TTXVN (Pari 1/2)
Trong lịch sử, Liên Xô và Trung Quốc từng có thời kỳ tuyệt giao và chắc hẳn hai nước không thể quên được điều đó. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, hai nước dường như đã tìm được bước sóng chung, ít nhất là với các diễn biến tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi. Cho rằng “Mùa Xuân Arập” đã biến Mátxcơva và Bắc Kinh thành “cặp đồng minh bất đắc dĩ”, thường “nói không” với các vấn đề lớn và nhạy cảm của quốc tế, tạp chí “La Tribune” mới đây có bài viết như sau:
Trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ, Nga và Trung Quốc thường hoặc tìm cách phong tỏa các sáng kiến của phương Tây, hoặc giữ thái độ dè chừng. Nhiều người thấy trong cách ứng xử này một “hình thức đoàn kết” nào đó giữa hai nhà nước độc đoán, trong khi một số khác lại cho đó là một “nỗ lực hiệp thương” nhằm kiềm chế và phá hỏng sự lãnh đạo của Mỹ và phương Tây đối với các vấn đề chính trị thế giới. Kể ra cũng có lý khi viện dẫn hai cách giải thích này, nhưng thực tế lại phức tạp hơn và trên khía cạnh nào đó cần phải được đánh giá qua cách nhìn nhận của dư luận cũng như chính giới phương Tây.
Trước hết, đó không hẳn là vấn đề tư tưởng. Mặc dù nói là một nước theo Chế độ Cộng sản, nhưng Trung Quốc đã không theo chủ nghĩa Mao giáo điều từ lâu, kể cả trên phương diện chính sách đối ngoại. Trong khi đó, Nga đã từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản từ 20 năm nay. Và mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều bị coi là hai nhà nước độc đoán (xét ở mức độ khác nhau), nhưng thực tế không tồn tại bất cứ một tinh thần “quốc tế chuyên chính” nào giữa các chế độ chuyên quyền này. Nga và Trung Quốc đang đặt chủ nghĩa thực dụng lên trên hết.
Hơn nữa, giữa hai nước lớn này cũng có rất ít sự tranh giành về địa chính trị. Trên thực tế, lợi ích của Trung Quốc trên thế giới chủ yếu thể hiện ở khía cạnh kinh tế. Ví dụ, 25% khối lượng dầu lửa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông có nguồn cung từ Iran, trong khi các xí nghiệp của Trung Quốc đều liên quan đến rất nhiều dự án trong khu vực. Và cuộc chiến ở Libi đã cho cả thế giới thấy có khoảng 20.000 lao động Trung Quốc bị bỏ mặc ở đất nước Bắc Phi này, gần bằng số người Nga bị mắc kẹt ở Aicập trong thời điểm Chế độ Mubarak sụp đổ.
Tất nhiên đối với người Nga, vùng đất này của thế giới chỉ là một điểm đến du lịch nếu xét ở góc độ Nga đã cung cấp cho một số nước trong khu vực cả vũ khí tối tân lẫn công nghệ sản xuất năng lượng hạt nhân. Nhưng Mátxcơva không có ý định hiện diện để ra sức cạnh tranh địa chính trị với Oasinhtơn ở Trung Đông.
Hơn nữa, cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva đều không có mối quan hệ đặc biệt thân tình với các nhà lãnh đạo Arập. Xét cho cùng, Mubarak của Aicập luôn là một đồng minh lâu dài của Mỹ, Ben Ali của Tuynidi là người gần gũi với Pháp, trong khi Gaddafi của Libi đã hòa giải với phương Tây từ năm 2003.
Tất nhiên, Tổng thống Bashar al-Assad của Xyri lại là một câu chuyện khác. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đamát là đồng minh của Mátxcơva và quan hệ hữu nghị giữa hai bên đã được duy trì trong một thời gian dài. Quân đội Xyri được trang bị rất nhiều trang thiết bị Nga từ những năm 1960, đổi lại cảng Tartous đã được Đamát cho Nga sử dụng làm một căn cứ hải quân thường trực ở Địa Trung Hải.
Trong những điều kiện như vậy, rõ ràng là Nga không muốn mất Xyri, Kể từ khi Xyri xảy ra cuộc nổi dậy chống Chế độ Bashar al-Assad từ tháng 3/2011, Mátxcơva đã bắt đầu đối thoại với phe đối lập tại quốc gia Trung Đông này. Sự thể là ban lãnh đạo Nga vừa đón tiếp các kẻ thù của al-Assad tại Mátxcơva vừa tỏ ra không hài lòng với việc sử dụng vũ lực tại Đamát, đồng thời thúc ép Đamát cam kết tiến hành cải cách chính trị.
Cũng trong thời gian đó, cụ thể là tháng 10/2011 và ở thời điểm hiện tại, tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga đã quyết liệt phản đối việc thông qua nghị quyết lên án hành động đàn áp tại Xyri. Cách ứng xử của Trung Quốc cũng nhạy cảm không kém. Bắc Kinh vừa lên tiếng yêu cầu Đamát tiến hành cải cách chính trị, lại vừa thảo luận với cả Chính phủ Xyri lẫn phe đối lập ở nước này, đồng thời phủ quyết đối với các biện pháp trừng phạt Chế độ al-Assad.
Bắc Kinh tuyên bố “ủng hộ nhân dân Xyri” nhưng quả thật đã có sự khác biệt rất lớn giữa quan điểm chính thức này với thái độ chung của các chính phủ phương Tây. Đối với Mỹ và châu Âu, sự ủng hộ của Bắc Kinh phải được hiểu là một cam kết thực sự và về nguyên tắc, phải không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Thế nhưng với Bắc Kinh, sự “ủng hộ” của Trung Quốc lại được giới hạn trong khuôn khổ để cho người Xyri tự giải quyết các vấn đề với nhau và không có sự can thiệp của bên ngoài, đồng thời cuối cùng phải thừa nhận sự lựa chọn của nhân dân Xyri giống như những gì Bắc Kinh đã làm đối với trường hợp của Libi.
Cũng giống như Trung Quốc, Nga luôn phản đối mọi hình thức can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của một nước, dù dưới danh nghĩa dân chủ hay nhân đạo. Băc Kinh và Mátxcơva có lý do để thường xuyên có những phản ứng như vậy. Trường hợp của Libi đã chỉ ra rằng dưới sức ép của dư luận quốc tế trong vấn đề nhân quyền, các nước phương Tây có thể tìm được chỗ dựa để can thiệp vào các cuộc nội chiến ở bên ngoài nhằm lập lại trật tự theo một cách không được Nga và Trung Quốc ưa thích.
Tuy nhiên, nếu xét về chiến lược, Libi chỉ là một nước có tầm quan trọng thứ yếu và đây là điều khác biệt với vị trí của Xyri. Trung Quốc và Nga hai nựớc có trong tay các cơ quan đặc biệt thuộc diện hàng đầu thế giới không thể không biết điều gì sẽ xảy ra một khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Đối với hai nước này, xét về hệ lụy địa chính trị, nội chiến ở Xyri sẽ dẫn tơi một kết quả khác với nội chiến ở Libi, cụ thể sẽ dẫn tới những bạo lực giáo phái và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan hơn là hình thành một nền dân chủ kèm theo nhà nước pháp quyền.
Xyri có vị trí ở trung tâm khu vực, vì vậy nội chiến ở nước này sẽ ảnh hưởng đến các nước giáp biên, đặc biệt là Libăng và Ixraen, và lôi kéo các nhóm Hồi giáo trong khu vực như Hezbollah và Hamas vào cuộc. Trong điều kiện như vậy, Nga vốn lo ngại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Trung Á và Bắc Cápcadơ, và Bắc Kinh vốn nhập khẩu phần lớn dầu lửa từ Trung Đông, sẽ buộc phải dè chừng trước nguy cơ sụp đổ của Chế độ Bashar al-Assad.
về lý thuyết, gây sức ép đối với Đamát đồng thời tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giừa các phe phái Xyri sẽ giúp tránh được những kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên trên thực tế, Mátxcơva và Bắc Kinh chắc chắc đều đánh giá rằng phương Tây đã đặt sẵn cây thánh giá cho al-Assad và đang ra sức chuẩn bị cho sự thay đổi chế độ ở Đamát. Vì vậy theo quan điểm này, các biện pháp trừng phạt sẽ leo thang và sẽ được nối tiếp bởi những biện pháp ngày càng cứng rắn và căng thẳng hơn, tương tự những gì đã diễn ra đối với Chế độ Gaddafi ở Libi.
Lập trường của Trung Quốc và Nga đối với Xyri khác với lập trường của Mỹ và châu Âu vì hai lý do rất đơn giản. Thứ nhất, đối với Mátxcơva và Bắc Kinh, can thiệp vào một cuộc xung đột nội bộ ở một nước là không khôn ngoan và cũng chẳng ích lợi gì.
Thứ hai sự sụp đổ của Chế độ al-Assad là một phần của chiến lược chống Iran và không mang lại bất cứ lợi ích trực tiếp nào đối với Nga và Trung Quốc. Xét cho cùng, cả hai nước đều nghi ngờ ở một chiến lược nào đó của phương Tây, đồng thời cho rằng do đang mờ mắt vì thành quả của các cuộc nổi dậy trong thế giới Arập, Mỹ và các đồng minh châu Ấu đã hành động mà không có bất cứ tầm nhìn lâu dài nào.
Những lo ngại vừa nêu cũng cần có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, Mátxcơva và Bắc Kinh nên công nhận một điều rằng chỉ trích thì dễ, nhưng làm lãnh đạo lại khó hơn nhiều. Nga đang khao khát vai trò lãnh đạo này, trong khi Trung Quốc, không thể từ chối vai trò giải quyết các vấn đề thế giới trong tương lai. Vậy mà vai trò làm lãnh đạo thế giới thời hiện đại cần phải đưa ra được những lựa chọn hiện thực, đồng thời phải rộng cửa cho các nước khác và hướng tới một sự đồng thuận. Chỉ nói không thôi thì chưa đủ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét