Pages

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh

Tăng 1.05% trong tháng, có thể sắp phá giá tiền đồng

Một cảnh mua bán tại khu chợ bán trái cây ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Áp lực lạm phát tăng nhanh có thể thúc đẩy Việt Nam phải phá giá đồng bạc dù Ngân Hàng Nhà Nước tuần trước vẫn phủ nhận các lời đồn đãi về khả năng phá giá. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI 25-10 (TH) - Lạm phát ở Việt Nam gia tăng 1.05% trong tháng 10 so với tháng trước. Ðây là tháng chỉ số giá tiêu thụ tăng nhanh liên tiếp hai tháng qua với nhịp độ xấu hơn những tháng trước.

Tổng Cục Thống Kê Việt Nam loan báo như vậy hôm Thứ Hai và cho biết chỉ số giá tiêu dùng gia tăng của 10 tháng đầu năm 2010 là 7.58% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.

Nhà cầm quyền trung ương đặt chỉ tiêu kềm giữ lạm phát bên dưới 8% cho năm nay, nhưng nhiều kinh tế gia tin rằng khó giữ nổi. Hệ quả, Việt Nam có thể phải phá giá đồng nội tệ lần nữa vào những ngày tới đây dù tuần trước vẫn cả quyết không có kế hoạch nào cho việc phá giá.

Nguyễn Văn Giàu, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước cũng từng phủ nhận tin phá giá bạc của những lần phá giá trước đây.

Ngày Thứ Hai 25 tháng 10 năm 2010, một đô la đổi được 20,190 đồng Việt Nam trên thị trường chợ đen dù hối suất chính thức chỉ có 19,500 đồng.

Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, Ngân Hàng Nhà Nước đã phá giá tiền đồng 3 lần vì áp lực của lạm phát quá mạnh trong khi thâm thủng mậu dịch và trị giá đồng nội tệ tuột dốc nhanh hơn. Nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã đưa nhau tích trữ vàng và ngoại tệ mạnh thay vì giữ lấy một loại tiền không có bao nhiêu bảo đảm giá trị.

Trong khi các chuyên viên quốc tế đều cho rằng áp lực lạm phát ở Việt Nam mạnh hơn sự dự trù của nhà nước, một số chuyên viên kinh tế của Việt Nam cho rằng sự gia tăng giá cả nhanh hai tháng qua chỉ có tính cách nhất thời.

Ba lần phá giá tiền đồng trong vòng gần một năm qua đã làm cho áp lực lạm phát mạnh hơn và hàng hóa cũng như vật liệu nhập cảnh trở thành đắt đỏ hơn. Chính sách kinh tế của nhà cầm quyền Hà Nội là gia tăng tín dụng để kích thích phát triển kinh tế hầu có cái gì để khoe khoang thành tích vào dịp đại hội đảng tổ chức tháng 1 năm 2011 cũng sắp đến nơi. Ðiều này lại càng tạo thêm áp lực cho lạm phát gia tăng.

Lạm phát tăng nhanh là tín hiệu xấu cho trị giá đồng nội tệ vốn dĩ bị đánh sụt giá từ từ liên tục, xưa nay vẫn được trao đổi với giá thấp hơn giá chính thức trên thị trường chợ đen.

Sherman Chan, một kinh tế gia của ngân hàng Hồng Kông HSBC nêu ý kiến là nhà cầm quyền Hà Nội cần xiết chặt chính sách tiền tệ để kềm chế lạm phát và một lần phá giá thêm đối với đồng bạc khó tránh khỏi từ nay tới cuối năm.

Báo chí ở trong nước, ít ngày qua, đưa ra một vài bài viết với những khuyến cáo rằng các nhà nhập cảng đang quan tâm với tình trạng thiếu ngoại tệ để đặt mua hàng trong dịp cuối năm.

Trong khi đó, báo điện tử VNExpress hôm Thứ Hai 25 tháng 10 năm 2010 có một ký sự mô tả hình ảnh cụ thể của hậu quả lạm phát đối với người dân thường. Ít ra, hoặc có thể quá phân nửa lợi tức kiếm được của đại đa số quần chúng là chi cho thực phẩm.

“Nghe người bán nói giá mà tôi giật cả mình. Mua có 3 loại rau và chưa thịt cá gì đã hơn 40,000 đồng. Rau củ bây giờ còn đắt đỏ hơn thủy sản. Chi phí chợ búa cả tuần qua tăng gần gấp đôi so với hồi tháng trước”. VNExpress thuật lời chị Thanh than vãn.

Theo lời người phụ nữ này nói với nhà báo, “Chi tiêu gói ghém, hạn chế ăn sáng bên ngoài, mỗi loại thực phẩm mua ít lại một chút...” thế nhưng chi phí cho bữa ăn hàng ngày theo tính toán của chị Thanh, quận 1, Sài Gòn vẫn đắt hơn nhiều so với trước.

VNExpress nói “Ảnh hưởng mưa lũ suốt từ miền Trung vào Nam khiến nguồn cung thực phẩm trở nên khan hiếm hơn. Chính vì vậy, cả tuần nay nhiều mặt hàng tại Sài Gòn tăng vùn vụt sau thời gian dài chỉ biến động nhẹ. Các bà nội trợ phát hoảng khi chi phí cho bữa cơm gia đình ngày một đắt đỏ. Nhiều người ra chợ mua hàng, cầm lên đặt xuống, suy đi tính lại, kỳ kèo bớt một thêm hai mãi mới quyết định mua.”

Không có nhận xét nào: