Phạm Viết Đào.
Chuyện Tiếu lâm: Tại một cơ quan nọ, chi bộ quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng một đảng viên thoái hóa biến chất; khi quyết định được ban ra lập tức bị quần chúng tại cơ quan này phản ứng, họ làm đơn kiến nghị không thải ông này ra quần chúng vì quần chúng không có ai xấu như ông đảng viên kia. Quần chúng đề nghị giữ ông này trong Đảng để giáo dục còn hơn là đưa ra quần chúng làm hỏng quần chúng…
Câu chuyện vui này cho thấy sự nghiêm trọng của sự thoái hóa biến chất của một bộ phận đảng viên; vậy thì làm cách nào để trị được đảng viên hư để chỉnh đốn Đảng ? Khi báo chí đưa tin rầm rộ về Nghị quyết 4 cùng với các nhóm giải pháp, nhiều quần chúng đã cho rằng: Nếu Bộ Chính trị thật lòng muốn chỉnh đốn Đảng thì phải nêu gương chỉnh từ trên xuống như lời ông Lê Khả Phiêu; tức là trong số các ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW kỳ này dứt khoát phải có ông đứng ra nhận lỗi là mình có sai sót và nhận kỷ luật ? Chả nhẽ Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương không ai có khuyết điểm gì, tốt đẹp cả thế thì tại sao đẩy Đảng vào tình thế nghiêm trọng, bê bết như hiện nay nên phải hô nhau chấn chỉnh ?
Chả nhẽ Hải Phòng bê bết như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, một Bí thư thành ủy như ông Nguyễn Văn Thành công khai bày tỏ ý kiến ngược với ý kiến kết luận của Thủ tướng mà không bị làm sao; trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Bộ Chính trị giao giải quyết việc này ? Các cơ quan chức năng dưới sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy Hải Phòng vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy mà không một lãnh đạo nào bị kỷ luật về Đảng; Tại Mục 4, Điều 9 của Điều lệ Đảng quy định về Nguyên tắc tổ chức Đảng:” Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.” Như vậy trong ý kiến phát biểu của BT Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã vi phạm mục này của Điều lệ Đảng; vì ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ý kiến đại diện cho 2 cơ quan: Người đứng đầu bộ máy hành pháp, tức Chính phủ và là người đại diện cho Bộ Chính trị đứng ra kết luận…
Thực ra truy quét và nghiêm trị đảng viên hư theo kiểu bắt tận tay day tận trán kiểu này vẫn là cách làm cò con; Để giải quyết các vấn đề thuộc nội bộ của một tổ chức, hơn nữa đây lại là tổ chức của một đảng cầm quyền thì phải làm bài bản hơn, khoa học hơn; tức là làm một cách có tổ chức chứ không phải tùy hứng hoặc duy ý chí mà phải lần tới từ gốc của vấn đề vì sao dẫn tới việc đảng viên suy thoái về đạo đức, lôi sống dẫn tới vi phạm kỷ luật, pháp luật nhà nước…
Nếu không làm một cách bài bản, đến nơi đến chốn thì cuộc chỉnh Đảng lần này sẽ rơi vào tình cảnh giống như các cuộc Liên hoan nghệ thuật – Liên hoan “nghệ thuật chính đốn Đảng”…Tại các Liên hoan mọi người đến tham gia và ra về đều vui vẻ cả, người bất tài thì sẽ được cấp chứng chỉ có mặt tại Liên hoan; người có các hoạt động nổi trội hơn một chút thì sẽ được cấp Huy chương vàng, bạc, bằng khen của hội đoàn này nọ; như vậy cái hoạt động chính trị nghiêm túc này sẽ biến thành hoạt động của cái đám phường tuồng, phường chèo…
Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: “Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.” Và nhóm 4 giải pháp: (1)Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tinh thần toát lên trong các nhóm giải pháp đó là: Xác định những việc cần làm, có thể làm ngay và những việc cần có thời gian chuẩn bị, nhất là về vấn đề xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, hiệu quả…”
Xin bắt đầu vào 3 nhiệm vụ cấp bách mà ông Nguyễn Phú Trọng đã nêu;
1/“Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đây là một cách đặt vấn đề mang nặng lối duy tâm chủ quan hay nói cách khác là “đặt cái cày trước con trâu”; triết học duy vật biện chứng mà Đảng Cộng sản vẫn lấy làm phương pháp luận từng đặt ra mệnh đề: Phạm trù tồn tại quyết định phạm trù ý thức; muốn “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”…là những lịnh vực thuộc phạm trù ý thức, thượng tầng kiến trúc thì phải bắt tay giải quyết hiện thực tồn tại khách quan vì cái tồn tại có trước ý thức… Một người đang đói thay việc động viên, khích lệ tinh thần suông thì phải thay bằng việc tìm hiểu xem anh ta là người có khả năng gì, sống trong môi trường nào và tìm cách chỉ cho anh kiếm tiền hoặc gieo trồng cây trái để cứu đói; đó mới là duy vật biện chứng…
Nhóm giải pháp này đã không đi sâu tìm hiểu, phân tích đánh giá từ nguyên nhân, quan hệ thực tiễn nào dẫn tới, xô đẩy đảng viên vào những suy thoái trên? Điều này rất đơn giản: bởi các đảng viên được trao quyền độc quyền, độc đoán, quyền lực được trao là quyền lực nhà nước, quyền lực đẻ ra tiền nhưng lại không có lực lượng đối trọng, lực lượng kiểm tra, giám sát, khống chế thì sự suy thoái, suy đồi là điều dễ hiểu vì nó bị sức mạnh, sức hút của vật chất cảm dỗ…Muốn chỉnh đốn sự suy thoái này thì phải cải tạo cái quan hệ dẫn tới sự thoái chứ không thể dùng tư tưởng để chế ngự, cải tạo tư tưởng; làm cho tư tưởng tốt lên để quay sang cải biến thực tại…Từ cái tư tưởng đã được chấn chỉnh ấy để giúp cho các chủ thế của nó sẽ chuyển biến trong việc giải quyết các vấn đề thực tại là việc làm mang tính chất áp đặt, duy tâm chủ quan, đặt cày trước trâu...Tại sao một công thức sơ đẳng như vậy của phép biện chứng mà báo cáo của TBT Nguyễn Phú Trọng chắc đã qua nhiều bộ máy tham mưu để mắt mà vẫn không sạch nước cản…Với cái cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ như hiện nay thì có chấn chỉnh giời, cán bộ Đảng tiếp tục vẫn sa vào suy thoái, làm bậy vì độc quyền quá lớn…
Về nhiệm vụ thứ 2: “Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…” Đây là một thứ khẩu hiệu trống rỗng mang yếu tố hô hào mà không chứa đựng những ràng buộc về pháp lý và nguyên tắc Đảng…Bao nhiêu xã luận, bao nhiêu nghị quyết đã đưa khẩu hiệu này ra rồi Đảng vẫn cứ suy thoái, tụt hậu thì có tiếp tục hô phỏng có ích gì ?
Còn nhiệm vụ “Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị…” điều này trong Điều lệ đã quy định rồi, có gì mới đâu…Có thể coi nhiệm vụ thứ 3 là một tối kiến; trách nhiệm người đứng đầu ư, người đứng đầu không phân địn rõ rõ trách nhiệm thì điều hành cái gì, quản lý ai?
Còn đối với nhóm 4 giải pháp: (1)Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tinh thần toát lên trong các nhóm giải pháp đó là: Xác định những việc cần làm, có thể làm ngay và những việc cần có thời gian chuẩn bị, nhất là về vấn đề xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, hiệu quả…”
Đây vẫn là những giải pháp duy ý chí, nếu không muốn nói là ảo tưởng khi Đảng muốn tự túm tóc nâng mình lên.Trong tác phẩm Làm gì, V.I Lênin nói rằng: “Hãy cho tôi một tổ chức của những người cách mạng, tôi sẽ đảo lộn cả nước Nga, rằng vũ khí đấu tranh của giai cấp công nhân không có gì khác hơn là tổ chức…”
Lê Nin nói điều này trong hoàn cảnh Đảng Bolsevich Nga chưa nắm được chính quyền, còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được quyền lãnh đạo nhà nước thì công tác tổ chức nằm trong tay Đảng. Công thức mà Lênin từng đưa ra: Nếu không có một tổ chức của những người cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng vững chắc được. Tổ chức của những người cách mạng có tính chất quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng…Chúng ta có thể hiểu muốn cải tạo một vấn đề nào đó thì phải dùng sức mạnh của một tổ chức thì mới làm được. Trong hoàn cảnh Đảng đang bét nhè như hiện nay, muốn chấn chỉnh phải có 2 cách: Tập hợp một bộ phận ưu tú trong Đảng, lập thành bộ tham mưu để chấn chỉnh cải tạo lại Đảng; Hai là sử dụng sức mạnh của nhân dân… Vậy Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã phải là bộ phận ưu tú, trung thành với quyền lợi dân tộc không; Nếu Đảng coi sự nghiệp mưu cầu hạnh phúc nhân dân là mục tiêu phấn đấu thì phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết…Nếu lấy tiêu chí này thì có không ít những vị là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương có những hành tung đáng ngờ, khó tin…Vậy thì các ông hày phê và tự phê trước xem có thành khẩn, có thành tâm không nào ? Khi các ông trong Bộ Chính trị cũng né nhau thì dại gì bên dưới lại đụng nhau ???
Mao Trạch Đông đã có lúc sử dụng sức mạnh hồng vệ binh để giải tán Đảng Cộng sản Trung Quốc; lịch sử Trung Quốc coi hành động của Mao là tội ác vì nó nhằm mục đích duy trì quyền lực cho cá nhân ông ta; song về phương pháp luận nhằm đạt một mục đích, mục tiêu chính trị nào đó không thể không ghi nhận cách làm của Mao Trách Đông là có hiệu quả nếu nhà chính trị thật sự muốn thay đổi tình thế ? Đối vởi Đảng cộng sản Việt Nam nếu thật sự chấn chỉnh để không bị sụp đổ thì có 2 cách: thay đổi từ từ hay là liệu pháp sốc ? Thay đổi từ từ thì rất dễ rơi vào tình cảnh đánh bùn sang ao ? Còn liệu pháp sốc thì trông vào dàn lãnh tụ cộng sản Việt Nam hiện nay khó tin có vị nào dám đứng mũi chịu sào như Gorbachiop, như Boris Elsin, chấp nhận những đổ vỡ đau đớn để làm lại…
Tóm lại cuộc chỉnh đốn Đảng lần này đang có nguy cơ rơi vào tình cảnh: Trên hô khẩu hiệu, dưới lại hô khẩu hiệu to hơn; khí thế thì nghe ngất trời nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy; và nếu như vậy thì cuộc chỉnh đốn Đảng được phát động rầm rộ này rất dễ bị biến tướng thành một dạng Liên hoan “nghệ thuật chấn chỉnh Đảng”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét