Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Phản tác dụng: Một số người Trung Quốc thắc mắc chủ trương của đảng về lòng yêu nước và bất đồng ý kiến

Người dịch: Đan Thanh



Bắc Kinh – “Nếu Philippines mang đến cho ta một cơ hội như thế, chắc chắn chúng ta sẽ nắm bắt nó” – tướng Trung Quốc La Viện (Luo Yuan) viết về khả năng chiến tranh bùng nổ tại một số hòn đảo không người ở trên Biển Đông. Vụ đối đầu kéo dài cả tháng nay giữa tàu của hai nước – hai bên tranh chấp quyền sở hữu bãi cạn Scarborough xa tít tắp – đã và đang khuấy động những ngôn từ nảy lửa, và có thể dự đoán được, ở Trung Quốc. Nhưng điều lạ là, cả những lời phê phán thứ chủ nghĩa dân tộc tự phát kia cũng đã được nói ra một cách rất thẳng thắn.

Cách đây 4 năm, Trung Quốc chìm trong một cơn bộc phát lòng yêu nước, mà hầu như khi ấy chẳng mấy ai ở đất nước này dám tỏ ra công khai nghi ngờ. Cơn bộc phát yêu nước đó được kích động bởi những vụ bạo lực chống người Trung Quốc nổ ra hồi tháng 3-2008 tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Nhiều người Trung Quốc đoán là phương Tây ủng hộ lực lượng nổi dậy. Thời điểm đó, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội vào tháng 8 cùng năm – sự kiện này càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa yêu nước, vốn dĩ đã bùng lên một lần nữa trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều người buộc tội phương Tây, nhất là Mỹ, đã gây rối loạn tài chính, và họ bắt đầu nói về Đảng Cộng sản với một tấm lòng biết ơn mới – biết ơn vì đã giúp Trung Quốc vượt qua cơn bão khủng hoảng.


Rất ít người Trung Quốc nghi ngờ yêu sách chủ quyền mà chính phủ họ đưa ra đối với bãi cạn Scarborough (hay là Hoàng Nham đảo theo cách gọi của Trung Quốc), hoặc thậm chí đối với bất kỳ hòn đảo nào nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (xem bản đồ). Trong mấy năm gần đây, tranh chấp của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây phản tác dụng, khi đẩy các nước hàng xóm xích lại gần Mỹ hơn; tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề có khả năng làm bùng lên một cơn bộc phát tư tưởng sô vanh (tư tưởng nước lớn) mạnh mẽ hơn nữa ở Trung Quốc. Chỉ có một nhóm người Trung Quốc tụ tập ngoài cổng đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh. (Có khoảng 300 người Philippines biểu tình ở Manila).


Các nước láng giềng của Trung Quốc bực bội hơn bao giờ hết trước nguy cơ tình cảm dân tộc chủ nghĩa lan rộng ở Trung Quốc có thể kích động giới lãnh đạo Trung Quốc đi đến những hành động tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài. Gần đây, các nước láng giềng cũng có lý do đặc biệt để lo lắng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chịu sức ép khủng khiếp sau vụ thanh trừng ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai hồi tháng trước, cũng như sức ép khi họ đang phải chuẩn bị cho những thay đổi lớn về lãnh đạo vào cuối năm nay. Thêm vào đó, các dấu hiệu về một nền kinh tế đang suy giảm cũng là mối lo của đảng. Giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cảm thấy không thể không khuyến khích ít nhiều tình cảm yêu nước và bài ngoại, như một cách để khiến công chúng xao lãng sự chú ý vào các vấn đề trong nước. Nhưng gần đây, các biểu hiện chống lại trò đó đã xuất hiện một cách bất thường. Những vấn đề mà đảng muốn che giấu lại rất có thể là những yếu tố kích thích một số người Trung Quốc phê phán (chính quyền) nhiều hơn.

Có thể thấy điều này rõ ràng nhất trong phản ứng của công chúng với cuộc đào tẩu hồi cuối tháng trước một nhà hoạt động bị mù – ông Trần Quang Thành. Ông chạy thoát vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, và sau đó được chuyển sang một bệnh viện tại Bắc Kinh để điều trị. Ông Trần là nhà bất đồng chính kiến đầu tiên, kể từ năm 1989, được bảo vệ nhờ quy chế ngoại giao của Mỹ trên đất Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả những nhân vật dân tộc chủ nghĩa trên mạng – hơn bao giờ hết đang sẵn sàng buộc tội Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc – cũng đã dịu giọng. (Ông Trần vẫn đang chờ được cấp hộ chiếu để có thể rời Trung Quốc sang Mỹ du học).

Vào ngày 4-5, một số tờ báo ở Bắc Kinh đã đăng tải những bài xã luận công kích ông Trần và các nhà ngoại giao Mỹ, gọi ông Trần là “con tốt” bị các chính trị gia Mỹ sử dụng để bôi nhọ Trung Quốc. Nhiều blogger Trung Quốc phản ứng bằng việc công kích lại mấy tờ báo đó, chứ không nhằm vào ông Trần. Khuya hôm qua, một trong các tờ báo này, là tờ Tin tức Bắc Kinh (Beijing News), đã đăng tải trên blog một bài có vẻ giống như lời xin lỗi. Bài báo có bức ảnh một anh hề lôi thôi, hút xì gà, phía dưới có câu: “Trong sự tĩnh lặng sâu thẳm của màn đêm, chúng tôi cởi bỏ chiếc mặt nạ dối trá và nói với cái tôi chân thật của mình rằng, chúng tôi xin lỗi”. Sau đó các nhà kiểm duyệt đã xóa bài này, sau khi hàng nghìn người post những bình luận, thông điệp ủng hộ sự thay đổi của tờ báo. Một trang tin của Trung Quốc, trang Caixin, đã đánh giá một trong các bài xã luận là “không phù hợp” và làm người đọc “cười vỡ bụng”.

Những nỗ lực của hệ thống báo chí quốc doanh nhằm hạ uy tín đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, ông Gary Locke, vì đã giúp đỡ ông Trần, cũng chỉ tạo được chút ít đồng cảm. Vào ngày 14-5, tờ Bắc Kinh Nhật Báo (Beijing Daily) ra sức chế nhạo ông Locke khi kêu gọi ông công khai tài sản. Liu Yadong, biên tập viên cao cấp của một tờ báo quốc doanh khác, tờ Khoa học Công nghệ Hàng ngày (Science and Technology Daily), viết trên blog rằng quan chức công vụ ở Mỹ bưng bít thông tin tài sản là chuyện thường (nhưng tài sản của ông Locke thì đã được công khai rồi). Từ lâu đã có những lời kêu gọi công khai tài sản tương tự ở Trung Quốc – đất nước mà tham nhũng lan tràn – và cuộc tranh cãi khiến cho những lời kêu gọi đó càng được biết đến nhiều hơn. Bị chìm ngập trong những comment phê phán chỉ trích, Bắc Kinh Nhật Báo đã phải dỡ bỏ bài viết trên blog.

Tình cảm dân tộc chủ nghĩa phổ biến trong nước vẫn là một sức mạnh to lớn, nhưng chính quyền đã bắt đầu phải cảnh giác, không để nó được tự do quá, đề phòng nguy cơ chính đảng cộng sản bị nó chống lại. Tháng trước, chính quyền đã lệnh cho một website dân tộc chủ nghĩa như vậy – thành lập trong thời kỳ bộc phát cơn yêu nước của năm 2008 (webiste có địa chỉ m4.cn, trước là “Anti-CNN.com”) – phải đóng bản tin. Họ không muốn nó lại gây rắc rối thêm lần nữa.

Nguồn: The Economist

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào: