Việt Nam lại đang có một tuần dồn dập các sự kiện ngoại giao, đánh dấu những bước chuyển hướng phù hợp trong quan hệ quốc tế nhưng cũng làm nổi bật lên các vấn đề nội trị gay cấn.
Có vẻ như ngoại giao Việt Nam càng khởi sắc thì các vấn đề quản trị kinh tế bên trong và điều hành xã hội lại càng lộ rõ sự yếu kém.
Tìm câu giải thích cho nghịch lý này là cách lý giải sức mạnh tiềm tàng của đất nước và những cản trở nghiêm trọng cho quá trình cải cách chính trị bên trong mà thảo luận về Hiến pháp đang mở ra ít nhiều cơ hội.
Đối ngoại khởi sắc
Việt Nam nay không chỉ là điểm đến của các ‘bạn cũ’ như Bắc Hàn, Cuba sang học hỏi kinh nghiệm cải tổ mà còn là nơi các lãnh đạo Anh Mỹ đến để bàn thảo các chủ đề an ninh vùng và đối tác chiều sâu.
Một phần, sự thành công này là nhờ yếu tố ‘thiên thời’: Việt Nam những năm qua đã kiên trì và nhất quán tận dụng tối đa vị thế địa chính trị chiến lược ở Đông Nam Á giữa lúc Phương Tây ngờ vực đà vươn lên của Trung Quốc.
Nhưng ngành ngoại giao Việt Nam cũng đã và đang tích hợp được yếu tố con người: một thế hệ các nhà ngoại giao trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn đang có mặt ở các nước Phương Tây và Đông Nam Á để triển khai chính sách liên kết, hội nhập.
Trong số các bộ trưởng đương nhiệm, người nắm ngành ngoại giao, ông Phạm Bình Minh nổi bật lên nhờ tài ngoại ngữ và phong thái đĩnh đạc, chuyên nghiệp mà kín đáo, không ồn ào như một số vị khác.
Quân đội Việt Nam cũng tham gia vào ngoại giao quốc phòng với các tuyên bố và hành độ cụ thể, rõ ràng, khiến dư luận quốc tế an tâm, nể trọng.
Hơn nữa, chính nhờ yếu tố môi trường khó khăn, có cạnh tranh mãnh liệt mà các nhà hoạt động ngoại giao Việt Nam, dù trong lĩnh vực dân sự hay quân sự, phải bật lên được để vượt qua thách thức.
Chưa kể ở bên ngoài, các tiêu chuẩn từ ngôn ngữ, giao tiếp truyền thông đến quy định luật pháp quốc tế khiến họ phải học hỏi và nhanh chóng thích ứng.
Lấy ví dụ trong chủ đề Biển Đông, họ luôn phải theo dõi sát sao dư luận và phản ứng của chính giới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Hoa Kỳ, Úc tới Malaysia, Indonesia và cả Campuchia.
Khi phát biểu, họ cũng phải nỗ lực về trí tuệ và ngôn từ để xứng với tầm vóc của câu chuyện.
Nhưng bên cạnh đó, những người làm ngoại giao Việt Nam cũng có Công ước Luật biển Quốc tế làm chuẩn, và được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ ý kiến tham vấn của nhiều giới trí thức quốc tế, gồm cả các nhân sĩ Việt Kiều.
Đầy chuyện ‘rùng mình’
Trái lại, bức tranh xã hội Việt Nam như trình bày trên chính truyền thông nước này liên tục khiến người xem người đọc ‘giật mình’, “rùng mình’, ‘ngạc nhiên’, ‘sửng sốt’, ‘hốt hoảng’, ‘sốc’ hay ‘điếng người’, như một bình luận của trang Bấm Viet-Studiesgần đây.
Truyền thông và báo chí ngập những chuyện dâm tục, thiếu chuyện nghiêm túc.
Giao thông chật cứng các vấn đề và ồn ào phát ngôn nhưng kẹt về giải pháp.
Giáo dục và y tế đều chứa chất các bệnh kinh niên không lối ra.
Bấm Đại biểu Quốc hộilo bàn chuyện xử lý mua bán dâm thay vì chất vấn các tập đoàn lỗ hàng tỷ USD và chính sách sai khiến doanh nghiệp phá sản hàng loạt.
So sánh với đối ngoại thì có thể thấy các vấn đề nghiêm trọng trong điều hành kinh tế, trong an ninh xã hội nội bộ của Việt Nam đến từ chỗ giới quan chức từ cấp bộ xuống địa phương hoạt động thiếu các quy tắc và chuẩn mực rõ rệt.
Có chức có quyền rồi thì gần như làm gì cũng được, nói gì cũng được và lâu không ai dám cãi lại nên phản ứng xấu hổ cũng mất đi.
Môi trường quan chức thiếu cạnh tranh và thiếu cơ chế giám sát làm xuống cấp cả trình độ và ứng xử của một loạt nhân vật ‘kỹ trị’, có học hành ở Phương Tây về vốn từng gợi ra hy vọng (nay đã tan) về một phong cách lãnh đạo khác.
Quán tính dùng vũ lực và bạo lực nhà nước để quy kết dân quyền và dân sinh vào chuyện hình sự đang khiến Việt Nam có nguy cơ dịch xa các tiêu chuẩn quốc tế.
Ổn định xã hội tại Việt Nam nhiều khi được định nghĩa theo nhãn quan của công an, chứ chưa được xây dựng trên nền tảng nhà nước pháp quyền với tư pháp tách biệt ra khỏi hành pháp và lập pháp.
Trong tình hình này, một trong những hướng đi cho Việt Nam là đem các tiêu chuẩn quốc tế về thiết chế xã hội vào định lượng các vấn đề nội bộ.
Một Việt Nam ngày càng hội nhập chắc chắn không nên tiếp tục đề cao cách diễn giải ‘đặc thù’ cho những vấn đề nhiều nước khác đã trải qua mà cần rút tỉa bài học từ những giai đoạn phát triển tương tự của họ.
Nhìn ra bên ngoài, Việt Nam đúng là ‘ước gì được nấy’ với lộ trình từ bình thường hóa quan hệ với Phương Tây, vào Asean, gia nhập WTO, tới chỗ xây dựng quan hệ sâu rộng với Hoa Kỳ, Anh Quốc.
Thế giới dành thời gian cho Việt Nam hơn 20 năm qua là để quốc gia này hồi sức sau thời chiến tranh và tự cải tổ nhằm hội nhập và tiến bộ hơn nữ̉a.
Nếu coi thời gian quý báu này là dịp kiếm chác, hoặc câu giờ, né tránh cải cách quyết liệt thì các chính khách Việt Nam sẽ không chỉ tiếp tục bị các vấn đề nội bộ thách thức mà sẽ còn làm thất vọng bạn bè, đồng minh quốc tế.
Lúc đó, cơ hội nhiều năm mới có một lần để được Việt Nam vươn lên văn minh, hiện đạ̣i và trở thành một cường quốc khu vực sẽ bị tuột đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét