Pages

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

DNNN thua lỗ: Thất bại của Ban kiểm soát?


 Sau Vinashin, Vinalines lại gây sốc với những món lỗ được tính hàng trăm tỷ. Và lúc này, câu hỏi cần được làm rõ: Vai trò của Ban kiểm soát ở đâu và phát huy vai trò thế nào trong các tập đoàn kinh tế?.

Đâu rồi Ban kiểm soát?
Ở cả Vinashin và Vinalines đều có ban kiểm soát. Nhưng bao nhiêu năm, các quyết định "trái khoáy" của hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành mà Ban kiểm soát lại không phát hiện ra, không báo cáo tình trạng lỗlãi? Trách nhiệm của Ban kiểm soát đến đâu?
Về trường hợp của Vinashin, tập đoàn này hoạt động theo Nghị định số101/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo đó, Ban kiểm soát các tập đoàn do HĐQT thành lập, trưởng ban Kiểm soát là thành viên của HĐQT được HĐQT phân công làm nhiệm vụ. Các thành viên của Ban Kiểm soát do HĐQT lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cả Ban Kiểm soát hoạt động theo quy chế của HĐQT ban hành.Đây là việc không nên vì theo thông lệ, Ban Kiểm soát là đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của HĐQT, banđiều hành nhằm đảm bảo đúng đắn, phù hợp.
Như vậy, hiểu theo nghĩa này, Ban Kiểm soát phải độc lập thực sự với HĐQT, ban điều hành. Tuy nhiên, cách thức tổ chức Ban kiểm soát như các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay làm yếu đi rất nhiều chức năng của Ban kiểm soát, nếu không muốn nói đây là lỗ hổng của hoạt động kiểm soát doanh nghiệp nhà nước.
Chưa kể, Nghị định này cũng cấm Ban kiểm soát tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được sự cho phép của HĐQT. Vậy HĐQT có đủ độ "dũng cảm" đểcho Ban kiểm soát công bố báo cáo của mình?
Theo kết quả điều tra về quản trị doanh nghiệp nhà nước, giám sát tậpđoàn kinh tế nhà nước, do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ (CIEM) công bố ngày 12/11 thì có tới 63% doanh nghiệp thừa nhận thu nhập, thù lao của Ban kiểm soát chủ yếu do chính các tập đoàn, tổng công ty chi trả. Chỉ 50% ý kiến điều tra cho biết hoạt động của Ban kiểm soát độc lập với HĐQT hoặc chủ tịch HĐQT, gần 30% doanh nghiệp công nhận Ban kiểm soát có tiến hành giám sát các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp với người có liên quan trong HĐQT...
Điều này cũng dễ hiểu vì sao mà các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tếnhà nước lỗ nhiều năm mà không ai báo cáo, chỉ đến khi có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán mới "tòi" ra vấn đề.
Và TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ trả lời phỏng vấn báo chí ngày 25/5/2012 khi nói về Vinashin, Vinalines thì: "sai phạm của các doanh nghiệp này là sự thất bại của kiểm soát nội bộ".
Cần định vị lại vai tró của Ban kiểm soát tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (ảnh Vinalines)


Khi nghiên cứu, đổi mới cung cách giám sát quản lý các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, chắc chắn phải đổi mới hệ thống giám sát, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, mà bước đầu là đổi mới Ban kiểm soát. Họ phải thực sự là đại diện của chủ sở hữu, tức đại diện của Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, giám sát, bảo vệquyền lợi của chủ sở hữu phần vốn.
Kiểm toán nội bộ phải có thực quyền
Nhiều người cho rằng, hiện đang có và sẽ có nhiều cơ quan tham gia hoạt động giám sát quá trình sử dụng vốn của nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty như thanh tra, kiểm toán... Nhưng, với sức lực hiện nay, các đơn vị này có đủ vươn tầm tất cả tập đoàn, tổng công ty để đảm bảo có kết quả báo cáo hàng năm? Để an toàn vốn, có lẽ, phải tăng cường năng lực kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp trước.
Bộ phận đầu tiên phải được tăng cường là Ban kiểm soát. Có lẽ, đãđến lúc các cấp lãnh đạo cần định nghĩa và định vị lại vai trò của Ban kiểm soát. Ở đây, các quy định cần phải khẳng định rõ ràng hơn quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ Ban kiểm soát, trưởng ban Kiểm soát và từng thành viên Ban kiểm soát. Trước hết, các văn bản phải khẳng định được vị thế độc lập, đại diện cho chủ sở hữu thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, chủ sở hữu là nhà nước thì Ban kiểm soát cũng phải là đại diện của nhà nước, và trưởng Ban kiểm soát cần phải do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
Theo xu hướng hiện nay, Ban kiểm soát có 3 quyền cơ bản: kiểm soát toàn bộ hệ thống tài chính và việc thực hiện các quy chế của công ty; kiểm tra bất thường khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông; can thiệp vào các hoạt động của công ty khi cần thiết thông qua các kiến nghị về việc thay đổi chính sách, các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Trong nghị định 101/2009/NĐ-CP mới giao được quyền đầu tiên cho Ban kiểm soát, quyền thứ hai thì lờ mờ hiểu và quyền thứ ba thì tuyệt nhiên không thấy đề cập. Việc thiết lập mô hình quản trị của các doanh nghiệp nhà nước không nên đi ngược lại xu thế hiện nay: càng ngày, Ban kiểm soát càng độc lập, ngang hàng với HĐQT và cao hơn Ban điều hành.
Quyền nữa cần được làm rõ là quyền báo cáo của Ban kiểm soát. Khi phát hiện các sai sót của chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT, các thành viên Ban điều hành thì họ sẽ báo cáo ai? Có nên chăng, cho phép Ban kiểm soát các tập đoàn, tổng công ty báo cáo Thủ tướng Chính phủ?
Ngoài ra, hệ thống kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp này cũng phải được tăng cường. Thực ra, các Thông tư số 52/1998/TT-BTC ngày 14/06/1998 và Thông tư 171/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998, Bộ Tài chính đã bước đầu tạo ra một hành lang pháp lý cho hệ thống kiểm toán nội bộtrong các DNNN. Tuy nhiên, mô hình này không "trụ" được lâu do làm "phình to" biên chế của các doanh nghiệp. Và theo thống kê cho đến hôm nay, rất ít các doanh nghiệp nhà nước đã hình thành được hệ thống kiểm toán nội bộ.
Và nếu có hệ thống này, theo thông tư 171/1998/TT-BTC thì hệ thống này đặt dưới sự chỉ đạo của tổng giám đốc. Điều này có lẽ lại tiếp tục làm giảm "sức mạnh", sự độc lập của hệ thống này. Cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông tư số 44/2011/TT-NHNN về quy định hệ thống kiểm toán nội bộ của các ngân hàng trực thuộc Ban kiểm soát. Có lẽ, với việc tăng tính độc lập của Ban kiểm soát, thì hệ thống kiểm soát nội bộcũng cần chuyển sang Ban kiểm soát.
Tóm lại, các tập đoàn, tổng công ty lỗ thường do sai phạm về quản lýđầu tư. Và đã lỗ thì con số lên tới cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Kiểm soát nội bộ tốt, phát hiện sai phạm và phòng ngừa kịp thời sẽ giúp bớt đi phần nào những thiệt hại đó.
Trần Anh Tuấn

Không có nhận xét nào: