Nguyễn Vạn Phú
Thoạt trông, nỗ lực thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo của Quốc hội là đáng ghi nhận bởi thông qua công cụ này, Quốc hội sẽ đóng tốt hơn vai trò giám sát của mình. Trong bối cảnh bộ máy Chính phủ có nhiều yếu kém, khuyết điểm để người đứng đầu phải đứng ra nhận lỗi thì việc lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm là động thái người dân trông chờ để bày tỏ thái độ thông qua người đại diện dân cử của mình.
Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó và mặt trái của việc lấy phiếu tín nhiệm nếu không được phân tích đầy đủ và có biện pháp khắc phục thì nỗ lực này của Quốc hội khó lòng có tác dụng như mong muốn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, trước hết, sẽ cổ xúy cho cách điều hành rất ngắn hạn, làm triệt tiêu tầm nhìn dài hạn, khi phải đánh đổi giữa các thiệt hại ngắn hạn vì những mục tiêu lâu dài. Lấy ví dụ đối với Bộ trưởng Tài chính, để khắc phục tình trạng bội chi năm nào cũng cao ngất, sẽ phải nghiêm khắc với các yêu cầu chi tiêu của các địa phương, phải xiết hầu bao không để lợi ích địa phương, sự vận động của địa phương tác động lên dự toán ngân sách chung. Vì tầm nhìn dài hạn, giải quyết cán cân thu chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cũng sẽ mạnh tay với các bộ ngành khác, không để việc xin cấp ngân sách diễn ra tràn lan, lãng phí và trùng lắp… Trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội đồng thời là lãnh đạo các địa phương và bộ ngành, liệu họ có đồng tình với một vị bộ trưởng tài chính nghiêm khắc với túi tiền ngân sách hay sẽ dùng lá phiếu tín nhiệm để mặc cả chuyện phân bổ?
Một ví dụ khác dựa vào tình hình thực tế hiện nay là chuyện giải quyết nợ xấu. Muốn giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải siết chặt việc cho vay của hệ thống ngân hàng, từ đó lại gián tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Để đối phó với bong bóng tài sản bị xẹp làm tài sản thế chấp bị bốc hơi, Thống đốc cũng sẽ phải cần vài ba năm, trong đó tín dụng tăng trưởng chậm lại, ngân sách phải gánh chịu những khoản chi lớn để làm sạch hệ thống ngân hàng… Một Thống đốc mạnh tay như thế sẽ không được lòng nhiều người trong ngắn hạn để đổi lại sự lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng sau vài ba năm nữa. Đánh giá tín nhiệm đối với Thống đốc trong trường hợp này sẽ như thế nào? Chẳng lạ gì thống đốc ngân hàng trung ương nhiều nước có nhiệm kỳ dài, không bị bãi miễn trước hạn.
Tương tự như vậy, giả thử Chính phủ kiên quyết tái cơ cấu nền kinh tế, có nghĩa trước mắt tạm chấp nhận tăng trưởng chậm đi, thất nghiệp nhiều hơn, doanh nghiệp phá sản cao hơn mới mong chuyển thành công qua mô hình phát triển mới. Liệu những năm khó khăn đó, ai trong Chính phủ sẽ chịu tín nhiệm thấp? Khi đa phần đại biểu Quốc hội, người bỏ phiếu tín nhiệm đồng thời là người trong bộ máy nhà nước, cách chức danh như thanh tra, kiểm toán sẽ đụng chạm nhiều nên sẽ có xung đột lợi ích khi lấy phiếu tín nhiệm.
Quan trọng hơn, trong bộ máy nào cũng vậy, sẽ có người tiếp xúc nhiều với người dân nên cũng dễ xảy ra tranh cãi về phương pháp làm việc; sẽ có người ít khi xuất hiện trước công chúng, khó lòng đánh giá hiệu quả làm việc. Không lẽ lấy phiếu tín nhiệm người đứng mũi chịu sào sẽ chặt tay hơn người lùi lại đằng sau.
Trên đây là những chuyện giả định bởi hiện nay cách điều hành thường là chạy theo “giải pháp tình thế” chứ làm gì có chuyện tầm nhìn dài hạn nhưng các ví dụ cũng cho thấy hiệu ứng ngược của việc lấy phiếu tín nhiệm có thể xảy ra.
Mấu chốt của vấn đề là làm sao việc lấy phiếu tín nhiệm không làm tê liệt bộ máy hành chính mà là một công cụ để kiểm soát quyền lực và thúc đẩy bộ máy vận hành tốt hơn.
Để giải quyết những vấn đề nêu ở trên, thiết nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm không nên mở rộng quá nhiều chức danh lãnh đạo để khỏi mang tính hình thức, làm qua loa, không công bình giữa người làm nhiều và người làm ít. Chịu trách nhiệm cho mỗi bộ máy có người đứng đầu, người này sẽ quyết định được ê-kíp làm việc có thực sự hiệu quả không, sẽ biết rõ từng thành viên có đáp ứng được nhu cầu của bộ máy hay không, sẽ phân biệt được lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn. Lấy phiếu tín nhiệm một số người đứng đầu sẽ có tác dụng to lớn hơn nhiều trong vai trò giám sát bộ máy. Bởi trong nhiều trường hợp, từng cá nhân trong bộ máy thì không có vấn đề gì nhưng bộ máy nhìn chung vẫn trì trệ, không thoát khỏi quán tính cũ. Lúc đó vấn đề đặt ra là chuyện tín nhiệm hay không người tổ chức ra bộ máy đó.
Muốn làm được điều này, người đứng đầu bộ máy phải thật sự có quyền chọn và loại thải những người giúp việc bên dưới, chứ không thể để chuyện “trên bảo, dưới không nghe” diễn ra. Người đứng đầu phải có tầm nhìn và tư duy sao cho con đường phát triển trong năm bảy năm tới được trình bày rõ ràng, nói được những khó khăn sẽ gặp phải trên chặn đường này và mục tiêu sau cùng sẽ nhắm đến là gì. Lúc đó, lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cách thể hiện sự tín nhiệm cho lộ trình đó hay bất tín nhiệm để chọn lộ trình khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét