Pages

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

‘Nhà băng Việt Nam còn cách xa chuẩn an toàn quốc tế’



Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – Vũ Viết Ngoạn. Ảnh: Nhật Minh
Mới ở giai đoạn đầu của việc thực hiện Basel II trong khi thế giới đã phấn đấu thực hiện Basel III, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải tiếp cận chuẩn an toàn này theo cách của riêng mình, theo Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á khai mạc tại Hà Nội sáng 27/11.
- Vấn đề được trao đổi nhiều tại hội nghị là hướng các ngân hàng hoạt động theo chuẩn an toàn của Basel III. Việt Nam đang ở đâu trong quá trình này thưa ông?

- Trên lộ trình cải cách tài chính theo chuẩn quốc tế, Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đã nhiều đổi mới, theo hướng tiếp cận thông lệ chung. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói, các ngân hàng Việt vẫn còn cách xa so với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt trong những năm 2008 – 2009, khủng hoảng tài chính buộc thế giới phải cải cách một lần nữa thì Việt Nam lại càng tụt xa.
Tại hội nghị lần này, báo cáo cho thấy một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đang tiếp cận một cách tích cực chuẩn Basel III. Ho đáp ứng được khoảng 12 trong số 14 tiêu chí về vốn và thanh khoản. Trong khi đó, Việt Nam và một số nước khác như Lào, Campuchia… vẫn ở vị trí khởi đầu. Vì thế, ta phải đẩy nhanh tiến trình hơn nữa.
- Việt Nam có thể lấp đầy khoảng cách này bằng cách nào?
- Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải đẩy nhanh cải cách tài chính nhanh hơn. Không chỉ là tiếp cận với các thông lệ quốc tế mà còn phải góp phần khắc phục những điểm yếu nội tại. Theo đánh giá của chúng tôi, có những tiêu chí của Basel III mà ngân hàng Việt Nam chưa thể đáp ứng.
Tuy nhiên, cũng cần thấy là Việt Nam có thể tiếp cận những chuẩn mực này theo tiêu chí của riêng mình, chứ không nhất thiết phải đi theo trình tự Basel I, II rồi III. Qua hội nghị kỳ này, được trao đổi với các đồng nghiệp, chúng tôi thấy Thái Lan là quốc gia đang cải cách mạnh tài chính, tiếp cận với chuẩn Basel III. Đây là cố gắng lớn của họ và cũng là bài học của Việt Nam.
- Rõ ràng đẩy mạnh cải cách tài chính đang là yêu cầu bức thiết với Việt Nam. Nhưng thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng tái cơ cấu ngân hàng chưa mang lại nhiều hiệu quả. Ông nhận định như thế nào?
- Khó khăn đối với ngành ngân hàng và nền kinh tế vốn đã tích tụ từ lâu nên để giải quyết, cần thời gian. Trước hết, Việt Nam cận nhận dạng được rủi ro. Chúng ta đã làm được điều này. Thứ 2 là ta cần phải bổ sung hoàn thiện quy chế để ngăn rủi ro tương tự… Khắc phục hậu quả là một quá trình cần thời gian, cần nghiên cứu kỹ, nguồn lực và giải pháp hữu hiệu. Quan trọng hơn, nó phải phù hợp với Việt Nam chứ không thể áo dụng cứng nhắc kinh nghiệm của các các nước.
Nói là tái cơ cấu, giảm nợ xấu chậm cũng chưa hẳn đúng vì Chính phủ chưa bao giờ nêu ra thời gian cụ thể cho vấn đề này, chỉ nói là cần lộ trình. Gần đây, trước Quốc hội, chúng ta mới đặt ra thời điểm cụ thể là phấn đấu đến 2015, đưa nợ xấu xuống dưới 3%. Tư tưởng chung các cơ quan quản lý hiện nay là kiên quyết đẩy nhanh thực hiện nhanh nhất có thể. Tôi nghĩ trong thời gian tới, sẽ có bức tranh cụ thể hơn về vấn đề này.
- Ông nhận định như thế nào về tình hình sức khỏe ngân hàng trong những tháng cuối năm?
- Sức khỏe ngân hàng cuối năm luôn đáng quan tâm vì đó là lúc mà thanh khoản gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, nhiều ngân hàng có nợ xấu lớn, mất thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề đã được xử lý tốt nhờ các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước. Năm nay thì tình hình đã khác, khả quan hơn. Tuy vậy, trước mắt vẫn có bài toán về việc xử lý nợ xấu để khai thông dòng vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo cho hệ thống hoạt động ổn định, các ngân hàng yếu không bị đổ vỡ, cũng không mở rộng đầu tư, gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Không có nhận xét nào: