Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Người tiêu dùng ngán ngẩm vì nhiều mặt hàng tăng giá từ 1/3

(Tamnhin.net) - Từ 1/3, giá gas tăng vọt thêm 52.000 đồng/bình 12 kg, giá mặt hàng sữa trong nước cũng thông báo tăng giá 12% - 18%, một số mặt hàng hoá mỹ phẩm tăng từ 5% - 10%... chưa kể giá xăng dầu cũng đang đòi tăng.



Loạn giá

Được quan tâm chú ý và bức xúc nhất là việc giá gas tăng “loạn” kể từ đầu năm. Hôm nay (1/3) giá gas lại tăng 52.000 đồng/bình 12 kg, khi đến tay người tiêu dùng, bình gas 12kg có giá 477.000 - 480.000 đồng/bình. Trước đó, trong tháng 2, giá gas tăng đến 42.000 đồng bình 12 kg, tương đương 423.000-428.000 đồng/bình. Còn nhớ, cách đây đúng 1 năm các hãng gas cũng tăng giá, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng dao động từ 329.000 - 345.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, sau 1 năm, giá gas đã tăng khoảng 130.000 đồng/bình. Nguyên nhân giá gas tăng theo các doanh nghiệp kinh doanh gas là vì giá thế giới tăng.

Ở nhóm các mặt hàng sữa, những công ty trong và ngoài nước đang chiếm thị phần áp đảo trên thị trường cũng đã lần lượt tăng giá. Công ty TNHH Nestle Việt Nam công bố mức tăng 12%, một số loại sữa của Công ty TNHH Dược phẩm 3A tăng giá từ 12-18% kể từ 1/3. Trước đó, một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc có đường nhãn hiệu Cô gái Hà Lan đã tăng 5%, các sản phẩm sữa Anlene bột, Anlene đậm đặc, Anmum Materna cũng tăng từ 5% đến 10%. Nguyên nhân sữa tăng giá vẫn theo điệp khúc muôn thủa: do giá nhập khẩu sữa tăng dẫn đến giá vốn nhập khẩu tăng,...

Từ ngày 1/3, hơn 20 loại sản phẩm gồm nước xả vải hương thơm, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt của một số tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu bắt đầu áp dụng giá mới. Cụ thể, thông báo của nhà sản xuất cho biết, các mặt hàng hoá mỹ phẩm sản xuất trong nước sẽ tăng giá từ 5-7%; còn các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng cao 5-10%.

Theo thông tin Tamnhin.net vừa nhận được của một số lãnh đạo các siêu thị lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, sẽ còn nhiều sản phẩm tiếp tục được điều chỉnh giá. Theo thống kê của Hiệp hội siêu thị Hà Nội, trong đợt này sẽ có khoảng vài chục mặt hàng tiêu dùng tại các siêu thị áp giá mới với mức tăng từ 3% đến 15%. Lý do chủ yếu được các nhà cung cấp đưa ra là thời gian gần đây giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu và chi phí của nhiều mặt hàng tăng cao.

Những ngày gần đây, dư luận cũng đang lo ngại về một đợt tăng giá xăng dầu mới khi các lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên tục đăng đàn trên các phương tiện truyền thông kêu lỗ và đòi tăng giá bán lẻ. Nhiều ý kiến đang lo ngại giá xăng dầu có thể sẽ lại tăng vào tháng 3. Và khi giá xăng, giá gas, giá sữa... tăng thì chắc chắn giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo.

Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định tháng 3 vẫn có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá. Cụ thể, dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác. Áp lực tăng giá xăng dầu, giá bán than tăng 10% từ 25/2 gây áp lực đầu vào cho những ngành phân bón, giấy, xi măng... Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng nhiều dịch vụ y tế cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI.

Người tiêu dùng bức xúc

Trước tình trạng giá gas tăng chóng mặt như hiện nay, nhiều người tiêu dùng tỏ ra bức xúc và quay lưng lại với mặt hàng này. Anh Nguyễn Kiến ở Cầu Diễn, Hà Nội cho biết: Hết giá điện, giá xăng thì nay lại đến giá gas tăng. Vừa tháng trước tăng hơn 40.000 đồng/bình, tháng này lại tăng 52.000 đồng/bình, những người lao động như chúng tôi đang bị “sốc”. Chị Thủy ở Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gia đình chị quyết định chuyển hẳn sang bếp từ thay cho bếp gas. Lý do là vì dùng gas bây giờ đắt, giá tăng vô tội vạ không thuyết phục mà lại không an toàn bằng điện. Cũng theo các hãng kinh doanh gas, sức tiêu thụ gas gần đây cũng giảm đáng kể.

Không như gas, khi giá tăng người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng điện, than, củi... nhưng sữa thì khác. Chị Thu Phương, một nhân viên văn phòng đang có con nhỏ cho rằng, giá như có mặt hàng nào khác thay được sữa thì tốt, đằng này chẳng có gì thay thế. Vì vậy, dù ngán ngẩm và mệt mỏi với điệp khúc tăng giá sữa nhưng chúng tôi đành chịu vậy. Người tiêu dùng đang phải mua sữa giá quá cao trong khi các doanh nghiệp chế biến, phân phối đang hưởng siêu lợi nhuận. Điều này dường như ai cũng biết, nhưng không thấy có ai đứng ra bảo vệ người tiêu dùng”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian tới, người tiêu dùng sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ giá cả thị trường, nhất là những thành phần có thu nhập thấp, và người nông dân. Về phía các doanh nghiệp, theo nhiều chuyên gia, nếu tiếp tục tăng giá vô tội vạ như vậy, các doanh nghiệp sẽ vấp phải sự tẩy chay của người tiêu dùng. Ví dụ như mặt hàng gas, họ chuyển từ sử dụng gas sang các sản phẩm khác.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ về an sinh xã hội đã đề ra cho cả năm 2012. Các cơ quan quản lý giá phải quán triệt thực hiện nghiêm chỉnh quyết định về giá trên địa bàn thành phố trong các lĩnh vực đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ. Thanh tra và xử lý kịp thời đối với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền.

Cơ quan quản lý cần tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá nhập khẩu, giá thành, giá bán và tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý để có cơ sở so sánh với giá bán. Tất cả những yếu tố đó cần được rà soát, làm một cách bài bản minh bạch và có sự thuyết phục, sau đó phải có chính sách tuyên truyền công khai. Nếu người tiêu dùng phẫn nộ, tẩy chay, không mua, sản phẩm không còn chỗ đứng trên thị trường. Làm được điều này sẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào: