Ngô Nhân Dụng - Người Việt Nam đang sẵn sàng nổi giận khi nói đến Trung Quốc. Tấm lòng phẫn nộ thể hiện trong các cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật vừa qua. Nhưng mối lo sợ còn thấy trong những bài viết lan truyền trên mạng. Một nhà báo mạng báo động: “Không còn nghi ngờ gì nữa! Quê hương đã tràn ngập bóng Trung Quốc!”
Lo sợ về các thủ đoạn của người Trung Quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng người Việt trong mấy chục năm qua; tạo nên những câu chuyện gần như huyền thoại. Người Trung Quốc đã sang Việt Nam gạ mua móng trâu, bò với giá rất cao, khiến nhiều người Việt Nam đi chặt chân trâu, bò (của mình hay chặt trộm); gây nên nạn thiếu trâu cày. Người Trung Quốc phổ biến ốc bưu sang Việt Nam, gây thiệt hại mùa màng. Người Trung Quốc thu mua đồng vụn giá cao gây ra nạn ăn cắp đồng, phá mạng lưới dây điện, vân vân. Người Trung Quốc đi mua mèo với giá cao gây ra nạn dịch chuột kinh hoàng. Các tỉnh như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… rộ lên “cơn sốt đỉa” vì người Trung Quốc sang mua đỉa với giá cao; nhiều người Việt rủ nhau đi nuôi đỉa! Hội Ðộng Vật Học Việt Nam đã phải báo động: Nếu nuôi đỉa bừa bãi, không kiểm soát được, đỉa tràn ra môi trường tự nhiên nhiều quá thì hậu họa sẽ không thể lường được. Các chuyện trên không biết chắc là đúng sự thật được bao nhiêu phần trăm; giống như những chuyện Cao Biền trấn yểm long mạch nước ta, chuyện Hoàng Phúc đi tìm đất huyệt, vân vân. Nhưng chúng phát xuất từ trong dân gian, cho thấy mối lo lắng vẫn ám ảnh người Việt từ hàng ngàn năm chưa dứt.
Nhà báo Văn Quang mới phổ biến một bài kể ra những “thủ đoạn của các con buôn người Trung Quốc” lũng đoạn thị trường Việt Nam. Và đây là những chuyện thật, hầu như ai cũng biết, có thể tin được. Thí dụ, chuyện hàng đoàn xe vận tải chở dưa hấu, rau quả sang Trung Quốc bán, nằm la liệt ở cửa khẩu làm mọi thứ thối rữa chỉ còn nước đổ đi. Hay ở thị trấn Mỹ Phước, Ðồng Tháp Mười, các thương lái Trung Quốc đến trả giá cao thu mua “khóm” (dứa) không cần đợi khóm chín mà còn xanh cũng mua, miễn to là được. Họ chỉ đặt cọc 10 triệu đồng, đến khi các chủ vựa Việt Nam sẵn sàng hai thùng, 42 tấn trái cây, thì họ biến đâu mất, nhà buôn Việt Nam đành chịu lỗ. Trong khi đó thì các nhà máy chế biến như công ty Rau quả Tiền Giang không mua được dứa, sản xuất đình trệ.
Lại thêm chuyện mua cua ở huyện Năm Căn, Cà Mau, có lúc lên đến 60, 70 người Trung Quốc sử dụng chiếu khán du lịch, tạm trú rồi đi thu mua cua; nhiều lái buôn sau đó biến mất. Ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, họ cũng đến thu mua chuối khiến nhiều nhà vườn đã đốn bỏ các cây ăn trái khác để trồng chuối; được một thời gian rất ngắn rồi bỏ, các chủ vườn chịu thiệt. Tại Bến Tre thương lái Trung Quốc đã chiếm thị trường thạch dừa; sau đó hạ giá mua xuống chỉ còn một phần ba. Những người sản xuất thạch dừa ở Bến Tre rơi vào thế “sống dở chết dở” vì lỡ đầu tư sản xuất rồi, làm ra hàng hóa không biết bán cho ai. Một thủ đoạn đáng sợ nhất là họ mua gạo Việt Nam, trộn gạo hạng tốt với gạo xấu, rồi đem bán qua nước khác, gọi đó là gạo tốt. Người tiêu dùng các nước sẽ dần dần không còn tín nhiệm gạo Việt Nam nữa.
Ngoài những “thủ đoạn” trên, ai cũng biết còn có chuyện người Trung Quốc sang khai thác bè nuôi cá ở Vũng Rô, Tuy Hòa, ở bên quân cảng Cam Ranh.
Nhưng sở dĩ người Trung Quốc có thể lũng đoạn lập bè đánh cá ở những nơi đó, chính vì chính quyền Việt Nam đã làm ngơ. Nếu có những lái buôn ngoại quốc khác biết những cơ hội làm ăn kiếm lời như vậy, thì chắc ai cũng làm, chứ không phải chỉ có người Trung Quốc. Nhìn vào phản ứng của các cán bộ nhà nước Việt Nam thì thấy thủ phạm chính gây ra các tệ nạn đó là do chế độ độc tài chứ không phải vì lòng tham của các lái buôn.
Như trên báo Người Lao Ðộng viết: “Một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu, gia chủ chỉ cần thuê công nhân sửa chữa nhỏ, lập tức có nhân viên của phường, thành phố đến làm việc ngay… còn mấy cái bè nuôi cá to đùng của ông bạn hàng xóm ngang nhiên đem vào đất nhà mình để khai thác, rồi tự tiện đem tàu đến thu hoạch trước mũi chủ nhà; vậy mà vẫn im lặng như tờ. Ðến khi báo chí phanh phui thì lại lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, rồi thì ông đổ cho bà, bà bảo tại ông…”
Cũng giống như vậy, khi chúng ta coi lại những câu chuyện về thu mua dứa, thu mua cua, hay thạch dừa, thì thấy nguyên nhân chính khiến nhiều người Việt bị lừa gạt và thiệt thòi là vì nước Việt Nam không có luật pháp bảo vệ các hợp đồng thương mại. Ðúng ra, chắc phải có luật, nhưng người ta không biết đến, không dùng, và nhà nước không thi hành, có thể vì đồng lõa với gian thương. Trong một quốc gia bình thường, ai ký những hợp đồng mua dứa, mua cua như trên mà không làm đúng sẽ bị luật pháp trừng phạt. Luật lệ đặt ra không phải chỉ bảo vệ các người làm thương mại, mà chính là để bảo vệ chữ tín trong việc thương mại.
Những người Việt bị lừa, chở rau trái lên đến cửa ải rồi xe nằm ụ đến nước héo úa, thối rữa, lý do chính là họ không được luật pháp bảo vệ. Những người bán cua, bán dứa bị lừa, không thể nói chỉ vì họ dại dột mà lý do chính cũng vì họ không được luật pháp bảo vệ.
Ai lo về luật pháp? Chính quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại sao họ không lo thi hành luật pháp, bảo vệ người Việt? Khi được hỏi vì sao chính quyền Việt Nam cho phép hàng ngàn lao động phổ thông Trung Quốc vào trong nước ta làm những việc như đào đất, phụ hồ quét dọn… mà những việc này lao động Việt Nam không được sử dụng trong lúc nạn thất nghiệp tràn lan, ông Nguyễn Ðại Nghĩa thuộc Sở Lao Ðộng thành phố Hải Phòng nói: “Các nhà thầu Trung Quốc nêu lý do không sử dụng lao động Việt Nam là vì tình trạng mất cắp thường xảy ra.”
Nếu có người ăn trộm ăn cắp thì đó là công việc của chính quyền phải điều tra, trừng phạt theo luật lệ. Bao nhiêu cảnh sát công an để làm gì, chỉ lo đi ngăn cản những người biểu tình yêu nước mà không lo chống trộm cắp? Một cán bộ cao cấp như ông Nguyễn Ðại Nghĩa mà trả lời như vậy, chứng tỏ chính quyền cộng sản tự nhận mình không lo được việc chống trộm cắp, nên để cho người Trung Quốc họ tự lo lấy. Mà cách của họ lo lấy là đem lao động người Trung Quốc vào cướp công việc làm của người Việt Nam! Nếu bây giờ họ đòi mang cảnh sát, công an của họ vào lo lấy việc an ninh, chắc cũng chịu hay sao? Hay là việc đó đã xảy ra rồi?
Tóm lại, từ việc lái buôn Trung Quốc đánh lừa dân Việt Nam, đến chuyện các nhà thầu Trung Quốc đem người sang cướp công việc làm của lao động Việt Nam, lý do chính là do chế độ cai trị độc tài đảng trị, các quan chức toàn quyền, không cần đến pháp luật nên cũng không bao giờ lo bảo vệ luật pháp và dùng luật pháp bảo vệ dân. Họ đã quen như vậy từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Như vụ bè nuôi cá ở Tuy Hòa và Cam Ranh, một nhà báo việc trên tờ báo Thanh Niên: “Lại 1 quả bom nữa được gài. Chỉ thấy tội cho các cấp quản lý của mình là rất ngây thơ.”
Thật ra, chỉ có các nhà báo ngây thơ chứ các quan chức cộng sản không hề ngây thơ. Các cán bộ đã quen nể sợ các “đồng chí anh em vĩ đại” và nay lại được các đồng chí anh em “đấm mõm” no đầy bụng, họ làm cái gì cũng có lợi cả chứ không phải vì ngây thơ! Các quan chức tham nhũng đã tạo địa bàn cho các lái buôn trục lợi. Họ không cần bảo vệ dân bằng pháp luật vì họ không cần được dân bỏ phiếu bầu. Họ chỉ cần trung thành với cấp trên trong băng đảng, là tha hồ làm giàu. Khi nào còn chế độ độc tài thì không thể tránh tình trạng đó!
Chỉ có người dân Việt Nam bị thiệt. Nếu không phải các lái buôn người Trung Quốc vào nước ta dùng các thủ đoạn ma mãnh đánh lừa người Việt, thì với bộ máy chính quyền như hiện nay, sẽ có những lái buôn nước khác. Không cần người Trung Quốc, bất cứ người nước nào thấy có thể mua chuộc được chính quyền nước khác, họ cũng tìm đường lũng đoạn.
Chỉ bao giờ cả hệ thống tham nhũng, thối nát và bất lực này được xóa bỏ thì người Việt mới đỡ bị lừa gạt trắng trợn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét