Anh Đoàn Văn Vươn và anh Đoàn Văn Quý.
Mặc Lâm
Mọi việc phải làm cho công minh. Đúng sai phải rõ ràng, vừa đúng pháp luật nhưng phải hợp lòng dân. – Ông Phạm Thế Duyệt
Ngày 16/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI với nội dung về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Chỉ hơn bốn tháng sau vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng xảy ra cho thấy ban lãnh đạo Hải Phòng không chú ý gì đến Nghị quyết này. Mặc Lâm có bài chi tiết sau:
Trong khi thế giới ngày một chú ý tới các diễn tiến tại Trung Đông và Bắc Phi, Việt Nam không thể nằm bên ngoài dòng thời sự này khi các vấn đề nội tại ngày đêm thúc đẩy người cầm quyền từ những bức xúc, đòi hỏi một tiến trình thay đổi mạnh mẽ hơn nữa khi công cuộc đổi mới phát động vào năm 1986 nay đã trở thành lạc hậu và mang tính tuyên truyền hơn là vận động cho một cuộc thay máu thực sự.
Nghị quyết 4 ra đời trong bối cảnh này nhằm cải tổ hệ thống Đảng khi nhiều vấn đề âm ỉ trong cơ thể của một thể chế chính trị tuy độc quyền cai trị nhưng lại yếu kém trong việc sử dụng pháp luật để uốn nắn những cán bộ có năng lực và đạo đức chệch hướng. Người quan tâm thời cuộc có cơ hội đặt hy vọng một lần nữa vào thiện chí xây dựng Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam có Nghị quyết để kiện toàn bộ máy.
Khi đồng tiền được tôn sùng
Ông Lê Văn Hiền(nay đã bị đình chỉ công tác): “Khi hết thời hạn thuê đất mà chủ đầm không trả thì cưỡng chế” (ngày 12/1/2012). Source dantri-online.
Tiền đề của Nghị quyết 4 nhìn nhận một sự thật đang xảy ra trong Đảng là chủ nghĩa đồng tiền đã đè bẹp lý tưởng mà người cộng sản theo đuổi. Dù sự thật này sẽ làm cho những nhà lý luận trong Đảng bất bình nhưng dân chúng nhận ra dù sao sự chấp nhận này của Đảng cho thấy ít nhiều những thay da đổi thịt có tính quyết định hơn những lần trước, Nghị quyết 4 có đoạn viết:
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, trong đó có những Đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”
Sự nhìn nhận này không mới nhưng đưa ra kịp lúc để trấn an lòng dân, khi xu thế thông tin toàn thế giới đã mở một cánh cửa to lớn không cách nào đóng lại được nữa.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
Giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Photo courtesy of Trần An Lộc/danlambaovn.blogspot.com.
Nghị quyết 4 cũng nhìn nhận một câu “slogan chính trị” nay đã tỏ ra hết hiệu quả hoặc nếu còn thì đã bị chệch đi ý nghĩa ban đầu mà trung ương muốn cho người dân thấm nhuần trong tư tưởng. Đó là câu “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Nghị quyết 4 thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết khi thực tế mà toàn dân đều thấy:
“‘tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.”
Tập thể lãnh đạo không chu toàn bổn phận dẫn tới cá nhân lộng hành và tha hóa cả hệ thống là hệ lụy khó chối cãi. Cá nhân len lỏi trong những ngóc ngách dầy dặc của các thứ giấy tờ chồng chéo nhau cộng với những luật lệ khó giải thích để tha hồ bóc lột, cưỡng bức người dân hầu vơ vét đất đai, tài nguyên và thi nhau làm giàu bất chính. Nghị quyết 4 mở ra cánh cửa mang ánh sáng mặt trời soi lên các ung nhọt mà từ lâu các tầng lớp Đảng viên từ địa phương tới trung ương thay nhau lạm dụng.
Không ai có thể đứng ngoài
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành tại cuộc họp báo về vụ Tiên Lãng hôm 07/02/2012. Photo courtesy of giaoduc.net.vn.
Nghị quyết 4 đã cụ thể hóa trách nhiệm của từng thành viên cao nhất trong Đảng và chính thức lột tấm màn tập thể lãnh đạo một cách chung chung khi viết:
“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo.
Một là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
Hai là, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.”
Tuy nhiên vụ Tiên Lãng xảy ra không đầy năm tháng sau khi Nghị quyết 4 ra đời đã làm nhận thức của người Đảng viên không thể không chao đảo. Đảng nỗ lực thay đổi nhưng Hải Phòng có dấu hiệu đang dùng mọi cách để hãm cỗ xe chỉnh đốn Đảng đến nỗi nhiều cán bộ cao cấp phải lên tiếng cho là Hải Phòng đang chống lại Nghị quyết 4 một cách công khai.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị là người từng trực tiếp giải quyết vụ Thái Bình vào năm 1997 cho báo chí biết Tiên Lãng còn nguy hiểm hơn cả Thái Bình. Ông xác nhận Nghị quyết 4 là đúng đắn khi được đưa ra vào thời điểm khó khăn hiện nay:
“Cái vụ Tiên Lãng không phải có Nghị quyết rồi nó mới xảy ra. Chẳng qua là khi có Nghị quyết rồi thì nó bộc phát ra những việc cụ thể mà thôi. Cách giải quyết các thứ nó đã có quá trình từ nhiều tháng trước chứ không phải có Nghị quyết Trung Ương 4 rồi nó mới bộc lộ ra. Nghị quyết Trung ương 4 thể hiện những tích tụ từ lâu nhưng đến bây giờ mới lộ ra chứ không phải là vì Nghị quyết Trung ương 4 ra thì nó mới xảy ra.
Chẳng qua nó chứng minh rằng nhận định của Trung ương qua Nghị quyết 4 rất đúng đắn đối với tầm bao quát của cả nước về những hiện tượng không phải là ít nó xoay quanh câu chuyện mất dân chủ, xa dân, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng các thứ.
Mọi việc phải làm cho công minh. Đúng sai phải rõ ràng, vừa đúng pháp luật nhưng phải hợp lòng dân. Vừa đúng pháp lý nhưng phải đúng với đạo lý và đừng tránh né, mọi sự công bằng công khai thì sẽ tốt. Việc làm thì phải phát huy thẳng thắn dân chủ trên dưới. Anh em có quyền đóng góp ý kiến của mình. Khi sự việc đã không đúng rồi thì giải quyết cách nào cũng không thể đúng được.”
Vẫn Còn Người Tốt
Ông Nguyễn Sự, bí thư thành uỷ Hội An: “Đã làm quan thì phải đàng hoàng”. Nguồn www.hoian.vn/Ảnh: Tuổi trẻ.
Nói với chúng tôi ông cho biết phương châm làm việc khiến ông được người dân đồng tình đó là:
“Điều quan trọng nhất bây giờ làm cho người dân đồng tình và ủng hộ là phải luôn luôn nghĩ đến lợi ích của họ. Cứ một chủ trương, một công việc nào đặt ra thì chủ trương và công việc đó phải tìm hiểu người dân được lợi cái gì, và nếu người dân có lợi thì mới làm nếu không có lợi cho dân thậm chí bất lợi cho dân thì kiên quyết không làm.
Chính vì thế khi có một chủ trương nếu ban đầu dân người ta chưa đồng tình, chưa thuyết phục nhưng đến lúc tổ chức thực hiện rồi thì người ta thấy nó mang lại quyền lợi cho họ thì người ta sẽ ủng hộ. Người ta không những chỉ ủng hộ mà còn tự giác thực hiện chủ trương đó. Từ vấn đề như vậy nên công việc mà Hội An triển khai thường được người dân ủng hộ thông suốt.”
Điều quan trọng nhất bây giờ làm cho người dân đồng tình và ủng hộ là phải luôn luôn nghĩ đến lợi ích của họ.
Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự
So với Tiên Lãng ông Nguyễn Sự thành thật nhận rằng ông cũng có lúc sai lúc đúng, nhưng cái lo lắng phục vụ nhân dân đã giúp ông vượt qua được những thứ mà người khác trong cương vị như ông dễ mắc bẫy, đó là chiếc bẫy quyền lực, ông nói:
“Tôi có theo dõi vụ này qua thông tin báo chí nhưng tôi không nắm cụ thể việc xảy ra ở Tiên Lãng như thế nào. Đối với Hội An của chúng tôi có những việc mà đôi lúc sai, không phù hợp dù động cơ rất tốt nhưng khi triển khai tổ chức lại không phù hợp thì việc đầu tiên của chúng tôi là phải xin lỗi dân và đồng thời phải sửa những việc mình làm sai với dân. Vấn đề thứ hai nếu dân bị thiệt hại do chủ trương của mình thì bản thân nhà nước phải đứng ra đền bù thỏa đáng và khôi phục lại mọi quyền lợi cho người dân.
Hội An cũng từng xảy ra những trường hợp không đến mức độ như Tiên Lãng nhưng chủ trương mà chúng tôi làm mà cộng đồng hay cá nhân bị thiệt hại hay xâm phạm quyền lợi do chủ trương đó vì nghĩ chưa đến thì bản thân chúng tôi phải khắc phục ngay điều đó đối với chính mỗi người dân và cộng đồng cư dân. Do đó người dân họ thông cảm bởi vì mọi quyết định, mọi việc làm không phải lúc nào cũng đúng. Hội An chúng tôi đã từng làm như vậy và bây giờ cũng phải tiếp tục làm như vậy.”
Rất không may, những người như ông Nguyễn Sự không nhiều trong khi các nhân vật khác như Nguyễn Văn Thành, Đỗ Hữu Ca lại tràn ngập các cơ quan công quyền từ cao tới thấp. Nghị quyết 4 cho đến nay vẫn sẽ chỉ là một Nghị quyết suông nếu vụ Tiên Lãng không được áp dụng triệt để nhằm lấy lại sức sống cho một Đảng cầm quyền đã quá lâu không tạo ra được một ấn tượng nào trong các đối sách nhằm nâng cao sự đồng thuận của người dân qua vai trò lãnh đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét