Hãng tin Sina dẫn lời truyền thông Nga cho hay, không lâu sau khi Trung Quốc bắt đầu cung cấp máy bay chiến đấu JF-17 Thunder cho Pakistan, hai nước đã bắt tay bán chiến cơ thế hệ mới này sang nước thứ 3.Bài phân tích cảnh báo, ngay cả sau này Nga có ngăn chặn JF-17 Thunder được bán ra nước ngoài bằng cách ngừng cung cấp động cơ RD-93, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn có thể tìm giải pháp thay thế.
Trung Quốc chuyển giao JF-17 cho Pakistan (Ảnh: Xinhua) |
Hiện nay, Trung Quốc đã coi đơn hàng khổng lồ đến từ Pakistan là tiền đề để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu JF-17 Thunder.
JF–17 Thunder là máy bay chiến đấu giá rẻ được nghiên cứu chế tạo chủ yếu hướng vào thị trường nước ngoài. Trung Quốc hi vọng dùng chiến cơ này thay thế chiến cơ Chengdu Jian-7 về cơ bản đã không còn tiềm năng xuất khẩu.
Từ khi Chengdu Jian–7 được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1967, Trung Quốc đã cung cấp hơn 500 chiến cơ loại này cho nhiều quốc gia như Albania, Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Zimbabwe, Iraq, Iran, Triều Tiên, Myanmar, Sudan, Tanzania, Sri Lanka… Cho đến nay, đối tượng tiêu thụ Chengdu Jian-7 chủ yếu là các nước đang phát triển eo hẹp về tài chính. 4 năm gần đây, khách hàng của loại tiêm kích này chỉ có Bangladesh, Namibia, Nigeria và Sri Lanka.
Cũng theo báo chí Nga, Trung Quốc hiện đang có kế hoạch đẩy tiếp một dòng sản phẩm là tiêm kích đa năng Chengdu Jian–10 ra thị trường thế giới trong tương lai gần. Giống như JF-17, đây là dòng chiến cơ giá rẻ. Nếu so sánh thì giá của Chengdu Jian-10 chỉ bằng một nửa so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là F-16 của Mỹ.
Dàn Chengdu Jian-10 sẽ là quân bài mới của Trung Quốc? (Ảnh: Xinhua)Mặt khác, sau Chengdu Jian-10, Trung Quốc có thể sẽ đưa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này ra thị trường quốc tế. Do đó, các "ông lớn" trên thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu quốc tế đã đến lúc phải dè chừng các dòng chiến cơ giá rẻ thế hệ mới nhắm đến các nước nghèo mà Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo.
Về mặt này, Nga là nước chịu ảnh hưởng đầu tiên, bởi những nước đang phát triển cũng là thị trường tiêu thụ vũ khí truyền thống của Nga.
Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí quốc tế của Nga đánh giá, trong khoảng từ 2012 - 2015, Lockheed Martin của Mỹ, Sukhoi của Nga và công ty Thành Đô của Trung Quốc sẽ là 3 doanh nghiệp xuất khẩu máy bay chiến đấu nhiều nhất thế giới.
Điểm cần đặc biệt nhấn mạnh là, tuy còn khoảng cách không nhỏ về kim ngạch xuất khẩu, nhưng trong thời gian tới Công ty Công nghiệp máy bay Thành Đô sẽ là nơi xuất khẩu máy bay chiến đấu nhiều nhất thế giới. Theo tính toán, 4 năm tới, Thành Đô sẽ xuất khẩu 112 máy bay bao gồm Chengdu Jian-7 và JF-17, trong khi Lockheed Martin xuất khẩu 110 chiếc F-16 và F-15, còn Sukhoi chỉ xuất khẩu 109 chiếc Su-30.
Hải Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét