Áp lực đô thị hóa ngày càng tăng đang làm thay đổi bản chất của nạn buôn người ở Việt Nam, một tệ nạn có thời chỉ giới hạn trong giới phụ nữ và trẻ em bị bán vào các địa điểm mại dâm.

Tuy nhu cầu tìm vợ của đàn ông ở các nước như Trung Quốc làm cho tệ nạn này trở nên nghiêm trọng hơn, Dự án liên cơ quan của Liên hiệp quốc về nạn buôn người (UN Inter-Agency Project on Human Trafficking) cho rằng các yếu tố kinh tế xã hội cũng góp phần tạo ra tình trạng hiện nay. Dân chúng ở nông thôn thường có trình độ học vấn thấp, ít hiểu biết về những mối rủi ro, và khó kiếm việc làm nên dễ trở thành nạn nhân của những âm mưu khiến họ trở thành những người nô lệ thời mới.


Ông Phan Văn Ngọc, cựu giám đốc quốc gia của tổ chức Actionaid ở Việt Nam, nói rằng tình hình kinh tế Việt Nam làm cho người dân dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều người ở nông thôn muốn rời bỏ quê quán để kiếm tiền.

Vấn đề không phải chỉ có ở Việt Nam mà cũng tồn tại ở Trung Quốc, Thái Lan và các nước láng giềng khác. Ông Ngọc nói rằng vấn đề là những người nghèo muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Ngọc nói: "Vấn đề là người dân muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn nhưng họ không có đủ thông tin về nơi họ sẽ đến làm việc. Chính vì vậy mà họ bị mắc kẹt trong một tình huống trái với ý nguyện của họ và đi ngược với các quyền cơ bản của họ."

Tháng Giêng tới đây Việt Nam sẽ ban hành Luật chống buôn người mà quốc hội thông qua hồi tháng 3. Luật này đi kèm với một kế hoạch chống buôn người trong 5 năm với kinh phí 13,5 triệu đô la. Kế hoạch Hành động Quốc gia chống Buôn người đã được các tổ chức quốc tế đón nhận như một bước tích cực vì kế hoạch tiến xa hơn mục tiêu chống lại nạn buôn người cho mục đích mại dâm.

Luật này cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan và tổ chức quần chúng ở Việt Nam và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các biện pháp ngăn ngừa. Ông Ngọc cho biết những qui định mới là rất cần thiết để bảo vệ cho những công nhân không có nhiều thông tin về những rủi ro của nạn buôn người.

Giám đốc quốc gia của Tổ chức Di dân Quốc tế ở Việt Nam Florian Forster nói: "Họ phải có một sự chọn lựa dựa trên việc có đầy đủ thông tin. Điều này có nghĩa là họ nên có đủ thông tin về điểm đến để có thể quyết định nên đi hay không. Việc này nên được tiến hành ở cấp xã hoặc cấp quận ở những khu vực có nhiều rủi ro về buôn người. Nếu họ muốn đi thì đi nhưng cần phải có hướng dẫn.

Ông Forster cho biết tuy giới hữu trách ở đây đã bắt đầu chú ý nhiều hơn tới những người bị mua bán vì vấn đề bóc lột sức lao động nhưng không phải tất cả những người lao động đều bị đối xử tệ bạc.

Ông Forster nói tiếp: "Chúng ta không nên nghĩ rằng tất cả các công nhân di trú trong nước đều bị bóc lột. Thật ra, các kết quả nghiên cứu cho thấy những người lên thành thị làm ăn có cuộc sống kinh tế tốt hơn. Đó là một trong những lý do tại sao họ dời lên thành thị."

Việt Nam cũng có một chính sách đưa lao động ra nước ngoài. Mỗi năm có từ 80.000 đến 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo các kênh chính thức.

Tuy hoan nghênh luật chống buôn người ở Việt Nam, ông Phan Văn Ngọc nói rằng các cơ quan chính phủ và các tổ chức bên ngoài cần có quyết tâm nhiều hơn để gặt hái những kết quả tốt hơn. Ông nói rằng một trong các nguyên do đưa tới tình trạng thiếu tiến bộ là các chính quyền địa phương không muốn nhận trách nhiệm.

Ông Ngọc nói: "Họ không muốn thừa nhận là có tình trạng phụ nữ Việt Nam bị mua bán. Điều này rất nhạy cảm. Nếu như quí vị là chính quyền tỉnh thì quí vị không muốn nói rằng trong tỉnh chúng tôi có nhiều hoạt động buôn người."

Ông Ngọc nói rằng tình hình đang được cải thiện vì luật chống buôn người đang góp phần loại bỏ những thái độ như vậy.