Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Minh bạch hóa tài sản lãnh đạo : Vạn lý trường chinh của đảng Cộng sản Trung Quốc


Sách viết về các vụ lãnh đạo tham nhũng ở Trung Quốc bày bán tại một hiệu sách ở Hồng Kông, nhưng bị cấm bán ở lục địa. Ảnh chụp ngày 06/11/2012.
Sách viết về các vụ lãnh đạo tham nhũng ở Trung Quốc bày bán tại một hiệu sách ở Hồng Kông, nhưng bị cấm bán ở lục địa. Ảnh chụp ngày 06/11/2012.REUTERS/Bobby Yip
Sau những vụ tham nhũng, lạm dụng quyền lực ngay trên chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc, những lời kêu gọi và cam kết của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh là cần phải minh bạch hóa hơn trong việc kê khai tài sản cá nhân, không tạo được lòng tin.
Ông Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và ông Du Chính Thanh, bí thư tỉnh ủy Thượng Hải, hôm thứ Sáu, 09/11/2012 vừa qua, đều tuyên bố rằng các quan chức Trung Quốc sẽ bắt đầu kê khai tài sản của mình.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên nước ngoài, nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 18, ông Uông Dương, người mà giới quan sát ngoại quốc coi là một chính trị gia có tư tưởng cải tổ, nói : « Tôi nghĩ rằng các quan chức Trung Quốc dần dần công bố các tài sản của mình, theo đúng các quy định của Trung ương ».
Theo Nhân dân nhật báo, được AFP trích dẫn, ông Du Chính Thanh cũng cho biết là Thượng Hải sẽ « từng bước hướng tới một cơ chế công khai hóa tài sản của các lãnh đạo ».
Thế nhưng, không có quan chức nào đưa ra một lộ trình thực hiện việc minh bạch hóa tài sản tại một đất nước mà luật pháp không có quy định rõ ràng là các quan chức chính phủ phải công bố tài sản cá nhân hoặc mức lương, thu nhập của mình. Do vậy, theo giới quan sát, tình trạng này đương nhiên dẫn đến các hành động lạm dụng quyền lực và tham nhũng.
Vấn đề quan chức tham nhũng đã trở thành một trong những chủ đề chính tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Chỉ riêng trong năm nay, 2012, nhiều vụ quan chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước tham nhũng, lạm dụng quyền lực, có cuộc sống xa hoa, nhiều nhân tình, nhân ngãi, đã gây chấn động công luận Trung Quốc. Đại hội 18 đã phải hoãn lại một tháng vì vụ Bạc Hy Lai.
Vài ngày trước khi khai mạc Đại hội Đảng, báo Mỹ The New York Times công bố cuộc điều tra, cho thấy gia đình và người thân Thủ tướng Ôn Gia Bảo, có khối tài sản khoảng 2,7 tỉ đô la. Họ đã làm giàu nhanh chóng kể từ khi ông Ôn Gia Bảo lên làm Thủ tướng.
Đầu năm nay, hãng tin Bloomberg thẩm định tài sản của gia đình ông Tập Cận Bình, người sẽ nắm các chức vụ Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước, vào khoảng 376 triệu đô la.
Bắc Kinh đã tìm mọi cách ngăn chặn các thông tin này ở Trung Quốc.
Theo nhật báo Thanh Niên Trung Quốc, trong những năm vừa qua, nhiều quan chức địa phương hứa sẽ công bố tài sản của mình nhưng kế hoạch này bị hủy bỏ vì việc thực hiện gặp « nhiều khó khăn ». Giáo sư luật Khương Minh An (Jiang Mingan), đại học Bắc Kinh, nói thẳng : « Các quan chức tham nhũng chống lại việc công bố tài sản », thậm chí, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lo sợ là việc công bố các tài sản khổng lồ của những quan chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước có thể làm tăng thêm sự bất bình của người dân.
Báo chí chính thống Trung Quốc cũng thừa nhận là chính quyền các địa phương đã từ chối hàng trăm đề nghị của công dân, yêu cầu công khai hóa tài sản, thu nhập của các quan chức lãnh đạo.
Trên mạng xã hội Trung Quốc Vi Bác, nhiều người không giấu diếm sự mất tin tưởng vào những lời tuyên bố của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Bình luận về phát biểu của ông Du Chính Thanh, một blogger viết : « Nói thì dễ ». Một người khác cho rằng : « Các tuyên bố công khai của ông ta là để đánh lừa dân chúng. Nhưng ở hậu trường, ông ta sẽ tìm cách ngăn cản việc công bố thông tin ».
Trong lúc đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chống tham nhũng, kêu gọi người dân tố cáo, nhưng lại không phát hiện thấy « con sâu » nào, thì cư dân mạng đã vạch rõ nhiều trường hợp. Tháng trước, một quan chức ở thành phố Quảng Châu có tới 23 ngôi nhà đã bị điều tra, sau khi trên internet xuất hiệu thông tin và những bức ảnh chụp một vài ngôi nhà này.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội 18, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cảnh báo tham nhũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của đảng Cộng sản và Nhà nước. Phải chăng tình thế hiện nay của đảng Cộng sản Trung Quốc trước nạn tham nhũng giống như hoàn cảnh năm 1934 ?
Vào thời điểm đó, vì sự sinh tử, Hồng quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc Vạn lý trường chinh, dài 12.000 km. Chưa có gì cho thấy là thế hệ lãnh đạo thứ năm của đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng thực hiện một kế hoạch như vậy.

Không có nhận xét nào: