Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo thế nào?



Lãnh đạo Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khước từ gợi ý từ chức
Tính khả thi của nghị quyết mới thông qua của Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ tư về 'lấy ý kiến' và 'bỏ phiếu tín nhiệm' với các chức danh cao cấp trong cơ quan quyền lực của nhà nước, chính phủ và quốc hội tiếp tục thu hút ý kiến, bình luận của giới quan sát trong nước.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 22/11/2012, cựu Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nghị quyết mới này của Quốc hội chỉ có thể khả thi với điều kiện kèm theo là các đại biểu quốc hội phải thực sự được độc lập trong việc cho ý kiến hoặc bỏ phiếu vè tín nhiệm.


"Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể có tính khả thi khi các đại biểu được quyền bày tỏ chính kiến của mình, chứ còn trước mỗi lần dự kiến lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, mà các đại biểu lại phải được định hướng, quán triệt quan điểm chỉ đạo của trên, thì tôi nghĩ rằng rất khó đưa nghị quyết ấy vào thực tế được."
Giáo sư Thuyết nói: "Nghị quyết về quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã có một cơ sở pháp lý để thực hiện quy định trước đây về Luật tổ chức Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Khi được hỏi liệu việc đưa một số vị trí quyền lực như Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và kể cả Chủ tịch nước ra để thăm dò, bỏ phiếu tín nhiệm trong một quy trình có thể dẫn tới việc bãi nhiệm của các ghế quyền lực này, có thể là quá tham vọng hay không, Giáo sư Thuyết nói:
"Theo Hiến pháp Việt Nam, Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo xã hội, đối với những chức danh cao cấp, thậm chí từ bộ trưởng trở lên, việc quyết định cử họ đảm nhiệm những nhiệm vụ ấy hoặc đề nghị Quốc hội xem xét bãi nhiệm là được quyết định ở Trung ương Đảng, hoặc là ở Bộ Chính trị, ở Ban Bí thư.
"Trung uơng ĐCSVN cũng như là Bộ Chính trị hay Ban Bí thư cũng sẽ phải xem xét cân nhắc, và khi phiếu tín nhiệm này được công bố công khai, tôi chắc rằng Trung ương cũng khó có thể làm khác"
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
"Khi chưa có quyết định của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tôi nghĩ là Quốc hội khó có thể đặt vấn đề miễn nhiệm họ. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm cũng sẽ thể hiện được quan điểm của các vị đại biểu, tất nhiên trong trường hợp là các đại biểu được tự do bày tỏ ý kiến, chính kiến của mình."
Giáo sư Thuyết tin tưởng rằng nếu việc lấy ý kiến, bỏ phiểu tín nhiệm được thực hiện khách quan, công việc này cũng có thể có tác động nhất định đối với quyết định của Đảng.
"Trong trường hợp như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm cũng thể hiện được sự tín nhiệm của Quốc hội đối với các vị lãnh đạo cao cấp này," ông nói với BBC hôm thứ Năm.
"Và trên cơ sở đó, tôi nghĩ rằng Trung uơng Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như là Bộ Chính trị hay Ban Bí thư của Đảng cộng sản cũng sẽ phải xem xét cân nhắc, và khi phiếu tín nhiệm này được công bố công khai, tôi chắc rằng Trung ương cũng khó có thể làm khác với ý kiến của số đông đại biểu."
'Thủ đoạn chính trị'
Có quan điểm khác với Giáo sư Thuyết, Bấmông Phạm Hồng Sơn, nhà hoạt động dân chủ trong nước nói với BBC ông cho rằng nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm do Quốc hội mới thông qua 'chỉ là thủ đoạn chính trị' của Đảng cầm quyền nhằm có thời gian xoa dịu và xử lý các áp lực trong dân và xã hội.
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn nói: "Theo quan điểm của tôi đây chỉ là một trong những động thái chính trị của những người cầm quyền để họ có những giải pháp hóa giải những áp lực, cũng như những đòi hỏi của những người bị trị."
"Người cầm quyền bao giờ cũng nghĩ ra rất nhiều những giải pháp, những thủ thuật, mà dân gian vẫn gọi là những thủ đoạn, để làm sao cho quyền lực của họ được ổn định nhất, tức là làm sao để người bị trị cảm thấy yên tâm trong sự thống trị của họ."
Ông Sơn cho rằng nghị quyết về lấy ý kiến, bỏ phiểu tín nhiệm của Quốc hội chỉ "tiến bộ về mặt hình thức văn bản" mà trên thực tế là "đáng ngờ" về tính khả thi khi theo ông "hệ thống chính trị hoàn toàn do Đảng Cộng sản quyết định."
Ông giải thích thêm: "Hiện nay, hệ thống chính trị không phải do những công chức về mặt chính quyền quyết định, mà chúng ta phải thừa nhận hệ thống chính trị hiện nay do Đảng quyết định.
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn chỉ trích phát biểu gợi ý Thủ tướng của Đại biểu Dương Trung Quốc là "xin cho"
"Mà trong Đảng cộng sản, thì ông Tổng bí thư là người quyết định cao nhất. Tất cả các viên chức mà trên lý thuyết Quốc hội có quyền trên lý thuyết phán xét bổ nhiệm hay bãi nhiệm đều là nhân viên, đều dưới quyền của ông Tổng bí thư. Nhưng hiện nay ông Tổng bí thư vẫn hoàn toàn đứng ngoài những văn bản mà Quốc hội mới thông qua."
Nhân dịp này, ông Sơn đưa ra bình luận của mình về nội dung chất vấn gần đây tại Quốc hội của Đại biểu Dương Trung Quốc, và cho rằng cách đặt vấn đề "gợi ý về từ chức" và "văn hóa từ chức" của ông Quốc chỉ mang tính chất "cầu khẩn", "cầu xin" mà chưa thể hiện được vị thế quyền lực của người đại diện quyền lực của nhân dân.
Ông Sơn nói: "Theo quan điểm của tôi đây không phải là một phát biểu có tính tiến bộ thực sự, mà tôi nghi ngờ rằng đây là một phát biểu có ý nghĩa lợi nhiều hơn cho nhà cầm quyền, cho người thống trị.
"Cho đến tận bây giờ đã xảy ra nhiều vấn đề về hệ thống chính trị mà nhiều người đã chỉ ra rất rõ rồi, nhưng ông ấy (đại biểu Dương Trung Quốc) vẫn đưa ra vấn đề có tính chất cầu khẩn, cầu xin"
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
"Cho đến tận bây giờ đã xảy ra nhiều vấn đề về hệ thống chính trị mà nhiều người đã chỉ ra rất rõ rồi, nhưng ông ấy (đại biểu Dương Trung Quốc) vẫn đưa ra vấn đề có tính chất cầu khẩn, cầu xin, chứ còn ngay bản thân ông cũng chưa thực hiện được quyền lực mà trên văn bản giao cho ông là một đại biểu quốc hội.
"Đại biểu Quốc hội, tức là ông phải là người đại diện cho dân, và hai là ông có quyền bổ nhiệm, có quyền có tiếng nói quyết định trong bổ nhiệm các công chức nhà nước... Vậy thì tại sao trong phát biểu của ông, ông chỉ gợi ý mà không đặt hẳn vấn đề là Thủ tướng phải từ chức?"
Trong khi đó, một đảng viên đã về hưu ở TP. HCM muốn được ẩn danh nói với BBC rằng không riêng Nghị quyết này mà nhiều quyết định chính sách, luật pháp của Quốc hội là khó khả thi vì chỉ mang "tính hình thức" là chính.
"Với một nhà nước toàn trị hiện nay ở Việt Nam, ở Trung Quốc hay ở một số rất ít ỏi các nước hiện nay, thì hệ thống chính trị từ Quốc hội đến Mặt trận, các đoàn thể đều là hình thức cả."
"Vì vậy chúng ta cũng đừng hy vọng gì ở Quốc hội cả, ngay cả vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm," ông nói với BBC.

Không có nhận xét nào: