Quân đội Ấn Độ sắp tiến hành một trong những cuộc diễn tập quân sự lớn nhất từ trước đến nay, với địa điểm gần biên giới nước láng giềng Pakistan.
Xe tăng của Ấn Độ trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP
Cuộc tập trận mang tên Shoorveer (Chiến binh Dũng cảm) sẽ có sự tham gia của 20.000 binh sĩ và khoảng 200 xe tăng do Nga sản xuất, AFP đưa tin. Địa điểm diễn ra hoạt động này là vùng sa mạc thuộc bang Rajasthan ở tây bắc Ấn Độ và thời gian dự kiến là tháng sau, người phát ngôn quân đội quốc gia Nam Á Jagdeep Dahiya cho hay.
"Cuộc tập trận này sẽ là một trong những hoạt động diễn tập lớn nhất từ trước đến nay", ông Dahiya nói và cho biết thêm rằng những máy bay chiến đấu mới nhất của Ấn Độ sẽ được tham gia cuộc tập trận dự kiến kết thúc cuối tháng 5.
Trong một thông báo khác, quân đội Ấn Độ cho hay nhiều xe tăng, xe cơ giới chiến đấu tiền phương, pháo, trực thăng, chiến đấu cơ, máy bay không người lái, vũ khí phòng không và radar quân sự cũng được huy động cho cuộc tập trận Shoorveer.
Bản đồ cho thấy vị trí Rajasthan, bang có diện tích lớn nhất Ấn Độ và giáp biên giới Pakistan. Đồ họa: Wikitravel
Một nguồn tin quân sự khác cho biết hoạt động diễn tập quân sự của Ấn Độ sẽ diễn ra ở địa điểm cách đường biên giới được vũ trang dày đặc của Pakistan chưa tới 200 km. Kể từ khi giành được độc lập từ tay người Anh hồi năm 1947, Ấn Độ đã có ba cuộc chiến với nước láng giềng Pakistan.
Ông Dahiya bác bỏ những lo ngại rằng cuộc tập trận, được tiến hành bởi một quân đoàn ưu tú luôn sẵn sàng cho các cuộc xung đột tại biên giới, có thể làm gia tăng căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad. "Chúng tôi thông báo trước cho Pakistan bất cứ khi nào những cuộc tập trận quy mô lớn được tiến hành", Dahiya cho hay.
Ấn Độ đã ngừng các cuộc đàm phán hòa bình được khởi động từ năm 2004 với Pakistan, sau những cuộc tấn công tại Mumbai hồi năm 2008 bởi các tay súng mà New Delhi cho rằng tới từ nước láng giềng. Cuộc tấn công này khiến 166 người thiệt mạng.
Quá trình đàm phán hòa bình chậm chạp được nối lại hồi năm ngoái sau những chuyến thăm qua lại của các quan chức hai nước. Ấn Độ và Pakistan liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân theo kiểu ăn miếng trả miếng trong năm 1998, rồi sau đó cùng tự nhận là các quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Hà Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét