Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Quyền tự do đi lại của dân bị xâm phạm?

Trạm thu phí trên đường cao tốc Trung Lương
Người dân phản đối mức thu phí qua cao
qua đường cao tốc nối TPHCM với các tỉnh
 miền Tây
Mấy ngày qua người dân Việt Nam, nhất là người dân các tỉnh phía Nam, tranh cãi nhiều về kế hoạch thu phí chặn yết hầu trên tuyến đường huyết mạch nối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.
Kế hoạch này đã được Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long trực thuộc Bộ giao thông vận tải – đơn vị được giao trách nhiệm thu phí – thông báo trong một cuộc họp báo vào ngày 23/2.

Không còn đường thoát

Con đường mà công ty Cửu Long muốn thu phí là đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, tuyến đường được đưa vào sử dụng vào năm 2010.
Theo ông Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc công ty Cửu Long, số tiền thu phí sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước để thu hồi vốn của Nhà nước đã đầu tư vào dự án.
Từ khi khánh thành đến nay, đường cao tốc Trung Lương dài khoảng 40 km này đã thu hút nhiều ô tô các loại chuyển sang từ Quốc lộ 1A song song do giảm được hơn 10 km đường đi và phân nửa thời gian di chuyển.

"Mục đích của việc xây dựng trạm thu phí trên Quốc lộ 1A là điều hòa giao thông giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc chứ không phải tận thu."
Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc công ty Cửu Long
Trong cuộc họp báo ngày 23/2, công ty Cửu Long loan báo tiến hành thu phí trên con đường cao tốc này sau gần hai năm cho sử dụng miễn phí bắt đầu từ ngày 25/2.
Tuy nhiên, công ty này cũng đã lường trước được khả năng cánh tài xế sẽ né thu phí bằng cách sử dụng trở lại Quốc lộ 1A vốn đã trở nên vắng vẻ kể từ khi cao tốc Trung Lương ra đời.
Chính vì thế, cũng trong cuộc họp báo trên, Tổng giám đốc Minh đã thông báo kế hoạch thu phí song song trên Quốc lộ 1A – tuyến giao thông xương sống của Việt Nam nói chung và miền Tây nói riêng.
Cách thu phí ‘bổ sung’ theo kiểu ‘không cho chúng thoát’ này bị người dân chỉ trích là tận thu, ép buộc dân phải dùng đường cao tốc và xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân.

‘Điều hòa giao thông’

Theo tường thuật của báo Người Lao Động thì trong cuộc họp báo này ông Minh thừa nhận là công ty ông đã dự trù tình huống xe bỏ đường cao tốc chạy qua Quốc lộ 1A để khỏi bị thu phí.
Tuy nhiên ông bác bỏ việc thu phí trên cả Quốc lộ 1A là tận thu mà là để giúp tránh ùn tắc trên tuyến quốc lộ này.
“Xe tải nặng sẽ là đối tượng đầu tiên sử dụng Quốc lộ 1A để né trạm. Với tỉ lệ khoảng 20% xe tải nặng né trạm và lượng xe đang lưu thông trên Quốc lộ 1A, chắc chắn tuyến đường này sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng,” báo Người Lao Động dẫn lời ông Minh tại buổi họp báo.
“Mục đích của việc xây dựng trạm thu phí trên Quốc lộ 1A là điều hòa giao thông giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc chứ không phải tận thu,” ông giải thích và cho biết thêm trạm thu phí trên quốc lộ này đang được xúc tiến xây dựng tại tỉnh Long An, cửa ngõ ra vào thành phố Hồ Chí Minh.
"Nếu hai con đường cao tốc và quốc lộ 1A chạy song song nhưng chỉ thu phí đường cao tốc mà không thu phí quốc lộ 1A thì lượng xe sẽ rẽ xuống quốc lộ nhiều, gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn gia tăng."
Nguyễn Văn Phòng, phó tổng giám đốc công ty Cửu Long
Theo ông Nguyễn Văn Phòng, người phó của ông Minh, thì chỉ tính riêng việc xây dựng thêm trạm thu phí trên Quốc lộ 1A sẽ tiêu tốn thêm khoảng 60 tỷ đồng.
Trả lời báo Thanh Niên vào ngày 27/2 trước dư luận phản đối việc thu phí quốc lộ, ông Phòng lập luận rằng đã ‘thu phí đường cao tốc thì phải thu phí quốc lộ 1A để đảm bảo sự công bằng’.
“Nếu hai con đường cao tốc và quốc lộ 1A chạy song song nhưng chỉ thu phí đường cao tốc mà không thu phí quốc lộ 1A thì lượng xe sẽ rẽ xuống quốc lộ nhiều, gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn gia tăng,” ông Phòng nói với Thanh Niên.
“Khi xe tải, xe container đi trên quốc lộ 1A quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, đồng thời phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông và nhà nước phải bỏ vốn đầu tư sửa chữa tiếp,” ông nói thêm.
Ông Phòng cũng cho biết thủ tướng đã chấp thuận chủ trương thu phí Quốc lộ 1A và Bộ giao thông vận tải cũng có văn bản giao cho công ty của ông thực hiện.

‘Vi phạm quyền cơ bản’

Đường cao tốc Trung Lương
Đường cao tốc Trung Lương được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhưng lại hư hỏng nhiều
Tuy nhiên, kế hoạch thu phí quốc lộ huyết mạch đã gặp rất nhiều phản ứng gay gắt từ phía người dân.
Trên báo Thanh Niên ngày 28/2, ông Nguyễn Ngọc Lự, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ‘người dân đóng thuế thì phải được đảm bảo quyền đi lại cơ bản’.
Ông giải thích 'quốc lộ được xây từ tiền thuế của dân nên ‘bắt người dân phải trả tiền để lưu thông trên con đường do chính họ bỏ tiền xây dựng là bất hợp lý’.
Chưa kể người dân sẽ còn ‘è cổ đóng cả chi phí xây dựng, chi phí vận hành trạm thu phí lẫn lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp (công ty Cửu Long)’, ông nói.
“Quốc lộ 1A là tuyến lưu thông bắc - nam độc đạo mà cứ đè người dân ra thu phí là không công bằng, không cho họ có quyền lựa chọn,” ông bức xúc.
Cũng trên Thanh Niên, luật sư Trần Vũ Hải dẫn luật để khẳng định việc lập trạm thu phí trên Quốc lộ 1A là vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo Pháp lệnh phí và lệ phí của Quốc hội thì chủ đầu tư không được phép thu phí đối với các xe không sử dụng dịch vụ (đường cao tốc), ông Hải cho biết.
Ông cũng dẫn Luật giao thông đường bộ để lập luận rằng không được thu phí nếu không đầu tư thêm dự án mới nào trên tuyến đường.
Trong khi đó, Hiệp hội vận vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh dự báo chi phí vận tải sẽ đội thêm 20% trong trường hợp xe tải phải dùng đường cao tốc.
Chi phí này sẽ tác động đến các mặt hàng thiết yếu lưu thông giữa thành phố và các tỉnh miền Tây, gây áp lực lên mặt bằng giá cả và cuối cùng đè nặng lên cuộc sống của người dân.

Mức phí quá cao?

"Quốc lộ được xây từ tiền thuế của dân nên ‘bắt người dân phải trả tiền để lưu thông trên con đường do chính họ bỏ tiền xây dựng là bất hợp lý."
Nguyễn Ngọc Lự, phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM
Các báo trong nước cũng cho biết chỉ sau ba ngày thu phí, lượng xe lưu thông vào đường cao tốc Trung Lương đã giảm đột biến xuống còn một nửa.
Theo biểu phí thì mức phí cho toàn bộ tuyến đường cao tốc này dao động trong khoảng 40.000 cho đến cao nhất là 320.000 đồng tùy vào loại xe và tải trọng của xe. Các xe tải nặng và xe container phải chịu mức phí cao nhất.
Ông Phòng, phó tổng giám đốc công ty Cửu Long, nói trên Thanh Niên là biểu phí này do Bộ tài chính quy định và có tham khảo với các nước trong khu vực và thấy rằng giá này chỉ ở ‘mức trung bình’.
Mức phí này cũng được tính toán cho thời hạn thu phí là 25 năm, ông Phòng cho biết, và chỉ tiêu mà Bộ Tài chính giao cho 10 tháng còn lại của năm 2012 là thu phí được 300 tỷ đồng.
Ông Phòng cũng nói là quyền thu phí tuyến cao tốc Trung Lương sẽ được chuyển nhượng thông qua ‘đấu thầu rộng rãi trong và ngoài nước’.
Tuy nhiên, báo Thanh Niên dẫn lời chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng cho rằng mức thu phí trên là quá cao so với các nước phát triển.
"GDP bình quân đầu người của VN chỉ bằng 1/49 của Mỹ, vậy mà lại bắt người dân đóng phí đường cao tốc đắt gấp 3 - 10 lần thì quá đắt đỏ."
Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia giao thông
Ông Đồng dẫn chứng là mức phí đường cao tốc của Mỹ chỉ vào khoảng 350 đồng/km trong khi mức phí đường cao tốc Trung Lương là từ 1.000 đến 8.000 đồng/km.
“GDP bình quân đầu người của VN chỉ bằng 1/49 của Mỹ, vậy mà lại bắt người dân đóng phí đường cao tốc đắt gấp 3 - 10 lần thì quá đắt đỏ,” chuyên gia giao thông này nói.

Kiến nghị lên thủ tướng

Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản kiến nghị lên thủ tướng về các quyết định thu phí này vào ngày 28/12.
Hiệp hội cho rằng với mức phí hiện nay, các xe tải nặng, phương tiện vận tải chủ yếu của các doanh nghiệp vận chuyển, phải chịu mức phí đến 640.000 đồng cho một lần đi gồm cả hai chiều đi và về.
Trong khi đó thì lợi nhuận của một chuyến chở hàng với đoạn đường dưới 100km chỉ vào khoảng 300.000 cho đến 400.000 đồng.
Do đó, Hiệp hội đề xuất thủ tướng giảm 50% mức phí đường cao tốc Trung Lương và không cho phép đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A để hỗ trợ cho đường cao tốc Trung Lương.

Không có nhận xét nào: