Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010
Ông Trần Đình Xuân, đại biểu Quốc hội Tây Ninh: Làm gì nếu thảm hoạ bùn đỏ xảy ra ở Tây Nguyên?
SGTT.VN - Nếu thảm hoạ bùn đỏ xảy ra ở Tây Nguyên tương tự như ở Hunggary, liệu có khả năng bùn đỏ tràn xuống sông Đồng Nai – đang dẫn nước vào Biên Hòa, TP.HCM hay không? Lúc đó, nếu nước sông này ô nhiễm, chúng ta lấy nước ở đâu để cung cấp cho hai thành phố?... Đó là một trong những tình huống mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đặt ra khi nói về dự án khai thác bôxít Tây Nguyên.
Trao đổi với báo chí bên hành lang quốc hội sáng nay 23.10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói: Tôi đang nghĩ đến việc đưa ra một số ý kiến phát biểu về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên trong các phiên thảo luận, chất vấn tới đây. Trước mắt là yêu cầu Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin thêm về những phương án phòng ngừa mọi tình huống, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khai thác, xử lý bùn đỏ và các chất thải.
Bộ trưởng bộ TN&MT vừa mới khẳng định, dự án khai thác bôxít và phương án xử lý chất thải, hồ chứa bùn đỏ an toàn. Tại sao ông yêu cầu phải báo cáo về rủi ro?
Chủ đầu tư dự án khai thác bôxít ở Hunggary đã từng khẳng định tương tự như vậy. Nhưng thảm họa tràn bùn đỏ vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn cả về kinh tế, môi trường.
Ngay tại Việt Nam, tất cả các hồ thủy điện đều được khẳng định tuyệt đối an toàn, nhưng vừa qua cũng đã xảy ra sự cố nứt vỡ đập thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh), hậu quả cũng rất nặng nề. Vấn đề ở chỗ, chúng ta chỉ tính toán được trong một giới hạn nhất định, không ai có thể dự đoán được tất cả các giới hạn. Do vậy, trong trường hợp thông số tự nhiên vượt quá giới hạn, như lũ lịch sử 1.000 năm có thể vẫn xảy ra 2, 3 lần trong một năm ở chỗ này chỗ khác.
Tôi nghĩ, không phải vì sợ rủi ro mà chúng ta không làm, song phải có biện pháp quản lý rủi ro, như tính toán cần làm gì để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra sự cố, và trong trường hợp xảy ra thì phải làm gì để ngăn chặn, giảm bớt hậu quả có thể xảy ra. Ví dụ, đã tham gia giao thông, phải lường cả tình huống chẳng may xảy ra tai nạn, nhưng phải tìm mọi cách, mọi biện pháp để hạn chế ở mức thấp nhất. Và phải mua bảo hiểm để được chia sẻ rủi ro.
Theo ông, cơ quan có trách nhiệm và chủ đầu tư dự án bôxít phải có những phương án phòng ngừa rủi ro ra sao?
Bộ TN&MT khẳng định, hồ chứa bùn đỏ của chúng ta có khả năng chịu được động đất cấp 7 độ richter. Vậy thì chúng ta phải nghiên cứu, ở Tây Nguyên có xác xuất xảy ra động đất trên cấp 7 hay không? Thậm chí, một khả năng dù có thể mơ hồ là một thiên thạch va vào thì sức chịu đựng tới đâu? Tôi xin nhấn mạnh, không chuyện gì là không thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay. Vậy nếu xảy ra những rủi ro đó, chúng ta phải làm gì? Chúng ta đã lường hết mọi tình huống hay chưa?
Vì dụ: bùn đỏ có thể tràn xuống sông Đa-nuyp. Vậy nếu không may sự cố tương tự xảy ra ở Tây Nguyên, liệu có khả năng bùn đỏ tràn xuống sông Đồng Nai – đang dẫn nước vào Biên Hòa, TP.HCM hay không? Lúc đó, nếu nước sông này ô nhiễm, chúng ta lấy nước ở đâu để cung cấp cho hai thành phố?
Tôi không cho rằng chúng ta lo vu vơ, mà chúng ta phải có phương án nghiêm túc để có thể xử lý tình huống nhanh nhất, tốt nhất. Và tất cả những vấn đề này phải được xem như bảo hiểm rủi ro để đưa vào giá thành sản phẩm. Chứ nếu không, lãi bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, chẳng may sự cố xảy ra, lấy đâu tiền để khắc phục, bồi thường?
Trong quá trình tiếp xúc cử tri, ông có nhận được nhiều ý kiến lo lắng về dự án khai thác bô-xít?
Cũng có nhiều cử tri đã đề cập. Nhưng cử tri ở đây là ai? Các nhân sĩ trí thức cũng là cử tri; những người đang viết bài trên các báo như các bạn cũng là cử tri.
Cử tri, nhân dân đặt kỳ vọng cao vào các đại biểu Quốc hội trong lắng nghe, phản ánh và góp phần đưa ra những quyết sách nhằm giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng cùa mình. Nhưng trên thực tế, có những nguyện vọng chưa được lắng nghe, giải quyết, như chủ trương mở rộng Hà Nội chẳng hạn. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Hiện chúng ta chưa có Luật về trưng cầu dân ý, do vậy chưa có cơ sở đầy đủ, chính xác là có bao nhiêu người dân chung một ý nguyện, kiến nghị nào đó. Đôi khi cũng xảy ra tình huống, thiểu số nói rất to nhưng đa số lại nói nhỏ, hoặc im lặng. Chẳng hạn, trong một số diễn đàn trên Internet, ý kiến không đồng thuận với chủ trương này rất nhiều, nhưng đa số trên mạng liệu đã thể hiện ý nguyện đa số của nhân dân hay chưa, vì chúng ta còn 70% dân số không lên mạng.
Mặt khác, ngay cả là nguyện vọng của nhân dân thì có chuyển thành mối quan tâm của Quốc hội hay không, và khi chuyển thành quan tâm của Quốc hội rồi thì có chuyển thành hành động của Quốc hội hay không? Mặc dù tôi biết rằng có rất nhiều điều thực sự là mong muốn của nhân dân chưa đến được Quốc hội và đến được Quốc hội nhưng không ra được quyết sách. Ví dụ như vấn đề lúa của ĐBSCL, vấn đề muối của diêm dân, hay vấn đề chống tham nhũng. Tôi tin rằng, 90% người dân của chúng ta yêu cầu Quốc hội, nhà nước phải chống tham nhũng, nhưng chúng ta chưa làm được nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Việc dừng dự án bôxít hay không là vấn đề lớn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
“Chúng tôi đang tập hợp tất cả ý kiến để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Chúng ta phải lắng nghe tất cả ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ trí thức để thảo luận, bàn bạc, dân chủ để quyết định cuối cùng đưa ra đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Lo ngại của nhân sĩ trí thức là cần thiết và chúng ta phải lắng nghe, nhưng kết luận cuối cùng thì cần phải thời gian”. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quảng Nam, nói về việc các nhân sĩ trí thức có thư kiến nghị về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.
Cũng theo ông Phúc, vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần, nhưng sau sự cố tràn bùn đỏ xảy ra ở Hungary thì có thêm nhiều ý kiến đóng góp. Văn phòng Chính phủ sẽ tập hợp hết ý kiến và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Ông Phúc cũng nhận định: “Tại kỳ họp này, chắc chắn sẽ có nội dung chất vấn về bôxít và các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời trên tinh thần có công nghệ thiết bị để đảm bảo an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế”.
Trả lời câu hỏi của báo chí: n ếu còn quá nhiều băn khoăn hoặc những giải trình của Chính phủ chưa thỏa mãn, Chính phủ có tính đến việc tạm dừng dự án bô xít không?, ông Phúc cho biết: “ Dự án bôxít đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua. Việc dừng hay không là một vấn đề lớn, nên sẽ được Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể sau”. Bộ trưởng cũng khẳng định, nhà nước của chúng ta là do dân, vì dân, do đó khi người dân có ý kiến, nhà nước luôn lắng nghe.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Đề nghị bày tỏ thái độ rõ ràng về bô-xít
Đại biểu Dương Trung Quốc.
“Tôi đã có văn bản gửi cho Chính phủ đề nghị bày tỏ thái độ rõ ràng trước Quốc hội về dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên…Tôi cho rằng, mỗi đại biểu Quốc hội phải thể hiện trách nhiệm của mình”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ với báo chí sáng 23.3.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét, việc giải trình của Chính phủ chưa thuyết phục, vì giải trình trên báo chí chỉ là vấn đề dư luận. Còn đây là vấn đề khoa học, khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. “Tôi nghĩ chính dự án bô-xít là một bài học để chúng ta có thể có được những quy trình làm dân chủ nhất, hiệu quả nhất và trách nhiệm cao nhất. Kể cả về phía Chính phủ, phía Quốc hội và phía người dân. Người dân cũng phải có trách nhiệm về việc này. Cái quan trọng nhất là Chính phủ phải càng ngày càng thể hiện tính chủ động đề cập tới vấn đề nóng, điều đó thể hiện sự ôn trọng đối với người dân”, ông Quốc nói
Xuân Thu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét