Ông Nguyễn Văn Hải (đứng giữa) trong một cuộc biểu tình về Hoàng Sa – Trường Sa.
Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức liên đới giữa Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới chống Tra tấn (OMCT), ra thư ngỏ kêu gọi sự quan tâm dành cho ông Hải.
Ông Hải đã tiếp tục bị giam từ ngày 19/10/2010 mặc dù khi đó đã mãn hạn tù hai năm rưỡi vì tội “trốn thuế”.
Đài Quan sát nói họ được thông báo từ Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) về sự mất ích khi đang thi hành án của ông Hải, người sáng lập nên Câu lạc bộ Ký giả tự do và là một cây bút nổi tiếng trên cộng đồng mạng.
Theo thông tin mà tổ chức này nhận được, ông Hải không có sự liên lạc nào với gia đìnhtrong vòng 16 tháng qua.
Vợ cũ ông Hải, bà Dương Thị Tân, nói bà không được gặp mặt hay tiếp nhận bất cứ thông tin về chồng mình và công an tiếp tục từ chối thông báo nơi giam giữ ông Hải.
Thông báo của tổ chức này có đoạn thuật lại việc bà Tân đến gửi qùa Tết cho chồng trước dịp Tết Nhâm Thìn.
Nhưng đến hôm 1/2, khi bà đến Cơ quan An ninh Điều Tra Thành phố Hồ Chí Minh tại đường Phan Đăng Lưu yêu cầu lấy giấy biên nhận do chồng bà ký theo thông lệ dành cho các gia đình phạm nhân, thì công an đã đưa cho bà Tân một giấy biên nhận được ký vội
Thông cáo nói: “Chữ ký cực kỳ nguệch ngoạc. Đây chắc chắn không phải là chữ ký của Điếu Cày.”
Hôm 6/2, bà Tân đến Viện Kiểm Sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu được thông báo tin tức của chồng mình sau bảy lần viết đơn, nhưng vẫn bị từ chối.
Đài Quan sát nói họ lo ngại rằng ông “có thể đã chết trong tù hoặc ốm nặng”.
Tổ chức này kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam khẩn trương cung cấp thông tin về tình hình của Điếu Cày, bao gồm nơi giam giữ hiện thời và tình trạng sức khoẻ cũng như tôn trọng quyền được tiếp xúc và liên lạc với gia đình.
Trước đó, hồi tháng 7/2011, bà Tân cho biết bà nhận được thông báo trực tiếp từ Trung tá công an Đặng Hồng Điệp thuộc Cơ quan An ninh Điều Tra Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Điếu Cày bị “mất tay” trong trại giam.
Tháng 9/2008, ông Nguyễn Văn Hải bị Tòa án Quận 3, TP Hồ Chí Minh, tuyên mức án tù 2 năm rưỡi với các tội danh “trốn thuế” và bị giam giữ từ đó tới nay, mà chưa hề được trao trả tự do.
Việt Nam thường bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc là “không tôn trọng” các thoả thuận về luật nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký.
Tổ chức Human Rights Watch nói riêng trong năm 2011, chính quyền đã xử phạt ít nhất 33 nhà bất đồng chính kiến và nhà vận động ôn hòa với tổng cộng mức án lên tới 185 năm tù và 75 năm quản chế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét