Pages

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Tập Cận Bình sẽ đối đầu với phong trào phản kháng ngày càng mạnh ở Trung Quốc


Ông Tập Cận Bình chuẩn bị kế thừa quyền lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình chuẩn bị kế thừa quyền lãnh đạo Trung Quốc. REUTERS/How Hwee Young/Pool/Files
Cách đây khoảng 1 năm, người dân làng Ô Khảm, quá phẫn uất sau bao nhiêu năm bị ức hiếp, bóc lột, đã nổi dậy đuổi các quan chức địa phương đi. Cho tới nay, tấm gương của dân Ô Khảm vẫn là một thách đố đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, mà hiện uy tín đã bị sứt mẻ rất nhiều do nạn tham nhũng tràn lan.
Trong Đại hội lần thứ 18, khai mạc ngày 8/11, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu tân tổng bí thư, trên nguyên tắc sẽ là ông Tập Cận Bình, hiện là phó chủ tịch Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình như vậy sẽ là lãnh đạo tối cao của một chế độ phải đối đầu với nỗi bất mãn ngày càng lớn của người dân Trung Quốc trước nạn tham nhũng, cũng như đối đầu với những thách thức từ giới đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền.

Vào tháng 12 năm 2011, 12 000 người dân Ô Khảm đã dũng cảm đương đầu với một lực lượng công an hùng hậu và cuối cùng đã đuổi được bí thư đảng ủy địa phương. Mặc dù lúc đó, chính quyền Bắc Kinh kiểm duyệt rất gắt gao những thông tin liên quan đến sự kiện này, nhưng đối với cư dân mạng ở Trung Quốc, Ô Khảm đã trở thành một biểu tượng cho khát vọng dân chủ ở một đất nước vẫn sống dưới chế độ cai trị khắc nghiệt của đảng Cộng sản từ 63 năm qua.
Một điều bất ngờ là chính quyền tỉnh Quảng Đông đã lùi bước trước ý chí quật cường của người dân Ô Khảm và tháng 3 năm nay đã chấp nhận cho dân làng này tổ chức một cuộc bầu cử trực tiếp thật sự tự do, được báo chí cả thế giới theo dõi. Họ đã bầu một lãnh đạo của phong trào nổi dậy, ông Lâm Tổ Luyến, làm chủ tịch làng. Đây không chỉ là thắng lợi của riêng dân Ô Khảm, mà còn được xem là thắng lợi của hàng trăm triệu dân nông thôn Trung Quốc và những thành phần phản kháng trong xã hội Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, phó chủ tịch của làng Ô Khảm đã nhắn gởi đến Tập Cận Bình rằng: “Nếu họ không trấn áp thẳng tay để nhổ tận gốc nạn tham nhũng, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn và ngay cả các lãnh đạo mới cũng sẽ trở nên tham nhũng”. Ngay cả một nhân vật mà từ nhiều năm qua vẫn được mô tả là liêm khiết như thủ tướng Ôn Gia Bảo, rốt cuộc theo điều tra của tờ New York Times, cũng tham nhũng không thua gì ai, vì gia đình của ông đã thâu tóm một tài sản lên tới 2,7 tỷ đôla. Thông tin này dĩ nhiên đã bị Bắc Kinh kiểm duyệt.
AFP trích lời một cựu phóng viên điều tra của Tân Hoa Xã ghi nhận rằng, con số các cuộc biểu tình với đông đảo quần chúng đang ngày càng tăng và các nguyên nhân của những cuộc biểu tình đó ngày càng nhiều. Theo nhà báo này, điều đó cho thấy là phải cấp tốc tiến hành cải tổ chính trị ở Trung Quốc.
Thế nhưng, hiện giờ có vẻ như giới lãnh đạo Bắc Kinh chọn giải pháp bóp nghẹt từ trong trứng nước mọi hình thức phản kháng. Cụ thể là trong năm nay, chính quyền Bắc Kinh chi ra đến 111 tỷ đôla để “duy trì ổn định”. Số tiền này còn cao hơn cả ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, như nhận xét của ông Bào Đồng, nguyên là cánh tay phải của cố tổng bí thư đảng Triệu Tử Dương và nay là một trong những người chỉ trích chế độ Bắc Kinh kịch liệt nhất. Ông Bào Đồng lưu ý rằng, không một quốc gia nào trên thế giới lại xem chính người dân của mình là kẻ thù nguy hiểm nhất. Ông nói thêm: “Cái mà họ gọi là Cộng hòa, trên thực tế nó giống một vương triều hơn”.
Tóm lại, như nhận định của hãng tin AFP, những tranh chấp về lao động, những vụ xử án bất công, những hành động chống nạn ô nhiễm môi truờng, thiếu an toàn thực phẩm và chống bạo hành của công an sẽ là nguồn gốc của những phong trào phản kháng có thể bùng nổ trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Không có nhận xét nào: