Pages

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Myanmar: Một ngày hy vọng mới bắt đầu


THÔNG TẪN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Họ chờ đợi hàng giờ dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời vùng nhiệt đới để đón Quý bà của họ. Vào ngày nóng bức oi ả này tại thời điểm nóng nhất của mùa khô, khi mà thậm chí những chiếc lá lược của cây họ cọ bị bám đầy bụi cũng không bắt được một ngọn gió nào, hàng chục nghìn người Mianma đã đứng xếp thành hàng dài trên các con đường và sân vận động để công khai bày tỏ sự sùng kính bà Aung San Suu Kyi, một thần tượng- dân chủ, người tạo ra lòng thành kính với mức độ gần như thần thánh. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu đang trực tiếp tham gia tiến trình chính trị của Mianma bằng việc giành mệt ghế trong các cuộc bầu cử bổ sung diễn ra ngày 1-4 để lấp đầy gần 50 ghế trống trong Quốc hội Mianma gồm 664 ghế. Trên đường đi vận động bầu cử vào cuối tháng 3/2012, bà Suu Kyi đã gặp gỡ các cử tri của mình ở thành phố nhỏ Kawhmu, với phong cảnh là những ngôi nhà tre đơn sơ và những cánh đồng lúa khô nứt nẻ trên những bình nguyên nghèo khổ thuộc vùng châu thổ Irrawaddy.


Cách đây một năm, việc truyền đi một hình ảnh bí mật về người đoạt giải Nôben được gọi là Quý bà (hoặc nói cách khác là Cô Suu – Auntie Sun hoặc Mẹ Suu – Mother Suu) có thể đẫn đến bị bắt bớ. Năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử mà Hội đồng quân sự cai trị nước này trong một thời gian dài đã làm ngơ. Cho đến cuối năm 2010, Suu Kyi đã bị các tướng lĩnh quân đội quản thúc tại gia trong gần hai thập kỷ. Trở lại thời kỳ đó, khi nói về Quý bà này là người ta phải nói thầm.
Còn hiện nay thì sao? Trên đường đi vận động tranh cử ở Kawhmu, những người ủng hộ bà đã công khai vẫy lá cờ đỏ của đảng đối lập được trang trí một ngôi sao và một con công màu vàng. Những người khác mặc áo phông có in khuôn mặt duyên dáng của người đàn bà 66 tuổi này hoặc khuôn mặt của cha bà, người anh hùng của nền độc lập Aung San. Thậm chí những người liên kết với đảng được ủy quyền của quân đội này, Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cũng bị mê hoặc. Người con gái của nhà tổ chức đảng USDP ở Kawhmu nói “Tôi đi ra ngoài để chào đón bà. Tôi yêu Auntie Suu.”
Chỉ riêng sự ứng cử của bà Suu Kyi cũng là bằng chứng cho thấy công cuộc cải cách đáng chú ý đang diễn ra ở Miến Điện mà Hội đồng quân sự cầm quyền đã đổi lại tên thành Mianma vào năm 1989. Sau các cuộc bầu cử với những vết nhơ diễn ra vào năm 2010 theo đó xóa bỏ kết quá các cuộc bầu cử năm 1990, Hội đồng quân sự nước này đã bắt đầu chuyển giao quyền lực cho một chính phủ gần như là dân sự do đảng USDP chi phối. Ít người ở trong hoặc ở ngoài Mianma đặt nhiều hy vọng vào các vị tướng lĩnh đã về hưu, những người đang nắm quyền kiểm soát nước này. Nhưng trong một trật tự được thiết lập nhanh, chế độ mới, dưới sự lãnh đạo của vị cựu tướng lĩnh có giọng nói nhẹ nhàng tên là Thein Sein, đã thả hàng trăm tù chính trị, nới lỏng những hạn chế các phương tiện truyền thông đại chúng và xóa tan phần lớn nền văn hóa lo sợ vốn bóp nghẹt dân tộc này trong nhiều thập kỷ. Lệnh cấm đảng NLD tham gia chính trị đã bị lật ngược, và Suu Kyi được phép ra tranh cử trong các cuộc bầu cử ngày 1/4/2012. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Mianma nhận xét “Cuộc bầu cử bổ sung trên quy mô nhỏ này với việc chỉ lấp đầy 48 ghế trống mang một ý nghĩa tượng trưng lớn hơn nhiều con số này. Đây là một cơ hội để người Mianma quyết định ít nhất một phần nhỏ tương lai của họ.”
Mặc dù vậy, một người phụ nữ đơn độc — và đảng chính trị của bà — không thể là một vị cứu tinh duy nhất của dân tộc đang đấu tranh này. Ngay dù là đảng NLD giành gần hết số ghế trong cuộc tranh cử ngày 1/4/2012, đảng này sẽ không thách thức việc nắm quyền của đảng USDP trong Quốc hội, nơi 1/4 số ghế hiện cũng được dành cho các quân nhân đang tại ngũ. Và không phải ai cũng tin rằng một sự tan băng chính trị sẽ tỏ ra là lâu bền hoặc không gặp phải phản ứng dữ dội của những người theo đường lối cứng rắn bài ngoại.
Tiếp đó đến nền kinh tế. Một cuộc tranh cử tự do và công bằng ngày 1-4 có thể làm cho các nước phương Tây bắt đầu hủy bỏ những biện pháp trừng phạt được áp đặt từ trước đó vì kỷ lục kinh hoàng về vi phạm nhân quyền nước này, nhưng để hướng nền kinh tế Mianma đi vào thời kỳ hiện đại sẽ là cả một tiến trình kéo dài hàng thập kỷ. Theo Aung Tun, một nhà kinh tế địa phương “Đó không chỉ là việc chính phủ cần phải thay đổi. Đó là sự thay đổi của toàn bộ nền kinh tế và toàn thể xã hội.”
Khó có thể là nói quá mức về việc Mianma đã bị đổ vỡ như thế nào. Xét về mặt kinh tế, Mianma chỉ đang khao khát trở thành một nước như Bănglađét. Một phần ba dân tộc này hiện phải sống dưới mức nghèo khổ. Theo đánh giá của cơ quan giám sát Transparency International, Mianma được xếp ngang với Ápganixtan như là nước tham nhũng thứ ba trên thế giới, chỉ đứng trên Bắc Triều Tiên và Xômali. Thida Thant, một doanh nhân và là thành viên của Hiệp hội quản trị kinh doanh Mianma, nhận xét “Người ta có thể gọi nó là ‘phí giao dịch’ hoặc ‘dầu bôi trơn’ hoặc bất cứ gì đi chăng nữa. Nhưng cách thức làm ăn kinh doanh ở đây có thể không bao giờ là 100% theo đúng quy cách.” Một cuộc kiểm toán do chính phủ mới thực hiện cho thấy 6 bộ của nước này có nạn tham nhũng nghiêm trọng trong đó một số bộ vẫn chịu sự chỉ đạo của cùng những người như trước đây (hiện họ đã ra khỏi quân đội.) Sự giàu có tập trung trong túi tiền của các công ty quốc doanh hoặc của những bạn bè thân quen của chính phủ. Điện lúc có lúc không ngay cả ở các thành phố. Các cú điện thoại, như bà Suu Kyi có lúc nói đùa, chỉ có thể thực hiện với một câu cầu nguyện. Các thẻ tín dụng là những tấm thẻ nhựa vô dụng đối với tất cả trừ một số ít người có quyền lực. Toe Naing Mann, con trai của Thura Shwe Mann, vị tướng số 3 của Hội đồng quân sự cầm quyền trước đây và hiện đứng đầu Hạ nghị viện, nói “Trong nhiều thập kỷ, chúng ta cảm nhận ngày càng nhiều điều ở đằng sau hậu trường, nhưng người dân không thể nói ra sự thật về những gì đang xảy ra. Hiện nay, cơ cấu chính trị đang thay đổi, nhưng cơ cấu kinh tế cũng cần được cải cách song song. Vấn đề đặt ra là chúng ta không có đủ người biết rõ chuyên môn để làm cho điều đó xảy ra”.
Mặc dù nền kinh tế giống như nhân vật Rip Van Winkle đã chìm trong giấc ngủ tới 20 năm ở dãy núi Catskill chợt tỉnh giấc trước một thế giới thay đổi quá nhiều, Mianma đang tỉnh giấc để tự thấy mình ở trong một vị trí địa chiến lược quan trọng. Nước này không những nằm ở giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các cường quốc đang cạnh tranh và phát triển nhanh của châu Á, mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mianma – từ gỗ và thủy điện cho đến khí đốt tự nhiên và các khoáng sản đã thu hút sự quan tâm của các nước thiếu năng lượng đang hy vọng biến Mianma trở thành mặt trận kinh tế mới nhất trên thế giới.
Cho đến nay, sự thúc đẩy này chủ yếu đến từ các nước châu Á, nổi bật nhất là Trung Quốc. Nhưng nếu cuộc bầu cử bổ sung diễn ra mà không gặp trở ngại gì – một số lượng hạn chế các nhà theo dõi nước ngoài được phép tham gia giám sát cuộc bầu cử – các nước phương Tây có thể sẽ bắt đầu cho phép các công ty của họ được liều thử vận may. Bất kỳ tác động nào sẽ không có kết quả trực tiếp ngay: ví dụ như ở Mỹ, những thay đổi đối với lệnh cấm vận tài chính phải được thông qua Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều người trong số hơn 50 triệu người của quốc gia này đang rất tích cực chuẩn bị cho một môi trường sau cấm vận. Trên thực tế, mỗi tuần đều có tin về việc có thêm một đoàn đại biểu ngoại thương đến để phát hiện những cơ hội kinh doanh. Những biểu hiện bằng tiếng Anh trên khắp thủ đô thương mại Rănggun hứa hẹn mang đến những thành quả của việc thiết lập “các học viện đa ngôn ngữ”, cấp “văn bằng trong lĩnh vực thúc đẩy kinh doanh’’ và thậm chí mở nhà trẻ để dạy các cháu bé mới biết đi.
Quốc hội Mianma, lần đầu tiên được triệu tập vào năm ngoái sau một thời gian ngừng họp kéo dài tới hơn hai thập kỷ, đang vội vã tạo ra một môi trường có lợi hơn cho đầu tư nước ngoài. Ngay trong năm nay, cơ quan lập pháp của nước này đã cố gắng thông qua các luật lao động và đầu tư nước ngoài. Mianma cũng đang tìm cách đưa ra các quy định về hối đoái và ngân hàng. Về mặt lý thuyết, các công ty nước ngoài sẽ nhanh chóng có khả năng được miễn thuế trong 5 năm và những sự khuyến khích về đầu tư khác nếu họ bắt đầu công việc kinh doanh ở nước này. Nhưng ai mà biết được liệu những đạo luật này sẽ được thực sự thực thi hay không? Luật lệ hiện khó có thể được thực hiện nghiêm chỉnh ở Mianma. Công ty Maplecroft của Anh chuyên phân tích rủi ro coi cơ cấu luật pháp của Mianma là tồi tệ nhất trên hành tinh này xét về mặt làm ăn kinh doanh, khi nhà lãnh đạo Quốc hội Thura Shwe Mann, người đã nổi lên như một người theo chủ nghĩa tự do một cách đáng ngạc nhiên có ý định cải cách hơn Tổng thống Thein Sein, tìm cách tìm ra có bao nhiêu luật lệ mà quê hương ông đã ghi lại trong sổ sách của mình vào năm 2011, ông đã trở nên lúng túng. Trước tiên, người con trai ông là Toe Naing Mann, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm thấy trong đó ông này đóng vai trò như người phát ngôn thực sự của cha mình, cho biết Thura Shwe Mann đã được những người lính trở thành các công chức cho biết đã có 700 luật. Con số đó đã nhanh chóng giảm xuống còn 500 luật. Một cuộc điều tra sau hơn nữa thậm chí cho thấy chỉ có 394 luật có hiệu lực (kể từ đó, Quốc hội đã đưa ra thêm 17 luật nữa). Toe Naing Mann, người làm việc trong ủy ban phụ trách các vấn đề lập pháp, phát biểu: “Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ rằng chiến lược ban đầu do Hội đồng quân sự cầm quyền đề ra là để quốc hội của chúng ta trở thành một thể chế nghị gật. Nhưng chúng ta đang cố gắng hết sức để tạo ra một thể chế năng động và chủ động vì chúng ta biết trừ phi có sự thay đổi luật lệ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn đến đây.”
Xin hãy kiên nhẫn
Mianma không phải lúc nào cũng là một chỗ nước đọng về kinh tế. Trở lại những năm 1940, nước vốn là thuộc địa của Anh này là nơi xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Mianma đã đón chào nền độc lập vào năm 1948 như là một trong những nước giàu có nhất ở châu Á. Trên thực tế, một nhà kinh tế Mianma là kiến trúc sư của mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu một mô hình đã làm thay đổi hoàn toàn nhiều nước châu Á. Nhưng nhiều thập kỷ của việc quản lý tồi tệ sau cuộc đáo chính năm 1962 đánh dấu sự mở đầu của gần 50 năm chịu đựng ách thống trị của quân đội. Một nhà lãnh đạo quân sự đã quyết định phân loại đơn vị tiền tệ theo bội số của 9 vì ông coi đó là một con số đầy triển vọng. Các ngân hàng bị phá sản. Ngay cả ở một nước được thiên nhiên ưu ái một vùng đất phì nhiêu, tình trạng thiếu ăn vẫn gia tăng nhanh chóng.
Vài năm qua đã mang lại một nguồn đầu tư ưu đãi của Trung Quốc và các nước châu Á khác không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mianma. Tuy vậy, ngay cả khi các nhà đầu tư nước ngoài này cạnh tranh lẫn nhau để kiểm soát các đập nước và các đường ống dẫn, nguồn tiền mặt vẫn nằm trong tay chính phủ và những người thân của họ. Làm cho các vấn đề trầm trọng thêm, phần chủ yếu của các nguồn tài nguyên thiên nhiên này nằm ở những vùng của Mianma nơi mà các tộc người thiểu số bị áp bức vẫn còn đang chiến đấu chống lại quân của chính phủ.
Mánh khóe tài chính cũng làm cho luồng tiền tệ trở nên không rõ ràng, về mặt chính thức, đồng tiền địa phương, đồng Kyat, hiện được ấn định ở mức trên dưới 6 Kyat đổi được 1 USD. Trên thực tế, tỉ lệ hối đoái này ở trong khoảng 800 Kyat đổi được 1 USD, Bằng cách áp đặt tỉ lệ hối đoái ngoài đường phố với các công ty nước ngoài nhưng sau đó lại tính các khoản đầu tư vào trong nước bằng tỉ lệ hối đoái chính thức, Chính phủ Mianma có khả năng biến một số vốn đầu tư nước ngoài trị giá 1 tỉ đô la thành chỉ có 7,5 triệu đô la. Số tiền còn lại biến đi đâu mất là một bí mật. (Có sự hứa hẹn về việc sẽ bắt đầu cải cách tỉ giá hối đoái kép sau các cuộc bầu cử bổ sung). Sau nhiều thập kỷ giữ bí mật, chỉ vào năm nay, Chính phủ Mianma mới cho công bố một ngân sách quốc gia thực sự. Khin Maung Nyo, nhà kinh tế thuộc Viện tài nguyên phát triển Mianma đặt câu hỏi “Liệu chúng ta có thể tạo ra những sự lựa chọn đúng đắn cho giai đoạn quá độ thành công sang nền kinh tế thị trường? Tôi có những nghi ngờ của riêng mình. Nhưng mọi người đặt nhiều hy vọng vào chính phủ đến mức khi thực tế thấm sâu, chúng ta có thể phải đương đầu với bạo động xã hội nghiêm trọng.”
Ít nhất, mối nguy hiểm hiện nay là các công dân Mianma, những người vốn bị bóc lột từ lâu, sẽ đứng trước việc những hy vọng cua họ sè bị đập tan một lần nữa. Tại Rănggun, một người tên là May Soe sống trong một ngôi nhà sơ sài một buồng thuộc khu nhà ổ chuột cùng với 17 thành viên khác của gia đình cho rằng Suu Kyi đã là nhà lãnh đạo Mianma. Bà không có ý tưởng ai là vị Tổng thống thực sự của đất nước này. Trong cuộc bầu cử bố sung sắp tới, huyện của bà có một ghế trống mà một ứng cử viên của đảng NLD chạy đua. May Soe nói rằng bà sẽ bỏ phiếu “cho Auntie Suu vì bà ấy sẽ nhanh chóng phát triển đất nước của chúng ta.”
Nhưng Quý bà, dù là giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử, sẽ chỉ là một nghị sĩ trong một đảng chính trị thiểu số – mặc dù là một đảng có ảnh hưởng đạo đức đáng kể. (Các cuộc bầu cử được tiến hành trên phạm vi toàn quốc sắp tới ở Mianma sẽ diễn ra vào năm 2015.) Trên đường đi vận động bầu cử, những lời thuyết trình hùng biện của Suu Kyi đã lấn át các cương lĩnh chính sách thực sự. Cuối tháng 3/2012, hai ngày sau chuyến đi Kawhmu, chiến dịch vận động tranh cử của bà đã bị ngừng lại nhiều giờ ở vùng Đông Nam Mianma khi con thuyền của bà đã bị mắc cạn ở một bãi cát cửa biển. Một người điều hành của đảng nói “Tôi biết người ta sẽ giễu cợt về việc đảng NLD bị mắc cạn ở ngoài biển ra sao. Tôi lo ngại có thể có đôi chút sự thật trong vụ việc này. Cho dù chúng tôi giành được thẳng lợi trong các cuộc bầu cử này, liệu chúng tôi sẽ thay đổi đất nước này ra sao? Chúng tôi cần một cuộc thảo luận công khai trong nội bộ đảng NLD về việc phát triển các nguồn nhân lực và luật lệ bền vững, nhưng chúng tôi đang quá bận rộn để nói về tự do và dân chủ.”
Ngay cả tiến bộ gần đây của Mianma cũng phức tạp hơn so với khi nó mới xuất hiện lần đầu tiên. Đầu năm nay, sau khi luật lao động mới được thông qua, gần 2000 công nhân ở nhà máy Tai Yi ở Rănggun chuyên sản xuất giày, dép, bít tất đã tổ chức một cuộc bãi công kéo dài 15 ngày đòi tăng lương. Cuộc biểu tình phản đối ở nhà máy, nơi nhận được khoản đầu tư của một công ty Đài Loan, đã được các nhà hoạt động về lao động hoan nghênh như một thắng lợi hiếm thấy của các công nhân Mianma, những người được coi như là một trong số những người được trả lương ở mức thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhà tư vấn luật pháp Phoe Phyu, người đưa ra lời khuyên cho công nhân đình công, trên thực tế, tiền lương thực trung bình trả cho công nhân chỉ tăng từ 51.000 kyat lên 61.000 kyat mỗi tháng. Điều đó tương đương với việc chỉ tăng có 4 xu mỗi giờ. Thay đổi ở Mianma chắc sẽ đến nhưng chỉ ở mức tương đương với khoản tiền tăng nhỏ nhoi đó./.

Không có nhận xét nào: