Pages

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Không ai “lợi dụng LÒNG YÊU NƯỚC”!


Gần đây, khi nhân dân có sự biểu thị và tỏ rõ sự phản đối trước những hành động trắng trợn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển-đảo của Tổ quốc, lãnh đạo của thành phố và một số phương tiện truyền thông Hà Nội lu loa lên rằng có sự “Lợi dụng lòng yêu nước, có sự tiếp tay, kích động của các thế lực thù địch”(?!). Chưa nói đến động cơ gì thôi thúc, đó là nhận thức đầy chủ quan và áp đặt, phát ngôn tùy tiện, thiếu căn cứ, gây dị nghị cho dư luận xã hội, gây dị ứng và lo ngại cho trình độ “quan trí”. làm lãnh đạo, khi thấy dân phản ứng điều gì khác thường, thì trước hết phải bình tĩnh xem xét, nhìn nhận xem quan điểm, vai trò lãnh đạo, cung cách, biện pháp có gì sai, không nên vội vàng phản ứng chủ quan và tậm chí “chụp mũ”. Làm như thế là sai với phương pháp cách mạng, sai quan điểm quần chúng của Đảng….

Hãy thật sự bình tĩnh xem xét, không ai “lợi dụng lòng yêu nước”, vì hai lẽ: Thứ nhất, biết bao máu xương của nhiều thế hệ đã đổ xuống mà cho đến nay đất nước vẫn chưa sạch bóng quân xâm lược, nguy cơ bị mất nền độc lập dân tộc đe dọa thường trực, nhân dân không thể yên lòng trước thế lực bên ngoài liên tục gây hấn, lăm le và bộc lộ rõ mưu đồ chờ thời cơ xâm lược bất kỳ lúc nào. Sự biểu hiện không yên lòng đó chính là lòng yêu nước. Thứ hai, là những tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quyền dân chủ nghiêm trọng và tràn lan, sự suy thoái mất phẩm chất của “một bộ phận không nhỏ có chức có quyền” đang có nguy cơ phá ruỗng xã hội từ bên trong, kìm hãm công cuộc đổi mới đất nước.
Cả hai sự lo lắng, bất bình đó chính là sự thể hiện lòng yêu nước chân chính. Lòng yêu nước không cho phép ai thỏa hiệp với những sai lầm, những nguy cơ bất ổn nêu trên. Trong mọi cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, sức mạnh toàn dân chính là sức mạnh của cả dân tộc. Không có sức mạnh toàn dân sẽ không giành được thắng lợi. Cho nên, khi đất nước có nguy cơ bị xâm lăng, và cả khi giặc xâm ngoại xâm đã ngang nhiên chiếm mất chủ quyền lãnh thổ, đe dọa trực tiếp đến cuocj sống bình yên của mỗi người, chỉ có nhân dân mới đánh đuổi được giặc ngoại xâm, chỉ có nhân dân mới làm lạnh mạnh hóa các mối quan hệ xã hội. Khi nội tình đất nước không yên, chỉ có nhân dân mới đủ sức mạnh để dẹp trừ kẻ tham lam độc ác, đem lại sự bình yêu, đem đến sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Khi lãnh đạo biết nhận rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, tôn trọng dân chủ, động viên toàn dân đánh giặc, khuyến khích người dân mạnh dạn đấu tranh chống những thói hư tật xấu, nhiệt tình tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thì mới chiến thắng được thù trong, giặc ngoài. Vơ đũa cả nắm, cho rằng nhân dân đang nghe lời “thế lực thù địch”, là coi thường nhân dân. Và như thế, đánh mất đi sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, có lợi cho kẻ thù mà nguy cơ mất nước ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm trầm trọng. Lòng yêu nước chân chính làm nên sức mạnh toàn dân tộc không dễ gì bị thế lực thù địch lợi dụng. Trong thể chế dân chủ XHCN, ai cố tình đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, phản dân, hại nước thì chính kẻ đó là “thế lực thù địch”.
Những quan điểm, nhận thức tư tưởng sai lầm khi đánh giá về lòng dân, phân tuyến với nhân dân là sự thể hiện phi giai cấp vô sản, đi trật đường lối “cách mạng là sự nghiệp quần chúng” của Đảng. Quan điểm sai, động cơ sai, dẫn đến phát ngôn và hành động sai. Nó thường xuất phát từ động cơ cá nhân, nói theo cấp trên để nịnh hót, bợ đỡ, chiều lòng, thậm chí a dua một bề, một sự ngu trung để lại những hệ lụy tai hại. Cũng có thể bị mắc mưu kẻ địch, mất cảnh giác do cạn suy, ngộ nhận, hoặc vì động cơ quyền lợi cá nhân ích kỷ nào đó. Cả hai biểu hiện duy ý chí và đầy chủ quan đó đều có sự xúi giục: Chính lương tâm xúi giục và kẻ khác xúi giục. Làm cách mạng mà sai từ quan điểm tư tưởng đến phương pháp thì cũng coi như phản cách mạng.
Từ thực trạng đó, suy ra, thế lực thù địch không đâu xa, mà ngay trong lòng người. Cái tâm không sáng, lòng không trong, tâm hồn bị thực dụng che khuất thì sinh ra ngu muội, thấp hèn và liều lĩnh. Khi ngu muội đã làm mất tỉnh táo thì ám muội xuất hiện sinh ra những phát ngôn, hành xử tùy tiện, thậm chí bất nhân. Cần phải thấy rằng, toàn dân đã bất bình lên cao độ vì đã đổ bao xương máu của nhiều thế hệ, nay đất nước vẫn chưa có hòa bình thực sự, cuộc sống vẫn còn nhiều biểu hiện trái với bản chất của chế độ xã hội “của dân, do dân, vì dân”.
Bên trong thì quan tham cấu kết lâu năm thành bè nhóm, phe phái, phân rã đoàn kết nội bộ lãnh đạo, kéo lùi sự phát triển đất nước, ngân khố quốc gia bị đục ruỗng do nạn tham nhũng tràn lan. Bên ngoài thì nguy cơ Tổ quốc bị xâm lăng đe dọa. Người dân yêu nước, và yêu chính cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập, sao lai có thể “mũ ni che tai” được? Phải hiểu rằng, những người không đi biểu tình không phải ai cũng phản đối biểu tình. Nhưng vì những cuộc ngăn chặn, bắt bớ của chính quyền và công an, vì tôn trọng sự kêu gọi, cẩn trọng vì sự đe nẹt, dọa dẫm, cũng chưa có “Luật biểu tình” một cách hợp pháp, họ chưa đi biểu tình. Không ít người cho rằng, “Thôi, họ đâu có hiểu dân, đâu có biết tôn trọng dân; ba mươi sáu chước, phòng thân cho được yên vẫn hơn”. Nhưng khi tình huống đất nước đến độ một mất một còn, làn sóng nhân dân sẽ dội lên như từng lớp sóng thần, lúc đó không có thế lực nào có thể ngăn được.
Vì thế, làm lãnh đạo, làm truyền thông phải hiểu được lòng dân. Dân ta ngày xưa chưa được nâng cao nền giáo dục, dân trí thấp, đã không dễ dàng bị “thế lực thù địch” xui khiến. Nay, trình độ dân trí đã được nâng cao, toàn cầu hóa đã đưa thông tin nóng hổi trên trái đất này đến từng người, “thế giới phẳng” đã giúp con người hiểu hết đúng-sai, phải-trái. Nếu lúc nào cũng ngăn chặn, che chắn, dùng chút quyền lực nhỏ hẹp của mình để chặn làn sóng nhân dân, chẳng khác nào đang tự dìm mình xuống đáy bùn.
Do sớm đánh giá đúng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, hiểu rõ bản lĩnh, ý chí của người dân nước Việt, Chủ tịch Hồ Chí Mính đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Kẻ địch, nếu có, và đang rắp tâm chống phá chế độ này, đâu đến mức hết cách để phải “lợi dụng lòng yêu nước”, để rồi “thưa ông tôi ở bụi này”? Nghị quyết Trung ương 4, cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi tiếp xúc cử tri đều kêu gọi toàn dân tham gia việc nước trong lúc nhiều rối ren, yếu kém, toàn dân tham gia chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Dân thì không thể “ra” được công văn, chỉ thị, chỉ biểu hiện bằng tiếng nói của quyền tự do dân chủ, trong đó có tham gia biểu tình, tuần hành. Nếu như nay Nhà nước đứng ra tổ chức cho cả nước biểu tình, tuần hành, sẽ có hàng triệu người hăng hái tham gia. Muốn dân không tự phát, thì chính quyền phải đứng ra tổ chức mítting, biểu tình, tuần hành để thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Không ai “lợi dụng lòng yêu nước”, chỉ có nhân dân luôn luôn giữ vững truyền thống dân tộc và lòng yêu nước sẵn sàng cuồn cuộn dâng lên những lớp sóng nhấn chìm lũ quan tham làm tàn hại đất nước, lũ bán nước và cướp nước. Biểu tình, tuần hành là hoạt động đã đi vào truyền thống của dân ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta cũng phát động, kêu gọi nhân dân biểu tình, mít tinh, tuần hành, thị uy, bãi công, bãi chợ. Đó là một trong những phương pháp cách mạng, được coi là ‘mũi giáp công” cần thiết. Phản đối Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền dân tộc, đưa ra những yêu sách, kiến nghị một cách ôn hòa đòi công bằng, chống bất công, chống cường quyền để bảo vệ quyền làm chủ, tất cả đều vì “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”.
Nguồn: Bùi Văn Bồng blog.

Không có nhận xét nào: