Pages

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

'Quốc hội chỉ sửa Hiến pháp lặt vặt'



Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch
Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch đặt vấn đề chống lạm quyền
Lần tu chính hiến pháp mà kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 đang bàn thảo chỉ sửa đổi về mặt kỹ thuật, hình thức của 'đạo luật gốc' là chính mà không đề cập các vấn đề cơ bản như điều chỉnh hệ thống, thể chế chính trị, cùng các quyền cơ bản của người dân, theo một số chuyên gia từ trong nước.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 08/11/2012, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Hợp, chuyên gia luật hành chính từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nói ông tin rằng các sửa đổi đều nằm trong khuôn khổ chủ trương, chính sách của Đảng, do đó sẽ không có sửa đổi gì lớn:

"Hầu như các vấn đề lớn và cơ bản vấn giữ nguyên. Các sửa đổi là rất nhỏ."
"Tôi cho rằng lần này sửa hiến pháp, thì đảng và nhà nước vẫn chưa có quyết định gì lớn.
"Cái gì cần thiết lắm thì mới sửa, còn cái gì chưa thực cần thiết mà chưa có cản trở gì, thì vẫn để tiếp tục. Chỉ tập trung vào các yếu tố kỹ thuật, còn theo tôi không có sửa gì nhiều lắm."

Về khả năng hiện thực và thời điểm được đưa ra bàn thảo của vấn đề tăng cường hay không quyền lực của Chủ tịch nước, ông Hợp nói:
"Có nhiều quan điểm khác nhau về tăng cường quyền lực cho Chủ tịch nước, vấn đề này có lẽ về góc độ khoa học nhiều hơn, còn không phải hoàn toàn do thực tiễn.
"Theo tôi hiến pháp quy định thế nào, thì thực hiện cho đúng các quyền lực đó, thế thôi."
"Cũng có một số ý kiến lần này cho rằng cần tăng cường quyền lực cho Chủ tịch nước, nhưng tôi cho rằng chưa chắc Quốc hội quyết định như thế."
Chuyên gia này không cho rằng Việt Nam trong thời gian tới đây có thể đặt vấn đề về điều chỉnh chế độ chính trị theo hình thức Tổng thống chế.
"Tôi cho rằng sẽ không có hướng đó," ông nói.
Về quy định quyền của Chủ tịch nước chủ tọa phiên họp của Chính phủ, ở khía cạnh quan hệ quyền lực giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, ông Hợp nói:

"Trong trường hợp nào phức tạp và có vấn đề gì lớn cần đến ý kiến của Chủ tịch nước, thì Chủ tịch nước phải chủ toạ, theo tôi điều đó cũng bình thường, trước kia đã có quy định"
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Hợp
"Hiến pháp 1959 cũng quy định Chủ tịch nước có quyền chủ tọa các cuộc họp của Chính phủ trong trường hợp xét thấy cần thiết, thì cái này do Chủ tịch nước quyết định.
"Trong trường hợp nào phức tạp và có vấn đề gì lớn cần đến ý kiến của Chủ tịch nước, thì Chủ tịch nước phải chủ toạ, theo tôi điều đó cũng bình thường, trước kia đã có quy định."
Chuyên gia này cho rằng việc chủ tọa ở đây không có ý nghĩa là Chủ tịch nước sẽ ra quyết định cuối cùng ở các phiên họp bên cạnh sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ, ông nói:
"Chủ tọa không có nghĩa là ra quyết định cuối cùng mà theo tôi chủ tọa để nắm chắc tình hình, ý kiến của mỗi người thôi. Vẫn chủ tọa, nhưng xem xét và thống nhất ý kiến của tất cả mọi người với nhau như thế nào, chứ không phải là theo hay do ý của Thủ tướng.
"Cũng có thể Chủ tịch nước sẽ nói ý kiến của mình và các thành viên của cuộc họp đó sẽ nắm chắc ý kiến của Chủ tịch nước và chẳng hạn, có khi sẽ biểu quyết ý kiến của Chủ tịch nước.
'Chưa có tính đột phá'
Còn luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, cho rằng lần sửa đổi này vẫn chưa có tính đột phá vì chưa đảm bảo được yêu cầu của việc cải cách chính trị đi cùng với cải cách kinh tế, đặc biệt là đảm bảo một số nhu cầu và quyền cơ bản của công dân trong xã hội.
Ông nói với BBC hôm 08/11:
"Cái người ta chờ đợi là phải sửa đổi trên nền của bản hiến pháp 1946 bởi vì những cái được chờ đợi rất lâu, trong (sửa đổi) hiến pháp lần này vẫn chưa đi vào khâu đột phá.
"Đó là những vấn đề dân chủ, vấn đề nhân quyền và ví dụ như vấn đề mà người ta khao khát như quyền được biểu tình, tự do ngôn luận, tự do trình bày ý kiến của mình.
"Về các công ước quốc tế về nhân quyền và các quyền dân sự mà Việt Nam đã phê chuẩn, thì đã có các quyền đó, nhưng những quyền đó vẫn không thể hiện rõ trong hiến pháp của mình.
Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh nhu cầu cải cách chính trị đi kèm cải cách kinh tế thông qua sửa hiến pháp
"Trong sửa đổi Hiến pháp lần này người ta trông đợi rất nhiều những câu mà trong nghị quyết của Đại hội ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 10 cũng đã ghi là 'cải cách kinh tế đồng thời cải cách hệ thống chính trị' và nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ 10 cũng ghi rõ 'cải cách kinh tế, đồng thời cải cách chính trị."
"Như vậy cải cách chính trị, cái thể hiện cơ sở pháp lý của cải cách này chính là hiến pháp. Nhưng hiến pháp không có chỗ nào thể hiện cho thấy có cải cách hiến pháp, chính trị nào cả."
Luật gia này kết luận: "Cho nên, cải cách chỉnh trị mà Đại hội có ghi trong nghị quyết của Đảng vẫn không có nội hàm cụ thể và cũng không có lộ trình. Người ta muốn rằng cần phải thể chế câu đó ở trong Hiến pháp.
Cựu quan chức Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này bị hạn chế vì đã có một số ràng buộc mà ông gọi là 'bị đóng đinh':
"Những cái được bàn và được sửa đã được đóng đinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2 của Đảng vốn đã quy định cái gì sửa, cái gì chưa bàn đến với lập luận rằng những vấn đề đó 'chưa chín muồi' và 'chưa được nhất trí cao'. Và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ghi vào như vậy.
Phó Giáo sư Nguyễn Cảnh Hợp cho biết thêm lần sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ không bàn nhiều về vấn đề phúc quyết Hiến pháp, một quyền hiến định từng được quy định ngay trong bản Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, cũng như chưa thể bổ sung về vấn đề trưng cầu dân ý.
"Theo tôi lần bàn (về sửa) Hiến pháp lần này sẽ không bàn điều đó nhiều."
"Còn về trưng cầu dân ý, thì bây giờ chúng ta phải làm luật về trưng cầu dân ý. Cái đó chúng ta chưa làm."
Về khả năng sửa đổi hay không trong lần bàn thảo tu chính hiến pháp lần này về chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, ông Hợp nói: "Cái này cũng có nhiều quan điểm khác nhau, trên các diễn đàn người ta cũng đã bàn rất nhiều, nhưng theo tôi, ở Việt Nam chưa nên bàn về vấn đề sở hữu tư nhân về đất đai. Có khi còn phức tạp hơn.
"Cho nên quan điểm của đảng và nhà nước vẫn để như là trong hiến pháp quy định hiện nay, tức là không có sửa gì cả."
'Sửa hay thay mới'?
Trong một cuộc trao đổi từ trước với BBC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập Pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo nêu quan điểm về nên sửa hay nên thay hẳn bản Hiến pháp 1992, ông nói:
"Vấn đề làm mới hay là sửa đổi, bổ sung một số điều, thì lần này, chúng tôi không có một ấn định trước, xác định trước là chỉ có sửa cái này mà không sở cái kia, mà lại khẳng định sửa nhiều, hay sửa ít, thì cái đó phụ thuộc vào tổng kết.

"Lần này khác với những lần sửa đổi trước, tức là không bị đóng khung vào việc giới hạn là chỉ được làm cái này, mà không được làm cái kia"
TS Đinh Xuân Thảo
"Hiện nay, chúng tôi mới ở trong giai đoạn đầu, giai đoạn tổng kết 20 năm thi hành Hiến pháp. Và cái việc đó, hiện nay đang sắp hoàn tất, và cố gắng sẽ hoàn tất.
Khác với quan điểm của luật sư Trần Quốc Thuận, TS Thảo nhấn mạnh lần sửa Hiền pháp này so với trước đây là sửa đổi, bổ sung "không bị đóng khung" hoặc giới hạn trước. Ông nói:
"Nếu qua tổng kết, thấy rằng những quy định trước đây hiện nay không còn phù hợp, hoặc trong tương lai sẽ không còn phù hợp nữa, và những điều đã rất rõ, và có sự đồng thuận cao của nhân dân, vì nhân dân là chủ thể của quyền lực và lập hiến, mà nhân dân thấy cần phải sửa nhiều, thì cũng sẵn sàng, Ủy ban dự thảo sửa đổi sẽ chuẩn bị các hướng đó.
"Còn nếu nhân dân nói, như hiện nay, tức là như Hiến pháp hiện hành, cũng đã phù hợp rồi, thì không cần phải sửa nhiều nữa, mà chỉ sửa những gì thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và thấy nó không còn phù hợp, thì sẽ có quyết định. Lần này khác với những lần sửa đổi trước, tức là không bị đóng khung vào việc giới hạn là chỉ được làm cái này, mà không được làm cái kia."
Được biết, trong đợt bàn thảo về tu chính Hiến pháp lần này, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cân nhắc sửa đổi một số điểm trong bản Hiến pháp năm 1992 liên quan tới tăng cường vai trò của Chủ tịch Nước, xem xét vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan công quyền bởi công dân.
Một số đại biểu cũng đặt vấn đề xem xét ra quy định cụ thể để thể chế hóa các quyền bầu cử, ứng cử và trưng cầu dân ý, cũng như quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân và nhiều nội dung khác.

Không có nhận xét nào: