Pages

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Chủ nghĩa dân tộc đe dọa sự yên bình ở Biển Đông



Biểu tình chống Nhật tại Sơn Đông ngày 19/08/2012.
Biểu tình chống Nhật tại Sơn Đông ngày 19/08/2012.
REUTERS/Stringer

Lê Phước
Hồi tháng 4/2012, Trung Quốc và Philippines đối đầu quanh bãi đá ngầm Scarborough, đến tháng 6 Việt Nam thông qua luật biển khiến Trung Quốc phản ứng bằng cách thành lập thành phố Tam Sa, tiếp đó, tháng 9 Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dẫn đến việc cả nước Trung Quốc bị rúng động vì các cuộc biểu tình bài Nhật. Những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như vậy càng bị khuấy động thêm bởi tinh thần dân tộc ở mỗi nước liên quan.

Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 11 nhìn về khu vực tranh chấp nhạy cảm này với bài phân tích khá sâu sắc. Bài viết chạy dòng tựa báo động: «Chiến tranh dân tộc chủ nghĩa trên vùng biển xung quanh Trung Quốc».
Nói về chính quyền trung ương Bắc Kinh, tác giả cho rằng, những động thái mạnh bạo của Trung Quốc với các nước láng giềng trong thời gian gần đây cho thấy nhà cầm quyền hiện tại của Trung Quốc đã thoát ly khỏi chính sách được ông Đặng Tiểu Bình khơi mào trước kia. Hồi ấy, ông Đặng chủ trương tạm gác lại tranh chấp để bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng trong mục đích tất cả cùng phát triển. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã từng tuyên bố : « Gác lại tranh cãi và tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển chung ». Ấy thế nhưng, tác giả cho rằng, lời nói này chỉ là « chót lưỡi đầu môi », bởi trong thực tế hành động của phía Trung Quốc thì hoàn toàn khác.
Nhìn về chính quyền các địa phương của Trung Quốc, tác giả mang đến một thông tin đáng suy ngẫm, đó là việc nhà cầm quyền ở một số địa phương Trung Quốc có hành động đôi khi vung tay quá trán, tức vượt quyền hạn cho phép và gây lún túng cho Bắc Kinh. Tác giả chỉ rõ, chính quyền Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây muốn tìm đầu ra cho các doanh nghiệp của mình, mà đầu ra càng lớn thì kinh tế địa phương càng thịnh vượng, kinh tế địa phương càng thịnh vượng thì vai trò của họ trong bộ máy nhà nước càng được chắc chắn.
Bởi thế họ đã khuyến khích ngư dân xâm nhập sâu hơn vào vùng biển tranh chấp bằng cách buộc họ hiện đại hóa tàu bè và trang bị các hệ thống vệ tinh hàng hải. Đồng thời, họ cũng ưu tiên cấp phép cho các tàu lớn. Chính quyền Hải Nam cũng đã nhiều lần muốn phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa (tác giả dùng tên quốc tế là Paracels) bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Việt Nam. Tóm lại, chính sách của các địa phương trong quan hệ với Bắc Kinh là « hành động trước suy nghĩ sau », tức đẩy con cờ của mình xa đến mức có thể, đến khi mà chính quyền trung ương «cau mày » mới chịu thôi.
Bắc Kinh dùng chiêu bài dân sự trong tranh chấp lãnh thổ
Tác giả cũng đi vào phân tích sự ganh đua của hai lực lượng cảnh sát biển đầy quyền lực và  lực lượng hải giám trực thuộc bộ đất đai và tài nguyên, và cơ quan bảo vệ luật đánh bắt hải sản trực thuộc bộ nông nghiệp. Hai cơ quan này ra sức tranh giành tiền trợ cấp và các khoản ưu ái của nhà nước để đạt được càng nhiều tiền càng tốt. Nguồn thu càng lớn trên việc đánh thuế cũng là một lợi ích trong việc thăng quan tiến chức của họ. Bởi thế, họ không ngần ngại để cho ngày càng nhiều tàu đánh bắt xâm nhập vùng biển tranh chấp.
Thêm vào đó, chính quyền trung ương cũng thấy rằng, sử dụng các lực lượng mang tính dân sự như hai cơ quan này sẽ tránh được nhiều rủi ro hơn khi sử dụng lực lượng thuần túy quân sự. Còn đối với lực lượng hải quân Trung Quốc, dù rằng sự hiện diện của lực lượng này trên biển Đông ngày càng gia tăng, nhưng đến hiện tại họ vẫn giữ vai trò thứ yếu. Bởi một khi có xung đột, hoặc là họ vẫn ở sau hậu quân hoặc là họ sẽ đến trễ, bởi thế vai trò của chính quyền địa phương trong việc đối mặt trực diện với sự cố sẽ giữ một vai trò trọng yếu.
Tuy vậy, tác giả cho rằng chính sách tăng cường và hiện đại hóa hải quân « một cách hoàn toàn không minh bạch » của Trung Quốc cũng là một đầu mối gây căng thẳng, tạo ra một cuộc đua vũ trang trong khu vực. Nói về bộ ngoại giao Trung Quốc, thì vai trò của bộ này trong thực tế rất hạn chế. Tác giả cho rằng, những cơ quan nắm quyền lực thật sự trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là bộ thương mại, bộ tài chính, bộ an ninh quốc gia và Ủy ban phát triển và cải cách nhà nước.
Chính phủ Bắc Kinh muốn sử dụng chiêu bài dân tộc chủ nghĩa để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Thế nhưng, tác giả cho rằng, coi chừng lâm cảnh gây ông đập lưng ông. Tác giả nhắc lại, hồi đầu năm 2012, để làm dịu căng thẳng, bộ ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông. Ngay lập tức, dư luận tại nước này nổi cơn tam bành, nhiều cư dân mạng còn kêu gọi lãnh đạo Đảng cầm quyền tiến hành thanh trừng nội bộ, và cho rằng chóp bu đảng đang chứa chấp những « kẻ phản bội » và « tham nhũng », «chúng bóc lột máu và nước mắt của người dân ».
Tokyo làm việc cho Washington?
Nhìn về biển Hoa Đông, tác giả nhận định, sóng gió tranh chấp lãnh hải ở khu vực này còn dữ dội hơn vùng biển Đông (Tác giả dùng tên Biển Hoa Nam). Xích mích giữa Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ trên hồ sơ tranh chấp lãnh thổ, mà những hành vi tàn bạo của quân đội Nhật khi chiếm đóng Trung Quốc cũng đã khiến cho sự phẩn nộ của người Trung Quốc càng dữ dội. Thù mới hận cũ đã khiến nhiều người Trung Quốc xuống đường biểu tình bài Nhật, tấn công các cơ sở làm ăn của người Nhật ở Trung Quốc. Về phía Nhật Bản, tác giả cho rằng, nhiều người Nhật cảm thấy bị đe dọa bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo tác giả, một bộ phận các quan chức ngoại giao Trung Quốc hiện tại cho rằng, Trung Quốc không cần thiết phải kiêng nể các cường quốc cạnh tranh nữa vì Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trên trận chiến kinh tế, và sắp tới sẽ vượt qua cả Hoa Kỳ. Họ ngày càng chú ý đến quan hệ Trung-Mỹ nhiều hơn là quan hệ Trung-Nhật, bởi vì nhiều quan chức Trung Quốc cho rằng, “Tokyo chỉ còn là một chi nhánh của Washington”, vì thế chính sách đối ngoại của Nhật hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách Châu Á của Hoa Kỳ, mà chính sách Châu Á của Hoa Kỳ thì nhắm vào việc cản trở sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Tác giả kết luận: sự leo thang của tinh thần dân tộc chủ nghĩa, cuộc chạy đua vũ trang, tình trạng thiếu một thể chế lãnh đạo tầm khu vực và tình trạng bấp bênh của các quá trình chuyển giao quyền lực đã làm tầm trọng hơn nguy cơ xung đột ở những khu vực này.
Nhật Bản: tình trạng xã hội đen đang hoành hành
Đến với Nhật Bản, nhật báo Asahi Shimbun có bài khám phá tình trạng xã hội đen tại thành phố Kitakyushu trên đảo Kyushu miền cực nam đất nước. Bài viết được Courrier International dẫn lại với dòng tựa: “Nổi sợ hãi bao trùm thành phố”.
Bài biết đề cập chủ yếu đến một tổ chức xã hội đen mang tên Kudokai, một tổ chức có đến 600 thành viên và rất được chính phủ chú ý. Trụ sở của tổ chức này nằm ở thành phố Kitakyushu. Thành phố này có 970 000 người.
Từ tháng 8 đến nay, tại thành phố này các vụ tấn công đe dọa các cơ sở kinh doanh như nhà hàng hay các quán bar ngày càng nhiều.

Số là gần đây cảnh sát địa phương phát động phong trào chống mafia, mà một trong những biện pháp đó là khuyến khích các nhà hàng và quán bar treo một tấm bảng ghi dòng chữ: “Nơi cấm đối với những người thuộc các tổ chức tội phạm”. Thế là, nhiều nhà hàng và quán bar chấp nhận treo bảng đã bị tấn công đe dọa, thậm chí còn bị đánh đập, và rốt cuộc họ phải gỡ bảng xuống.
Không chỉ có người dân, mà chính quyền cũng bị tấn công. Tờ báo cho biết, một cựu thanh tra cảnh sát phụ trách theo dõi tổ chức Kudokai đã bị bắn trọng thương. Từ tháng 4 năm nay, cảnh sát địa phương đã tiến hành tuần tra thường xuyên trên đường phố Kitakyushu. Và chỉ trong vòng 5 tháng đã tiến hành gần 300 vụ bắt giữ liên quan đến trộm cắp, vi phạm luật về vũ khí nóng. Thế nhưng, các hoạt động tội phạm thì bí mật và tinh vi, nên người dân vẫn nôm nốp lo sợ, nhất là đối với những người còn kiên trì treo bảng cảnh sát nói trên thì mỗi khi ra khỏi nhà phải nhìn kĩ bốn phương tám hướng.
Nga: khơi dậy chiến thắng cũ để ổn đình tình hình mới
Tại Nga, hiện có nhiều tin đồn cho rằng tổng thống Putin sắp quyết định đổi tên thành phố Volgograd thành Stalingrad, tức trả tên Staline về cho thành phố này. Nhật báo Nezavissimaia Gazeta tại Maxcơva nhận định rằng, đây là một trong những biểu hiện cho thấy chính quyền Putin đang muốn khơi dậy tinh thần yêu nước để che lấp những yếu điểm trong hiện tại.
Courrier International trích dẫn nhận định này với hàng tựa: “Stalingrad sẽ trở lại chăng?”.Thành phố Volgagrad nằm bên bờ dòng sông Volga mang tên Stalingrad từ năm 1925 đên 1961, tức đã bị đổi tên vào năm 1961 trong phong trào phản đối Staline lúc bấy giờ. Thế nhưng, hiện tại ở Nga có nhiều dấu hiệu cho thấy tên của ông Staline sẽ được đặt lại cho thành phố này.
Tìm hiểu nguyên nhân, trước tiên tờ báo cho rằng, hiện tại tình hình chính trị xã hội tại Nga rất thích hợp cho một quyết định như vậy. Tờ báo nói rõ, do ngày càng xuất hiện nhiều mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài, và những đe dọa này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, nên nhà cầm quyền Nga muốn khơi dậy những biểu tượng chiến thắng của Liên Xô cũ, nhất là những chiến thắng còn in đậm trong dấu ấn người Nga. Và hiển nhiên, chiến thắng Stalingrad ngày 2/2/1943 là một trong những chiến thắng kiểu như vậy.
Tờ báo nói thêm, việc đặt lại tên Stalingrad đánh dấu sự thay đổi từ học thuyết “dân chủ tối cao” sang “chủ nghĩa yêu nước tối cao”, tức lấy chủ nghĩa yêu nước làm nền tảng cho chế độ. Lấy lại tên Stalingrad thứ nhất cho phép chính quyền Putin dựa được vào hình ảnh một nhân vật lịch sử vốn vẫn còn in sâu trong tâm trí cộng đồng Nga, thứ hai qua đó có thể mang đến cho học thuyết “chủ nghĩa yêu nước tối cao” một hình ảnh nổi tiếng thế giới có thể thu hút thế hệ trẻ, bởi vì trận đánh Stalingrad là một biểu tượng quốc tế “không thể chối cãi” về sự chiến thắng Đức Quốc xã.

Bản án sẽ nhẹ hơn khi quan tòa…no bụng!
Nhiều nghiên cứu cho thấy, phán quyết của quan tòa không chỉ tùy thuộc vào những gì thuộc về vụ án, mà cả vào những yếu tố “ngoại cuộc” mà người ta thường nghĩ là chẳng can hệ gì. Tuần san L’Express thông tin về chủ đề này với bài viết chạy dòng tựa khá dí dõm: “Thẩm phán đói bụng không có lỗ tai”.
Một nghiên cứu tại trên 1 000 bản án tại Israel cho thấy, đối với các các bản án được quyết định vào đầu giờ làm việc buổi sáng hoặc đầu giờ làm việc buổi chiều, tức khi các quan tòa đã dùng bữa xong và có tinh thần tỉnh táo, 65% trong số các bản án này là án nhẹ, trong khi con số này tuộc xuống còn 1% nếu các bản án được quyết định vào giữa hoặc cuối giờ làm việc, tức khi các quan tòa đang căng thẳng và đói bụng.
Một nghiên cứu khác tại Hoa Kỳ thì cho hay, khi các quan tòa nghe trình bày và đánh giá mức độ tổn hại cơ thể của nạn nhân, thì não của họ cũng phản ứng giống như là họ đối mặt với một đe dọa tổn hại cơ thể của chính bản thân họ. Như vậy, khi xét xử, các quan tòa biết vui buồn giận dữ tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án, và dĩ nhiên có ảnh hưởng đáng kể đến phán quyết của họ. Bên cạnh những yếu tố trên, các nhà khoa học cũng cho rằng, quan tòa còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tưởng chừng như không liên quan khác như: màu da của nạn nhân hay vóc dáng bên ngoài khó ưa hay dễ mến.

Không có nhận xét nào: