Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Vài Suy Nghĩ về Ý Nghĩa “Thống Nhất Đất Nước” của CSVN

Hành Khất

Gửi tới TTHN

“…như tác giả Kami phải mất khá nhiều suy nghĩ, nghiên cứu, tìm tòi để chứng minh cho mấy chữ chính danh, chính thống của một nhà nước. Nếu bản chất của nhà nước đã là chính danh, chính thống, thì tại sao chúng ta lại mất nhiều thời giờ cho nó? Nếu đó là cái bàn làm bằng gỗ, thì bản chất thực tế đã không thể là đá hay sắt, hẳn không cần lý luận tại sao nó là gỗ hay chỉ trông giống như gỗ…”
Trong những lịch sử hình thành quốc gia trên thế giới đôi lúc không sao tránh được cuộc nội chiến vì quyền lợi xung khắc giữa những đối lực, chủ trương khác biệt về chính thể hay dân tộc, và cả tham vọng tiềm ẩn sự độc tôn. Khi một trong hai hoặc nhiều lực lượng đối lập chiếm ưu thế, một đất nước thống nhất bắt đầu hình thành. Dù có tính chính danh, chính thống hay không, lực lượng thắng thế vẫn có thể giữ vai trò nhà cầm quyền sau khi đè bẹp tất cả đối thủ khác. Dù cuộc nội chiến có thật sự mang tính chất “thống nhất” hay không như luôn được nêu ra để lung lạc lòng dân, ứng với lòng người nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, tham gia, quy hợp của số đông, nhưng đó là sự kết quả đương nhiên của lực lượng thắng thế sau cùng.

Để chứng minh điều đó, chúng ta có thể điểm sơ qua vài thí dụ tiêu biểu qua sự quan sát diễn biến lịch sử để đưa đến kết luận, hay còn được gọi là phép duy vật biện chứng (mà Karl Marx đã học hỏi và kết hợp từ hai tư tưởng triết học Đức : Ludwig Andreas Feuerbach, nhà triết học duy vật, và Georg Wilhelm Friedrich Hegel, nhà triết học biện chứng) như sau :
  • Cuộc nội chiến Hoa Kỳ : xuất phát từ sự tương khắc quyền lợi giữa hai lực lượng Nam-Bắc. Khi miền Nam thua cuộc, chính phủ miền Bắc đương nhiên là một chính quyền duy nhất mang lấy tất cả ý nghĩa chính danh, chính thống, và thống nhất.
  • Cuộc nội chiến Trung Hoa, thời Xuân Thu : xuất phát từ tham vọng quyền lực giữa những chư hầu khi chủ thể quyền lực nhà Chu suy yếu. Đỉnh điểm là nhà Tần tóm thâu tất cả với danh nghĩa thống nhất. Và Tần Thủy Hoàng cũng chẳng cần cái gì gọi là chính danh hay chính thống, vì quyền lực độc tôn tự nó mang tất cả bản sắc đó.
  • Cuộc nội chiến An Nam, thời nhà Ngô (loạn 12 sứ quân) : xuất phát từ chủ trương dân tộc khác biệt. Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục được lòng dân khi hướng đến mong ước của dân tộc trong thời kỳ nhiễu loạn đó, nên dù không là chính thống nhưng là chính nghĩa, cả trong ý nghĩa thống nhất, nhà Đinh được hình thành.
  • Cuộc nội chiến Việt Nam : xuất phát từ chủ trương chính thể khác nhau. Cuối cùng miền Bắc đã chiếm ưu thế và tất cả ý nghĩa chính danh, chính thống, và thống nhất cũng được đắc dụng nhằm loại bỏ sự khác biệt về ý thức hệ. (Và đây chính là vấn đề chúng ta sẽ bàn luận đến).
Sự khác biệt về chính thể là nguồn gốc sinh ra sự phức tạp trong cuộc chiến giữa hai lực lượng Nam-Bắc mà trên thực tế nó gần như không hẵn là một cuộc nội chiến được hiểu theo nghĩa đơn thuần. Ngược lại, đây là một cuộc chiến bao gồm lẫn nội và ngoại, vì có sự tham gia của nhiều quốc gia được phân ranh ý thức hệ trong hai chính trị thể đối nghịch nhau : tự do và cộng sản.
.
Miền Bắc theo chủ thuyết của Cộng sản Đệ Tam Quốc tế, bao gồm chủ thuyết Stalin (Stalinism), chủ thuyết Marx-Lenin (Marxism-Leninism), đến chủ thuyết Mao (Maoism), trong khi đó miền Nam theo chủ thuyết Cộng hoà (republicanism), bao gồm tính chất dân chủ (democracy), sau khi chế độ quân chủ (mornacy) không còn tồn tại trên khắp Việt Nam. Chủ trương của CS Đệ Tam Quốc tế là : đấu tranh lật đổ chế độ tư bàn chủ nghĩa; xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa; và thiết lập chuyên chính vô sản. Với lý tưởng cộng sản là không còn giai cấp, không còn chính phủ, lao động theo sức hưởng theo nhu cầu, tất cả thuộc về tài sản công cộng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng dù không còn chính phủ nhưng vẫn còn đảng_ là quyền lực lãnh đạo tuyệt đối : có quyền phán quyết, quản lý, và chỉ đạo. Như hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhà nước, một bộ phận trên lý thuyết là riêng biệt nhưng thực chất cũng thuộc về đảng vì nếu không có hình thức nhà nước như thế giới tư bản hóa ra chỉ có đảng lãnh đạo_ một hình thức không khác gì phong kiến, hay chuyên chế độc quyền. Nhưng nếu vẫn giữ nhà nước thì Quốc hội vẫn tồn tại, lại chẳng khác gì cơ cấu chính quyền của tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, bước cuối cùng là không còn chính phủ. Mà theo Marx cũng không cần quân đội, công an, vì đó là một xã hội cộng đồng trong đó mọi người không cần có tư sản thì không bao giờ sinh ra sự xung đột giai cấp vì tư hữu, lợi lộc. Marx còn cho rằng, tiền tệ là yếu tố gây nên rối loạn trật tự xã hội, vì vậy sẽ bị loại bỏ trong chế độ cộng sản. Và muốn đạt được sự thịnh vượng, công bằng, an sinh đó, chủ thuyết Lenin là cần phải cộng sản hóa mọi quốc gia trên thế giới để không còn bất kỳ thế lực phản động nào có thể phá hoại “bước tiến sau cùng của nhân loại : cộng sản”.
Marx đã lý tưởng hóa tư tưởng đến mức tuyệt đối nên không nhìn thấy những mâu thuẩn trầm trọng trong chính lý thuyết quan trọng sau cùng nhưng chỉ được phát họa chung chung một cách đơn sơ : không cấu trúc, không phương thức thực hành, không đường lối thực nghiệm, không cụ thể cho địa lý khác nhau, và nhất là không định hướng được một tương lai xã hội nếu bất trắc. Có nghĩa là nếu thất bại, điều gì sẽ xãy ra cho xã hội nhân loại ? Và sẽ biến đổi thế nào, theo phương hướng nào không lạc ra ngoài đường hướng lên cộng sản ? Sự mâu thuẩn đó là dù trong một xã hội vô sản chuyên chính nhưng vẫn có giai cấp. Và giai cấp đó chính là giữa lãnh đạo và nhân dân. Dù người cộng sản luôn muốn lẫn tránh dùng từ giai cấp trong lãnh đạo, nên họ tự hạ xuống là công bộc, nhưng đồng thời chữ công bộc lại sinh ra chủ tớ. Như vậy có nghĩa, sự hiện hữu của giai cấp luôn luôn tồn tại dù nó được che đậy dưới danh từ hay hình thức nào. Chính sự mâu thuẩn đơn thuần nầy luôn có trong xã hội, ngay cả trong thiên nhiên, mới hỗ tương cho sự quân bình để phát triển hơn, và nó cũng là mấu chốt khiến lý thuyết trên tư tưởng Marx không đứng vững : vô giai cấp.
Dường như đó chỉ là lý tưởng trong tư tưởng, cho dù Marx dùng biện chứng lịch sử và thuyết tiến hóa Darwin hổ trợ thì cũng chỉ là ước đoán chưa thực nghiệm thì làm sao biết được kết quả ra sao. Đó là chưa nói, ngay cả thuyết tiến hóa Darwin cũng có nhiều sai lầm dù ông đã bỏ công nghiên cứu, học hỏi thực nghiệm trong thiên nhiên. Vì cái mà ông học được cũng chỉ dựa vào thiên nhiên, và là một phần nhỏ đối với sự đa dạng của tạo vật mà con người dù với sự giúp đỡ của kỷ thuật hiện đại, cũng không bao giờ hiểu thấu hết. Những thành tựu có được chẳng qua là một khía cạnh rất tự nhiên trong cái muôn vàn khác biệt hơn.
Bằng chứng cụ thể nhất là sự thất bại hoàn toàn của chủ thuyết Stalin khi ông ta muốn đưa nước Nga bước đến giai đoạn cuối cùng của xã hội chủ nghĩa : cộng sản. Stalin đã dùng tất cả quyền lực, và độc đoán đến mức biến chủ nghĩa cộng sản trở thành một giáo điều thực thụ nhằm thúc đẩy dân tộc Nga thấm nhuần tư tưởng, tuyệt đối tin tưởng vào thiên đường cộng sản là có thật. Stalin phá bỏ tất cả tư tưởng về tôn giáo bằng cách đập đổ tất cả giáo đường hay nơi bày tỏ tín ngưỡng, thay thế vào là hình ảnh của những người lãnh đạo cộng sản và giáo thuyết là tư tưởng Marx-Lenin, Stalin, phải được học tập thường xuyên mỗi ngày trong cuốn “thánh kinh đỏ”.
.
Chủ thuyết Mao cũng được áp dụng trong phương cách đó qua cuốn thánh kinh “hồng vệ” trong cố gắng tranh đua tiến đến cộng sản chuyên chính với nước bạn. Dù trong hoàn cảnh đầy khó khăn, khổ sở cho dân tộc đến tưởng chừng kiệt quệ cả nước, Mao vẫn cố gắng bám lấy lý tưởng mình theo chủ thuyết Marx-Lenin. Sau khi nhận tín hiệu của sự đổ vỡ những chủ thuyết đó từ cái chết không cần bức tử của Cộng sản Liên Xô và hàng loạt cái chết khác trong hệ thống cộng sản quốc tế mà Liên Xô đã bỏ công sức ra xâm chiếm, tái lập, và tiêu diệt những nhóm phản động, chỉ vừa sau thế chiến thứ 2 khi mà những nước đó còn trong hoang tàn, thiếu thốn, và đói kém. Và nhất là khi phần lớn những nước trên thế giới chưa hề biết chủ thuyết cộng sản là gì. Mao đã bàng hoàng bừng tỉnh trong thời gian cuối cuộc đời cách mạng của ông ta khi nhận ra Trung Hoa đã bước quá vội trên con đường tranh đua tiến đến cộng sản chuyên chính với Liên Xô mà bỏ quên bước thông qua chủ nghĩa tư bản mà chính Liên Xô đã từng áp dụng trong thời Lenin còn sống để vực dậy nền kinh tế đang sắp chết.
.
Hôm nay, hình ảnh Trung Hoa là sự phản ảnh của một thuở vàng son dưới thời Lenin trong cải cách về kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tư bản. Dù Trung Hoa rút tỉa được kinh nghiệm nào đó từ sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng đó là biến chuyển vùng Bắc Âu, Đông Âu mà Marx không thể nào dự đoán được, thì làm sao có thể hoạch định phương pháp nào khác cho vùng Á Châu mà trong đó có cả Việt Nam. Những bước kế tiếp sẽ như thế nào sau khi lui bước thông qua con đường tư bản chủ nghĩa ? Trong khi chính nước đàn anh, tiên phong là Liên Xô cũng phải vấp ngã thì đó quả là vấn đề không đơn giản mà Marx vô tình không hề nói đến hay không bao giờ biết được con đường sẽ ra sao. Ngay cả những tín đồ trung thành học thuyết Marx sau nầy cũng phải lần mò từng bước may rủi trong bế tắt của tư tưởng mà họ cứ thế biến chuyển màu sắc sao cho chính danh, chính thống trong cả ý nghĩa thống nhất hơn là xâm chiếm một vùng nào đó.
Và cũng vì tính chất chính danh, chính thống đó mà Cộng sản Trung Hoa đã không ngần ngại thống nhất Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, và tương lai đến sẽ là Taiwan, Việt Nam, cũng như cả bán đảo Đông Dương là chủ đích tạm thời. Có lẽ, Trung cộng sẽ không vội vã bước tiến đến vô sản chuyên chính mà họ sẽ thực nghiệm trên một nước nào đó được chọn làm thí điểm để tự dò dẫm học hỏi hầu tránh được hố sâu bất ngờ trước mặt trong bóng đêm của chủ thuyết Marx-Lenin. Trung cộng thuộc về Cộng sản Đệ tam Quốc tế như Việt Nam nhưng đã nhiều lần tỏ ra chống lại sự lãnh đạo của Stalin mà theo chủ trương, đó là một biểu hiện của sự phản động. Vì Trung cộng tự xem mình cũng là một nước rộng lớn, đông dân nhất thế giới, nên sau khi hoàn thành sự nghiệp “thống nhất” Trung Hoa nhờ sự giúp sức, giúp của từ Liên Xô, Trung cộng muốn tự mình hành xử, không cần tuân theo mệnh lệnh từ Moscow và cũng nhằm mục đích khỏi phải trả món nợ mà họ đã vay trong “tình đồng chí vô sản quốc tế” cho cuộc chiến vì sự nghiệp cách mạng thế giới nói chung và Trung Hoa nói riêng. Trung cộng đề ra chủ thuyết Mao để chứng tỏ họ không lệ thuộc vào chủ thuyết Stalin, ngoại trừ dựa trên chủ thuyết Marx-Lenin, và như vậy họ là một thành viên hoàn toàn độc lập trong Cộng sản Đệ tam Quốc tế.
.
Trong khi đó, Việt Nam luôn tỏ ra là một tín đồ trung kiên nhất trong mọi tuân thủ theo lãnh đạo Stalin. Nên vừa khi thống nhất đất nước, dù miền Bắc đang khốn khó miếng ăn, Việt Nam đã chi viện cho hàng tấn gạo trong kho của miền Nam cho Liên Xô trong thời gian Liên Xô đang thắt chặt tiêu dùng, nhẫn nại chịu đựng gian lao tu dưỡng tư tưởng để tiến lên thiên đường cộng sản chuyên chính. Trong thậm tình đồng chí quốc tế, Liên Xô cũng đáp lễ lại bằng những tấn bo bo để Việt Nam phân phối cho dân khắp mọi miền. Và 16 tấn vàng để lại cho nhà cầm quyền miền Bắc tiếp thu, từ bọn tay sai Mỹ, ngụy quyền miền Nam, cũng có lẽ được chia cho Liên Xô một phần lớn nhằm “đáp lại” món nợ trong chiến tranh một phần nào, không như ý muốn dự trù của bọn ngụy quyền miền Nam khi tháo chạy…bỏ của, là tạo cơ hội cho sự tái kiến thiết đất nước mau chóng, dể dàng sau cuộc chiến tàn phá kéo dài trên ba miền. Mà ngược lại, nhà cầm quyền miền Bắc đã “vô tình” cập nhật thông tin sai lạc nào đó và tuyên bố là kho vàng trống không vì bọn ngụy quyền miền Nam tháo chạy nhưng không bỏ của.
Việt Nam luôn tỏ ra một sinh ngoan giỏi, đã không ngừng học hỏi tất cả chủ thuyết cộng sản dù trong đó chứa đựng ít nhiều mâu thuẩn lẫn nhau, theo từng giai đoạn, và theo từng biến chuyển chính trị bất ngờ giữa hai đàn anh Nga cộng và Trung cộng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn không sao tránh được những ngón đòn “giận cá chép thớt” hay “thương cho roi cho vọt” mỗi khi đàn anh giận nên phải “dạy cho bài học”. Để chúng ta thấy rằng những gì Việt Nam hành xữ đều phải tuân phục theo chỉ đạo theo tinh thần cương lĩnh của Cộng sản Đệ tam quốc tế. Có nghĩa, dù muốn dù không, miền Bắc vẫn “phải” giải phóng miền Nam bằng bất cứ giá nào theo đúng tinh thần cương lĩnh là lan rộng làn sóng cách mạng vô sản khắp nơi, cũng như trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” năm 1848 : “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”.
Đó mới chính là mục đích chung trong cuộc cách mạng vô sản, không phải là mục đích “thống nhất” đất nước nào đó mà tựu hình cho ước mơ của một dân tộc bị phân ly. Vì trong sứ mệnh của thành viên Cộng sản Đệ tam Quốc tế là xâm chiếm_ theo ý nghĩa giải phóng_ những khu vực còn nằm ngoài sự kiểm soát của khối cộng sản quốc tế nhằm tạo lực đối kháng chiếm ưu thế hơn đối với chủ nghĩa tư bản trong cuộc cách mạng toàn thế giới. Vì theo Marx, dường như đó là cách duy nhất để có thể tiến lên cộng sản chuyên chính đại đồng, khi không còn bất kỳ thế lực phản động nào tồn tại. Sự sụp đổ của Liên Xô, có lẽ là một chứng minh cho bước quá nôn nóng, vội vàng, không đúng như lời Marx đã nói, khi trên thế giới bọn tư bản vẫn còn đó và lại phát triển quá lớn mạnh trong mọi lãnh vực. Đến độ những nước trong khối cộng sản có điều kiện đều phải tuyển du học sinh cho xuất ngoại để học hỏi từ thế giới tư bản đó, thậm chí kêu gọi bọn tư bản qua đầu tư về giáo dục, kỷ nghệ, thương mại, v.v. Cũng có thể, đây là một bước nhẫn nại vì “con hơn cha là nhà có phúc” hay diễn dịch xa hơn là “trò hơn thầy là thế giới thành cộng sản”.
.
Đó không phải là sự mĩa mai khi vừa mới đọc qua nếu chúng ta đều cùng nhìn nhận rằng sự phát triển vược bực, bất ngờ của Trung cộng khiến cả thế giới kinh ngạc và làm bấn loạn thế giới tư bản, là một ánh vinh quang hy vọng sáng chói lên trên con đường tiến lên vô sản chuyên chính, cho những nước trong khối cộng sản và cho cả những nước cảm tình viên không cộng sản. Cũng như có nhiều người dự đoán rằng Trung cộng sẽ vượt qua mặt Hoa Kỳ trong tương lai vì nhờ vào nền kinh tế phồn thịnh hàng đầu thế giới hiện nay. Nếu nói đó không phải là một kỳ công thành tích của chủ nghĩa cộng sản, vậy thì đó là gì !
Mặc dù hiện tại (2012) Trung cộng trong giai đoạn “thu mua” những công trình sáng chế trên thế giới để học hỏi thêm và chế tạo thử nghiệm, và họ, quả thực có những thành công rất khả quan với số lượng nhà khoa học đông đảo trong nước và cả nước ngoài trở về làm việc. Kỷ thuật có phần phát triển mau chóng qua những bản sao tung ra thị trường để cạnh tranh với giá rẽ dù bị gán là “ăn cắp” bản quyền của cơ sở ngoại quốc đầu tư trong nước với sự hỗ trợ của nhà cầm quyền. Tuy nhiên trong thời gian lâu dài hơn, từ gia đoạn “đánh cắp” sự học hỏi đến giai đoạn phát minh, điều đó cũng có thể xãy một ngày không xa (?). Với số lượng du học sinh cao nhất ở những nước tư bản tiên tiến, với những nhóm Hoa kiều phát triển mạnh mẽ khắp năm châu và tương đối lâu đời so với những người di dân từ nước khác, thêm vào những thành tựu của họ ở nước ngoài trong nhiều lãnh vực, đó là niềm hy vọng của một “con rồng Á Châu” mà Trung cộng luôn ra sức kêu gọi tất cả Hoa kiều hướng về một Trung Hoa trong việc nâng cao chủ nghĩa dân tộc đại Hán. Có phải chăng ngày mai nầy thuộc về Trung cộng ? Một quốc gia cộng sản đang vươn lên mạnh mẽ nhất khiến thế giới tư bản phải chịu thối lùi, và tan vỡ ? Và điều nầy chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản là đúng, là vô địch, là đỉnh cao của nhân loại ?
Nếu quả thực vậy, chúng ta nên vui mừng cho ngày mai của Việt Nam, cho công cuộc giải phóng miền Nam nhằm thống nhất đất nước là điều hoàn toàn đúng, là một cái nhìn đi trước tương lai của ông Hồ Chí Minh và đảng. Và chúng ta nên cảm ơn những người mang đầy tâm huyết, nhọc nhằn rất nhiều trong việc cố gắng giáo huấn nhân dân am hiểu về niềm tin bất diệt vào chủ nghĩa cộng sản. Tương lai sáng ngời dường như trong gang tấc trước mặt, chỉ cần mở tâm ra đón nhận niềm tin đó, như giáo điều hiện thực mà chưa có tôn giáo nào có thể chứng minh được. Nhưng những người cộng sản đã và đang thực hiện thiên đường cộng sản, mà dường như rất gần, chỉ trong giai đoạn hình thành.
Nếu ngày xưa, đảng cộng sản Đông Dương không nhanh tay kịp thời_ nhờ vào những kinh nghiệm đấu tranh, kỷ thuật tuyên truyền và lãnh đạo cách mạng_ giành lấy chính quyền ngày 15/08/1945 tại Hà Nội, từ tổ chức Đại Việt Quốc gia Liên Minh, thì có lẽ cái tương lai được nói ở trên, chắc chắn khó được nhìn thấy như hôm nay (?). Cũng như nếu sau đó ông Hồ Chí Minh không mạnh tay thủ tiêu những thế lực quốc gia phản động_ Việt Nam Quốc Dân Đảng_ sau ngày ký kết Hiệp định Sơ ước với Pháp (6/03/1946), thì chưa chắc gì Việt Nam được nhìn thấy hai chữ thống nhất tung bay khắp nơi trên ba miền như hôm nay (?). Như trong bài viết “Suy nghĩ về cựu quốc gia Việt Nam Cộng hòa (1/2)”, trên TTHN Blog, 18/02/2012, của Kami, có phần nói về “sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH)”, cũng như những phân tích về những nhà nước không chính danh, chính thống khác. Mặc dù đó chỉ là Hiệp định Sơ ước và Pháp nhìn nhận Việt Nam là một nước tự do nhưng phải đứng trong Liên Bang Đông Dưong và Liên Hiệp Pháp, phải chịu đóng thuế cho Pháp, và chịu sự kiểm soát trong quyền tiếp nhận đại sứ nước khác. Đồng thời trong cố gắng tiếp theo đó, là cuộc Hội nghị Đà Lạt (24/04/1946) trong hai tuần không kết quả theo mong muốn, ông Hồ Chí Minh gián tiếp điều động phái đoàn Phạm Văn Đồng trong cuộc họp khác ở Fontainebleau, Pháp (7/08/1946), và ông ở lại trong cố gắng cuối cùng với ký kết tạm ước (14/09/1946) chỉ xác định lại bang giao trong Hiệp định Sơ ước trước đó. Điều nầy có nghĩa, Việt Nam dường như chưa thực sự độc lập, và sự ra đời của nhà nước VNDCCH như Kami nghĩ, dường như hơi vội vã. Mà phải nói rằng nó được khai sinh từ Hiệp định Genève, 20/07/1945, vì trước đó cũng chỉ là sơ ước hay tạm ước, và Pháp không chưa bao giờ gọi VNDCCH với cái tên đó trên báo chí hay qua radio, ngoại trừ hai chữ Vietminh. Trong một đoạn trích sau đây từ “Việt sử Toàn thư” của Phạm Văn Sơn cho thấy điều nầy :
“Qua giai đoạn thực thi, chính phủ Việt Cộng đã tiếp thu Bắc Việt vào cuối năm 1954, lập nên một chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân, và ở Nam vĩ tuyến 17… “
Tên gọi thực sự là Việt Nam Cộng Hòa Nhân Dân ở miền Bắc, và trong Nam gọi là Việt Nam Cộng Hòa, là hai nhà nước được thành lập theo đúng tinh thần ký ước trong Hiệp định Genève 54, ngoài ra bất kỳ đảng phái nào khác dù có thành lập bất kỳ tên gọi gì cho “nhà nước” của họ mà không được ký kết, đều không có giá trị theo nghĩa chính danh, chính thống hay nói đúng hơn là hợp pháp.
Sự phân chia hai miền Nam-Bắc với hai chính phủ hoàn toàn trái nghịch nhau theo chủ nghĩa, kéo dài theo cuộc chiến ý thức hệ có cả sự tham gia của quốc tế, thì ý nghĩa “giải phóng thống nhất đất nước” dường như không được đầy đủ hay đúng hơn là vay mượn nghĩa từ nhằm đạt được mục đích cuối cùng trong sự lôi kéo dân chúng theo phe phía. Nhận xét nầy cũng được Tiến sĩ Lê Hiền Dương, Hiệu Trưởng-Đại Học Đồng Tháp, nói lên trong bài viết ““GIẢI PHÓNG” Nỗi Kinh Hoàng Của Người Dân Nam Việt”, vietthuc.org, 1/06/2010, như sau :
  • “Tôi bắt đầu nghi ngờ với cụm từ “giải phóng miền nam” …”
  • “… tôi bắt đầu hiểu đích thực ý nghĩa của cụm từ “giải phóng niền nam” và bắt đầu cảm thấy xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân… mà dù ở chừng mực nào cũng được xem là thành phần trí thức trong xã hội…
Dần dần tôi hiểu sâu hơn cái sự mỉa mai chua chát của hai từ “GIẢI PHÓNG” đang được dùng trong kho tàng Tiếng Việt của nước nhà… “Giải phóng miền nam” thực sự có mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên và cả sự thịnh vượng nữa với gia sản có thể đột ngột tăng lên cả 16 tấn vàng ròng…”
Trong “sứ mệnh” giải phóng miền Nam đó, không ít thành phần trí thức tham gia với lóng yêu nước cháy bỏng, nhiệt tâm hy sinh tất cả, mà điển hình là Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa trong bài viết “Cuộc đời và cái chết rất buồn của Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa”, TTHN Blog, 15/02/2012, của Mai Thanh Truyết, mà trong đoạn cuối được kết như sau : ” Như vậy, dù là “cùng là máu đỏ Việt Nam” nhưng phải là máu đã “cưu mang” một chủ thuyết ngoại lai mới có thể được xem là chính danh để xây dựng quê hương Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta, những người Việt trong và ngoài nước, còn nặng lòng với đất nước, tưởng cũng cần suy gẫm trường hợp Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa ngõ hầu phục vụ tổ quốc và dân tộc trong sự thức tỉnh, đừng để bị mê hoặc bởi chủ thuyết cưỡng quyền.”
Cũng nên nhắc lại một nữ liệt sĩ trong cuốn sách “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm”, về tấm lòng hiến dâng cho đất nước của vị nữ Bác sĩ nầy, và được lên phim “Đừng Đốt” từng đoạt giải “Fukuoka Khán giả Bình chọn” (Fukuoka Audience Award) trong năm 2009, đồng thời đưa đi tranh giải “Oscar 2010″. Tuy nhiên, theo nhận định của nhà văn Bảo Ninh, người đầu tiên tìm thấy cuốn sách đó trên đất Mỹ qua bản văn Anh ngữ (được ấn bản bởi một sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn Trung Hiếu đang sinh sống ở Hoa Ky sau khi “được học tập cải tạo” 8 năm và sĩ quan tình báo Mỹ, Frederic Whitehurst, người giữ lại 2 cuốn nhật ký viết tay) trong bài viết “Nhà văn Bảo Ninh: Cái thật bao giờ cũng có sức quyến rũ”, tuoitre, 7/08/2005, đã phát biểu như sau : “Đừng vội gán cho chị Trâm những lý tưởng to tát như vì Đảng, vì dân, cũng đừng cường điệu chị lên, đừng bắt chị phải vác cái huy hiệu “anh hùng”. Bởi theo tôi, chị rất đỗi bình thường. Trước cái chết, nếu “không run sợ” tức là đang nói dối!”
Qua đó, để có một nhận xét sâu sắc hơn, bài viết “Từ Thép đã tôi thế đấy đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm, những ước mơ bị phản bội”, trantrungdao.com, 2005, của Trần Trung Đạo, đã có một câu kết rất là cảm động và chân thật : “Nếu giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam còn chút tình nghĩa nào dành cho những người đã chết thay cho họ, xin hãy để chị Thùy Trâm ngủ yên với những ước mơ xanh của chị. Đặng Thùy Trâm đã chết một lần rồi, đừng bắt chị phải chết thêm lần nữa.”
Một người bạn trẻ ở Đức đã có suy tư như sau về ý nghĩa giải phóng thống nhất đất nước trong bài “Quả lừa lịch sử: HCM / CSVN-CSTQ cướp chính quyền Việt Nam”, 13/12/2011 : “Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây!”
Trong quá trình đấu tranh giai cấp, Marx luôn nung nấu lòng thù hận trong những bài viết của ông, cũng như hô hào cuộc cách mạng bằng vũ lực hơn là hòa hợp trong cuộc bàn thảo trao đổi ý kiến. Và Marx luôn hảnh diện là một người cộng sản, công khai trước thế giới, như trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” có đoạn : “Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành.”
Tuy nhiên hôm nay, dường như niềm kiêu hảnh đó có phần nào được xem là một điều sĩ nhục khi người nào đó được gọi là cộng sản, mà không chỉ là một trường hợp cá nhân. Trên mạng cand.com qua bài viết “Dự thảo “Luật Nhân quyền 2012” – Một tư duy lạc hậu trong QHQT”, 14/02/2012, của Trần Nguyễn, đã bày tỏ sự bực tức đó như sau : “Ông Smith không hề có một chút tôn trọng nào Quốc hiệu của một dân tộc. Ông gọi Nhà nước “Cộng hòa XHCN Việt Nam” là “Chính quyền Cộng sản”” và “… Cách gọi này không chỉ xúc phạm một Nhà nước, mà còn phá hoại quan hệ hợp tác, hữu nghị đã được tạo dựng trong nhiều năm qua giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Mà tác giả Phạm Thị Hoài, trên danlambao, 15/02/2012, có bài viết ngắn với đề tựa rất xác thực : “Nhà nước Việt Nam không thích bị gọi là “chính quyền cộng sản”” . Điều nầy khiến cho người ta thêm một lần tự hỏi về danh giá của hai chữ cộng sản, dù người đó chưa bao giờ đọc qua vài cuốn sách như : “Hồ Sơ Mật Liên Xô” , hay “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội”, hay “Từ thực dân đến cộng sản – Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam” (có thể lấy xuống toàn bộ cuốn sách theo đường dẫn đó) vì lý do nầy hay lý do khác như lo sợ “diễn biến hòa bình” làm sai lạc tư tưởng cố hữu, hoặc cho là sản phẩm của bọn phản động tư bản xuyên tạc sự thật, v.v. Nhưng thực chất chúng là do công trình nghiên cứu tư liệu lịch sử và có cả kinh nghiệm từng trải của chính tác giả trong giai đoạn đó được viết lại. Nếu người ta không bao giờ dám nhìn qua khe hở trong ngục tù tư tưởng với bốn vách bao quanh tối ám, thì ánh sáng sự thật luôn khiến tâm hồn họ đau đớn đến độ không dám tin rằng bên ngoài kia có mặt trời và vùng không gian vô tận. Cũng như thế, có một người bạn sau khi đọc qua vài chương trong cuốn sách “Mao Trạch Đông Ngàn năm Công tội” được đưa lên, đã bày tỏ sự lo âu trong forum rằng : “Mong sao đừng có ai viết về Bác Hồ Chí Minh của chúng ta như vậy”.
Một tâm hồn bị bó buộc thì tư duy không bao giờ thoát ra, và sẽ mãi mãi ôm chầm cái chân lý nào đó như ngày xưa người ta vẫn tin rằng trái đất hình vuông. Cái nguy hại nhất là khi nền giáo dục là thước đo lòng trung thành tuyệt đối như đã từng hủ hóa tư tưởng biết bao thế hệ trong thời quân chủ phong kiến mà riêng Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo qua học thuyết Khổng Tử, dù rằng học thuyết đó vẫn có những tinh hoa đáng ngưỡng mộ. Ngay cả học thuyết cộng sản của Marx, vẫn có những điểm tinh hoa tạo dựng tư tưởng cho sự phát triển xã hội tha nhân mà chúng được ứng dụng một cách hòa hợp khéo léo ở những nước Âu Châu tiến bộ.
.
Trong khi đó, không ít những trí thức Việt Nam luôn tự hào về những gì được hấp thụ qua sự nhào nắn tư tưởng định hướng và họ tiếp nối lối giáo huấn một chiều đó qua những bài viết hay sách báo cho những thế hệ sau. Với quan niệm cực đoan đó nên hầu hết những tác giả luôn cố gắng giấu kín chính mình hay đóng những vai trò người khác, mà họ cho là một chiến lược đắc ý nhất trong sự tuyên truyền định kiến. Điển hình là bài viết “Ai là Việt Nam Cộng Hòa?”, tintuchangngay, 15/02/2012, hoặc “Hãy để cho Việt Nam Cộng Hòa lùi vào dĩ vãng một cách tự nhiên”, danchimviet, 3/03/11, của Tiên Sa. Sự thù hận trong đấu tranh cách mạng mà Marx luôn cổ súy, khiến người cộng sản ta luôn liên tưởng đến khi nhìn bất kỳ sự vật, sự việc hay người nào chung quanh. Dường như trong tư tưởng họ lúc nào cũng nhìn thấy chữ phản động, tranh đấu, giành chiếm, bạo lực v.v. nên ngay trong những ngôn từ thông dụng hàng ngày cũng được thêm vào ít nhiều từ chính trị cực đoan như : giải phóng mặt bằng, tranh đấu công tác, thi đua tình cảm, v.v. Tác giả Đào Nương, trong bài “VNCH, biết mới tiếc…”, viettudo.com, trích đăng từ “Tuần Báo Saigon Nhỏ” số ra ngày 11/03/2011, có cái nhìn phản ảnh sự kiện chân thật, đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Tóm lại, nếu ý nghĩa “giải phóng thống nhất đất nước” trong tinh thần dân tộc, không vì sứ mệnh ngoại bang, thì chúng ta cũng không cần tốn hao thời gian bàn thảo, lý luận, tranh biện, mà đáng lý ra dùng thời giờ đó để học hỏi những điều hữu dụng khác. Cũng như tác giả Kami phải mất khá nhiều suy nghĩ, nghiên cứu, tìm tòi để chứng minh cho mấy chữ chính danh, chính thống của một nhà nước. Nếu bản chất của nhà nước đã là chính danh, chính thống, thì tại sao chúng ta lại mất nhiều thời giờ cho nó ? Nếu đó là cái bàn làm bằng gỗ, thì bản chất thực tế không thể là đá hay sắt, mà không cần lý luận tại sao nó là gỗ hay chỉ trông giống như gỗ. Điều nên đi sâu hơn trong sự học hỏi là sự hữu dụng của các chính loại gỗ đó trong tương quan với những loại gỗ khác, hơn là đi xác nhận cái bàn gỗ làm bằng gỗ.
Hành Khất
————-
Ghi chú: Tài liệu tham khảo
- “Việt Sử Toàn Thư”, của Phạm Văn Sơn, từ trang 490 – 501.
- en.wikipedia và vi.wikipedia về chủ thuyết Marx-Lenin, Stalin, Mao.
- “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản”.
- Một số bài viết theo đường dẫn.

Không có nhận xét nào: