Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER - Thẩm Phán Lanny Moriarty hôm Thứ Tư quyết định xóa “tội khinh miệt” mà ông đã kết án em Diane Trần, 17 tuổi, học sinh gốc Việt, lớp 11, trường Willis High School.
Diane Tran bật khóc khi nói về gia đình mình, trên đài CBS News. (Hình: CBS News/Người Việt)
|
Trả lời phỏng vấn của Người Việt, Luật Sư Brian Wice, đại diện cho em Diane Trần, cho biết ông vừa nhận bào chữa cho Diane sáng Thứ Tư, và “rất hài lòng là Thẩm Phán Moriarty đã xóa tội khinh miệt tòa mà ông đã kết án Diane hôm Thứ Tư tuần trước!”
“Ðiều này có nghĩa là và vụ án đáng tiếc xem như không bao giờ xảy ra, em Diane sẽ không có lý lịch hình sự, và khi nộp đơn xin vào đại học, em sẽ có một hồ sơ tốt như tất cả những học sinh ngoan khác cùng lứa tuổi.” Luật Sư Wice nhấn mạnh.
Diane từng bị ra tòa một lần vì tội vắng học quá nhiều. Thẩm Phán Moriarty ra lệnh cấm cô vắng mặt lần nữa, nhưng tới khi cô lại không tới lớp, tòa gọi cô lên và bắt bỏ tù cô ngay tại chỗ.
Tại tòa, Diane Trần, đã bị tòa án của quận Montgomery, tiểu bang Texas kết án tội khinh miệt tòa, bỏ tù 24 tiếng đồng hồ, và chịu phạt $100 vì tội bỏ học hơn 10 lần trong thời gian 6 tháng, quá ấn định của Texas.
Trong khi đó, một tổ chức vô vị lợi ở tiểu bang Louisiana quyên góp được hơn $95,000 để giúp đỡ Diane Trần.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, ông Paul Dietzel, sáng lập viên của Anedot, công ty cung ứng dịch vụ gây quỹ qua Internet, cho biết họ đã từng gây quỹ cho nhiều tổ chức, nhưng trong trường hợp của Diane thì kết quả thật “quá sức mong đợi.”
“Chỉ trong vài hôm, chúng tôi nhận được tiền từ 18 quốc gia và 49 tiểu bang, và mới chỉ hôm qua đến nay, số tiền nhận được đã nhảy từ $50,000 lên hơn $90,000.”
Ông Dietzel kể rằng sáng Thứ Sáu, tổ chức “Louisiana Children's Education Alliance,” trụ sở tại Baton Rouge, Louisiana liên lạc với công ty Anedot nhờ gây quỹ giúp Diane, và họ nhanh chóng thiết lập website cũng như tận dụng mọi trang mạng xã hội để gây quỹ.
Theo lời ông Dietzel thì Diane đã trở lại trường, vẫn vừa đi học vừa đi làm, đang ráo riết học thi “final,” và sẽ không trả lời phỏng vấn báo chí cho đến hết ngày Thứ Năm, sau khi em thi xong.
“Diane vừa tủi thân vừa rất xúc động khi biết em đang được nhiều người tận tình giúp đỡ.” Ông Dietzel nói.
Rồi giải thích thêm, hiện “Louisiana Children's Education Alliance” đang cùng một trong những người chủ của Diane tìm cách thiết lập quỹ “trust fund,” để chuyển tiền gây quỹ cho Diane ăn học.
Trước đó, trong thông cáo báo chí gửi đi ngày 29 Tháng Năm, tổ chức “Louisiana Children's Education Alliance” công bố là chiến dịch gây quỹ giúp Diane Trần, qua websitewww.HelpDianeTran.com và trang mạng www.Facebook.com/HelpDianeTran “rất thành công.”
Cũng qua thông cáo báo chí, ông Charlie Davis, chủ tịch “Louisiana Children's Education Alliance” nói sở dĩ đứng ra quyên tiền giúp em vì “rất đau lòng khi biết chuyện của Diane” và “cô bé không chỉ là nạn nhân của một hệ thống giáo dục công yếu kém, mà còn là nạn nhân của một hệ thống tư pháp đã dùng cô như một trường hợp ‘điển hình’ cho những người khác!”
Trên toàn quốc Hoa Kỳ, nhiều người lên án Thẩm Phán Moriarty là “cứng nhắc” và “khắc nghiệt.”
Tại tòa, Diane khai rằng em học điểm cao, còn lấy thêm 3 lớp AP (lớp trình độ cao, chuẩn bị cho đại học), nhưng vì cha mẹ bỏ nhau bất thình lình, mẹ dọn đi tiểu bang khác, em phải vừa đi học vừa đi làm hai việc, để nuôi chính bản thân và cưu mang một người anh và một người em, nên đôi khi đã phải bỏ học vì kiệt sức.
Diane làm việc toàn thời gian ở một tiệm giặt ủi, và làm thêm tại “Vineyard of Waverly Manor,” một ngôi nhà cho thuê làm đám cưới, vào cuối tuần. Cô ở nhà với gia đình người chủ Vineyard of Waverly Manor.
Một người bạn cùng học và cùng làm chung với Diane, Devin Hill, nói: “Cô ấy làm hết việc này đến việc khác, rồi đi học, làm bài, có khi thức tới 7 giờ sáng.”
Diane nói lý do cô vắng mặt là buổi sáng mệt quá không dậy được. Có khi cô bị vắng nguyên một lớp, có khi vô kịp nhưng sau khi thầy cô đã điểm danh xong.
Tin Diane bị bỏ tù trong hoàn cảnh đáng thương đã gây xôn xao dư luận khắp thế giới. Nhiều độc giả của nhật báo Người Việt gửi emails và gọi điện thoại vào tòa soạn ngỏ ý muốn giúp đỡ em.
Ông Trần Dật, một cư dân tại Los Angeles, cho biết sau khi biết tin về Diane Trần, ông cứ băn khoăn chỉ mong ước có một tổ chức nào của người Việt Nam đứng ra nhận giúp đỡ em để ông “được đóng góp.” Ông nói với Người Việt: “Cháu Diane thật can đảm và có lòng hy sinh đáng phục. Cộng đồng Việt Nam chúng ta phải làm sao không nhiều thì ít phải giúp được cho cháu. Ngoài ra câu chuyện này cũng khiến các bậc cha mẹ phải nghĩ nhiều hơn đến con cái khi quyết định ly dị.”
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi em Diane bị bỏ tù, bà Mary Elliot, chủ nhân của Vineyards of Waverly Manor, nơi Diane làm việc hai ngày cuối tuần, cho biết em là “học sinh toàn điểm A,” và là “một cô gái rất ngoan.”
“Lẽ ra Thẩm Phán Moriarty phải hiểu hoàn cảnh của Diane mà không bỏ tù em.” Bà nói.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, bà Sharon Hill, thuộc phòng giám thị trường Willis High School, chỉ nói vỏn vẹn: “Theo luật của liên bang, bà không thể tiết lộ tin tức gì về Diane Trần” và “muốn biết gì thêm thì hỏi tòa án.”
Trong khi đó, trang mạng của Willis Independent School District đăng một thông cáo báo chí nói về trường hợp học sinh nghỉ học quá nhiều với thông điệp: “Trong những trường hợp này, sự việc hoàn toàn nằm trong tay tòa án.”
Vài tiếng đồng hồ trước khi có quyết định xóa án, nói với Người Việt qua điện thoại, thư ký của Thẩm Phán Moriarty cho biết văn phòng thẩm phán sẽ có thông cáo báo chí sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét