Pages

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Nỗi kinh hoàng đêm thảm sát


Người dân Houla chôn cất các nạn nhân vụ thảm sát
Chính phủ Syria phủ nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát Houla
Những người sống sót trong vụ thảm sát Houla ở Syria đã kể với BBC mối kinh hoàng và nỗi sợ hãi của họ khi các lực lượng chính phủ tràn vào nhà và tàn sát gia đình họ.
Một số nhân chứng nói rằng họ phải ẩn nấp hoặc giả chết mới thoát được.

Trong lúc này, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã đến Damascus để thảo luận với giới chức Syria về việc thực thi kế hoạch hòa bình.Phần lớn những người mà BBC tiếp xúc đều cho rằng chính quân đội chính phủ và lực lượng dân quân shabiha khét tiếng đã gây ra hành vi tàn ác này mặc dù chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad một mực cho rằng ‘những tên khủng bố có vũ trang’ mới là thủ phạm.
Nga, quốc gia từng hai lần phong tỏa nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép có hành động chống lại chế độ của ông Assad, đã tuyên bố hôm thứ Hai ngày 28/5 rằng cả hai phía trong cuộc xung đột ở Syria đều có trách nhiệm trong vụ thảm sát ở thị trấn Houla hôm thứ Sáu ngày 24/5.

Tìm thấy bằng chứng

Các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đến thị sát tại làng Taldou, nơi vụ thảm sát xảy ra, cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng về việc quân chính phủ nã đạn pháo vào làng.
"Họ đưa chúng tôi vào một căn phòng và dùng báng súng đập vào đầu cha tôi và bắn thẳng vào cằm ông ấy."
Rash Abdul Razaq, một người sống sót ở Houla
Họ cũng xác nhận là một số nạn nhân trong tổng số 108 người – nhiều người trong số này là trẻ em – đã bị giết hại ở cự ly gần bằng súng hoặc dao.
“Chúng tôi đang ở trong nhà, họ bước vào, bọn shabiha và lực lượng an ninh. Họ bước vào với súng Kalashnikovs và súng trường tự động,” một người sống sót có tên là Rasha Abdul Razaq nói với BBC.
“Họ đưa chúng tôi vào một căn phòng và dùng báng súng đập vào đầu cha tôi và bắn thẳng vào cằm ông ấy,” Razaq kể.
“Họ bảo chúng tôi tập trung lại vào một góc phòng. Một người trong số họ bắt đầu bắn chỉ thiên nên tất cả chúng tôi đều nấ́p sau lưng mẹ tôi,” cô nói.
“Sau đó họ nổ súng vào chúng tôi và họ bắt đầu dẫm lên chúng tôi. Một người bọn họ kêu những người khác kiểm tra xem liệu chúng tôi đã chết hết chưa,” cô nói thêm.
Biểu tiǹh phản đối vụ thảm sát Houla
Vụ thảm sát Houla đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên thế giới
Razaq cho biết là trong số 20 người có mặt trong căn nhà vào lúc đó, bao gồm các thành viên gia đình và bạn bè, thì chỉ có bốn người sống sót.
Cô cũng nói là trong làng có khoảng 100 ngôi nhà và những kẻ tấn công đã vào nhà giết hết mọi người trong nhà.
“Điều gì đang xảy ra với chúng tôi? Khi chúng tôi nghe thấy quân đội và lực lượng an ninh đang đến thì chúng tôi đều bỏ chạy ra đường,” cô nói, “Chúng tôi sợ họ sẽ lặp lại hành động mà họ đã làm với chúng tôi.”

Không có lòng thương

Một cư dân khác trong làng nói với BBC với điều kiện giấu tên rằng ông phải núp trên gác lửng khi các tay súng lùa cả gia đình ra ngoài và bắn chết họ.
“Tôi mở của ra và nhìn thấy các thi thể. Tôi không thể phân biệt được các con với các anh em của tôi. Không lời nào có thể mô tả được,” ông nói.
"Chúng tôi đã chụp những tấm ảnh trẻ em dưới 10 tuổi tay bị trói và bị bắn ở cự ly gần khoảng 10 phân. Họ dùng dao cắt cổ, không phải là cắt hết cổ mà họ chỉ cắt lỗ trên cổ."
Hamza Omar, nhà hoạt động đối lập ở Houla
“Tôi có ba đứa con. Tôi mất cả ba đứa,” ông nói thêm.
Các nhân chứng khác kể lại họ đã kinh hoàng như thế nào khi lực lượng chính phủ quay trở lại ngôi làng.
Một nhà hoạt động đối lập đóng ở Houla có tên là Hamza Omar nói với BBC rằng những kẻ tấn công ‘không có chút lòng thương’.
“Chúng tôi đã chụp những tấm ảnh trẻ em dưới 10 tuổi tay bị trói và bị bắn ở cự ly gần khoảng 10 phân, chỉ 10 phân thôi,” ông nói.
“Họ dùng dao cắt cổ, không phải là cắt hết cổ mà họ chỉ cắt lỗ trên cổ,” ông nói thêm.
Những lời kể này không thể kiểm chứng một cách độc lập. Tuy nhiên phóng viên BBC Jim Muir ở quốc gia láng giềng Lebanon cho biết các câu chuyện của họ trùng khớp với nhau và phù hợp với những thông tin mà các nhà hoạt động nhân quyền đưa ra từ hiện trường.

Annan đến Damascus

Ông Kofi Annan phát biểu với báo chí khi đến Damascus
Ông Annan đang có một sứ mạng nặng nề ở Syria
Lãnh đạo các nước phương Tây đều diễn tả sự kinh hoàng trước vụ thảm sát. Anh, Pháp và Mỹ đầu đã bắt đầu có những động thái gia tăng sức ép lên chính quyền của ông Assad.
Ngoại trưởng Anh William Hague đã bay đến Moscow để tranh thủ sự hậu thuẫn của Nga cho các biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào Syria.
Pháp đang tập hợp một hội nghị khác của nhóm ‘Những người bạn của Syria’ mà Nga không tham gia.
“Cơn cuồng sát của chế độ Damascus là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và các lãnh đạo của nước này phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình,” tuyên bố của văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết.
"Cơn cuồng sát của chế độ Damascus là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và các lãnh đạo của nước này phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình."
Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande
Đặc phái viên Annan đến Damascus hôm thứ Hai 28/5 và sẽ có cuộc hội đàm với ông Assad vào thứ Ba 29/5.
Ông nói lúc này là thời điểm hết sức nhạy cảm và rằng ông sẽ nói chuyện ‘một cách nghiêm túc và chân thành’ với ông Assad để thuyết phục ông này có ‘những bước đi táo bạo’ để chứng tỏ rằng ông nghiêm túc với kế hoạch hòa bình.
Theo kế hoạch hòa bình của ông Annan, cả hai phía đều phải chấm dứt giao tranh kể từ ngày 12/4 trước khi các quan sát viên quốc tế được triển khai và chính phủ phải rút xe tăng và lực lượng của mình khỏi các khu vực dân cư.
Tuy nhiên bạo lực vẫn tiếp diễn và hôm thứ Hai 28/5 các nhà hoạt động nhân quyền cho biết đã xảy ra xung đột và có người chết tại ít nhất bảy khu vực khác nhau trên khắp đất nước.
Từ thủ đô Beirut của Lebanon, phóng viên Jim Muir của BBC nhận định rằng các lãnh đạo Syria sẽ kể cho ông Kofi Annan một câu chuyện khác về vụ thảm sát ở Houla.
“Họ vẫn khăng khăng rằng vụ việc mà họ thừa nhận là một vụ thảm sát là hành động của hàng trăm quân nổi dậy có vũ trang có mặt đông đảo ở khu vực vốn muốn thực hiện vụ thảm sát để làm chệch hướng tiến trình hòa bình và tạo cớ cho Nato can thiệp,” phóng viên Jim Muir nhận định.

Không có nhận xét nào: