Mai Bình
(Học viện CTQG Hồ Chí Minh)
“Ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp” coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) nói một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay với tinh thần rất mới, quyết tâm rất cao mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh rằng: “Ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Bài nói của đồng chí Tổng Bí thư rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn. Với ý nghĩa trách nhiệm của một đảng viên, tôi xin có một số ý kiến tham gia thảo luận để thực hiện một cách nghiêm túc, góp phần thực hiện tốt nghị quyết của Đảng trong tình hình mới với tinh thần quyết liệt hơn nữa.
Thời gian qua, có một số tình hình như sau: Khi thảo luận, học tập nghị quyết về chống tham nhũng, lãng phí, cán bộ đảng viên suy thoái thì nhất trí cao nhưng hiện tượng đó không có trong chi bộ, đảng bộ mình, trong cơ quan đơn vị mình, nó xảy ra ở chỗ khác? Cuối cùng là chẳng tổ chức Đảng, cơ quan nào tự nhận là có cán bộ đảng viên suy thoái cả. Chỉ khi nhân dân tố giác, các cơ quan thông tin báo chí phanh phui ra thì mới thấy. Tại sao có tình hình đó? Có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở đơn vị, địa phương đó mà nhân dân ta gọi là nóc nhà. Khi nói tới nóc nhà, có người nghĩ đó là Trung ương. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức Đảng là một căn nhà. Đương nhiên là căn nhà đó phải có nóc. Các cụ ta nói: nhà dột từ nóc. Điều ấy đến nay vẫn là bài học. Đứng về vị trí cả nước thì Trung ương là nóc nhà. Nhưng Trung ương không thể làm thay các cấp, các ngành mà phải tự thân vận động giải quyết sao để căn nhà của mình khỏi dột từ nóc. Cán bộ, đảng viên ai cũng nghĩ thế và nói như thế. Nói mạnh, nói nhiều là đằng khác. Nhưng ở một bộ phận, người lãnh đạo quản lý nói một đằng làm một nẻo. Xuất hiện chủ nghĩa cá nhân trước hết ở bộ phận này. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều bệnh hoạn nguy hại. Trong đó có tham ô, hối lộ. Nói về tham nhũng có người lại đổ tại cơ chế. Ý kiến đó không thể chấp nhận được. Bởi cùng một cơ chế đó, tại sao nhiều người vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức, tâm hồn trong sáng. Đã là đảng viên chân chính thì nếu cơ chế có điểm nào đó chưa phù hợp thì đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung sửa đổi.
Trong quá độ lên chủ nghĩa xã hội có nhiều khó khăn, chỉ qua thực tiễn mới có thể bổ sung ngày một hoàn chỉnh, phát triển phù hợp. Nếu lợi dung cơ chế để tham ô hối lộ là có tội với Đảng, với dân. Lại có người nói tham nhũng là do đời sống cán bộ còn thấp, lương chưa phù hợp. Quan điểm đó cũng không thể chấp nhận được. Vì cũng trong hoàn cảnh khó khăn như vậy về đời sống, tại sao nhiều người vẫn sống liêm khiết, miệt mài hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đảng, Nhà nước ta thường xuyên tìm mọi biện pháp để an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có cán bộ của cả hệ thống chính trị, và trong thực tế thì những người tham ô, hối lộ không phải là những người nghèo mà họ đã giàu có gấp bội nhân dân nghèo. Điều đó khẳng định đó là do chủ nghĩa cá nhân mà đẻ ra. Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Tôi liên hệ một chuyện cũ nhưng ý nghĩa sự việc thì còn mới. Một dịp nằm ở bệnh viện, tôi gặp một bệnh nhân. Trong khi chuyện trò, ông ấy cũng là một cán bộ hưu trí, cao cả tuổi đời, tuổi Đảng tỏ ra rất bực dọc. Vì ông ta được tổ chức cho ở một ngôi biệt thự lộng lẫy. Đến khi hóa giá thì Nhà nước nói chậm lại để xem lại chính sách nhà đất để giải quyết cho phù hợp. Thế là ông ấy nổi khùng nên, nói Đảng, Nhà nước ta không ra gì cả. Ông ta kể công lao thành tích và phát biểu những lời tục tĩu, tôi không tiện nói ra đây. Sau một thời gian, tình cờ tôi gặp lại hỏi chuyện. Ông ấy vui vẻ kể rằng nhà ông ở đã được hóa giá. Ông ta bán đi được bao nhiêu tỷ bạc, chia cho các con rồi còn ông ấy mua một căn nhà vừa để ở. Chủ nghĩa cá nhân có thể chuyển hóa từ người tốt thành người xấu, thậm chí phản bội lại lý tưởng cách mạng của họ. Chủ nghĩa cá nhân xảy ra đối với người lãnh đạo, quản lý thường hay có thái độ, hành động trả thù, trù dập người phê bình, tố cáo họ. Tôi cũng được biết trường hợp thật đau lòng. Một đồng chí cán bộ trung kiên, thẳng thắn, bộc trực phê bình một lãnh đạo địa phương rồi bị trù dập đến mức dựng chuyện để khai trừ đồng chí ra khỏi Đảng. Đồng chí ấy kiên trì khiếu nại để làm rõ sự thật về việc người lãnh đạo vi phạm điều quy định cấm đảng viên không được làm mà vẫn làm. Cuối cùng đồng chí ấy được phục hồi Đảng tịch. Những người nhân danh là lãnh đạo, quản lý, là nóc nhà mà như vậy thì làm sao ngăn chặn đẩy lùi được tệ suy thoái.
Nhân đây tôi cũng nghĩ rằng, xây dựng Đảng về giáo dục chính trị tư tưởng phải gắn với công tác tổ chức cán bộ một cách chặt chẽ, đúng đắn, nghiêm túc vì lợi ích chung của Đảng và dân tộc. Không nên để xảy ra trường hợp một cán bộ không có uy tín với địa phương, cơ sở nhưng lại có uy tín với cấp trên để được điều động để bạt sang địa phương khác hoặc cấp trên. Làm như vậy chỉ gây mất niềm tin với nhân dân. Trường hợp tổ chức không nắm vững cán bộ đã đành, nhưng trường hợp biết rõ ràng mà vẫn làm như thế! Có nên không: ở một tỉnh nọ, cán bộ lãnh đạo của viện kiểm sát một huyện, rượu chè, nhậu nhẹt, bê tha trai gái lại điều lên viện kiểm sát cấp tỉnh. Cán bộ hư hỏng suy thoái như thế lại điều lên cấp trên để chỉ đạo điều hành thì lãnh đạo ai? Nói ai nghe? Thiếu cán bộ chăng? Dù thiếu còn hơn để trong hàng ngũ công chức những người suy thoái. Như vậy thì làm sao ngăn chặn đẩy lùi suy thoái?
Tôi nghĩ cần khẳng định một điều trong quá trình cách mạng, có nhiều, rất nhiều, đại bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành tốt, trung thành với Đảng và nhân dân mới có sự nghiệp vẻ vang như ngày nay. Nhưng Đảng ta còn nhức nhối một điều chưa ngăn chặn đẩy lùi được tệ nạn suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ phải có nhiều giải pháp, đồng bộ, liên tục, nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng với tinh thần mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VI). Trước hết là những người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, đồng thời là những tập thể cán bộ, đảng viên có dũng khí dám đấu tranh cùng với nhân dân quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tiến tới quét sạch chủ nghĩa cá nhân như lời dạy của Bác Hồ. Mỗi cán bộ, đảng viên đều hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nghị quyết của Đảng. Tôi tin là như thế./.
Theo: TC Tuyên giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét