Các giới hạn của sức mạnh: Tại sao Trung Quốc là ‘láng giềng xấu’
By Chu Phong (Zhu Feng) – PBD dịch
Bắc Kinh: Chính sách “láng giềng tốt” của Trung Quốc(*) đang bị áp lực nặng nề chưa từng thấy; thật ra, chính sách này đã tuột xuống đáy kể từ khi chấm dứt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Dạo gần đây cứ xảy ra đụng chạm với hết nước láng giềng này tới nước láng giềng khác.Từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Phi Luật Tân tại Nam Hải(**) cho đến tình trạng căng thẳng với Miến Điện và Thái Lan, các mối bang giao mà trước đây thật vững chắc, nếu không phải lúc nào cũng thân thiện, thì nay đã suy tàn. Quyết định của Miến Điện ngưng dự án Đập Myitsone được Trung Quốc tài trợ đã làm cho nước này phải sửng sốt. Cũng thế, việc 13 thủy thủ của chiếc tàu Trung Quốc trên Sông Mekong bị giết chết hồi Tháng Mười đã nhắc nhở rõ rệt là vùng đất biên giới phía nam vốn được Trung Quốc nghiễm nghiên coi là hòa bình này, mà không hề có rắc rối gì trong gần 20 năm qua, ngày nay trông giống như khu vực láng giềng thù nghịch nhất.
Dân chúng và nhà cầm quyền Trung Quốc đặc biệt lấy làm lo lắng về vụ hạ sát thủy thủ của họ trên sông Mekong mà xem ra đã chứng tỏ một lần nữa là nhà cầm quyền Trung Quốc không có khả năng bảo vệ công dân của họ ở ngoại quốc dù nước này mới có được một vị thế mới trên toàn cầu. Vì thế, có hai vấn đề cần phải biết ở đây: Tại sao các nước láng giềng của Trung Quốc lại không màng gì đến quyền lợi của Trung Quốc ? Và mặc dù Trung Quốc đang vươn lên, tại sao nhà cầm quyền nước này lại xem chừng như càng ngày càng không thể duy trì được an ninh tính mạng của người Hoa và các quyền lợi thương mại ở ngoại quốc?
Mối lo âu của Trung Quốc về các vấn đề này tạo nên môi trường hình thành chính sách của Trung Quốc. Sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ tại Libya, các công ty của Trung Quốc đã mất đi những khoản đầu tư trị giá khoảng $20 tỷ, mà tân chính quyền Libya đã hàm ý là không thể thu lại được. Nhiều người Hoa cũng lo lắng trước quyết định của nhà cầm quyền là di tản công dân của Trung Quốc ra khỏi Libya, và họ muốn nhà cầm quyền có nỗ lực bạo dạn hơn để bảo vệ tài sản thương mại của nước này tại đó.
Cũng thế, việc nhà cầm quyền Trung Quốc sau đó trở mặt khá đột ngột để công nhận Hội Đồng Quốc Gia Chuyển Tiếp của quân nổi dậy là chính quyền của Libya đã khiến nhiều người trong nước chế nhạo. Xét cho cùng, Trung Quốc đã bỏ ra nhiều vốn liếng chính trị quý giá để chống đối các cuộc không kích của NATO vào lúc khối này bắt đầu can thiệp, mà rồi cuối cùng cũng phải hậu thuẫn cho các lực lượng được NATO trợ giúp lên cầm quyền. Đây là chính sách ngoại giao thấy rõ là vị lợi thương mại rỗng tuếch nhất của Trung Quốc.
Đối với đa số người Hoa, Libya là một nước xa xôi không thể với tới vì khả năng giới hạn về sức mạnh của Trung Quốc. Do đó, trọng tâm phục hồi các quyền lợi thương mại của Trung Quốc được miễn cưỡng chấp nhận dù không hiểu được hoàn toàn. Nhưng Miến Điện và các nước khác dọc theo Sông Mekong lẽ ra phải là “các láng giềng tốt” của họ, và nằm hẳn trong phạm vi thế lực của Trung Quốc, cho nên dân Trung Quốc hết sức tức giận về các mối đe dọa đến quyền lợi của họ tại những nơi này.
Các quyền lợi đó gồm cả một đường ống dẫn dầu nối từ Miến Điện đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Trung Quốc cũng đang tiến hành các dự án “kết nối”, tức là hệ thống hỏa xa và xa lộ, nhằm tăng cường các liên lạc kinh tế và xã hội giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Những vụ xảy ra ở Đập Myitsone và trên sông Mekong nay có thể làm cho các dự án này trở nên bấp bênh, khiến cho càng lo sợ sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền có thể phá vỡ nỗ lực của Trung Quốc từ hai thập niên qua nhằm kết hợp vùng này sâu rộng hơn.
Hiển nhiên là chính quyền Miến Điện không muốn khơi lên thêm cảm xúc của mọi người tại các khu vực biên giới của họ vốn đã không ổn định, nơi mà các nhóm nổi dậy đang dùng dự án xây đập để lôi kéo thêm người hậu thuẫn. Nỗ lực của chính quyền mới nhằm chia quyền với các lực lượng chính trị trong những vùng bất ổn của Miến Điện, và nhờ đó làm suy yếu các lãnh chúa địa phương, rõ ràng đã góp phần đưa đến quyết định ngưng công trình xây cất đập nước này.
Về phần những người Hoa đầu tư vào đập này thì họ trông cậy quá nhiều vào mối bang giao song phương sâu đậm giữa hai nước này, và đã không đếm xỉa gì nhiều đến các rủi ro chính trị. Hành vi của họ cũng phản ảnh biện pháp bảo đảm ngầm chính thức của nhà cầm quyền trong đường lối trọng thương của họ, cũng như thái độ ỷ y tự mãn của các công ty nhà nước Trung Quốc, chiếm hầu hết số lượng đầu tư của nước này ở ngoại quốc. Vì họ nghiễm nhiên cho rằng nhà cầm quyền sẽ hậu thuẫn, hoặc cứu họ nếu họ thất bại, nên họ có thể giữ thái độ ung dung tự tại.
Vụ xảy ra trên sông Mekong lại là một chuyện khác bi thảm hơn. Con sông này nối liền năm nước đã nổi tiếng về những tội ác xuyên quốc như buôn bán ma túy, cờ bạc, và buôn lậu. Nền kinh tế phát đạt của Trung Quốc đã làm tăng thêm mức liên lạc giữa Trung Quốc và các nền kinh tế không chính thức tại vùng Mekong. Vụ hạ sát 13 thủy thủ tàu Trung Quốc cũng liên quan đến khuynh hướng này. Nhưng cách hay nhất để Trung Quốc có thể tránh các thảm kịch tương tự như vậy là không phải bằng cách biểu dương sức mạnh, mà là bằng cách gầy dựng thêm các mối hợp tác đa phương để chống lại tình trạng phạm pháp xuyên quốc dọc theo sông Mekong.
Những vụ Myitsone và Mekong cho thấy được các mối bang giao đột nhiên trở nên dễ căng thẳng của Trung Quốc với các nước láng giềng miền nam. Kết quả là chính sách láng giềng tốt của họ đã đưa chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong vùng này vào thế bất trắc khó lường.
Thật ra, các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không phải lúc nào cũng bênh vực quyền lợi của Trung Quốc trừ phi và cho đến khi nào Trung Quốc bắt đầu cung cấp các phương tiện công ích thiết yếu – không những về thương mại, mà còn về toàn bộ đường lối điều hành trong vùng dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền, và phát triển kinh tế vùng. Nếu không được thế thì những trường nợp rạn nứt như những vụ ở Myitsone và dọc theo sông Mekong sẽ còn tiếp diễn, khiến Trung Quốc càng cảm thấy bị cô lập và hoang mang hơn nữa.
Zhu Feng is Deputy Director of the Center for International & Strategic Studies, Peking University.
Copyright: Project Syndicate
Source: Firstpost.World
_____________
Chú thích của người dịch:
- Bài dịch giữ nguyên một số tên gọi theo quan điểm của tác giả từ Viện Đại Học Bắc Kinh
(*) Còn gọi là “Trung Cộng” hay “Trung Hoa Lục Địa” để phân biệt với “Trung Hoa Dân Quốc” hay “Đài Loan”
(**) Việt Nam gọi là Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét