Pages

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Ý nghĩa chuyến thăm Miến Điện của bà Clinton


Hoa Kỳ vẫn còn đang duy trì lệnh cấm vận
với Miến Điện
Bà Hillary Clinton sẽ lên đường thăm Miến Điện ngày 30/11. Đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm, một ngoại trưởng Mỹ tới nước này.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là tại sao lại có chuyến đi lịch sử như vậy vào lúc này?

Cách đây một năm, với tình trạng nhân quyền tại Miến Điện và lập trường cứng rắn của Mỹ đối với lãnh đạo nước này, khó ai có thể đoán rằng một chuyến thăm cấp cao như vậy có thể xảy ra. Nhưng kể từ khi giới lãnh đạo nước này cho tổ chức bầu cử vào tháng 11 năm ngoái và thiết lập một chính phủ dân sự sau gần hai thập kỷ, Miến Điện đã có những thay đổi quan trọng.


Miến Điện thay đổi

Đáng chú ý trong những thay đổi đó có việc trả tự do cho một số tù nhân chính trị, cởi trói báo chí, sửa đổi luật bầu cử cho phép đối lập, đặc biệt bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) do bà lãnh đạo được tham gia tranh cử.
Với Mỹ và một số nước khác, những thay đổi ấy vẫn chưa đủ. Và hơn nữa, vì giới quân sự Miến Điện đã thất hứa nhiều lần trước đây, quan chức Mỹ cũng như giới quan sát ít nhiều vẫn nghi ngờ về thiện chí của lãnh đạo Miến Điện.
Nhưng như tổng thống Obama nhận định khi loan báo chuyến đi tại hội nghị thượng đỉnh Á Đông tại Bali vừa qua, nếu nhìn toàn cục, đặc biệt sau nhiều năm cô lập và cứng rắn, những thay đổi mới đây tại Miến Điện là những bước tiến quan trọng. Theo ông Obama, ‘bóng dáng tiến bộ’ đã thấp thoáng tại nước này.
Do đó một mục đích quan trọng của chuyến đi là để xem xét những cởi mở mới đây tại Miến Điện cũng như khuyến khích giới lãnh đạo tại đây có thêm nhiều cải cách để đưa đất nước này tiến tới dân chủ, tự do.
Tìm thêm đồng minh
"Nhưng như tổng thống Obama nhận định khi loan báo chuyến đi tại hội nghị thượng đỉnh Á Đông tại Bali vừa qua, nếu nhìn toàn cục, đặc biệt sau nhiều năm cô lập và cứng rắn, những thay đổi mới đây tại Miến Điện là những bước tiến quan trọng. Theo ông Obama, ‘bóng dáng tiến bộ’ đã thấp thoáng tại nước này."
Ngoài những thay đổi nội bộ, trong thời gian qua, chính quyền Miến Điện cũng có những biến chuyển mới và tích cực trong chính sách ngoại giao.
Trong hơn hai thập kỷ qua, khi bị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và một nước Tây Phương khác cô lập, trừng phạt vì những vị phạm nhân quyền, đồng minh thân cận nhất, quan trọng nhất – nếu không muốn nói là duy nhất – của giới lãnh đạo quân sự Miến Điện là Trung Quốc.
Nhưng những động thái của họ trong thời gian qua cho thấy Bắc Kinh không còn là đồng minh duy nhất mà lãnh đạo Miến Điện tìm đến và hơn nữa quan hệ của họ với Bắc Kinh cũng không còn mặn nồng, tốt đẹp như trước.
Quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tại trợ của Tổng thống Miến Điện, Thein Sein, vào cuối tháng Chín vừa qua chứng tỏ có những rạn nứt trong quan hệ Miến Điện-Trung Quốc.
Theo Ernest Z. Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), tại Washington D.C, vì sự hiện diện và chi phối trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc tại Miến Điện quá lớn, người dân và thậm chí cả giới lãnh đạo nước này cũng cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Do đó, Miến Điện cần có thêm không gian và chọn lựa cho mình. Đây cũng là lý do tại sao giới lãnh đạo nước này tìm đến với các nước trong khu vực trong thời gian qua.
Hai tuần sau khi quyết định hủy bỏ dự án Myitsone, Tổng thống Miến Điện có chuyến thăm bốn ngày tại Ấn Độ. Và một vài ngày sau đó, thay vì sang thăm Bắc Kinh như các vị tiền nhiệm thường làm, Tân Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, chọn Hà Nội làm điểm dừng chân cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình trong cương vị mới.
Những thay đổi trong chính sách ngoại giao của chính quyền Miến Điện – đặc biệt trong việc tiếp cận và củng cố quan hệ với những nước đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc hay quan ngại về việc lớn mạnh và những động thái mạnh bạo của Bắc Kinh trong thời gian gần đây – hoàn toàn phù hợp với chính sách mới của Mỹ về Á châu.
Nếu theo dõi chính sách ngoại giao của Mỹ trong những tháng vừa qua, đặc biệt chuyến đi châu Á của Tổng thống Obama vào giữa tháng 11, ai cũng có thể nhận thấy rằng Mỹ đang tìm cách thiết chắt quan hệ với các nước trong khu vực vừa để củng cố vị thế của mình và giới hạn sự ảnh hưởng mỗi ngày một lớn mạnh của Trung Quốc.
Do đó, chuyến đi này không chỉ là kết quả của những thay đổi về ngoại giao của Miến Điện mà còn là một phần quan trọng trong chính sách mới về châu Á của Mỹ.
Với việc quyết định thông báo tin Ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện tại hội nghị thượng đỉnh Á Đông tại Bali vừa qua – nơi quy tụ nhiều vị lãnh đạo khu vực, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo – hình như Tổng thống Obama muốn nhắn gửi những đồng minh của Mỹ cũng như nước khác trong khu vực đang quan ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc, và có thể cả chính Bắc Kinh rằng Mỹ đã trở lại Á châu và sẽ ở lại tại đây cũng như sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực.
"Chuyến đi này không chỉ là kết quả của những thay đổi về ngoại giao của Miến Điện mà còn là một phần quan trọng trong chính sách mới về châu Á của Mỹ."
Đối với các nước ASEAN, việc ông Obama chọn Bali, Indonesia – nơi diễn ra hội nghị Á Đông – để loan tin chuyến đi lịch sử đó không chỉ gia tăng vị thế của tổ chức này mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho một thành viên của mình.
Kể từ khi cho Miến Điện gia nhập tổ chức vào năm 1997, ASEAN thường bị chỉ trích vì không can thiệp lên hồ sơ nhân quyền của giới lãnh đạo quân sự nước này. Những thay đổi nội bộ và những chuyển biến về mặt ngoại giao gần đây của Miến Điện đã làm ASEAN có một cái nhìn tích cực hơn về nước này và đồng ý cho Miến Điện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014.
Bớt lệ thuộc Trung Quốc
Với việc gửi một quan chức cao cấp tới Miến Điện, cũng như trao cho nước này chức chủ tịch luân phiên, chắc chắn Mỹ và một số nước trong khu vực, đặc biệt là những nước tương đối dân chủ trong ASEAN, hy vọng giới lãnh đạo Miến Điện có thêm đổi mới, tiến tới dân chủ, và ít lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Syamsul Hadi, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại University of Indonesia, người được trích dẫn trong một bài viết được đăng trên tờ the Jakarta Post hôm 23/11, cho rằng Miến Điện có thể cởi mở hơn và không còn gần gũi với Trung Quốc nếu nước này tiến hành tiến trình dân chủ. Và nếu vậy, Mỹ và các nước ASEAN có thể làm Bắc Kinh cảm thấy ‘lạc loài’ và cô lập hơn.
Theo Ernest Z. Bower, mặc dù không có những thay đối lớn như tại các nước Ảrập, nhưng một ‘Mùa Xuân ASEAN’ đang từ từ chớm nở vì ngoài Indonesia, Malyasia, Philippines, Thailand, một số chính quyền khác trong khu vực, như Việt Nam, đang có những cởi mở về chính trị. Và theo ông, nếu tiến trình dân chủ hóa được tiến hành và củng cố tại các nước ASEAN, thì trong khong 10 năm nữa, có thể các nước Đông Nam Á sẽ tác động lên Trung Quốc nhiều hơn kinh tế Trung Quốc tác động lên ASEAN.
Liệu sẽ có một ‘Mùa Xuân ASEAN’ thực sự và đặc biệt là liệu rồi Miến Điện sẽ thực hiện tiến trình dân chủ hóa, giúp họ xích lại gần Washington và xa dần Beijing như Mỹ và một số nhà quan sát kỳ vọng, dự đoán?
Xem ra vẫn còn quá sớm để đánh giá những thay đổi mới đây của chính quyền Miến Điện.
Việc lãnh đạo quân sự Miến Điện, Min Aung Hlaing, quyết định sang thăm Bắc Kinh ngày 28/11 – hai ngày trước chuyến đi Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ tới nước này – và đặc biệt việc ông cam kết tăng cường trao trổi và hợp tác quân sự với Trung Quốc trong cuộc gặp với phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cho thấy Miến Điện không hoàn toàn quay lưng với Trung Quốc.
Do đó, nếu coi Miến Điện là một đối tác quan trọng trong việc củng cố vị thế của Mỹ và giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, chắc chắn bà Hillary Clinton phải tận dụng hết mọi tài ngoại giao của mình để khuyến khích chính quyền Miến Điện thực hiện thêm những cải cách nội bộ quan trọng, nhằm đưa đất nước này xa dần quỹ đạo Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào: