Có lẽ nhiều người bị chứng trầm cảm sau khi đọc “bài nói chuyện
quan trọng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Cuba vừa rồi.
Sự quan trọng của bài nói chuyện quan trọng là sự mất phương
hướng quan trọng. Vì điểm xuất phát thì không rõ ràng, mà đích đến lại mơ
hồ. Người ta bỗng nhớ đến, vào cùng một thời điểm, cuộc phóng tên lửa của
Triều Tiên. Tên lửa không đi tới đâu, nửa chừng nổ tung, rơi xuống biển. Không
đến được đích đến, mà đích đến là đâu, cũng mơ hồ không kém bài nói chuyện quan
trọng. Tuy nhiên, hai sự kiện đều mang khí thế tự tin
và tính kiên cường tương đương nhau.
Một bên là khoe sức mạnh vũ khí, một bên là
biểu thị sức mạnh tinh thần với đường gươm tư tưởng sắc bén. Ánh hào quang lý
luận xã hội chủ nghĩa lóe sáng rực giữa trời đêm bao trùm lên chủ nghĩa tư bản
đang suy thoái. Ở thế kỷ này, rất hiếm hoi để có một người hùng đứng lên, nói
cho cả thế giới biết về tính “ưu việt” của Chủ nghĩa xã hội, và chỉ rõ sự khủng
hoảng “không cưỡng nổi” của Chủ nghĩa tư bản. Kim Jung Un ít nhất làm cho nhân
loại ở một nửa quả đất lên cơn sốt. Bài nói chuyện quan trọng gây ngạc nhiên cho
nửa quả đất còn lại. Dù nửa chừng rơi xuống biển, hoặc nửa chuyến đi lại quay
về, thì tiếng vọng vẫn còn đó, ít nhất cũng nằm trong một chuỗi chứng tích của
lịch sử. Ai dám chê ý chí và bản lãnh của Kim Jung Un? Ai dám hoài nghi sự
vững vàng kiên định về chính trị – tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng?
Nhưng có người bảo, Cuba không phải là nơi đến để nói đùa!
Trước đây, ông cựu Chủ tịch nước Việt Nam sang Cuba nói về
chuyện: hai bên thay phiên nhau, chia thành hai ca thức-ngủ, để canh hòa bình
thế giới, là câu nói thuộc hàng quý hiếm, để đời. Năm nay, bài nói chuyện quan
trọng, với nét tư tưởng hoành tráng, có tính chất dẫn đầu thời đại, xuất phát từ
bệ phóng Việt Nam, một xứ sở đang đứng ở điểm cao của “Đỉnh Gió Hú”, không còn
là “ Đồi Thịt Băm”, một xứ sở rất thần tiên xã hội chủ nghĩa, được nhân danh
trong tương lai! Và theo đó, Nhân dân Việt Nam dưới sự dắt dẫn của Đảng
Cộng sản Việt Nam, với 80 năm của nhiều thế hệ kế tiếp nhau chết trẻ, giành hết
thắng lợi này đến thắng lợi khác, rất vẻ vang và kiên cường, nay sẽ tiếp tục
phấn đấu nữa, hy sinh nhiều thế hệ nữa để giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa,
một học thuyết “đỉnh” của loài người… Ngoài lý do “bạn đã từng khuyên ta…
phải kiên trì!”, còn có một niềm tin vững chắc khác, đó là sự xác tín, chắc
như đinh ghim bánh xe, sau những “đúc kết thực tiễn, nghiên cứu lý
luận” rất đáng tự tin, tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông Nguyễn Phú
Trọng là Tổng Bí thư, đồng thời là nhà lý luận tự thấy là tầm cỡ:
“Chúng tôi luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn
từng bước đi…” (điều này nói lên hàm lượng chất xám rất cao nhé!), Chủ
nghĩa xã hội… “là sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp
(sự nghiệp là bể khổ vậy), “vì nó phải tạo nên sự biến đổi sâu sắc trên
tất cả các lãnh vực đời sống” (gần như làm lại con người), và cuối
cùng thì phải, “trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước
đi” (tương đương với nhiều kiếp?).
Nghe đoạn lý luận cốt lõi quan trọng trên đây, ai mà không hãi
hùng, sốt cả bốn vó?
Thời gian quả là một đại lượng vĩnh hằng.
Trăn trở cũng là trạng thái vô định.
Bước đi thì nằm trong phạm trù khoa học lượng tử.
Nó cao hơn Tôn giáo, siêu hơn Tôn giáo, mơ hồ khó hiểu hơn Tôn
giáo, ở chỗ nó chỉ do những con người, mà ta thấy hằng ngày rất tầm thường, lãnh
đạo, miễn sao thực hiện đúng giáo điều. Cái luận lý cùa nó tiếp theo phải được
hiểu là: Nhân dân Việt Nam (kể cả Cuba anh em nữa nhé), gồm cả nam phụ lão ấu và
những trẻ chưa sinh, đều phài nín thở mà theo dõi, lắng nghe, với sự tôn quý và
kỷ luật, về những “trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, chọn lựa của… chúng
tôi,” (gồm ông Nguyễn Phú Trọng và XYZ nào đó?), vì sự trăn trở
này có giá trị lãnh đạo cho “sự nghiệp lâu dài vô cùng khó khăn và phức
tạp” của nhiều kíếp người.
Chính vì rất lâu dài và nhiều bước đi, nên không mấy ai ngạc
nhiên thấy các thái tử đỏ, công chúa đỏ, vội vàng được đưa vào đội hình kế thừa
lãnh đạo, như ở Trung Quốc, và ở Triều Tiên… và tất nhiên, các thế hệ thanh niên
lành và rách phải trở thành đội vệ binh đỏ để thực hiện cuộc thánh chiến kiên
trì này.
Nhưng còn một khái niệm nữa, vừa bí hiểm vừa nguy hiểm:
“Phải tạo nên sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các lãnh vực đời sống”.
Ai? Ai có thể làm được điều này? Và dám làm điều này? Trong lịch sử nhân loại
từng có những kẻ ngông cuồng. Triết gia Nietzsche đã từng có cuồng vọng đòi làm
mới nhân loại, tên thợ sơn Hitler đã một lần dám thực hiện. Polpot cũng đã một
lần làm nên đỉnh cao cho cuộc “biến đổi sâu sắc trên tất cả các lãnh vực đời
sống” của nhân dân Campuchia, biến xứ sở này thành những cánh đồng chết. Ở
Triều Tiên, Đảng và ba đời kế thừa lãnh tụ vĩ đại đã đưa nhân dân Triều Tiên đến
chỗ cực kỳ trật tự và ngăn nắp, bình đẳng và không ai bóc lột ai, đã biến đổi
sâu sắc, toàn diện “trên tất cả các lãnh vực đời sống” theo cách duy
nhất, tuyệt đối mà Đảng và Lãnh tụ muốn. Chắc chắn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng không có tham vọng về một sự biến đối sâu sắc theo kiểu này. Ông nói về
những mong muốn thay đổi theo cách tốt đẹp, hơn cả nằm mơ, bao gồm một mớ từ ngữ
phổ thông, giá rất rẻ và ai cũng biết. Có khác chăng là hàm lượng chất gia vị
trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn… gia giảm ít nhiều mà thôi. Có
một vị Tổng Bí thư (Đông Âu?) nói một câu rất dễ nhớ: “Người Cộng sản không
phải là kẻ lừa dối chúng ta, nhưng họ đã không làm được điều mà họ nói”.
Thế nhưng ngày nay, những người Cộng sản kế thừa, biết chắc chắn không làm được
mà vẫn nói, nói mãi, nói kiên trì, thì nên gọi họ là kẻ gì?
Bài nói chuyện quan trọng ở nước bạn Cuba với tinh thần rất hào
sảng và hoành tráng, nhưng trong nước, trước khi đi, ông Tổng Bí thư đã kêu gào
chấn chỉnh Đảng, về tình trạng tham nhũng, thoái hóa đạo đức trong suy nghĩ,
trong lối sống của đảng cầm quyền, và cảnh báo về vai trò lãnh đạo của Đảng đang
rất bấp bênh và chao đảo, một bộ máy cầm quyền thối nát với rất nhiều sự bất mãn
và phản ứng của nhân dân, tình trạng đàn áp, bắt bớ và chống đối xảy ra liên
tục… trong bối cảnh một xã hội xuống cấp mọi mặt.
Hóa ra, bài nói chuyện quan trọng, chẳng phải đứng từ điểm cao
nào cả, không phải “đỉnh gió hú”, hay “đồi thịt băm”, mà từ một trũng thấp
vô danh của sự mơ mộng, mơ màng, bay bỗng do cái “tổng kết thực tiễn và
nghiên cứu lý luận” hoành tráng theo cách tự ám thị tạo ra. Đây quả đúng là
sự khốn cùng, và cũng mong là cuối cùng, của đỉnh cao lý luận xã hội chủ
nghĩa ở đất nước này.
Đang ở địa ngục nên mơ thiên đàng, đó vừa là thực tế vừa là tâm
bệnh. Đó là sự đánh tráo có ý thức, hoặc là vô thức. Đó cũng là một loại giấc mơ
của người muốn được làm kẻ chăn cừu. Đó là sự lẫn lộn giữa nói dối và ngụy tín.
Lịch sử không còn một loại hẹn hò nào tương tự như thế nữa, cho những ai mơ
mộng, một thời đại đã thật sự qua rồi. Do đó, bài nói chuyện quan trọng nhanh
chóng chìm vào quên lãng, như chiếc tên lửa lệch đường đi.
Lịch sử luôn không lắng nghe một lý thuyết nào, hay một vĩ
nhân nào. Không một lý thuyết nào hay vĩ nhân nào có thể bắt lịch sử đi theo
mình.
Nếu có một khoảnh khắc lịch sử nào, có vẻ đi theo một lý
thuyết, một vĩ nhân, thì đó là khoảnh khắc suy đồi và bệnh hoạn, chứa đựng sự
nhầm lẫn có tính giao mùa, cái khoảnh khắc mà đại bộ phận trở thành nô lệ, thì
không đáng được tán dương.
Một lịch sử lành mạnh là lúc mà lịch sử đó vắng bóng sự
thống trị nổi bật của ai đó hay lý thuyết nào đó. Lịch sử loài người là lịch sử
đi tìm kiếm tự do, trên con đường đi tìm kiếm, nó tự bổ sung và điều chỉnh. Lịch
sử mỗi đời người cũng là lịch sử đi tìm tự do, ở hình thái thấp nhất – hữu hình,
ở hình thái cao nhất – trừu tượng. Hình thái thấp nhất là thoát sự kìm chế của
kẻ khác, hình thái cao nhất là thoát khỏi sự kìm chế của bản năng. Càng tán
dương một lý thuyết, một vĩ nhân (hay một nhóm) là càng nói lên sự tồi tệ của
đám đông, càng ngợi ca con berger (loại chó giữ cừu), tức là gián tiếp ngợi ca
sự thụ động ngoan ngoãn của bầy cừu.
Đã xa quá rồi, tư duy của thời đại!
Tai họa đáng tiếc là đem sự độc tài đối lập với khái niệm dân
chủ được hiểu như là một trạng thái hỗn độn. Nhưng người ta không nghĩ rằng, hể
dân chủ thì là hỗn độn, là thuộc chủ nghĩa tư bản bóc lột, là nhà nước tư sản,
là kẻ xấu, là vũ khí lợi dụng… Tại sao không hiểu rằng thiết chế dân chủ ngày
nay là một thiết chế được sàng lọc, được kiểm chứng qua nhiều thử thách, là
thành tựu lớn lao của mấy thế kỷ đấu tranh của nhân loại? Chứ nó không phải là
sản phẩm do trăn trở của một nhóm người độc tài đồng thuận nào đó tạo
nên, sau một số đêm mất ngủ. Mà như ông Tổng Bí thư đã thừa nhận, trong bài nói
chuyện quan trọng, ông và nhóm đồng thuận trong Đảng đã nhầm lẫn rằng: “đồng
nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với
nhà nước tư sản” (ý nói rằng, vì hiểu nhầm là đồng nhất, nên đã lúng túng
một thời gian dài từ chối kinh tế thị trường và từ chối nhà nước pháp quyền, vì
xem nó là của chủ nghĩa tư bản và của nhà nước tư sản). Nhưng bây giờ, thôi
không nhầm lẫn như thế nữa, thì sao? Hay vẫn cố tiếp tục gượng gạo che lấp,
chống đỡ và biến tấu? Cả dân tộc, cả vận mệnh của quốc gia phải đau khổ và trả
giá đắt như thế nào, cho sự nhầm lẫn có trăn trở ấu trĩ này? Đã hiểu
rằng, kinh tế thị trường không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản, Nhà nước pháp
quyền không đồng nhất với Nhà nước tư sản, thì cũng nên hiểu tiếp rằng thiết chế
dân chủ – thành tựu lớn lao của nhân loại – không nên quá trăn trở để
hiểu nhầm thêm lần nữa, rằng nó là của riêng của đế quốc tư bản, của kẻ xấu.
Thật ra, hiểu như thế không nhầm đâu! Tuy nhiên, người lương thiện rất khó chịu
về một lối lý luận, khi đến bước đường cùng thì thừa nhận sự thật, thừa nhận sai
lầm, khi chưa đến đường cùng thì tiếp tục tấu hài ngụy biện. Kinh tế thị trường,
nhà nước pháp quyền, thiết chế dân chủ là hiện thực đang vận hành trên toàn thế
giới, việc đi tìm kiếm xác định chúng nó là của ai, không là của ai, để thực
hiện hay không thực hiện theo, thì quả là sự mặc cảm khốn cùng
của một thứ “tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận” quá đáng
thương!
Thêm một chút rò rỉ ở quả đạn pháo: “Thành phần chính trị
cơ hội đang hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá…” .
Thế thì, định chế xã hội chủ nghĩa lẽ nào luôn luôn ở thế đối lập với một bọn du
thủ du thực, đầu trâu mặt ngựa, chực sẳn để hí hửng, xuyên tạc, chống phá? Đối
thủ của Chủ nghĩa xã hội phải là điều gì cao cả hơn thế chứ? Hay nó chỉ xứng tầm
một đối thủ như vậy? Vì thế, trong đoạn văn trên đây, từ “hí hửng” lẽ
ra nó không nên có, thật đáng tiếc, từ vị trí của người nói và nơi đứng nói,
nhưng nó đã lỡ có, lại làm vui cho cả bài nói chuyện quan trọng!
Nhiều người mong rằng chẳng nên có một sự hí hửng nào cả – mà nên
có sự nghiêm túc xứng tầm với những trăn trở – suy nghĩ – tìm tòi – lựa chọn
– bao gồm cả sự hí hửng về nền kinh tế tư bản, nói đúng
hơn là của cả thế giới, đang khủng hoảng. Chỉ có Trung Quốc là một quốc gia có
đủ trơ trẽn và hãnh tiến để có thái độ này, cớ chi đến Việt Nam?
“Bài nói chuyện quan trọng”, thật đáng tiếc, giống như quả tên
lửa của Triều Tiên, một sự lên gân nông nổi tầm Nguyên Thủ Quốc Gia! Thật đáng
tiếc!
H. Đ. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét