Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Quyền lực của nữ Thủ tướng Thái lung lay




(VnMedia) - Những người biểu tình kêu gọi nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp Yingluck Shinawatra từ chức hôm nay (24/11) đã tập trung ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ngay trong cuộc biểu tình chống chính phủ đầu tiên kể từ khi bà Yingluck lên cầm quyền hồi năm ngoái, những người biểu tình đã đụng độ với lực lượng cảnh sát.
Mặc dù cuộc biểu tình bản thân nó diễn ra khá hòa bình nhưng một số người biểu tình ở một con đường bên cạnh đã cố gắng tìm cách phá vỡ hàng rào cảnh sát vững chắc. Đây là nguyên nhân khiến người biểu tình và cảnh sát có cuộc đối đầu căng thẳng với nhau.
Được biết, có khoảng 500 người biểu tình chống chính phủ đã đụng độ với lực lượng cảnh sát trong buổi sáng nay. Họ đã cắt hàng rào thép gai, lái xe tải đâm vào các rào chắn và lực lượng cảnh sát chống bạo động, gây thương vong cho hơn 10 người, trong đó có cả cảnh sát và người biểu tình.



Cuộc đụng độ trên xảy ra ở Cầu Makkawan lúc khoảng 10h40 sáng nay.
Phát ngôn viên cảnh sát – Thiếu tướng Piya Utayo cho biết, ít nhất 7 sĩ quan bị thương trong các vụ đụng độ, trong đó có 2 người bị thương nặng. 132 người biểu tình bị bắt giữ, một số trong số này mang theo dao và đạn. Những người này đang trong quá trình bị thẩm vấn, giới quan chức Thái Lan cho biết.
Cuộc biểu tình rầm rộ ngày hôm nay đã bộc lộ rõ mâu thuẫn chính trị sâu sắc vẫn còn đang âm ỉ trong lòng đất nước Thái Lan kể từ khi quân đội thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ chính quyền của anh trai bà Yingluck – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006. Cuộc đảo chính này đã mở màn cho những năm đầy bất ổn sau đó trên chính trường Thái Lan.
Cuộc biểu tình chống chính phủ mới nhất được thực hiện bởi một nhóm tự xưng là "Pitak Siam" có nghĩa là Bảo vệ Thái Lan. Nhóm này được dẫn dắt bởi Tướng về hưu Boonlert Kaewprasit. Nhóm Bảo vệ Thái Lan cáo buộc “chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck tham nhũng, phớt lờ những lời phỉ báng nhằm vào nền quân chủ Thái Lan và là con rối của ông Thaksin”.

Bà Yingluck coi cuộc biểu tình ngày hôm nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền của bà. Nữ Thủ tướng Thái cáo buộc những người biểu tình đang tìm cách lật đổ chính phủ được người dân bầu lên một cách dân chủ. Hồi đầu tuần này, bà Yingluck đã ra lệnh huy động gần 17.000 cảnh sát và áp dụng một lệnh an ninh đặc biệt nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cuộc biểu tình nếu nó biến thành bạo lực.
Trong khi đó, những người tổ chức biểu tình tuyên bố, họ sẽ huy động hàng trăm nghìn người đến tham gia cuộc biểu tình. Tuy nhiên, đến chiều này, số người biểu tình chỉ vào khoảng 10.000 người.

Phát biểu từ khu vực trung tâm của cuộc biểu tình, Tướng về hưu Boonlert đã cam kết sẽ giữ cho các cuộc biểu tình hiện nay diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, ông này tuyên bố: “Tôi hứa là nhóm Bảo vệ Thái Lan sẽ thành công trong việc lật đổ chính phủ này. Nếu tôi không thể lật đổ chính phủ này, tôi sẵn sàng chết”.
Ông Boonlert sau đó đã dẫn đầu đám đông hô vang khẩu hiệu: “Bà Yingluck hãy đi đi”.
Cuộc biểu tình ngày hôm nay diễn ra tại Royal Plaza, một khu vực gần với Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Bangkok. Đây là nơi thường diễn ra các cuộc biểu tình trong quá khứ.

Đảng Dân chủ đối lập lên án chính phủ
Sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình, Đảng Dân chủ đối lập đã lên án chính phủ về việc đã để cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình.
Phát ngôn viên Đảng Dân chủ - ông Chawanon Intharakomalsut cho biết tại một cuộc họp báo diễn ra trong ngày hôm nay rằng, chính phủ không nên sử dụng hơi cay để bắn vào những người biểu tình khiến một số người bị thương.
Theo một số nguồn tin báo chí, 4 người biểu tình đã bị thương vì bị trúng hơi cay và một người bị thương nhẹ ở đầu.
Phát ngôn viên Đảng Dân chủ khẳng định, chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng bạo lực và súng hơi cay đối với những người biểu tình.
Đảng Dân chủ đối lập thực chất là đại diện cho nhóm áo vàng chống đối cựu Thủ tướng Thaksin. Đảng này đã phải chịu thất bại cay đắng trước đảng thân Thaksin do bà Yingluck dẫn đầu trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái.
Dù nhóm Bảo vệ Thái Lan là nhân tố mới trên chính trường Thái Lan nhưng nhóm này có liên quan đến những người biểu tình "áo vàng" nổi tiếng. Những người “áo vàng” từng tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền cựu Thủ tướng Thaksin. Một phong trào tương tự cũng từng lật đổ một chính phủ thân Thanksin được nhân dân bầu lên sau khi những người biểu tình chiếm đóng và đóng cửa hai sân bay ở Bangkok trong suốt một tuần năm 2008.
Đất nước Thái Lan đã phải liên tục đối mặt với những vòng xoáy của tình hình bất ổn chính trị kể từ năm 2006 sau khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu. Kể từ đó, phe ủng hộ ông Thaksin (áo đỏ) và phe chống ông này (áo vàng) thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi với nhau về việc ai có quyền điều hành đất nước.

Dù cựu Thủ tướng Thaksin đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008 để trốn tránh án tù 2 năm vì tội tham nhũng nhưng ông này vẫn có uy tín rất lớn trong tầng lớp người dân nghèo nông thôn – những người muốn ông được ân xá và trở về nước để nắm quyền.
Kiệt Linh - (theo AP, Reuters, THX)

Không có nhận xét nào: