Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chỉ đạo phòng chống hay trực tiếp bao che, lấp liếm?

http://quechoablog.files.wordpress.com/2011/11/10-cau-hoi1215.jpg?w=258&h=208Lê Hiền Đức

Theo: ABS

Theo lời mời của Bộ phát triển quốc tế Anh và Đại sứ quán Anh ở Việt Nam, trong 2 ngày 14 và 15-11-2011, tôi đã tham dự cuộc hội thảo bàn tròn do Đại sứ quán Anh cùng Thanh tra chính phủ và Văn phòng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức nhằm chuẩn bị cho kì đối thoại chống tham nhũng lần thứ X.
Giữa buổi sáng 14, tôi giơ tay đề nghị và được phó văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Lê Văn Lân – một trong những vị ngồi ghế chủ tọa hội thảo – mời phát biểu ý kiến.
Tôi đứng lên, trình bày mấy suy nghĩ sau:
- Tham nhũng như cái cây độc có đủ rễ, gốc, thân, cành, lá, hoa, quả. Muốn tận diệt nó, phải làm tới gốc rễ chứ không thể chỉ ngắt vài cái lá sâu, lá già, dăm ba cái quả thối, quả khô;
- Trong việc phòng chống tham nhũng, chủ thể chính yếu phải là dân thường, nạn nhân của tham nhũng; nếu coi đó là các cơ quan Nhà nước thì có khác nào để cho Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi; Việt Nam phải thực hiện điều mà Đảng cộng sản và Nhà nước thường hô hào: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”;

- Hiệu quả phòng chống tham nhũng phải được thể hiện qua việc xử lí các vụ việc cụ thể và phải do đông đảo người dân đánh giá; tài sản do tham nhũng mà có phải được thu hồi; những vụ như Vinashin, Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy rõ mức độ tham nhũng ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng.
Từ những suy nghĩ đó, với tư cách khách mời của Bộ phát triển quốc tế Anh và Đại sứ quán Anh ở Việt Nam, tôi đề nghị các tổ chức và cá nhân nước ngoài quan tâm tới hoạt động phòng chống tham nhũng ở Việt Nam lưu ý 5 điểm: 1- Xác định rõ nguồn gốc, cơ chế, tính chất và mức độ của tham nhũng ở Việt Nam hiện nay; 2- Chỉ hợp tác, giúp đỡ, tài trợ các hoạt động phòng chống tham nhũng thực sự có kết quả, hiệu quả; 3- Tăng cường trợ giúp hoạt động phòng chống tham nhũng của người dân, đặc biệt chú ý tới các công dân tích cực chống tham nhũng và góp phần bảo vệ những người vì phòng chống tham nhũng mà bị bức hại; 4- Coi công khai, minh bạch là một điều kiện cơ bản để phòng chống tham nhũng, không chấp nhận sự mù mờ, che giấu thông tin với bất kì lí do gì, không chấp nhận những cách lí giải không phù hợp luật pháp quốc tế (mà Việt Nam đã tham gia, thừa nhận); 5- Từ chối hợp tác, làm ăn với những tổ chức và cá nhân dính líu tới tham nhũng.
Nói phải có sách, mách phải có chứng. Một trong những chứng cứ mà tôi dẫn ra là vụ Đặng Thị Bích Hòa mà các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam đã đăng tải, bản thân tôi đã trực tiếp đi điều tra, xác minh và có một bài viết khá chi tiết với tiêu đề “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.
Tôi phát biểu xong, ông Lân nói ngay là chưa biết gì về vụ Đặng Thị Bích Hòa. Nghe thế, tôi vô cùng sửng sốt vì hơn nửa năm trước, đại diện những người lao động tố cáo Hòa đã làm việc với người của Văn phòng ông, tôi cũng dăm lần trao đổi với người của Văn phòng ông về vụ này, ông thì đâu phải mới ở tận đẩu tận đâu về Văn phòng (ngày 30-12-2010, đích thân thủ tướng Dũng kí quyết định số 2417/QĐ-TTg đặt ông ngồi vào ghế phó văn phòng; trước đấy ông là vụ trưởng Vụ nghiên cứu – tổng hợp – quan hệ quốc tế của chính Văn phòng này). Nếu quả thực ông chưa biết gì về vụ Hòa thì chức phó văn phòng của ông, thậm chí cả cơ quan ông còn có giá trị gì trong việc chỉ đạo phòng chống tham nhũng?
Chắc nội dung phát biểu của tôi làm Văn phòng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng mất vui vì tôi ngồi xuống chưa ấm chỗ, một bà (sau tôi mới biết là cán bộ của Văn phòng) ngồi ngay cạnh tôi đã quay sang, lạnh lùng hỏi: “Ai chỉ cho bà tới đây?”. Để giữ trật tự và thể hiện sự tôn trọng những người tham dự hội thảo, tôi viết ra mẩu giấy, đưa bà ta đọc: “Bộ phát triển quốc tế Anh và Đại sứ quán Anh ở Việt Nam mời tôi”. Theo phép lịch sự, tôi viết ra giấy câu hỏi bà ta làm ở cơ quan nào. Bà ta làm lơ, không trả lời.
Chưa hết, tới giờ giải lao, một ông cán bộ của Văn phòng lại tới “ân cần khuyên nhủ” tôi về vui vầy với con cháu, thăm thú đó đây chứ đừng tham gia phòng chống tham nhũng làm chi cho mệt. Đã quen nghe những lời “khuyên nhủ” kiểu này từ các cán bộ giữ trọng trách trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam, tôi đáp gọn: “Tôi không thể vô cảm như các anh chị”.
Giải lao xong, tiếp tục hội thảo, đi vào lĩnh vực báo chí. Tôi muốn phát biểu một số nội dung nên giơ tay song ông Lân bảo: “Sắp tới giờ nghỉ ăn trưa, mời bác nói vào buổi sau”. Hình như ông ta ngồi ghế chủ tọa mà không nắm được nội dung, chương trình hội thảo. Buổi sau sẽ bàn qua lĩnh vực khác. Chẳng cứ gì tôi mà ngay cả ông ta cũng chẳng thể nói về báo chí.
Các câu trả lời, câu hỏi, lời khuyên nêu trên của cán bộ Văn phòng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng khiến tôi không thể nuốt trôi những món ăn mà ban tổ chức đã chuẩn bị. Không ăn được song tôi vẫn nghĩ được. Tôi nghĩ nếu tôi thác đi, hồn ma tôi cũng quyết tìm về vạch mặt, chỉ tên bọn tham nhũng và bọn bao che, lấp liếm tham nhũng.
Chiều 14, hội thảo xoay quanh hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Là giáo viên về hưu, lâu nay tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giáo dục, có nhiều điều muốn nói nên tôi lại giơ tay. Câu trả lời của ông Lân là: “Thời gian còn ít, xin kết thúc vấn đề này”. Ngay sau đó, ông ta làm tôi sửng sốt một lần nữa với thông báo: “Vụ việc bác nêu lúc sáng đã được giải quyết rốt ráo, chắc công văn trả lời bác chưa đến nơi”.
Mới vài hôm trước, khi tôi điện hỏi, lãnh đạo mấy cơ quan liên quan như Tổng công ty bưu chính, Tập đoàn bưu chính – viễn thông đều nêu lí do nọ, viện lí do kia, chỉ sang chỗ nọ, mách tới chỗ kia, nhưng tóm lại là việc giải quyết vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Lân thì giữa buổi sáng chưa biết gì, cuối buổi chiều đã bảo là giải quyết rốt ráo rồi. Tới mức này thì chẳng còn biết ma nào mà lần!
Sáng 15, hội thảo về lĩnh vực đất đai. Vì đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với hàng ngàn, hàng ngàn người dân khiếu kiện về đất đai ở hầu khắp tỉnh thành, đã khẳng định tham nhũng đất đai ở Việt Nam là kinh khủng nên tôi lại giơ tay. Lần này, vị quan chức Việt Nam ngồi ghế chủ tọa hội thảo là phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khước từ tuy vị đồng chủ tọa người Anh đã giơ tay mời.
Khi tôi ngồi viết những dòng này, Đặng Thị Bích Hòa vẫn nhơn nhơn, tác oai tác quái ở vị trí bí thư Đảng uỷ, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện; 12 công dân – người lao động chân chính vẫn bị tước đoạt công ăn việc làm, sa vào cảnh khó khăn về vật chất, hoang mang, bức xúc về tinh thần; vậy mà trước hàng chục khách quốc tế, hàng chục phóng viên, ông phó văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Lê Văn Lân dám bảo vụ việc đã được giải quyết rốt ráo.
Đối với cả Văn phòng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tôi chẳng dám hỏi vì e sẽ bị vu oan giá họa, gắp lửa bỏ tay, nhẹ là vơ đũa cả nắm, nặng là chống đối chính quyền, nhưng với riêng phó văn phòng Lân, tôi hỏi thẳng: Trong vụ Đặng Thị Bích Hòa, ông chỉ đạo phòng chống hay trực tiếp bao che, lấp liếm tham nhũng?
17-11-2011

Mời đọc thêm: – Lê Hiền Đức (Wikipedia).

Không có nhận xét nào: