Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Từ Cướp Đất Dến Cướp Xác Dân Oan


CƯỚP ĐẤT, CƯỚP XÁC DÂN OAN: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ HIỆN NGUYÊN HÌNH LÀ MỘT ĐÁNG CƯỚP!
NGUYỄN THIẾU NHẪN

Ngày 12 tháng 11 năm 2012 vừa qua, công an VC đã lôi kéo thô bạo và đã gây ra cái chết tức tưởi cho một dân oan là bà Hà Thị Nhung. Sau đó, công an VC đã cướp xác nạn nhân, xóa dấu vết hiện trường xảy ra vụ giết người, đưa xác nạn nhân vào bệnh viện và tuyên bố nạn nhân chết vì bệnh… cảm! 

Đây không phải là nạn nhân đầu tiên, cũng không phải là nạn nhân sau cùng của chủ trương “cưỡng chế ruộng đất” của CSVN.
Cướp đất ở Tiên Lãng

Xin lấy một thí dụ điển hình trong chủ trương cưỡng chế ruộng đất là vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm ở Tiên Lãng cách đây hơn 10 tháng. Như mọi người đều biết, ngày 5 tháng 1 năm 2012, ông “nông dân kỹ sư” Đoàn Văn Vươn, vốn là một cựu bộ đội đã nả súng vào đội cưỡng chế đất đai gồm hàng trăm công an, quân đội khiến 4 công an và 2 bộ đội của đội cưỡng chế bị thương. Căn nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn đã bị xe ủi ủi sập. Thủy sản trong đầm của Đoàn Văn Vươn đã bị bắt sạch. Đoàn Văn Vươn và em là Đoàn Văn Quý đã bị bắt giam và truy tố về tội giết người. Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn được nhiều người gửi tiền giúp đỡ qua Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Số tiền lên đến hàng triệu tiền VN. Bà cũng được dân làng cho tấm bạt che lên để gia đình trú ngụ và thờ cúng ông bà trong những ngày Tết.
Vụ việc qua các trang mạng và báo chí chấn động cả nước, và lan ra gần như khắp hải ngoại.  

Tác giả “Dân Đen Việt Nam” đã tóm tắt biến cố cưỡng chế Tiên Lãng trong một bài thơ đăng tải trên một trang mạng như sau:

“Đầu năm hai ngàn mười hai
Xảy ra một việc đắng cay đau lòng
Máu loang, đạn nổ trên đồng
Ai người biết việc mà không căm thù
Đất hoang, nước đọng ao tù
Mồn hôi tuông xuống đất bù lại công
Cũng đâu cả chục năm ròng
Người không phụ đất, đất không phụ người
Những mong cuộc sống tốt tươi
Dè đâu oan nghiệt nụ cười vỡ tan
Anh Văn Vươn ấy họ Đoàn
Ngụ quê Tiên Lãng, tên làng Vinh Quang
Đứng ra vận động họ hàng
Kẻ công, người của sửa sang bãi bồi
Tới khi đâu đó xong rồi
Quan trên ngó thấy! Hỡi ơi! Tiêu tùng
Giấy tờ, luật lệ bùng nhùng
Xua quân cưỡng chế hãi hùng nhân dân
Văn Vươn uất nghẹn âm thầm
Cô đơn, tự vệ trên đầm mênh mông
Công an vây bủa ngoài vòng
Cơ động chủ lực xung phong vào liền
Mìn tự tạo, nổ cũng hiền
Bình gaz quá tốt! nằm yên dưới bờ
“Diễn tập” bèn chớp thời cơ
Ai dè “hoa cải” bất ngờ nổ vang
Cán cân nghiêng lệch rõ ràng
Người dân yếu thế đành mang tội hình
Nhân dân nổi trận lôi đình
Nhiều người đã biểu đồng tình cùng anh
Họ kêu oán tận trời xanh
Hồ sơ tái xét cho rành trắng đen
Ngọn đèn ơi hỡi ngọn đèn
Cán cân công lý dân quèn… có mơ???”

Dư luận tiên đoán rồi ra vụ cưỡng chế Tiên Lãng rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng như bao vụ việc động trời khác vì căn bệnh tham nhũng tại Việt Nam đã trở thành hệ thống. Một vài “chính phạm” sẽ được đưa ra làm vật tế thần để trấn an dư luận.

Theo chúng tôi, vụ cưỡng chế Tiên Lãng cũng chỉ là một màn đấu tố của chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất” (CCRĐ) mà ông Hồ Chí Minh đã phát động từ thập niên 50.
*  
Để phát động phong trào Cải Cách Ruộng Đất, “Bác” Hồ tổ chức các lớp “Chỉnh Huấn” rất chu đáo, học viên sau nhiều lần bàn cãi gay go và được chính “Bác” Hồ đích thân giải đáp thắc mắc, đã nhất trí nhận định rằng:

“Địa chủ Việt Nam luôn luôn cấu kết với Đế quốc Pháp, địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù, phải tiêu diệt cả hai.”

Đó là để thực hiện khẩu hiệu của đảng Lao Động Việt Nam: đưa Phản Phong lên hàng Phản Đế do Hồ Chí Minh mang về từ Trung Quốc từ năm 1951, mà đến năm 1953 mới thực hiện được.

Theo Mao Trạch Đông, “phản phong” nghĩa là “tiêu diệt giai cấp địa chủ”, “phản đế” là “chống thực dân (Pháp)”.

Khi “nhân dân” đã nhận định “địa chủ” là kẻ thù, thì kẻ thù phải đền tội.

Xứ sở “Bác” Hồ 60 năm trước vốn là một xứ sở văn minh, luật pháp phân minh chứ không như vào năm 2011, có con mụ Ngô Bá Thành, Tiến sĩ Công pháp Quốc tế, theo đảng ta mà không được trọng dụng nên đã giở giọng thù nghịch mỉa mai: "Việt Nam có một rừng luật nhưng xài toàn luật rừng!”

Báo Nhân Dân số xuất bản ngày 2 tháng 2 năm 1956 ghi rõ thành tích vĩ đại của “Bác” Hồ và là bằng chứng của Đảng kể tội bọn địa chủ như sau:

“Ở xã Nghĩa Khê, thuộc tỉnh Bắc Ninh, bọn địa chủ tổ chức mấy em thiếu nhi đi ăn cắp tài liệu, ném đá vào các cuộc họp của nông dân. Ở Liễu Sơn, chúng dùng một em thiếu nhi đi đốt nhà khổ chủ, nhưng bà con nông dân kịp ngăn được. Thâm độc hơn, ở Liễu Hà chúng cho mấy em thiếu nhi ăn bánh chưng có thuốc độc, làm mấy em ngộ độc suýt chết. Ở Vân Trường chúng dụ dỗ em Sửu, rủ hai em gái nữa nhảy xuống giếng để gây hoang mang trong thôn xóm. Ở Đức Phong (Hà Tĩnh) chúng mua bài tú-lơ-khơ (bài Trung Cộng mang sang) cho các em mãi chơi, bỏ trâu ăn lúa phá hoại mùa màng…”.

Cán bộ CCRĐ bắt vợ địa chủ phải khai từ trước đến giờ đã thâu thuế quá cao, nghĩa là đã thiếu nợ nông dân, phải trả ngay tức khắc, hoặc bị bắt buộc ký giấy nợ rồi hẹn trả từ từ.

“Một cách tống tiền khác là bắt vợ địa chủ lôi đi biểu diễn khắp làng, mỗi tay mang một bãi phân bò tươi, cổ đeo một tấm biển lớn đề: “Tôi là địa chủ ngoan cố”. Nếu bà có con mọn thì chắc chắn là hai mẹ con phải bị giữ ở hai nhà để con không được bú và mẹ bị căng sữa, trong một thời gian rất lâu. Nếu con đã lớn thì mỗi đứa cũng phải giữ ở một nơi và đứa nào cũng bị dọa nạt cho tới khi chúng cung khai - đúng hoặc không đúng - những nơi cha mẹ chúng chôn giấu của cải. Trẻ con non gan nên thường khai lung tung. Mặc dầu, hễ chúng khai chỗ nào là lập tức cốt cán đưa cuốc, bắt mẹ chúng đào chỗ ấy. Công cuộc “đào mỏ” này có thể kéo dài hàng tháng, nên nền nhà địa chủ gần như không còn chỗ nào không đào tới. Nhiều nông dân, sau đấu tố, được lãnh nhà địa chủ để ở thường không có phương tiện để sửa sang lại nền nhà cho bằng phẳng”.

Trong chiến dịch CCRĐ, khi một người bị kết tội là địa chủ thì phần đông họ đều bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng và vài mảnh áo rách. Rồi tiếp theo là “lễ truất hữu tài sản” của họ được tổ chức rất trọng thể. Sau đây là một bài báo tả buổi tịch thu tài sản đăng trong báo Cứu Quốc số 2741, ngày 1 tháng 1 năm 1956:

“Nông dân thôn Thượng rùng rùng kéo đến nhà tên Phong (địa chủ). Cờ phơi phới. Tiếng trống thiếu nhi rồn rập. Những tiếng hô khẩu hiệu “Đả đảo” và “Hoan hô” không ngớt.
Giữa sân lù lù một đống cày cuốc, ô doa, liềm hái, thúng mủng cho tới nồi ba mươi, nồi mười, mâm đồng, chậu thau… hàng dẫy. Quanh sân những cây hải đường, cây mẫu đơn rực rỡ.
Đồng chí cốt cán gọi vợ tên Phong (có lẽ tên Phong bị đi tù hoặc bị xử tử rồi). Đồng chí nhân danh Nông hội tuyên bố tịch thu tài sản của nó.
Tiếng đấu tranh của nông dân mỗi lúc càng gay gắt, như không thể chấm dứt. Quanh đó đồng bào đứng hàng trong, hàng ngoài. Đồng chí cốt cán tuyên bố, vạch rõ cho con mẹ địa chủ thấy đời nó, đời cha, đời ông nó không lao động chuyên bóc lột, chiếm đoạt mới có những của này. Của này là của nông dân. Con mẹ địa chủ mặt tái mét. Cả người nó run run. Đồng chí dõng dạc tuyên bố xóa bỏ hẳn tất cả quyền chiếm hữu gồm 24 mẫu ruộng và toàn bộ tài sản của nó. Tiếng vỗ tay ran lên “Hồ chủ tịch muôn năm!”, “Hoan nghênh chính sách tịch thu, trưng thu, trưng mua của Đảng và của Chính phủ!”.

Hàng đoàn thanh niên nam nữ quẩy những gánh thóc từ nhà ngang qua sân. Hai con trâu cũng vừa dắt ra. Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô vang dậy. Bà con thu xếp quẩy đồ đi. Khiêng, vác, gánh lũ lượt. Tiếng trống ếch thiêu nhi càng ròn rã”

Và, có lẽ không lời cáo trạng nào hùng hồn hơn lời cáo của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người tù 27 năm vì tội làm thơ chống chế độ, với bài thơ “Từ buổi Đảng về”:

“Từ buổi Đảng về họ mạc tới thăm
Do thông cảm chỉ ngồi chơi chốc lát
Miếng thịt miếng thà bỏ rơi đũa bát
Trẻ già khao khát tháng năm!
Con chó, con mèo mất tích mất tăm
Vì đâu nông nỗi?
Chiếc kéo Đảng dùng cắt tem phân phối
Gạo ngô từng lạng từng cân
Đã cắt nhỏ tình thân cốt nhục
Manh áo, niêu cơm, cuộc đời rữa mục
Vợ chẳng cậy chồng, con chẳng cậy cha
Mẹ hiền đành ôm bụng tống thai ra
Giỗ Tết nói chi chuyện người trong mả!
Chao ôi, buồn tất cả
Mất cả rồi những bản tình ca
Những điệu ru trìu mến thiết tha
Gắn bó với ta từ hồi ẵm bú.
Trẻ con đói chột còi lam lũ
Còn đâu bi, đáo khăng, cù
Tiếng sáo diều vời vợi chiều thu
Chỉ còn là âm hưởng vi vu thời xa cũ
Luyến tiếc, than van đi tù lượt lũ
Thiếu chi rừng rú hoang vu
Để đất vàng sao cùng ánh sáng Mùa Thu
Dựng những trại tù làm trụ!
Ôi từ buổi Đảng về làm chủ
Khổ nhục chất chồng không thể đo cân!
Cụ Mác ơi, mỉa mai và quá đủ!
Con chuột mà có dịp tháo thân
Cũng ba cẳng bốn chân
Chạy khỏi cái thiên đường của cụ!”
*
Đúng như dư luận đã tiên đoán: "Bom nổ Tiên Lãng, Hải Phòng chưa dứt, thì gạch đá, khói lửa, máu đổ ở Văn Giang, Hưng Yên đã dấy lên.
 
Thực vậy, những tưởng sau kết luận của ông Thủ Tướng Chính phủ về xử lý sai trái của chính quyền trong vụ Tiên Lãng, sau việc ông Tổng Bí Thư Đảng CS hô hào rộng khắp phong trào chỉnh đốn Đảng, các cấp chính quyền, mà lãnh đạo tuyệt đối là đảng viên, phải chú ý sửa mình, thì đêm 23 rạng 24-4-2012 lại xảy ra một vụ đàn áp, cưỡng chế dân khốc liệt, khiến người dân vô tội vô cùng phẫn nộ.
 
Sự cưỡng chế lần này có quy mô lớn gấp cả chục lần về số lượng và càng có phần không kém phần thù địch chống dân của chính quyền, với những chủ trương ra tay lấy đất của dân có tuyên bố trước, đầy dõng dạc.
 
Sự “thù địch” này đã tạo nên tiếng khóc xé ruột, thấu trời của hàng trăm hộ nông dân tại 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao - huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
 
Tiếng kêu xé ruột của họ cũng bị khỏa lấp trong tiếng súng nổ, lựu đạn cay, tiếng gầm rú của máy xúc, máy ủi, cùng tiếng đấm đá, đánh hội đồng của số đông những kẻ cưỡng bức họ và những phần tử a dua, vấy máu ăn phần, những bàn tay sắt nối dài của chính quyền và những nhóm lợi ích.

Bóng những người nông dân khắc khổ, tay không vũ khí, không quyền lực, đói rách mong manh bị chìm ngập trong lực lượng vũ trang được mô tả là lên tới cả ngàn người và từ phía chính quyền và nhà đầu tư dự án Ecopark.
Nếu thế, thì “lập trường coi dân như kẻ thù” của nhiều lãnh đạo và viên chức chính quyền huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên, đã thể hiện ở tầm cỡ còn lớn hơn, quyết liệt hơn ở Tiên Lãng, Hải Phòng”.
(Trích “Chỉnh đốn Đảng và kêu cứu từ Văn Giang”, Võ Thị Hảo).
*
Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong quyển “Tiếng vọng trong đêm” (Une voix dans la nuit), quyển truyện áp chót được viết vào lúc cuối đời có đưa ra nhận xét về Cải Cách Ruộng Đất và Cải Tạo Tư Sản của đảng CSVN như sau:

“… Hai cuộc Cải cách ruộng đất và Cải tạo tư sản dẫn tới sự tịch thu đơn thuần ruộng đất trong tay địa chủ ở thôn quê và nhà cửa trong tay gia chủ ở thị thành. Cuộc cách mạng hoàn tất năm 1945 tự nhận là vô sản. Những người cách mạng vô sản không những thiếu văn hóa trí thức, lại cũng không có động sản và bất động sản nữa, nghĩa là họ không thể cai trị một xứ sở, điều khiển một dân tộc. Không thể đòi hỏi gì ở những người bụng rỗng, quần áo rách, không có cơm ăn, không có nhà trú qua đêm. Khi người ta thiếu tiền, người ta lấy ở chỗ có. Đó là ăn cắp và trong một xã hội có luật, có cảnh sát, thì sẽ bị bắt,  bị tù. Nhưng những người cách mạng vô sản nào có coi luật lệ ra gì: họ chỉ cần tuyên bố trắng rằng sỡ hữu là ăn cắp! Rằng những người có đất có nhà đồng lõa với phản động, rằng tất cả phải biết câu: lấy của kẻ cắp, không phải là ăn cắp! Về phương diện kỹ thuật thì chỉ cần ban sắc lệnh bãi bỏ sở hữu cá nhân. Là xong trò!” 

(Truyện đã dẫn, trang 96, 97, bản dịch của Thụy Khuê).
*
Từ chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất” tại Miền Bắc với chiêu bài lấy ruộng đất từ tay địa chủ để chia lại cho nông dân cách đây hơn 60 năm, đến nay, đảng CSVN đang phát động chiến dịch “Cưỡng Chế Ruộng Đất” dùng LUẬT RỪNG VÀ BẠO LỰC CHUYÊN CHÍNH gây ra những cái chết tức tưởi, đau thương cho những dân oan, cướp xác để chạy tội, lấy ruộng đất từ tay dân oan, nông dân về tay Đảng và “Nhóm Lợi Ích” là bọn “tư bản đỏ”:

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ HIỆN NGUYÊN HÌNH LÀ MỘT ĐẢNG CƯỚP!

 © NGUYỄN THIẾU NHẪN

Không có nhận xét nào: