Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Thu phí lưu hành phương tiện: Không hết ùn tắc, có trả tiền dân?


“Người dân đồng ý nộp phí, song phải có ai đó, cơ quan nào đó đứng ra cam kết rằng khi người dân đã chấp nhận việc thu phí, giao thông phải hết ùn tắc. Còn nếu việc thu phí vẫn diễn ra mà giao thông không hết ùn tắc, số tiền mà người dân đã nộp phải được hoàn lại cho dân.”
Mục đích việc thu phí giờ cao điểm nhằm chống tắc nghẽn là chính hay thu phí là chính? Nếu thu phí mà giao thông không hết ùn tắc, số tiền mà người dân đã nộp phải được hoàn lại cho dân… là ý kiến của nhiều chuyên gia.
Những ngày đầu năm mới, vấn đề thu phí lưu hành phương tiện giao thông dường như nóng trở lại với việc UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu, đề xuất cụ thể về phương thức, giải pháp thu phí lưu hành phương tiện trong khu vực nội đô.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Sở GTVT, Sở Tài chính và Công an thành phố, yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cụ thể về phương thức, giải pháp thu phí lưu hành phương tiện trong khu vực nội đô.

Cần thiết nhưng không vội vã
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho biết: “Việc thu phí phương tiện vào nội đô giờ cao điểm có lẽ là cần thiết. Các nước cũng đã áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phải có dự án nghiên cứu rất cụ thể, phải xác định nội đô là những vùng nào, không phải quận nội thành nào cũng là nội đô cả”. Ông Hùng cũng cho rằng, cần xác định cả vấn đề giao thông Hà Nội khác giao thông của đô thị của các nước như thế nào. Bởi Hà Nội có hệ thống giao thông chằng chịt, có nhiều ngõ ngách vào trung tâm, do vậy phải xác định vùng nội đô từ ranh giới nào để đặt trạm thu phí để đảm bảo không ùn tắc giao thông và chống thất thu. Nếu nhiều trạm quá thì nhà nước cũng không đủ kinh phí và cũng khó thu hút tư nhân đầu tư. Một điều cần lưu ý nữa là trạm thu phí phải được tự động hóa để không gây ùn tắc giờ cao điểm. Ngoài ra, cũng phải nghiên cứu xem dân cư trong nội đô có xe thì liệu có nên thu phí đỗ xe của họ không.
Theo các chuyên gia, việc thu phí lưu hành phương tiện phải được tham khảo ý kiến người dân, trước khi thực hiện Ảnh: Mạnh Đồng
“Nói chung, có hàng loạt vấn đề phải nghiên cứu: mức thu bao nhiêu là hợp lý, vì các phương tiện đã phải đóng nhiều loại phí như: phí trước bạ, phí môi trường, phí bảo trì đường bộ… Chủ trương hạn chế phương tiện đi vào thành phố giờ cao điểm là cần thiết, nhưng không thể vội vã, nên tham khảo ý kiến của đông đảo người dân”, ông Hùng cho hay.
Chống tắc nghẽn hay thu phí là chính?
Chung quan điểm, TSKH Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, cũng cho rằng, cứ để các cơ quan chức năng nghiên cứu. Việc thu phí lưu hành phương tiện vào nội đô giờ cao điểm là vấn đề mới. Việc đưa ra chính chính sách gì có thể hạn chế ùn tắc cũng tốt, nhưng việc thu phí giờ cao điểm, cần làm rõ mục đích là gì, chống tắc nghẽn là chính hay thu phí là chính. Nếu mục đích chống tắc nghẽn là chính thì phải xem có giải pháp nào tốt hơn không, nếu có thì phải ưu tiên trước. Bên cạnh đó, cần phải lấy ý kiến của nhân dân thông qua HĐND, muốn mở rộng hơn thì tiến hành thông qua các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội… liên quan đến đối tượng bị thu như Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam, Hiệp hội taxi Hà Nội…
Trong khi đó, một chuyên gia về khoa học GTVT cho rằng, trước khi tiến hành thu phí, cần phải quy trách nhiệm cho những cá nhân, đơn vị liên quan. Người dân đồng ý nộp phí, song phải có ai đó, cơ quan nào đó đứng ra cam kết rằng khi người dân đã chấp nhận việc thu phí, giao thông phải hết ùn tắc. Còn nếu việc thu phí vẫn diễn ra mà giao thông không hết ùn tắc, số tiền mà người dân đã nộp phải được hoàn lại cho dân.
Trước đó, ngày 28.12.2011, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô-tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001.
Theo đó, mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ được dự kiến thu ở mức cao nhất 50 triệu đồng/năm, thấp nhất 20 triệu đồng/năm đối với ô-tô. Đối với mô-tô tại các TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, cao nhất 1 triệu đồng/năm và thấp nhất là 500.000 đồng/năm. Riêng xe công và xe buýt được miễn thu. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6 – 8g30, chiều từ 16g – 19g hàng ngày (trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ).
Mạnh Đồng

Không có nhận xét nào: