Pages

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ

000_Hkg8759032.jpg

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gặp nhau trong cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN tại Brunei ngày 02 tháng 7 năm 2013.
 AFP photo

Nghe Bài Này

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh vào đầu tháng 10 này sẽ gặp người tương nhiệm Hoa Kỳ, John Kerry tại Washington DC.
Chuyến công du Hoa Kỳ này của ông Phạm Bình Minh là chuyến đi mới nhất của một quan chức cao cấp Việt Nam sang Mỹ, sau khi có những chuyến viếng thăm Hà Nội của các vị thượng nghị sĩ và tướng lãnh quân đội Hoa Kỳ.
Những động thái đó có gì đáng chú ý đối với mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay?
Gia Minh nêu vấn đề ra với tiến sĩ Lê Thu Hường, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore. Trước hết bà đưa ra ý kiến:
Gần đây chúng ta có thể quan sát các chuyến đi của những quan chức Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng như ngược lại. Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ điều đó là tự nhiên tại vì khi Việt Nam có cảm giác có thể cần thiết quan hệ với Hoa Kỳ tốt hơn do một số vấn đề xảy ra với Trung Quốc; nhất là tại Biển Đông thì tôi nghĩ đó là điều tự nhiên thôi.
Những người quan sát cũng nghĩ rằng đây là một hy vọng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đi đến gần nhau hơn. Tuy nhiên còn có thể có một số vấn đề mà chúng ta thấy chưa nhanh như vậy và chưa như mong muốn lắm.
Dẫu thế theo tôi như vậy là bình thường, rất tự nhiên.
Gia Minh: Hoa Kỳ lâu nay có chiến lược xoay trục sang Châu Á, trong khi đó Trung Quốc có những động thái lấn lướt tại vùng biển của Việt Nam, của Philippines; theo tiến sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ gặp nhau điểm nào để họ tiến lại gần nhau trong bối cảnh như hiện nay?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Thật ra Hoa Kỳ cũng để ý và muốn xích lại gần Việt Nam trong một thời gian lâu rồi; còn phía Việt Nam thì còn có một số vấn đề chưa quyết đoán được rõ ràng nhưng theo tôi nghĩ sau vụ giàn khoan hồi tháng 5 thì Việt Nam cần phải chỉnh sửa một số suy nghĩ. Cho nên những cuộc gặp mặt gần đây có thể mang đến một số đột biến trong chính sách của Việt Nam, nhất là chính sách đối với Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ Việt Nam và Hoa Kỳ đều có mong muốn giống nhau thôi, đó là hòa bình và ổn định trong khu vực. Hoa Kỳ không muốn Bắc Kinh hung hăng trong khu vực, và tất nhiên Việt Nam ủng hộ cách nhìn như vậy. Vì nếu như Bắc Kinh hung hăng (nếu tôi có thể dùng từ này) thì sẽ bất lợi cho Việt Nam và cho cả khu vực. Cho nên theo tôi nghĩ mục đích chung của cả Hoa Kỳ cũng như Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Nam Á hiện nay là làm thế nào giữ được an ninh cho khu vực ổn định.
Gia Minh: Như tiến sĩ có nhắc đến thì trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn có một số vấn đề, tiến sĩ có thể cho biết những vấn đề đó là gì?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Những vấn đề đó thì cũng như các lãnh đạo Việt Nam thường hay nói. Chúng tôi từ ngoài nhìn vào có khi chỉ thấy được một số vấn đề thôi, nhưng mà những vấn đề như nhân quyền, dân chủ là những vấn đề mà đầu tiên bên phía Mỹ nêu ra. Đó là những vấn đề chưa cho phép quan hệ Washington và Hà Nội thân thiết như mong muốn.
Thái độ của Trung Quốc
Gia Minh: Chắc chắn khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trở nên thân thiết hơn thì Trung Quốc họ không bằng lòng, vậy theo tiến sĩ Hà Nội cần phải làm gì để đạt được ý muốn của mình khi tiến gần đến với Hoa Kỳ?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Đây là vấn đề mà lâu nay Việt Nam phải đau đầu vì cũng sợ Trung Quốc phật lòng, nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay rất khó nói. Lý do vì Trung Quốc làm thay đổi mối ôn hòa giữa Việt Nam và Trung Quốc sau vụ giàn khoan rồi.
Theo tôi nghĩ thì Bắc Kinh họ cũng phải nhìn nhận vấn đề đó và thấy là tự nhiên như tôi đã trả lời trong câu hỏi đầu tiên của anh. Đó là tự nhiên cho Việt Nam hay bất cứ nước nào khác khi mà sự việc xảy ra như thế thì đều muốn có quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ hoặc một nước lớn nào khác.
Hiện trạng bị Trung Quốc làm thay đổi nên Trung Quốc có phật lòng hay không thì đó không phải là điều mà Việt Nam nên lo nhất, bởi lẽ bối cảnh hiện nay đã thay đổi rồi. Đó là điểm thứ nhất, thứ hai theo tôi nghĩ, một nước nhỏ nằm bên cạnh một nước lớn thì khó xử cho nước nhỏ; thế nhưng Việt Nam cũng tích cực, cũng phấn đấu để làm sao không bị nước lớn chèn ép quá, và không để nước lớn làm ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của nước nhỏ.
Hiện trạng bị Trung Quốc làm thay đổi nên Trung Quốc có phật lòng hay không thì đó không phải là điều mà Việt Nam nên lo nhất, bởi lẽ bối cảnh hiện nay đã thay đổi rồi.
- Tiến sĩ Lê Thu Hường
Gia Minh: Hiện nay đang có những thông tin cho biết Trung Quốc đang triển khai rất nhiều hoạt động biến những đá thành đảo tại khu vực Trường Sa, điều này ảnh hưởng, tác động, thúc đẩy Việt Nam trong việc thay đổi chính sách ngoại giao?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Đó cũng là một nỗi lo lớn vì thật ra qui mô của đảo đang được xây đó chúng ta cũng không được biết rõ ràng lắm. Việt Nam cũng không thể nào cản trở công trình xây dựng ở đảo ngoài biển như thế. Tuy nhiên Việt Nam cũng tích cực làm sáng tỏ điều này trong cộng đồng quốc tế và cũng muốn cho bạn bè quốc tế biết rõ về việc này đang xảy ra.
Riêng một mình Việt Nam không thể nào có ảnh hưởng đến dự án đó (của Trung Quốc), nhưng tôi nghĩ nếu tích cực và có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì việc này cộng đồng quốc tế nên chú ý hơn.
Gia Minh: Vừa qua chỉ có Việt Nam và Philippines tích cực nêu ra những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông còn những nước khác thậm chí có nước không ủng hộ, tiến sĩ thấy những động thái của Việt Nam đối với Hoa Kỳ và Philippines thì cần sự ủng hộ ra sao, ít nhất của các nước trong khối ASEAN?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Thật ra cộng đồng ASEAN như là một khối thì chưa có phản ứng. Nói chung Việt Nam cũng hy vọng ASEAN có phản ứng mạnh hơn, theo tôi hiện nay ASEAN cũng đang có áp lực rất lớn để có ‘câu nói’ rõ ràng hơn về việc này.
Trước mắt ASEAN cho rằng chuyện giữa Philippines và Trung Quốc là chuyện giữa hai bên, cũng như Việt Nam và Trung Quốc là chuyện giữa hai bên.
Nhưng vì những hành động của Trung Quốc (như tôi đã nói) có ảnh hưởng đến an ninh và ổn định trong khu vực, mà ASEAN mang vai trò một khối khu vực thì có áp lực phải ra tuyên bố rõ ràng và rành mạch hơn về chuyện này.
Việt Nam cũng tích cực trong quan hệ Việt Nam- ASEAN cũng như giữa Việt Nam và các nước riêng của ASEAN để làm sao có quan hệ chắc chắn hơn, bền vững hơn nhất là trong bối cảnh khó khăn như thế này.
Gia Minh: Cám ơn tiến sĩ về những nhận định vừa rồi
.

Không có nhận xét nào: