Đào Tuấn
Trong khi ở Hà Nội, người mẫu Hồng Hà bán “tài nguyên xác thịt” thì ở Cái Răng, Cần Thơ 2 người phụ nữ khác lại dùng xác thịt để bảo vệ tài nguyên.
Hồng Hà, một diễn viên, kiêm người mẫu vừa bị bắt quả tang bán dâm. Cô tất nhiên không nổi tiếng bằng “Vàng Anh”. Cô cũng không có những clip “chuyên nghiệp” như Yến Vi hay “gợi cảm” như những bức ảnh của Hồng Nhung.
Nhưng cô thật thà như nữ hoàng nội y Ngọc Trinh khi “tâm sự”: “Em nghĩ đơn giản là mình chỉ đi chơi Đồng Mô một buổi với khách mà lại kiếm được nhiều tiền thế thì chẳng tội gì…”. Chuyện này có lẽ đáng ra là rất bình thường. Giờ Việt Nam có tới 200.000 cô gái “đào tài nguyên ra bán”, không ít trong số đó là người mẫu, diễn viên. Diễn viên, người mẫu Trang Trần chẳng phải có lần đã “ném bom dư luận”, rằng “Không ít người đẹp bán dâm để…ăn diện” đó sao. Rất thường. Vấn đề dư luận gây sốc chỉ là từ cái giá: 1.500 USD. Đắt nhất đối với những cái giá công khai đã bị phát hiện từ trước đến nay. Nhưng nói đến cái giá“đắt nhất” này, chính xác thì vẫn phải dùng chữ “chỉ”: “Tài nguyên phẩm hạnh”được bán vô tội vạ, nhưng cái giá chỉ 1.500 USD.
Ở đây, cần phải nhắc đến câu chuyện kiếm tiền của Hồng Hà. Cô bảo “Phim thì chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng/ bộ, còn chụp ảnh thì em được khoảng 1 triệu đồng/ buổi”. Đóng một bộ phim, chụp ảnh cả 30 buổi mỗi tháng không đủ cho Hồng Hà mua được một cái túi cỡ như của Ngọc Trinh. Mà đối với người đẹp, đại kỵ là việc dùng hàng face, hàng sale off. Bài học Lý Nhã Kỳ bị báo chí ném đá tả tơi còn sờ sờ ra đó, dù chiếc váy “face” Alexander Mc Queen giá“không face, không sale off” tí nào: 30.000 USD, hay 600 triệu vnd .
Cựu Hoa hậu Thu Thủy từng chém: “Bản thân cái đẹp đã là một tài năng”. Nói chính xác hơn thì bản thân sắc đẹp đã là một tài nguyên.
Từng tham gia một cuộc thi sắc đẹp nhưng không được giải. Đóng vài bộ phim“Ai”, “Giấc mơ biển”, “Một thời ta đuổi bóng”, “Pha lê không dễ vỡ” - không ai biết là phim gì. Và cái giá 1.500 USD. Hóa ra ở mình bên cạnh những người có vui thú tao nhã là tậu “vườn thượng uyển” thì nhiếu người khác không biết tiêu tiền vào việc gì.
Vào cái hôm báo chí làm cho những thục nữ Việt choáng váng với cái giá 1.500 USD, thì báo chí thế giới cũng đồng loạt tung tin: Ở Tây Ban Nha, nữ ca sĩ Colombia Shakira đang được Playboy gạ “nhân trần” với giá 50 triệu USD. Còn ở Pháp, một doanh nhân, tất nhiên là đàn ông, đã đứng dưới ban công khách sạn Majestic để như Romeo mà gào lên với, cũng người mẫu kiêm diễn viên, Kelly Brook: “Làm ơn đi, chỉ một đêm thôi”. 1 triệu euro cho “một đêm” nhằm tái hiện lại tình huống trong bộ phim Indecent Proposal mà Kelly Brook thủ vai. Xem ra, dân chơi Pháp hơn đứt dân chơi Việt.
Điều đáng nói là Kelly Brook thản nhiên lắc đầu. Shakira cũng ngoảnh mặt dù 50 triệu USD cho vài bức ảnh “nhân trần” sẽ không chảy vào túi cô mà dành cho quỹ từ thiện Barefoot.
Cái giá cho nhân phẩm, 1 triệu euro, hay 50 triệu USD đôi khi cũng là quá rẻ, nhưng 1.500 USD, kể cả khi đã bị báo chí “đội giá”, cũng là quá đắt. Nhưng cái giá 1.500 USD, 1 triệu euro, hay 50 triệu USD, những cái giá rất ảo cho “tài nguyên xác thịt”, có lẽ là được định bởi “ánh mắt kẻ đa tình” hơn là giá trị “tài nguyên”.
Cũng giống như giá cây sưa ở Việt Nam mình.
Một câu chuyện đáng để cười rớt răng đang xảy ra ở Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắk Lắk: Giữa thời bình, những công nhân môi trường đang “lấy võng làm giường, vỉa hè làm nhà” để thức trắng canh…cây sưa. Phải mở ngoặc đó là những cây sưa bóng mát trồng bên đường. Truyền hình còn nói có hẳn lực lượng “du kích sưa”. Báo chí thì nghĩ đến chuyện “cảnh sát sưa”. Một cái cây mà cần phải có “vệ sĩ”, có “du kích”, có “cảnh sát”, xem ra chúng ta đang trở về thời chiến khi mà cái sự loạn đã không còn giới hạn nữa. Rồi ở ngay chính tại“vương quốc sưa” Quảng Bình, do trước đây “thiếu kinh phí” nên nhiều cơ quan, đơn vị đã đóng bàn ghế gỗ sưa cho… rẻ tiền, thành thử sau vụ “hỗn chiến gỗ sưa”, chẳng hạn Sở Y tế Quảng Bình phải thuê hẳn một đội “chân tay to” ngày đêm canh giữ một… bộ bàn ghế bằng gỗ sưa đỏ. Hay ở Minh Hóa, cảnh sát túc trực bảo vệ… phòng ngủ của Chủ tịch Huyện, chỉ vì trong phòng có một bộ bàn ghế gỗ sưa.
Câu chuyện hài có thật này cho thấy một sự thật là bản thân chính quyền, diện cái áo “bảo vệ tài nguyên”, cũng đang bị chi phối bởi những thứ giá trị ảo. Bởi ngẫm ra, gỗ chỉ dùng để làm nhà, để đóng bàn ghế, cùng lắm là để làm…quan tài. Hết. Một thạc sĩ Viện Khoa học lâm nghiệp phân tích: Về mặt chịu lực, gỗ sưa không bằng cây gỗ nhóm 1 như lim, gụ… Sưa thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc. Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương. (Trừ trường hợp đặc biệt là có một kẻ điên bỏ 60 tỷ đồng sắm quan tài gỗ sưa. Mà kẻ điên đó, không hề có danh tính, nhiều khả năng cũng là sản phẩm trí tưởng tượng của những tờ báo chuyên kinh doanh cải). Gỗ sưa để làm gì? Cây sưa quý như thế nào mà còn coi trọng hơn cả tính mạng con người? Quý thế nào mà phải bảo vệ hơn cả nguyên thủ quốc gia? Chả ai biết.
Khi vụ giang hồ đại náo vườn quốc gia Phong Nha, cái giá được tung ra dư luận là “cả chục triệu đồng/kg”, hay “11 tỷ đồng/m3” nghĩ kỹ thì hóa ra lại được định ra bởi các thương nhân Tàu khiến cho cây sưa giờ đúng là loại cây tai họa và…nặng nợ.
Nhưng trong dòng thời sự về sưa, còn có một câu chuyện tuyệt hay. Cũng ở Quảng Bình, Huyện ủy Bố Trạch đã bán quách bộ bàn ghế tại phòng Bí thư với giá 1,5 tỷ đồng. Khi mà trước đó, nhân viên văn phòng đã phải “ngủ nửa mắt”trên bộ bàn ghế này suốt nhiều đêm liền để phòng “sưa tặc”. Câu chuyện này thực ra là một gợi ý tuyệt vời. Thay vì phải có “du kích sưa”, “cảnh sát sưa”, thay vì mắc võng trắng đêm trông sưa, chúng ta nên bắt chước Bố Trạch, tổ chức bán đấu giá quách cho xong. Một cái “giá ảo” do một “người ảo” nào đó định ra cho một thứ “tài nguyên ảo” thì đáng để bán quách cho chính họ.
Câu chuyện “mắc võng canh sưa”, canh một thứ “tài nguyên ảo” đáng coi là câu chuyện khôi hài nhất trong năm. Nhưng đến hôm qua, khi báo chí đưa tin hai người phụ nữ ở Cái Răng, Cần Thơ đã “khỏa thân để giữ đất” thì đã lại có thêm một câu chuyện “bảo vệ tài nguyên” khác diễn ra theo một chiều hướng bi, nhưng không hài, mà là bi thảm.
Bà Phạm Thị Lài (SN 1960) và con gái là Hồ Nguyên Thủy (SN1979) đã khỏa thân để giữ phần đất mà họ cho rằng đã bị Công ty CIC 8 chiếm đoạt một cách thiếu minh bạch. Người chồng, sức yếu, thế cô, cổ ngắn uất ức đến nỗi đã một lần uống thuốc sâu tự tử để phản đối. Còn giờ, hai người phụ nữ nói họ chấp nhận “lột đồ chịu nhục” để phản đối. Bởi “tài nguyên” mà họ bảo vệ chính là ngôi nhà, là sinh kế của họ.
Để dân phải nổ súng, đặt bom, hay tự tử, lột đồ để giữ đất, nói cách gì cũng là lỗi của chính quyền đã đẩy họ vào bước đường cùng.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, người vừa tạo ra một cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu xung quanh vụ khiếu tố, bao vây trụ sở UBND tỉnh của người dân Bỉm Sơn, từng lý giải giản dị, rằng: “Phải hiểu một điều rất đơn giản: Họ là nhân dân và họ đang đi khiếu kiện”. Rằng: “Phải làm đúng theo luật nhưng cũng phải bám sát thực tế”.
Lợi ích nào cần phải bảo vệ nếu trước hết không vì lợi ích của người dân.
Bởi thế mới nói, còn rất nhiều thứ tài nguyên hữu hình thuộc về phạm trù nguồn sống của người dân không thể đổi bán cho bất kỳ ai với bất cứ giá nào. Có rất nhiều tài nguyên hữu giá trị cần phải bảo vệ hơn nhiều so với cây sưa. Có điều, việc bảo vệ không thể là “mắc võng” nằm canh, không thể là “du kích” hay “cảnh sát”, càng không thể là sự tước đoạt.
Theo: Blog Đào Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét