Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Tranh cãi về cổ tích Tấm Cám

Tấm Cám
Tấm Cám là truyện cổ tích được lưu truyền
 từ lâu trong dân gian
Việc phần kết của truyện cổ Tấm Cám, một trong những cổ tích được nhiều người biết đến nhất tại Việt Nam, gần đây bị thay đổi đã gây ra làn sóng tranh cãi trong dư luận.
Đoạn kết trích từ sách giáo khoa lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục đang lưu hành năm 2011 viết:

“Có muốn đẹp không, để chị giúp”, Tấm hỏi.
“Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết...”
Trước đó, các bản truyện Tấm Cám từng được in và lưu hành đều có hồi kết với nội dung rằng sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi về cho dì ghẻ ăn.

Một số bình luận gia cho rằng kết cục đã được thay đổi để câu chuyện 'mang tính nhân văn và phù hợp với nhu cầu của thời đại mới’.
"Truyện cổ tích là sản phẩm của tập thể nhân dân, nếu có những chi tiết nào không phù hợp với thời đại mới, với nhu cầu của tập thể, nhân dân vẫn có thể sửa chữa theo nhu cầu chung khiến cho tác phẩm biến đổi không ngừng qua các thời đại. Chính vì vậy quá trình biến đổi truyện cổ tích không ngừng và không có điểm dừng cuối..."- một chuyên gia về giáo dục, bà Nguyễn Bích Hà, được dẫn lời trên báo Giáo dục Việt Nam.
Trong khi đó, Giáo sư Tiến sỹ Trần Văn Khê nói với BBC rằng việc thay đổi này, mặc dù ông không mấy đồng tình nhưng sẵn sàng ủng hộ nếu sự thay đổi dựa trên tinh thần sáng tạo và không làm phương hại đến độc giả.
“Nếu thay đổi có thể mang lại điều tốt đẹp hơn trong phương diện giáo dục cho thế hệ trẻ tôi nghĩ là rất tốt”.
“Tuy nhiên, các câu chuyện dân gian là thể loại văn học vốn được truyền tụng từ bao đời nay, có quá nhiều người biết về điều này thì tôi không biết liệu việc thay đổi có tác động hay không.”
“Hơn nữa, thay đổi phải đảm bảo tránh được việc làm mất tính cách nhân vật và bản chất của câu chuyện,” giáo sư Khê nói thêm.

'Không giả mạo di tích văn hóa'

Sách giáo khoa lớp 10
Thay đổi về kết thúc câu chuyện Tấm Cám gây nhiều tranh cãi
Ngược lại, một số giáo sư Việt Nam và các nhà phê bình văn học đã phản đối về việc thay đổi phần kết, trong đó Nhà xuất bản Giáo dục đã lược bỏ các tình tiết bị cho là ‘dã man’ trong truyện Tấm Cám và yêu cầu về một mô tả đầy đủ.
Một số ý kiến cho rằng Tấm Cám phải được coi là một 'di tích văn hóa', không thể giả mạo.

Truyền thông trong nước dẫn lời Giáo sư Phong Lê, Nguyên trưởng Viện Văn học Việt Nam lý giải sự tồn tại nghìn năm trong lịch sử của truyện cổ tích Tấm Cám vì ứng xử của triết lý dân gian là ác đến đâu tả đến đó là tương xứng, không có gì phản cảm.
“Sửa như vậy là rất ẩu. Nếu sửa lấy tên khác chứ đừng lấy tên truyện Tấm Cám nữa. Nếu có phản cảm thì không đưa vào sách giáo khoa. Quan điểm của tôi là dùng nguyên cốt truyện và giải thích cho các em học sinh hiểu ác phải trả giá bằng cái ác. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian phải có ý kiến về truyện này”.
Một số ý kiến bình luận nữa cho rằng nếu thay đổi câu chuyện Tấm Cám, liệu các câu chuyện khác như Thạch Sanh có phải sửa đổi hay không?
Quá trình biên soạn và cải cách sách giáo khoa ở Việt Nam đã và đang gây ra nhiều tranh cãi.
Một số chương trình cải tiến sách giáo khoa của Bộ Giáo dục đã bị dư luận chỉ trích gay gắt.

Không có nhận xét nào: