Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vẫn “một mình một ý” khi ra văn bản cáo buộc Philippines đã “chủ ý diễn giải sai” các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để chứng tỏ chủ quyền với bãi cạn Scarborough giàu tài nguyên.
Một mình một ý
Nhật báo Manila Times của Philippines ngày 27.11 đưa tin, dẫn thông cáo từ Viện Quốc gia Trung Quốc về nghiên cứu biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines lớn tiếng chỉ trích: “Tuyên bố quyền lãnh thổ khu đặc quyền kinh tế (EEZs) của Philippines đối với vùng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không chỉ là diễn giải sai và lạm dụng UNCLOS, mà còn thể hiện sự vi phạm nguyên tắc cơ bản về tính bất khả xâm phạm của chủ quyền lãnh thổ đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Bắc Kinh cũng bác bỏ lý giải của Manila rằng, do các thác nước tại bãi cạn Scarborough chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 124 dặm, nên khu vực này thuộc khu đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 dặm mà UNCLOS đã quy định. “Rõ ràng, Philippines đã diễn giải sai và áp dụng sai UNCLOS vì quyền lợi riêng của mình, đi ngược lại với luật quốc tế và UNCLOS” – Đại sứ quán Trung Quốc nói.
Theo quy định của UNCLOS, các nước có chủ quyền với các vùng đặc khu kinh tế biển nằm trong phạm vi 200 dặm hải lý tính từ biên giới đất liền. Bất chấp Luật Biển Liên Hợp Quốc và các cơ sở pháp lý quốc tế, Trung Quốc vẫn “một mình một ý” công bố đường 9 đoạn nhằm đòi chủ quyền với hầu hết biển Đông và lý giải cho sự đòi hỏi ngạo ngược này là dựa trên “nguyên tắc cơ bản” của luật quốc tế rằng “đất thống trị biển”.
“Các quốc gia duyên hải có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với EEZs từ chủ quyền lãnh thổ của họ” – Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila tuyên bố.
Trung Quốc coi nhẹ UNCLOS?
Không những thế, Đại sứ quán Trung Quốc còn thêm rằng: Công ước Liên Hợp Quốc không thể thay đổi chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ đất liền và không thể tăng quyền một quốc gia để mở rộng EEZ của nó đối với lãnh thổ của các quốc gia khác. “Vì vậy, UNCLOS không thể được xem như một nền tảng đối với một quốc gia để đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Nham (phía Philippines gọi là Scarborough – PV) của Trung Quốc” – thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc viết.
Trong cuộc gặp gỡ trước đó với các phóng viên, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila tuyên bố, Công ước biển của Liên Hợp Quốc chỉ cung cấp cơ chế cho giải pháp về các vấn đề biển, chứ không phải về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán.
Song, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines- ông Raul Hernandez- nhấn mạnh, việc Trung Quốc công bố đường 9 đoạn trên biển Đông (còn gọi là đường lưỡi bò) là “một tuyên bố quá đáng về không gian biển, vốn vi phạm luật quốc tế”.
Ông cho biết, Philippines có “chủ quyền đối với bãi cạn Scabourough dựa trên sự cư ngụ hữu hiệu và quyền tài phán hữu hiệu tại đây”.
Philippines cân nhắc phản ứng thêm về hộ chiếu “lưỡi bò”
Hôm qua (26.11), Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố việc cấm các hộ chiếu điện tử “lưỡi bò” mới của Trung Quốc là một cách để thể hiện phản ứng của nước này. Ông Hernandez cho biết, một ủy ban sẽ nghiên cứu về vấn đề này.
“Một cuộc gặp liên ủy ban sẽ thảo luận nhằm xem xét liệu có cần thiết xúc tiến thêm hành động hay liệu phản ứng như vậy đã là đủ. Cuộc gặp liên ủy ban sẽ xem xét một số khả năng và sẽ đưa ra những khuyến nghị cần thiết sau phiên tham vấn” – ông Hernandez nói.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cho đến khi đó, Philippines sẽ không thay đổi chính sách từ chối cấp thị thực cho các du khách hay thương nhân Trung Quốc mang hộ chiếu “lưỡi bò”.
Ông Hernandez cho rằng, bất cứ quốc gia nào đưa ra thiết kế hộ chiếu mới cũng cần thông báo cho tất cả các cơ quan và chính quyền có liên quan về thiết kế mới và các vấn đề an ninh.
Người phát ngôn này không rõ liệu Trung Quốc có tuân thủ thủ tục quy chuẩn trên hay không? “Chúng tôi chỉ biết về hộ chiếu điện tử này gần đây”- ông nói, khi được hỏi vì sao Bộ Ngoại giao Philippines lại chờ hàng tháng mới phản đối hộ chiếu “lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc và nhấn mạnh: “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng biển Đông”.
Manila Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét