(VnMedia) - Bãi cạn Scarborough là một khu vực quá nhỏ và gần như biến mất dưới mặt biển khi thủy triều dâng. Tuy nhiên, trong 7 tuần qua, nó đang trở thành trung tâm của một cuộc đối đầu gay gắt giữa Trung Quốc-Philippines. Điều đáng nói hơn là, đằng sau cuộc đối đầu này ẩn chứa một cuộc “ganh đua” lớn hơn giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.
Một số nhà phân tích tin rằng, Biển Đông hiện nay là phiên bản trên biển của “trận địa” Trung Á trong “Cuộc chơi lớn” diễn ra ở thế kỷ 19. Khi đó, Đế quốc Anh và Đế quốc Nga đã ra sức phô trương sức mạnh quân sự của họ nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á. Tuy nhiên, hai nước này chưa bao giờ rơi vào xung đột trực tiếp. Ở Biển Đông hiện nay, hai siêu cường mới nhất của thế giới – Trung Quốc và Mỹ đang có cuộc chạy đua giành giật một vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên. Biển Đông là nơi sản xuất ra 1/10 lượng hải sản của thế giới, chịu trách nhiệm 1/3 tổng giao dịch thương mại thế giới và nếu chính xác thì nó chứa tới 100 tỉ thùng dầu cùng gần 2 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên.
Mỹ “khoe” sức mạnh của cường quốc quân sự số 1 thế giới
Sau khi xảy ra vụ va chạm tàu thuyền giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough hôm 10/4, người ta chứng kiến những hành động phô trương sức mạnh quân sự “rầm rập” của Mỹ ở Biển Đông. Đây là cách để Mỹ thể hiện sự quan tâm của họ đối với khu vực đang dậy sóng này. Mặc dù Mỹ tuyên bố đứng trung lập trong các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông nhưng nước này lại khẳng định, họ có lợi ích sống còn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải ở đây.
Tuyên bố trên Washington được cho là một thông điệp đầy hàm ý gửi đến Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đang có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Và Mỹ muốn nhắn nhủ với Trung Quốc rằng, họ sẽ không để điều đó xảy ra. Không chỉ phát đi thông điệp bằng lời nói, Mỹ còn tiến hành một loạt bước đi quân sự cho thấy sự cứng rắn và quyết tâm của họ.
Hành động phô trương sức mạnh đầu tiên của Mỹ ở Biển Đông sau vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines là một cuộc tập trận hải quân rầm rộ. Cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Philippines có sự tham gia của 7.000 binh lính và một loạt tàu chiến hiện đại. Điều đáng nói là, trong cuộc tập trận lần này, Mỹ và Philippines đã chọn những bài tập khiến Bắc Kinh phải “giật mình thon thót”. Đó là những cuộc diễn tập tái chiếm lại đảo và tái chiếm lại dàn khoan.
Manila và Washington liên tục khẳng định cuộc tập trận trên không liên quan gì đến căng thẳng Biển Đông hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng thể làm Bắc Kinh yên lòng. Ngay cái cái tên của cuộc tập trận “Vai kề vai” cũng chứa đầy hàm ý. Nó như một lời tuyên bố của Mỹ rằng, nước này sẽ đứng bên cạnh Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Sau cuộc tập trận thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới, Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina đến khu vực gần bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông. Đây chính là nơi chứng kiến cuộc đối đầu “nảy lửa” giữa Philippines và Trung Quốc trong gần 2 tháng qua.
USS North Carolina là chiến hạm thuộc thế hệ tàu ngầm tấn công đa chức năng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia. Con tàu này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.. Với chiều dài hơn 106m và trọng lượng hơn 7.800 tấn khi lặn, USS North Carolina là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Sự xuất hiện của một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông rõ ràng là một hành động phô trương sức mạnh. Ngoài ra, sự có mặt của nó ở Biển Đông được cho là cũng phát đi một thông điệp có tính “răn đe” đối với Trung Quốc.
Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” Mỹ
Với quyết tâm chiếm bằng được Biển Đông, Trung Quốc đã đáp trả các động thái phô trương sức mạnh của Mỹ bằng những hành động “dương oai diễu võ” không kém phần rầm rộ.
Ngay sau khi Mỹ và Philippines khai hỏa cuộc tập trận chung trên Biển Đông được gần một tuần, Nga và Trung Quốc cũng bắt tay nhau tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Hơn 4.000 binh lính Trung Quốc cùng 16 tàu chiến trang bị tên lửa được huy động cho cuộc tập trận này. Nga đóng góp 4 tàu chiến, 3 tàu tuần dương gắn tên lửa và 3 tàu tiếp tế.
Dù cuộc tập trận Nga-Trung Quốc không diễn ra ở Biển Đông nhưng nó cũng được coi là một hành động của Bắc Kinh nhằm thách thức sức mạnh Mỹ trong khu vực. Các nhà phân tích tin rằng, ngoài việc “hăm dọa” Manila trong vụ tranh chấp ở Biển Đông, cuộc tập trận của Trung Quốc là đòn đáp trả cuộc tập trận “Vai kề vai” của Mỹ và Philippines.
Tiếp tục những đòn “ăn miếng trả miếng” với Mỹ, sau khi tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân của Mỹ vừa rời Biển Đông thì Trung Quốc ngay lập tức triển khai cùng lúc 5 tàu chiến đến vùng biển này. Những con tàu này gồm có 2 tàu khu trục lớp Type-052B, hai tàu khu trục nhỏ lớp Type-054A và một tàu vận tải đổ bộ Type-071.
Theo thông báo của Bắc Kinh, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, 5 tàu chiến của Trung Quốc còn được giao trách nhiệm hỗ trợ cho các tàu thuyền đánh cá nước này ở khu vực bãi cạn Scarborough nếu có tranh chấp xảy ra.
Song song với những hoạt động trên, Trung Quốc tăng cường “khoe” khéo những vũ khí mới tối tân của họ như tàu sân bay Thi Lang, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 hiện đại J-20... Tất cả những động thái “đúng thời điểm” này của Trung Quốc được cho là nhằm để cảnh báo Mỹ rằng, nước này không e ngại sức mạnh của cường quốc quân sự số 1 thế giới.
Kiệt Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét