Pages

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Cục diện khó khăn của ngoại giao Trung Quốc nhìn từ môi trường địa chính trị

Seasfoundation
Trang “Quản lý và tuyển cử” (Trung Quốc) gần đây đăng bài viết “Cục diện khó khăn của ngoại giao Trung Quốc nhìn từ môi trường địa chính trị” của chuyên gia Hoàng Tùng Hải, có nội dung như sau:
Môi trường địa chính trị của Trung Quốc
Nơi tập trung nhiều sức mạnh nước lớn . Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm của đại lục Đông Á, hướng Bắc và Đông Bắc tiếp giáp Nga – nước có mối ngờ vực thâm căn cố đế với Trung Quốc; hướng Tây là Ấn Độ – nước luôn muốn tranh cao thấp với Trung Quốc; hướng Nam là ASEAN – một tổ chức luôn có tâm lý lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc; hướng Đông là một Hàn Quốc luôn cảnh giác cao độ và một Nhật Bản có mối hận thù lịch sử và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ngoài ra, trong khu vực này có sự hiện diện của nhiều quốc gia hạt nhân, như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakixtan, Bắc Triều Tiên và Nhật Bản cũng gần được coi là một quốc gia hạt nhân.
Quan hệ láng giềng đan xen, phức tạp. Theo lý luận của quan hệ quốc tế học, khoảng cách sức mạnh giữa quốc gia với quốc gia càng nhỏ thì cảm giác an toàn của quốc gia tiếp giáp càng nhỏ. Nếu hai nước vốn tồn tại xung đột hiện thực tương đối cụ thể, như vậy hai nước muốn tiến hành hợp tác hiệu quả cũng là điều không thể. Trung Quốc và Nga mặc dù đã giải quyết xong vấn đề phân định lãnh thổ, nhưng oán hận lịch sử giữa hai nước tương đối sâu sắc, không ít người ở Nga coi Trung Quốc là mối đe dọa, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Nga hoàn toàn không vững chắc. Trong 6 năm tiến hành đàm phán xung quanh vấn đề khí đốt tự nhiên với Trung Quốc, Nga đều đưa ra mức giá quá cao.
Tháng 8/2011, hai nước tiếp tục tiến hành vòng đàm phán mới về vấn đề này, đây cũng là vòng đối thoại lần thứ 8 được hai nước triển khai đến nay. Mấy năm gần đây, quy mô mua bán vũ khí quân sự giữa Việt Nam và Nga ngày càng được mở rộng, hiện Việt Nam đã trở thành khách hàng chủ chốt mua vũ khí của Nga. Vũ khí mà phía Nga cung cấp cho Việt Nam gồm tàu ngầm lớp Kilo, tàu hộ vệ, máy bay các loại; Nga còn giúp Việt Nam huấn luyện, đào tạo sỹ quan về kỹ năng sử dụng các loại vũ khí trên. Tháng 6 năm nay, trong bối cảnh hai nước Trung-Việt tranh cãi không ngớt xung quanh vấn đề Nam Hải (Biển Đông), Nga nhân cơ hội này đẩy mạnh chào bán các hệ thống vũ khí tiên tiến, đồng thời đã chuyển giao máy bay chiến đấu Su-30MK2 chuyên tấn công tàu mặt nước cho Việt Nam. Trong hai năm 2009 và 2010, Việt Nam đã mua tổng cộng 20 chiếc Su-30MK2 của Nga, kim ngạch hợp đồng đạt 2 tỷ USD. Ngoài lĩnh vực mua sắm vũ khí, quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Việt Nam cũng từng bước được tăng cường. Bên cạnh đó, Nga cũng ngày càng có tâm lý cảnh giác đối với các hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Viễn Đông, đồng thời giữ lập trường phản đối Trung Quốc tham gia thăm dò, khai thác tài nguyên tại Bắc Cực.
Là nước láng giềng có tranh chấp biên giới lớn nhất với Trung Quốc, Ấn Độ cũng là nước chiếm đoạt nhiều lãnh thổ lục địa nhất của Trung Quốc. Ấn Độ đơn phương lấy đường McMahon chưa được Trung Quốc thừa nhận làm biên giới hai nước Trung-Ấn, đưa khu vực Nam Tây Tạng của Trung Quốc có diện tích hơn 90.000 km2, gấp 3 lần diện tích Đài Loan vào lãnh thổ của mình, dung túng các hoạt động ly khai khỏi Trung Quốc của chính quyền lưu vong Tây Tạng Đạtlai Lạtma trong suốt thời gian qua, đồng thời cho phép chính quyền lưu vong Tây Tạng Đạtlai Lạtma xây dựng trung tâm quyền lực tại bang Pradesh Dharamsala – phía Bắc Ấn Độ. Ấn Độ còn có thái độ phản đối Trung Quốc xây dựng đập nước trên sông Yarlung Zangbo. Gần đây, Ấn Độ lại bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc, kiên quyết thực hiện dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam tại khu vực tranh chấp Nam Hải, đồng thời thông qua hợp tác quân sự với Việt Nam để thực hiện “chiến lược hướng Đông” của mình.
Đối với kẻ thù lâu đời Nhật Bản, không chỉ tồn tại vấn đề nhận thức lịch sử, mà còn tồn tại xung đột xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư và phân định Đông Hải (Biển Hoa Đông), Nhật Bản còn không ngừng nhúng tay vào vấn đề Đài Loan và Nam Hải. Gần đây, Đại sứ Nhật Bản tại Philíppin trực tiếp nói thẳng rằng, Nhật Bản có lợi ích tại Nam Hải, kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền tại Nam Hải xây dựng hành vi chuẩn mực Nam Hải có ràng buộc mạnh mẽ. Hành động này của Nhật Bản là muốn sử dụng vấn đề Nam Hải để kiềm chế Trung Quốc, tạo không gian có lợi cho vấn đề đảo Điếu Ngư. Bên kia bờ Thái Bình Dương, Mỹ cũng đang ra sức cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ coi Nhật Bản là đồng minh trụ cột tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thông qua Hiệp ước bảo vệ an ninh Nhật-Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.
Đối với ASEAN – tập đoàn quốc gia lớn nhất châu Á luôn có tâm lý hoảng sợ và cảnh giác trước một Trung Quốc trỗi dậy, nhiều nước thành viên của ASEAN tồn tại tranh chấp chủ quyền Nam Hải với Trung Quốc. Trong khi đó, Inđônêxia vốn có truyền thống bài Hoa. Con đường yết hầu huyết mạch vận chuyển tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc – eo biển Malắcca – lại nằm trong tay Xinhgapo.
Tranh chấp giữa các nước láng giềng tương đối nhiều. Giữa các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn chồng chất, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn trong trạng thái chiến tranh vì chưa ký hiệp định hoà bình, Ấn Độ và Pakixtan cũng như nước với lửa do vấn đề Casơmia, Nhật Bản tranh chấp với Nga về hòn đảo phương Bắc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tranh chấp xung quanh đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo), nội bộ các nước ASEAN cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền Nam Hải.
Do Trung Quốc tồn tại nhiều khu vực tranh chấp với các nước láng giềng và bản thân các nước láng giềng cũng mâu thuẫn lẫn nhau, cộng thêm Mỹ thông qua chiến lược “cân bằng hai bờ” để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, làm cho tình hình an ninh của khu vực châu Á không thể lạc quan.
Môi trường địa chính trị ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc
Môi trường địa chính trị đã tạo ra những ảnh hưởng không thể coi nhẹ đối với tiến trình chính trị trong nước của Trung Quốc. Do môi trường địa chính trị phức tạp, buộc Trung Quốc không thể không duy trì một chính quyền trung ương tập trung cao độ có sức mạnh, đồng thời nhấn mạnh duy trì ổn định trong nước, nhằm thúc đẩy tính liên tục và tính ổn định của chính sách.
Môi trường địa chính trị phức tạp còn làm cho ngoại giao Trung Quốc phải học hỏi và thích ứng với nghệ thuật tìm kiếm cân bằng giữa các nước lớn, đồng thời áp dụng sách lược thận trọng và khoan dung đối với các bên tranh chấp liên quan, đây cũng có thể lý giải hợp lý quá trình hình thành lý luận mà Trung Quốc theo đuổi chiến lược “gác tranh chấp cùng nhau khai thác” trong tranh chấp tại Nam Hải.
Xây dựng chiến lược quốc gia siêu địa duyên
Nếu nói môi trường địa chính trị tương đối đơn giản và ổn định là điều kiện khách quan khiến Mỹ giành được địa vị bá quyền toàn cầu hiện nay, vậy thì xây dựng bá quyền toàn cầu của đồng USD để thiết lập sức mạnh tiền tệ, thông qua Hollywood để thiết lập sức mạnh của văn hoá, thông qua tự do báo chí để nâng cao quyền phát ngôn… lại là sự lựa chọn để Mỹ duy trì sức ảnh hưởng lâu dài trên toàn cầu, đây là điều đáng để Trung Quốc học tập. Trung Quốc cần giảm bớt ảnh hưởng bất lợi của môi trường địa chính trị phức tạp đối với Trung Quốc, ngoài việc cân bằng quan hệ nước lớn truyền thống, Trung Quốc phải đứng vững tại Đông Á, ngoài việc thúc đẩy chiến lược láng giềng hoà thuận, hữu hảo, thực hiện ngoại giao đa phương độc lập tự chủ, còn phải xây dựng chiến lược quốc gia siêu địa duyên lấy sức mạnh tiền tệ, văn hoá và truyền thông làm yếu tố chủ yếu.
Tích cực thúc đẩy thí điểm quyết toán thương mại xuyên biên giới của đồng nhân dân tệ (NDT) và cơ chế chuyển đổi của đồng tiền này, tăng cường mức độ hối đoái tự do, đẩy nhanh tiến độ quốc tế hoá của đồng NDT; tranh thủ quyền biểu quyết và định mức của đồng NDT để nâng cao địa vị trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế; tối ưu hoá phương hướng đầu tư của lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ và đa nguyên hoá bố trí tài sản ngoại hối, tích cực thể hiện sức ảnh hưởng tiền tệ trong kinh tế thương mại quốc tế.
Lấy xây dựng “Học viện Khổng Tử” trên toàn cầu làm diễn đàn, ra sức thúc đẩy văn hoá truyền thống của Trung Quốc. Từ ngày 21/11/2004, khi “Học viện Khổng Tử” đầu tiên trên thế giới được gắn tên tại Xơun, thủ đô của Hàn Quốc, tính đến tháng 7/2011, toàn cầu đã có tổng cộng 350 học viện và 430 giáo đường được xây dựng tại 103 quốc gia. Mô hình phát triển của Học viện Khổng Tử đã nhận được sự chấp thuận rộng lớn, hiện nay các nơi trên thế giới còn có hơn 260 trường đại học và học viện đang chờ giấy phép phê chuẩn để xây dựng Học viện Khổng Tử. Thông qua Học viện Khổng Tử, rất nhiều người đã có hiểu biết về văn hoá Trung Quốc. Học viện Khổng Tử còn tổ chức cho một số học sinh và giáo viên nước ngoài đến Trung Quốc để họ có thể hiểu Trung Quốc, làm thay đổi cách nhìn nhận của họ đối với Trung Quốc. Vì vậy, Học viện Khổng Tử đã phát huy vai trò rất lớn trong việc mở rộng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra toàn cầu. Ngoài ra, còn thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, điện ảnh và nghệ thuật Trung Quốc, tuyên truyền, quảng bá và xây dựng toàn diện sức ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc trên toàn cầu.
Xây dựng diễn đàn truyền thông độc lập, tự do và mở cửa, trong lĩnh vực truyền thông nhà nước hình thành bầu không khí tương hỗ tốt đẹp để quần chúng tích cực tham gia, truyền thông tự do thảo luận, học giả đổi mới tư duy, quan chức loại bỏ nhân tố tiêu cực. Điều này vừa có lợi cho việc tập trung trí tuệ khi đứng trước những vấn đề trọng đại trong nước và thách thức quốc tế, cũng có lợi cho việc các giới bên ngoài hiểu được Trung Quốc, từ đó nâng cao quyền phát ngôn của quốc gia./.
Theo trang “Quản lý và tuyển cử”
http://www.seasfoundation.org/news-about-south-east-asia-sea/actions-from-china/1467-cc-din-kho-khn-ca-ngoi-giao-trung-quc-nhin-t-moi-trng-a-chinh-tr

Không có nhận xét nào: