Nguyễn Văn Minh (Báo QĐND)
“Tôi vẫn có cảm giác nhiều tờ báo, nhà báo và trên nhiều blog, cảnh khổ ải của vợ ông Vươn, ông Quý bị “tô vẽ” lên thái quá xung quanh túp lều họ dựng lên”
Chuyện phá nhà tạm trông đầm cá của gia đình ông Vươn, ông Quý rồi đây sẽ được làm rõ khi vụ án được khởi tố theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, vụ phá túp lều mà vợ con ông Vươn, ông Quý dựng lên trước Tết Nhâm Thìn cũng cần được điều tra, làm rõ. NVM Blog xin không bình luận nhiều về đúng sai xung quanh việc này bởi còn chờ điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Nhưng ở đây, tôi vẫn thấy có gì đó gờn gợn.
1.Dù là nhà tạm, lều tạm người ta dựng lên mà phá rồi làm cả cái việc vứt bàn thờ, bát hương của người ta đi thì đúng là không thể chấp nhận, càng không thể chấp nhận nếu có sự can dự của các lực lượng công quyền. Sẽ bớt đi sự bức xúc và những phản ứng dữ dội của dư luận nếu:
- Việc giải toả, cưỡng chế theo quy định của pháp luật phải có phương án bảo đảm chỗ ở cho người bị cưỡng chế, ngay cả khi họ đang ở trên đất lấn chiếm hay xây dựng trái phép.
- Việc cưỡng chế nếu như không thực hiện sát dịp Tết cổ truyền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, trái đạo lý…
- Việc tháo dỡ lều tạm phục vụ công tác điều tra, xác minh (nếu như do cơ quan chức năng thực hiện) thì tại sao không thực hiện công khai, thông báo đàng hoàng với vợ ông Vươn, ông Quý? (tất nhiên vụ việc này cần được làm rõ ai tháo dỡ lều, tôi thấy lạ một điều là đến nay thông tin về vụ tháo dỡ lều này rất ít, tiếp tục gây hoài nghi trong dư luận).
Tôi vẫn có cảm giác nhiều tờ báo, nhà báo và trên nhiều blog, cảnh khổ ải của vợ ông Vươn, ông Quý bị “tô vẽ” lên thái quá xung quanh túp lều họ dựng lên. Công bằng mà nói, cũng cần phải làm rõ thêm sự hợp lý và hợp pháp của những ngôi nhà tạm, lều tạm kia đến đâu? Có vẻ như chính quyền quá bị động sau những sai lầm liên tiếp nên xử lý chưa hợp lý, thoả đáng việc hỗ trợ nơi ăn ở, cuộc sống của gia đình họ sau những sai lầm của việc cưỡng chế. Việc đưa ra phương án cho họ về ở nhà của Tổng đội TNXP quá muộn…
“Treo cờ Tổ quốc” bên túp lều chính là tình yêu Tổ quốc, coi “tổ quốc là trên hết”. Tôi thấy lời tụng ca này chưa mấy thuyết phục
2. Vì vậy, tôi xin nêu thêm vài thông tin dưới đây để bạn đọc tham chiếu câu chuyện xung quanh cái lều tạm. Xin trích thông tin từ báo Hải Phòng: “Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 vừa qua, gia đình Thương (vợ Vươn), Hiền (vợ Quý) dựng lều tại đầm cá, nhưng chiều 2-2, phóng viên Báo Hải Phòng cùng các đồng nghiệp về thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng)- nơi ông Vươn đăng ký hộ khẩu thường trú và sinh sống trong ngôi nhà 2 tầng, nằm trên diện tích 1157m2 do gia đình để lại – được hàng xóm của ông Vươn cho biết, ông Vươn đã được UBND xã Bắc Hưng giao đất sản xuất nông nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp tại xã Bắc Hưng. Tuy nhiên, để trông coi, khai thác thủy sản, Đoàn Văn Vươn đã xây chòi ở khu đầm, trên diện tích đê biển quốc gia tại xã Vinh Quang và ở đó, thỉnh thoảng mới về nhà”.
3. Tôi cũng xin nêu thêm câu chuyện dưới đây xảy ra vào năm 2009, hàng loạt tờ báo ở Trung ương đăng bài về vụ việc một cụ già 82 tuổi, giữa ngày Tết bị người ta đuổi ra khỏi nhà, phải dựng lều trên đường phố ở thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, khi Phóng viên báo Quân đội nhân dân về điều tra cụ thể thì câu chuyện hoàn toàn không như vậy. Ông già này có nhiều nhà to, đẹp ở thành phố Thái Bình và chuyện ông dựng lều ra vỉa hè ở ngày Tết chỉ là…dựng chuyện hòng “cố đấm ăn xôi” không chịu trả ngôi nhà con ông nguyên là cán bộ ngân hàng lừa đảo phải gán nợ cho người khác. Sự thực ông vẫn ở tại ngôi nhà cao tầng ngay bên cạnh túp lều (có cả bát hương, câu đối Tết), khi nào có phóng viên, chính quyền đến thì ông mới ra….
Việc ở Tiên Lãng cần điều tra thêm nhưng tôi nghĩ cũng không có gì cần quá ồn ào xung quanh túp lều nọ, chưa đến mức như một tờ báo nào đó cho rằng “Treo cờ Tổ quốc” bên túp lều chính là tình yêu Tổ quốc, coi “tổ quốc là trên hết”. Tôi thấy lời tụng ca này chưa mấy thuyết phục. Đành rằng trong bối cảnh như thế họ vẫn treo cờ Tổ quốc là hành động có thể phần nào thể hiện người dân vẫn tin yêu lá cờ Tổ quốc nhưng có nhà cửa đàng hoàng mà không ở hay dù chính quyền sai, đang sửa sai, xử lý theo kết luận của Thủ tướng và đã bố trí chỗ ở tạm hợp lý hơn mà vẫn…không chịu về ở, vẫn cứ khăng khăng ở…lều để ra vẻ mình cùng cực, để gây sức ép cho chính quyền thì có phải là cách hành xử hợp lý không?
4. Chuyện cưỡng chế giải phóng mặt bằng một cách tuỳ tiện, thiếu đạo lý của các cơ quan công quyền vào những dịp “nhạy cảm” như Tết Nguyên Đán, 30-4, 2-9…không phải chỉ là câu chuyện xảy ra ở Hải Phòng. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân khi điều tra về những bất hợp lý trong thu hồi đất tại dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) Bến Thành – Suối Tiên (TPHCM) từng ghi nhận nhiều chuyện vô lý, trái đạo lý đến cười ra nước mắt ở đây.
Lật giở hồ sơ của vụ việc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, các cấp chính quyền lại có thể đưa ra những chủ trương, văn bản vô lý như: Giao văn bản ngày thứ bảy, buộc người dân đến thứ 2 phải xong thủ tục; người dân yêu cầu đối thoại nhưng không chấp thuận, nhận đơn thư nhưng không trả lời; “tự động” lập tài khoản trả tiền bồi thường GPMB cho dân từ tháng 12-2009 nhưng đến tháng 4-2010 mới thông báo lãi suất và đôn đốc đến làm thủ tục nhận tiền đúng vào dịp kỷ niệm 30-4. Đặc biệt, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND quận 1 còn ký một văn bản yêu cầu các hộ dân phải ra khỏi nhà chậm nhất đúng vào ngày …mùng Một Tết Canh Dần! Phải đến khi báo chí lên tiếng, công văn này mới không thể thực hiện. Ông Nguyễn Văn Bắc, hộ dân diện giải tỏa cho biết thêm: “Hầu hết các văn bản, thông báo, các đòi hỏi giải quyết sự việc đều được cấp chính quyền tống đạt vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, gây khó khăn cho chúng tôi trong việc khiếu nại, phản hồi. Thành phố còn từng tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng tùy tiện, không đúng thủ tục, không thông báo, trái pháp luật như đã diễn ra ở chung cư Trần Hưng Đạo quận 1 đúng vào dịp 30-4 năm ngoái”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét