguyễn Huệ. Chả nhẽ, tôi nhân danh Nguyễn Huệ để bảo là ông ấy sáng suốt, nên con cháu cũng sẽ là đỉnh cao trí tuệ? Tôi lý sự, tôi được thừa hưởng truyền thống, yêu nước, thông minh sáng suốt như Nguyễn Huệ, nên tôi phải là lãnh đạo của Việt Nam? Nếu tôi làm thế, có phải là tôi đang lợi dụng, chà đạp lên hình ảnh của người khác để hưởng lợi hay không?
Do vậy, như tôi đã bàn trong “Thư gửi hai GS Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn” đăng trên trang Quê Choa ( http://quechoa.vn/2013/02/03/thu-gui-hai-gs-ngo-bao-chau-va-dam-thanh-son/), Khoan bàn về đúng sai của lịch sử, cứ cho là Đảng CSVN lãnh đạo từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhưng hồi xưa có các đảng khác cạnh tranh, và vì hồi xưa có cụ Hồ trong đảng CSVN. Nhưng có phải lúc nào cũng có cụ Hồ đâu? Đến giờ, không có cụ Hồ trong đảng nữa (mà chỉ có đồng chí X, Y chẳng hạn) thì phải mở rộng cho toàn thể nhân dân ứng cử, bầu cử để tìm lấy cụ Hồ?
Việt Nam có đặc thù riêng?
Chỉ có thể trở thành lãnh đạo Việt Nam từ 3 triệu đảng viên? Trong số khoảng 87 triệu dân chả lẽ không ai xứng đáng làm lãnh đạo? (ngay cả làm chủ tịch xã, huyện?). 87 triệu dân không là đảng viên vô dụng đến thế sao?
Qua sự kiện, con trai Nguyễn Bá Thanh lên làm Bí thư thành đoàn. Với số phiếu 100%. Tôi cũng chưa thấy ở quốc gia dân chủ nào như Tây Âu, Mỹ có được 100% phiếu bầu ủng hộ như vậy, mà nó chỉ xuất hiện tại các quốc gia mà kết quả được sắp xếp sẵn. Tôi không biết là con trai Nguyễn Bá Thanh giỏi thế nào?
Nhưng cái mà người dân mong muốn ở người lãnh đạo là, trước khi ra ứng cử anh phải đưa ra được kế hoạch, kế sách gì…?
Và đã gọi là bầu cử thì phải từ 2 ứng viên trở lên, chứ không phải là giới thiệu 1 và bầu 1. Trong luật học, đó không phải là bầu cử, mà là “phê chuẩn”. Rộng hơn, Quốc Hội từ trước đến này đang “phê chuẩn” các chức danh từ Chủ tịch nước, Thủ tướng…
Là người dân, chúng ta có quyền nghi ngờ rằng có một thế hệ Thái tử Đảng đang hình thành.
Mọi chế độ độc tài, dù một cá nhân hay một nhóm thì cũng sẽ bị thay thế bằng một thể chế dân chủ. Thế giới từ Âu, Á, Phi… đã trải qua.
Việt Nam sẽ không là ngoại lệ nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không bỏ được Điều 4. Đánh mất một cơ hội chuyển giao trong hòa bình từ độc tài (độc đảng sinh ra độc tài) sang dân chủ đa đảng thì sẽ phải chuyển giao bằng bạo lực. Nhưng ở Việt Nam, phải chuẩn bị có thể là hàng trăm “ống cống”, chứ không phải chỉ có một như ở Lybia cho riêng Gaddafi. Có thể, sẽ đau thương hơn nhiều, tôi không muốn đau thương thêm một lần nữa tại Việt Nam.
Đáng lẽ ra, tôi gửi riêng cho các Giáo sư và các cộng sự nhưng tôi nghĩ, cũng có nhiều bạn đọc có những trăn trở giống như tôi, với lại công lý không thể được thực thi trong bóng tối nên tôi xin phép được công bố với bạn đọc.
Xin chân thành cảm ơn các thành viên thành lập trang Cùng viết Hiến pháp.
Chúng ta cùng đoàn kết, tất cả vì tương lai Việt Nam,
Chúc mừng năm mới,
Nguyễn Long Việt
Tác giả gửi QueChoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét