Pages

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thiếu đất xây dựng : Trung Quốc lấn biển xây đảo nhân tạo



Chính quyền tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc,  dự trù tạo đảo nhân tạo vì thiếu đất.

Chính quyền tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, dự trù tạo đảo nhân tạo vì thiếu đất.
DR

Minh Anh
Sáu hòn đảo nhân tạo sẽ được mọc lên ngay từ năm 2014, là mục tiêu của dự án lấn biển của chính quyền tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Hiện nay, tại thị xã Long Khẩu của tỉnh, mỗi ngày có đến hơn 350 xe tải chở tổng cộng 150 ngàn m3 đất đá đổ thẳng ra biển. Theo báo Le Monde, kế hoạch này được thực hiện nhằm đáp ứng tình trạng thiếu đất đai cho nhu cầu địa ốc và phát triển công nghiệp của vùng. Tuy nhiên, dự án này bị xem là có những tác hại nặng nề cho môi trường, vốn dĩ đã bị ô nhiễm nặng bởi các khu công nghiệp.

Với bài viết đề tựa « Thiếu đất, Trung Quốc cho mọc nhiều hòn đảo nhân tạo trên vùng biển Bột Hải », Le Monde cho biết đất để xây dựng nhà ở và cho phát triển công nghiệp đang ngày càng khan hiếm và trở nên đắt đỏ. Một mẫu đất với diện tích khoảng hơn 660m² trong các đô thị lớn nằm xung quanh vùng biển Sơn Đông giá có thể lên đến 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu euro). Một khu vực mà Le Monde cho rằng mật độ dân số không cao.

Trong khi đó, cũng với diện tích này, nhưng nếu mua trên vùng đất lấn biển giá bán cao nhất chỉ độ khoảng 300 ngàn nhân dân tệ / mẫu (tương đương với 37 ngàn euro).
Le Monde cho biết, để thực hiện dự án lấn biển, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã cho san bằng hai ngọn đồi. Điểm thuận lợi của dự án, cho phép chính quyền địa phương có thêm đất đai để phát triển địa ốc và khu công nghiệp nhưng không đi ngược lại với mục tiêu do Bắc Kinh đề ra là bảo toàn 1,8 triệu mẫu đất canh tác trên toàn lãnh thổ.
Thế nhưng, trên phương diện sinh thái, các nhà môi trường Trung Quốc nghi ngờ về hiệu quả của dự án này. Theo giải thích của ông Lưu Hồng Binh, giáo sư trường đại học Hải dương học Trung Quốc, « khi lấn biển, các loài cá và nhiều loài sinh vật biển khác cũng sẽ biến mất. Đất cát và bùn được đổ xuống biển cũng sẽ làm biến đổi môi trường khu vực qua việc gây ảnh hưởng đến dòng chảy ».
Một nhà môi trường xin giấu tên cho báo Le Monde biết rằng, cách khu vực hòn đảo nhân tạo 240 km về phía tây, việc xây dựng một khu công nghiệp với diện tích 232 km² đòi hỏi phải xây dựng ngay trên các khu rừng sú vẹt của khu bảo tồn thiên nhiên ngay vùng cửa sông Hoàng Hà. Khu bảo tồn này dùng làm vùng đệm cho các đàn sếu châu Á trong mùa di trú. Ông này cho rằng chính việc xây dựng các nhà máy hóa dầu đã làm biến đổi sâu sắc hình dạng của bờ biển và hệ sinh thái.
Theo bài viết, cú thúc đẩy dự án này đến từ chính quyền trung ương. Nhân chuyến đến thăm khu vực vào năm 2009, ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi phát triển « một khu kinh tế xanh trên vùng bán đảo Sơn Đông ». Bởi vì, châu thổ sông Hoàng Hà, con sông lớn thứ hai của Trung Quốc, đang đi chậm hơn so với vùng châu thổ Dương Tử của Thượng Hải và vùng Châu Giang của tỉnh Quảng Đông.
Le Monde cho biết, để dự án có thể được Hội đồng chính phủ và chính quyền trung ương chấp nhận, chính quyền địa phương cần phải có được sự tán thành của các chuyên gia môi trường. Nhưng theo nhận định của một chuyên gia « Tại Trung Quốc, các dự án tiến triển rất nhanh, còn các nghiên cứu môi trường thường được làm qua quít ».
Đấy là chưa kể đến việc phải trưng thu đất đai của người dân quanh khu vực. Le Monde thuật lại rằng những người dân chài mới đến sống trong khu vực sẽ không được bồi thường. Còn những người sống dọc theo bờ biển lâu nay, chính quyền và chủ đầu tư chỉ sẽ bồi thường với mức giá 10 ngàn nhân dân tệ/ mẫu (khoảng 1.200 euro), thấp hơn mức giá mà họ sẽ bán ra đến 30 lần.
Bữa ăn với chất phóng xạ
Theo Libération, thảm họa hạt nhân đang làm thay đổi cách sống của nhiều hộ gia đình tại Tokyo. Họ bắt đầu thay đổi cách thức ăn uống: ngưng mua sắm tại các chợ hay trong các siêu thị, bữa ăn tại các nhà hàng giờ là chuyện xa xưa. Tất cả đều được đặt qua mạng Internet ở những cơ sở chuyên cung cấp sản phẩm sinh học (hay thực phẩm sạch). Thậm chí có nhiều người đi mua sắm với chiếc máy đo phóng xạ trên tay. Chủ đề này được báo Libération đề cập đến qua bài viết đề tựa « Bữa ăn với becquerel ».
Lo sợ con trẻ sẽ dùng phải các thức ăn có nhiễm chất phóng xạ, người dân Nhật Bản bây giờ mỗi khi đi chợ phải mất hàng giờ để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, nồng độ chất phóng xạ… ghi trên nhãn mác các sản phẩm được bày bán tại các chợ hay trong siêu thị. Họ cho rằng trẻ em vẫn là đối tượng nhạy cảm nhất với các chất phóng xạ hạt nhân phân tán trong không khí và đất. Theo họ, « mức chuẩn 100 becquerel/ kg do chính phủ ban hành là quá cao cho một đứa trẻ ».
Theo ghi nhận của ông Roland Desbordes, chủ tịch Hiệp hội Pháp Criirad (Commission de recherche et d’information indépendantes sur la radioactivité - Ủy ban nghiên cứu và thông tin độc lập về chất phóng xạ), « dù đấy là những liều thấp nhất trong mức tuyệt đối, nhưng đã từ một năm nay, lượng chất phóng xạ này đã được tích dồn lại, người dân Nhật đã nuốt quá nhiều chất phóng xạ. Nay rất có nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư, các loại bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch và tim mạch ».
Báo Libération nhận định rằng bất chấp việc chính quyền Tokyo đã cho thiết lập lại các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhưng người dân vẫn khó có thể nào tin tưởng vào sự an toàn có được trong các món ăn. Dự án thử nghiệm tất cả các loại thực phẩm được bán tại một thành phố 35 triệu dân rõ ràng là một chuyện ảo tưởng. Dù rằng tại Tokyo có rất nhiều viện, cơ quan trực thuộc Bộ hay nhiều cơ quan chính phủ khác để thực hiện các chiến dịch đo chất phóng xạ, nhưng người dân vẫn đánh giá rằng hiệu quả của công tác kiểm soát vẫn để lại nhiều điều bất cập. Đó là do việc mỗi tuần chỉ có 30 sản phẩm được rút ra một cách ngẫu nhiên từ 4.170 siêu thị tại Tokyo để làm xét nghiệm.
Bài báo cũng cho biết rằng, nhiều trường hợp dán nhãn mác giả lên các sản phẩm đến từ các vùng nhiễm xạ đã bị phát hiện. Hành động này còn làm tăng thêm mối nghi ngờ của người tiêu thụ. Do đó, để chiếm lại niềm tin của khách hàng, nhiều nhà cung cấp lớn đã lao vào cuộc đua, tự đưa ra các chương trình thử nghiệm, bằng cách áp đặt các tiêu chuẩn còn nghiêm ngặt hơn là của chính phủ. Các chủ siêu thị lập luận rằng họ vẫn có thể thiết lập một mối quan hệ tin tưởng với khách hàng nếu như các phương pháp thử nghiệm của họ có thể đạt được ở ngưỡng số 0.
Tuy nhiên, Libération cho rằng các chiến dịch do các nhà cung cấp tung ra cũng chỉ làm cho người tiêu thụ thêm vò tai bứt tóc giữa một mớ các con số rối rắm và các tiêu chuẩn trái chiều nhau. Họ tự hỏi liệu tốt hơn hết là nên ăn các loại thực phẩm nhiễm chất trừ sâu của Trung Quốc hay là các loại thực phẩm đến từ Fukushima.
Đừng nhầm lẫn giữa sự tạo hứng và học tập
Trở lại với báo Le Monde, trên lãnh vực giáo dục - tâm lý học, trong bài viết đề tựa « Đừng nên nhầm lẫn giữa sự tạo hứng và học tập », các chuyên gia tâm lý cho rằng « ngay từ 3 tuổi, trẻ nhỏ có thể tìm hiểu về âm nhạc hay múa, nhưng trong tinh thần chơi hơn là học ».
Nhà tâm thần học Patrice Huerre cảnh báo rằng: « Nếu các bậc cha mẹ nhắm một hoạt động nào đó như là một kiểu học, hay như họ lập luận theo sự tinh thông, tính hiệu quả, sự phát triển sớm hay hiệu suất, là họ đang đi sai đường. Điều đó chỉ có làm được nếu hoạt động đó được xem như là một trò chơi, trò giải trí và như vậy ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bắt đầu được hết ! ». Một ý kiến cũng được bà Genevière Djénati, nhà tâm lý học và thầy thuốc gia đình đồng chia sẻ.
Về điểm này, các nhà đào tạo âm nhạc cũng cùng chung quan điểm. Theo ông Serge Cyferstein, giám đốc khoa phương pháp giảng dạy tại Nhạc viện Paris, trẻ nhỏ có thể bắt đầu chơi một nhạc cụ ngay từ lúc ba tuổi, nhưng với điều kiện dưới hình thức trò chơi và dưới sự kiểm soát của các nhà chuyên nghiệp được đào tạo theo các phương pháp kích hoạt như Martenot, Willems, Dalcroze hay Orff
Các phương pháp này mang tên của các nhà sáng lập ra chúng. Theo đó, trẻ nhỏ là một diễn viên chứ không phải là một người nghe thụ động. Trẻ chìm cảm thụ âm nhạc bằng chính các giác quan của chúng, chứ không phải bằng trí tuệ. Chúng kết nối âm nhạc với sự cử động và sẽ có sự ứng tấu. Ví dụ, với phương pháp Willems, các bé 3 tuổi có thể cảm nhận nhịp đếm của các nốt nhạc mà không hề cần biết trước.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, trẻ nhỏ không nên thực hành một loại nhạc cụ nào trước 4 tuổi, vì “điều đó có nguy cơ sẽ làm cho trẻ chán ». Bên cạnh đó, các giáo viên âm nhạc được đào tạo theo phương pháp Dalcroze cho biết không nhận trẻ vào các trường nhạc trước 6 tuổi.
Về phần múa, các nhà đào tạo cùng đồng tình rằng « chúng ta có thể tạo hứng cho trẻ bắt đầu từ lúc 4 tuổi ». Ông Desiré Reynal, giáo viên Nhạc viện tại Paris giải thích : « Cần phải xuất phát từ những câu chuyện nhỏ, về bà phù thủy lưng gù, hay nàng công chúa thân cứng cổ dài ».
Còn theo bà Jeannine Lorca, giáo viên múa tại Trung tâm múa Marais tại Paris : « Để bắt chước điệu bộ đám mây hay cánh chim, chúng tôi thực hiện một động tác rất nhẹ nhàng rồi nặng dần, làm sao cho trẻ cảm nhận được sức nặng cơ thể khi nằm dài trên mặt đất hay khi đứng thẳng, sau đó chúng tôi sẽ hạ xuống đất và lại đi lên theo nhiều cách khác nhau ».
Le Monde cho biết, theo luật được ban hành vào ngày 10/7/1989, liên quan đến việc đào tạo múa, quy định rằng trẻ nhỏ từ 4 đến 5 tuổi chỉ có thể tập các động tác cử động cơ thể nhẹ nhàng. Còn để đào tạo múa cổ điển, đương đại và jazz, trẻ từ 6 đến 7 tuổi chỉ có thể thực hành một hoạt động nhập môn. 

Không có nhận xét nào: