Pages

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Sợi dây liên kết quan hệ Việt - Mỹ



Ông Andrew Billo
Ông Andrew Billo cho rằng về nhân quyền, hợp tác vẫn tốt hơn là gây sức ép từ ngoài
Ổn định chính trị, giá nhân công rẻ và tranh chấp Biển Đông là ba yếu tố góp phần thắt chặt quan hệ Việt - Mỹ, theo một người làm cho một tổ chức có quan hệ với Việt Nam.
Ông Andrew Billo trả lời phỏng vấn của BBC vào thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Asia Society, tổ chức giáo dục thành lập năm 1956 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và châu Á, vẫn thường tổ chức các sự kiện liên quan Việt Nam.
Từng làm việc ở Việt Nam bốn năm cho Tổ chức Di dân Quốc tế (2004-2008), ông hiện là trợ lý giám đốc về các chương trình chính sách của Asia Society đặt trụ sở ở New York.
Mở đầu cuộc phỏng vấn, ông Andrew Billo cho biết nhận định về mối quan hệ mà theo ông "đang phát triển mạnh hơn nữa".

Andrew Billo: Quan hệ Việt – Mỹ, vốn đã vững chắc, đang phát triển mạnh hơn nữa không chỉ nhờ hợp tác đầu tư và thương mại, mà còn là kết quả của các tranh chấp trên vùng biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông).
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thăm Việt Nam tháng Sáu năm nay và đã thảo luận việc sử dụng cảng ở Vịnh Cam Ranh để tàu Mỹ vào. Phía Việt Nam đồng ý cho phép các tàu phi vũ trang sử dụng cảng thương mại gần bên, nhưng họ hy vọng Mỹ trợ giúp bằng hình thức bán vũ khí sát thương – việc này Mỹ đã từ chối. Dẫu vậy, nếu quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề biển Nam Trung Hoa tiếp tục xấu đi, cửa có thể mở ra cho sự hợp tác tăng cường với Mỹ.
Hoa Kỳ cũng là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục đánh giá cao nhân dân và văn hóa Mỹ. Cộng đồng người Việt sống ở Mỹ cũng lớn và đương nhiên là mối dây kết nối giữa các thành viên ở Mỹ và ở Việt Nam.
Theo tôi, khu vực Đông Nam Á hứa hẹn nhiều cơ hội cho đầu tư và hợp tác của Mỹ. Nhưng Việt Nam, nhờ một chính phủ tương đối ổn định và cơ sở hạ tầng khá tốt, có lợi thế so với một số nước khác trong Asean. Cả khu vực này, thường bị đe dọa vì nguy cơ thiên tai và thỉnh thoảng lại có bạo lực chính trị, có một số rủi ro và Việt Nam dĩ nhiên không phải ngoại lệ. Nhưng nói chung, Việt Nam đẹm lại lực lượng lao động biết đọc biết viết, tương đối có học thức, giá rẻ so với các nước Đông Nam Á khác.
Hoa Kỳ vì lịch sử chiến tranh với Việt Nam, không có được sự hợp tác bằng với những nước như Philippines, một đồng minh lâu năm. Có những nhóm trong chính phủ Việt Nam vẫn nghi ngờ ý định của Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Điều này có cản trở mối quan hệ một chút, nhưng rốt cuộc, hợp tác kinh tế vẫn thắng và giúp tạo ra động lực to lớn hơn cho sự hợp tác.
BBC: Liệu quan hệ hai nước sẽ thay đổi thế nào sau cuộc bầu cử năm nay tại Mỹ?
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói chuyện ở Asia Society khi thăm Mỹ năm 2007
Chưa rõ một chính phủ của ông Mitt Romney làm thế nào có thể phát triển quan hệ đáng tin cậy với châu Á.
Nhìn chung, có nhiều nỗ lực hơn trong đảng Dân chủ Mỹ. Barack Obama, và Ngoại trưởng Hillary Clinton, đang thừa hưởng di sản hợp tác của đảng Dân chủ với Việt Nam, phát triển từ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Clinton năm 2000. Nếu John Kerry, một cựu binh Việt Nam, tiếp quản chức ngoại trưởng, đó sẽ có thể là cú hích hợp tác nhờ sự tôn trọng ông dành cho Việt Nam và nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận năm 1994.
Việt Nam không ủng hộ sự can thiệp quân đội nước ngoài, như ở Iraq và Afghanistan, do di sản thực dân và chiến tranh. Chính phủ Việt Nam gần như chắc chắn sẽ chống việc dùng vũ lực ở Syria hay Iran. Nếu một chính phủ mới ở Mỹ lại đi theo hướng đó, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương.
BBC:Người ta không thể tránh né nhân quyền trong mối quan hệ song phương. Ông có thấy chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã có ảnh hưởng nào không để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam?
Như người ta đang thấy trong mùa tranh cử này, chính trị Mỹ có thể mạnh mẽ trong ngôn từ nhưng hạn chế trong hành động. Nó cũng như vậy trong các đòi hỏi bảo vệ nhân quyền của Mỹ ở Việt Nam, diễn ra đồng thời khi cửa rộng mở cho thương mại.
Tuy là nói vậy, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, hồi tháng Sáu khi thăm Việt Nam, đã nói khả năng tăng cường hợp tác quân sự có phụ thuộc một chút vào hợp tác về các vấn đề nhân quyền.
Nhưng đôi khi có thể khó để các chính trị gia Việt Nam hiểu được lập trường của Mỹ về nhân quyền, khi mà cách quản lý từ trên xuống – không cho phép có bất đồng – nói chung được họ xem là giúp đất nước phát triển nhanh. Điều chính phủ Việt Nam cần làm là loại bỏ tham nhũng nhà nước và bảo đảm làm sao cho tăng trưởng tương lai có lợi cho nhiều lớp người hơn.
"Quan hệ với Việt Nam quá quan trọng khiến Mỹ không thể có hành động có ý nghĩa để ngăn vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và hệ thống Liên Hiệp Quốc, thông qua các dự án nhằm giúp chính phủ Việt Nam giải quyết lo ngại nhân quyền hiệu quả hơn, có thể có tác động quan trọng. Dẫu sao hợp tác vẫn hiệu quả hơn là tạo áp lực từ bên ngoài."
Quan hệ với Việt Nam quá quan trọng khiến Mỹ không thể có hành động có ý nghĩa để ngăn vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và hệ thống Liên Hiệp Quốc, thông qua các dự án nhằm giúp chính phủ Việt Nam giải quyết lo ngại nhân quyền hiệu quả hơn, có thể có tác động quan trọng. Dẫu sao hợp tác vẫn hiệu quả hơn là tạo áp lực từ bên ngoài.
BBC:Ông có quan tâm đến tin tức quanh cuộc đấu đá nội bộ trong đảng Cộng sản, như báo chí quốc tế tường thuật thời gian qua? Nó có ảnh hưởng gì không đến quan hệ Việt – Mỹ?
Cuộc đấu đá nội bộ gần đây đem lại bức tranh quan trọng về những thách thức mà Việt Nam đối diện. Nó cũng phản ánh tư tưởng tư bản tiến bộ hơn và tư tưởng Cộng sản truyền thống va chạm nhau.
Nhưng Việt Nam đã kiểm soát cuộc xung đột nội bộ này khá tốt. Thủ tướng vẫn tại vị bất chấp những chỉ trích gay gắt – đây là bằng chứng Đảng Cộng sản vẫn có thể hàn gắn, hạn chế bất đồng và thể hiện bức tranh đoàn kết tương đối.
Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế nêu lo ngại về chính trị nội bộ Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi còn là Phó Thủ tướng, đã cố gắng hết mình để trấn an các nhà tài trợ quốc tế về tính minh bạch của Đảng sau bê bối PMU-18 năm 2006. Nay ta lại thấy Thủ tướng Dũng dính líu bê bối Vinashin, công ty đã mắc nợ hơn 4 tỷ đôla. Đảng có nói mình sẽ cải cách thì cũng chỉ được một số lần nhất định thôi trước khi người dân mất quan tâm và niềm tin, đặc biệt nếu cứ mỗi bê bối lại kéo theo việc tranh chấp quyền bính và có người bị đem ra làm vật tế thần như đã xảy ra hồi tháng Mười năm nay.
Có nhiều cơ hội tốt ở Việt Nam nhưng chắc chắn cách hành xử này ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư Mỹ cũng như việc các chính phủ có cung cấp hỗ trợ phát triển song phương hay không.
BBC:Một số độc giả của chúng tôi muốn đặt câu hỏi này. Giới làm chính sách Hoa Kỳ nghĩ gì về kịch bản khi Đảng Cộng sản không còn là đảng cầm quyền ở Việt Nam? Hoa Kỳ có lo ngại tương tự như với Mùa xuân Ả Rập không, mà một số người cho rằng chỉ đem đến bất ổn?
"Sức sống của Đảng Cộng sản sẽ bị thử thách qua khả năng cải tổ trong một môi trường mà ở đó, hành động ngày càng dễ nhận diện nhờ truyền thông xã hội và thông tin nhanh chóng. Họ cũng sẽ bị thử thách qua việc bảo đảm tăng trưởng phải giúp ích cho nhiều tầng lớp dân chúng, chứ không chỉ cho tầng lớp trên có quan hệ chặt chẽ với Đảng."
Rõ ràng Đảng Cộng sản một ngày nào đó có thể mất khả năng đứng vững và mất quyền lực, đặc biệt nếu kinh tế đình trệ hay thậm chí suy thoái.
Nhưng châu Á cũng không phải là Trung Đông. Chính phủ Việt Nam cung cấp nhiều dịch vụ hơn, được tổ chức hiệu quả hơn, và đem lại nhiều cơ hội kinh tế hơn là Ai Cập dưới thời Mubarak chẳng hạn.
Giống như đảng Hành động Nhân dân đang bị thử thách ở Singapore, sức sống của Đảng Cộng sản sẽ bị thử thách qua khả năng cải tổ trong một môi trường mà ở đó, hành động ngày càng dễ nhận diện nhờ truyền thông xã hội và thông tin nhanh chóng. Họ cũng sẽ bị thử thách qua việc bảo đảm tăng trưởng phải giúp ích cho nhiều tầng lớp dân chúng, chứ không chỉ cho tầng lớp trên có quan hệ chặt chẽ với Đảng.

Không có nhận xét nào: