Pages

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Bí bách, chủ đầu tư chiếm tiền tỷ của cư dân


(VEF.VN) - Dân cư sinh sống tại tòa nhà CT3 khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông) bỗng tá hỏa vì chủ đầu tư đang tạm chiếm gần 3,3 tỷ đồng tiền phí bảo trì chung cư từ vài năm nay. Chủ đầu tư biết mình sai nhưng vẫn không thể đừng. Lý do vì "quá khó khăn".
Cư dân è cổ... đòi nợ
Tòa nhà CT3 của Khu đô thị Văn Khê được chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và Xây dựng 126 (Công ty CP 126) bàn giao cho các hộ dân vào ở từ cuối năm 2010. Hiện đang có khoảng 240 hộ dân sinh sống.
Những ngày vừa qua, người đứng đầu Ban quản trị chung cư là ông Phạm Công Diên phản ánh, quỹ bảo trì trị giá gần 3,3 tỷ đồng mà các hộ dân đã đóng cho đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư trao trả để Ban quản trị cư dân điều hành quản lý.
Theo Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, giá thành căn hộ đã bao gồm 2% tiền phí bảo trì - khoản tiền sẽ được đem vào sử dụng khi hết thời hạn bảo hành sản phẩm, dùng để sửa chữa khi phát sinh các hư hỏng, sự cố liên quan đến bảo trì căn hộ.
Tất cả các nhà chung cư sau khi bàn giao căn hộ cho các hộ dân, chủ đầu tư lập quỹ bảo trì 2% tổng giá trị căn hộ. Số tiền này chủ đầu tư được quản lý với thời hạn tối đa một năm khi chưa có ban quản trị chung cư.
Ngược lại, khi đã bầu được ban quản trị thì khoản tiền trên sẽ phải được giao lại cho các đại diện cao nhất được bầu ra từ cư dân và chủ đầu tư để quản lý công khai, minh bạch. Số tiền đó sẽ được gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tiền lãi phát sinh hàng tháng được gộp vào tiền gốc để phát triển quỹ.
Khu chung cư CT3 Văn Khê (Hà Đông)
Ông Diên cho biết, một năm kể từ ngày bàn giao căn hộ, tức thời điểm cuối năm 2011, Ban quản trị tòa nhà gồm 5 thành viên đã được thành lập theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đã 5 tháng kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, 4 lần Ban quản trị đặt vấn đề yêu cầu Công ty 126 hợp tác bàn giao, hoàn trả số tiền 3,3 tỷ đồng song phía chủ đầu tư đưa ra nhiều lý do trì hoãn. Vì thế, đến nay họ vẫn chưa đòi được tiền.
"Khi chúng tôi hỏi lần thứ nhất thì họ im lặng. Khi chúng tôi hỏi lần thứ hai họ bảo nay lại hỏi tiền bảo trì rồi. Khi chúng tôi hỏi lần như thứ ba họ bảo họ tiêu mất rồi, khi nào có thì trả. Khi chúng tôi đề nghị lần thứ tư họ bảo chưa có trả, nếu ai cần họ đối chất" - ông Diên kể.
Thực chất theo tìm hiểu, trong khoảng thời gian nói trên, hai bên đã cùng ngồi lại, chủ đầu tư đã đề xuất phương án tháo gỡ với Ban đại diện cư dân nhưng vẫn chưa thuyết phục để được sự gật đầu của những người đại diện.
"Điều này đã gây thiệt hại về tài chính cho chúng tôi bởi với số tiền 3 tỷ đồng nếu đem gửi ngân hàng lãi suất trong vòng 5 tháng cũng được 150 triệu đồng. Ngoài ra, với khoản lãi gộp từ tháng 6/2010 - khi chủ đầu tư thu tiền của dân, chuyển qua năm 2011 đến đầu năm 2012 cũng là rất đáng kể" - ông Diên phản ánh.
Chủ đầu tư xin khất
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Bùi Quang Huy - Giám đốc Công ty 126, thừa nhận, đúng là theo quy định, chủ đầu tư phải trao trả khoản tiền phí bảo trì chung cư về cho Ban quản trị. Nhưng thời điểm từ lúc bàn giao công trình cho đến nay, chủ đầu tư đang rất khó khăn về tài chính vì các yếu tố khách quan của kinh tế và thị trường, do đó công ty chưa có ngay khoản tiền trả cho dân.
"Chúng tôi đề xuất số tiền đó vẫn để bảo trì nhưng không thể dùng hết ngay một lúc nên Ban quản trị có thể thư thư cho chúng tôi. Khi nào thị trường khởi sắc, công ty bán được tài sản sẽ hoàn trả tiền cho Ban quản trị. Nhưng các bác ở khu dân cư lo rằng thị trường khó khăn công ty làm ăn thua lỗ phá sản thì sao?".
Vẫn theo trình bày của ông Huy, công ty đã tính tới việc vay ngân hàng số tiền đó để trả cho dân thì không ngân hàng nào cho vay bởi việc đóng cửa tín dụng bất động sản. Chủ đầu tư chỉ còn nước đề xuất thế chấp tài sản mà họ đang sở hữu ở nhà CT3 (gồm 3 tầng đế thương mại, 1 mặt sàn tầng 19... ) và yêu cầu ngân hàng mở bảo lãnh, khi nào phát sinh công tác liên quan đến bảo trì. Nếu số tiền quá lớn, công ty không trả được thì ngân hàng sẽ thanh toán.
Để được ngân hành bảo lãnh, ngoài tài sản của chủ đầu tư ở nhà CT3, chủ đầu tư còn phải nộp một khoản phí bảo lãnh trị giá 2,5%/năm và nộp trước giá trị bảo lãnh trị giá 10% số tiền bảo lãnh, tương đương với trên 300 triệu đồng. Sử dụng giải pháp này, chủ đầu tư xin bớt 2,5% phí bảo lãnh (lãi suất gốc) để giảm bớt khó khăn thiệt thòi nhưng sau khi xem xét, Ban quản trị cũng không đồng ý.
"Bây giờ Chính phủ còn ra Nghị quyết 13 hỗ trợ, giãn thuế cho doanh nghiệp sống được. Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng trả lãi cho phần nợ của mình cho Ban quản trị nhưng không thống nhất được ý kiến. Đúng là chúng tôi đang đứng ở giữa ngã ba đường, không biết thế nào" - ông Huy giãi bày.
Phía trưởng Ban quản trị chung cư cho rằng, chủ đầu tư thu tiền bảo trì từ tháng 6/2010 nhưng giờ họ nói rằng chỉ có thể trả từ tháng 6/2011. Như vậy là không đúng nhưng để giải quyết, Ban đại diện cư dân đã nhượng bộ bỏ khoảng thời gian từ năm 2010 trở về trước, chỉ yêu cầu tính từ ngày 1/1/2011 với mức lãi suất 2,4% theo quy định. Còn từ đầu năm 2012 đến nay thì theo lãi suất có thời hạn của ngân hàng.
Quy trình, thủ tục làm bảo lãnh ở ngân hàng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như thời hạn bảo lãnh chỉ trong một năm, chủ nợ và bên nợ lại đồng một tài khoản, không được tính lãi suất... Hơn nữa, nếu qua bảo lãnh ngân hàng, chủ đầu tư lại xin miễn 2,5% phí bảo lãnh. Đây là việc bớt xén trực tiếp vào khoản tiền chính đang của dân.
Theo ông Diên, mới đây, chủ đầu tư đề nghị cho phép họ coi như vay trực tiếp từ Ban quản trị với mức lãi suất 10%/năm. Ban quản trị cho rằng, theo phương án này, chủ đầu tư phải đảm bảo quy trình có một luật sư đến làm khế ước, phải có sổ đỏ làm tài sản đảm bảo, với mức lãi suất chi trả bình thường, nhưng chưa được chủ đầu tư trả lời.
Tòa nhà CT3 được lập dự toán từ những năm 2005, 2006. Ý tưởng ban đầu là bán cho cán bộ công nhân viên của một cơ quan báo chí với giá 5 triệu đồng/m2. Sau 3 năm xây dựng triển khai, đơn giá thay đổi liên tục, phía chủ đầu tư cho biết gần như đã bị lỗ rất nhiều.
Năm 2010 sản phẩm được bàn giao, khi tính toán lại đơn giá, chủ đầu tư đã thu thêm của khách hàng 15% giá trị căn hộ. Bù lại trong phòng ngủ các căn hộ đều được lát gỗ, các phòng được trang bị hệ thống gas trung tâm và tòa nhà được trang bị camera theo dõi. Đây cũng là tòa nhà đầu tiên các cư dân được nhận sổ đỏ trong vòng một năm kể từ ngày được bàn giao nhà.

Không có nhận xét nào: