Pages

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Tù nhân chính trị ở Việt Nam



Song Chi - Dường như càng ngày số người bị bắt giam bởi “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” theo điều 88 và “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự VN, càng nhiều.
Cái chính quyền luôn tự cho là “của dân, do dân, vì dân” ấy, không hiểu sao ngày càng lắm người chống phá đến thế.

Ðiều an ủi là dù sao bây giờ những người bị bắt vì hai tội danh trên cũng vẫn còn may mắn hơn so với những người đi trước, khi Internet chưa tràn vào VN. Và trước đó nữa, khi người Việt phải sống trong một xã hội bưng bít thông tin và bị nhồi sọ chẳng khác nào người dân Bắc Hàn.
Ít ra, trong phần lớn trường hợp, người bên ngoài còn biết tin về họ. Biết họ bị bắt bởi những luận điểm, chứng cứ như trò hề ra sao, họ bị kết án bao nhiêu năm tù trong những phiên tòa bỏ túi như thế nào…
Ít ra, từ khi họ bị bắt, ra tòa, bị kết án, dư luận trong và ngoài nước đã kịp thời lên tiếng vạch mặt nhà cầm quyền VN với thế giới.
Ngay cả khi họ đã vào tù, thỉnh thoảng mọi người vẫn có được thông tin về họ, dù ít ỏi.
Chẳng hạn, mới đây, chúng ta lại được biết tin anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày qua lời kể của người con trai. Biết anh đang bị khủng bố tinh thần bằng cách giam trong khu “chỉ dành cho những người bị kết án tử hình, tách biệt hẳn với các khu giam chung dành cho các thường phạm” ở trại giam Chí Hòa. (“Chi tiết cuộc gặp mặt blogger Ðiếu Cày-Nguyễn Văn Hải,” Dân Làm Báo).
Chúng ta biết tình trạng sức khỏe của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tại trại giam B14, Bộ Công An, ngày càng trầm trọng. Nhà văn bị nhiều bệnh, gia đình và dư luận đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu cho đi chữa trị nhưng nhà cầm quyền vẫn làm ngơ. Mãi gần đây mới đưa đi phẫu thuật về bệnh trĩ. (“Hiện tình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trong tù,” RFA).
Chúng ta biết thầy giáo Ðinh Ðăng Ðịnh, người sẽ ra tòa vào ngày 20 tháng 11, bị bệnh nặng và bị một số công an trong trại giam tỉnh Ðak Nông hành hạ. (“Nhà bất đồng chính kiến Ðinh Ðăng Ðịnh bị bệnh nặng trong tù,” RFI).
Nhà hoạt động công đoàn trẻ tuổi Ðoàn Huy Chương bị đe dọa đưa đi biệt giam và cùm chân cho đến khi nào chịu chấp nhận làm bản nhận tội, tại trại giam Z30A Xuân Lộc. (“Nhà hoạt động cho công nhân Ðoàn Huy Chương bị đe dọa ngay trong nhà tù,” Dòng Chúa Cứu Thế VN)…
Và còn rất nhiều tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người bị tù vì đấu tranh cho công nhân, dân oan, đòi tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, thậm chí chỉ vì lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lược lãnh thổ lãnh hải VN… Họ đang phải trải qua những ngày tù dài dằng dặc trong những nhà tù khác nhau.
Mà điều kiện nhà tù ở VN, cách đối xử với tù nhân, đặc biệt là tù chính trị thì vô cùng tồi tệ.
Hãy nghe người thân của blogger Ðiếu Cày, nhà văn Ðinh Ðăng Ðịnh, nhà giáo Nguyễn Xuân Nghĩa, chính cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Ðức… kể trong những bài báo đã dẫn, hay người thân của Mục Sư Nguyễn Công Chính kể trong bài “Thăm nhà Mục Sư Nguyễn Công Chính” (Dân Làm Báo) v.v…
Nhà cầm quyền đã sử dụng mọi biện pháp đàn áp, khủng bố tinh vi, hèn hạ, dã man, nhằm mục đích hủy hoại đầu óc, trí tuệ, tinh thần, thể xác của những người tù chính trị.
Không gì có thể lý giải sự độc ác này ngoài hai lý do: Một, bản chất của nhà cầm quyền, của chế độ cộng sản là như vậy, từ trước đến nay. Thứ hai, xuất phát từ lòng căm thù và sợ hãi.
Mối căm thù lớn nhất của đảng và nhà nước cộng sản VN, lạ thay, không phải là với những “kẻ thù” như Pháp, Mỹ mà đảng cộng sản phải hy sinh biết bao xương máu của nhân dân, chịu đựng bao nhiêu tổn thất, mất mát… qua hàng chục năm dài chiến tranh.
Bằng chứng là từ vài thập niên qua, đảng và nhà nước cộng sản VN đã bắt tay làm ăn, hợp tác về nhiều mặt với chính phủ Pháp, chính phủ Mỹ. Báo chí truyền thông của nhà nước từ lâu đã đổi giọng đi rất nhiều khi nói đến những cựu thù cũ.
Vào những thời điểm khi VN bị TQ chèn ép quá mức trên biển Ðông, nhà nước VN đã tỏ ra vô cùng hân hoan chào đón sự trở lại Châu Á của Hoa Kỳ, bày tỏ mong muốn xích lại gần Hoa Kỳ.
Có vẻ như thù cũ đã nhạt phai lắm rồi.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là “khả năng tự xóa đi quá khứ” và “tinh thần rộng lượng” của nhà cầm quyền VN đối với nhà cầm quyền TQ. Một kẻ thù từ nghìn năm trước. Kẻ thù trong quá khứ, hiện tại và nhiều khả năng vẫn là mối nguy cơ chính đối với nền độc lập và vẹn toàn lãnh thổ của đất nước trong tương lai gần.
Bất chấp mọi thiệt thòi, mất mát, nhục nhã từ mối quan hệ bất xứng giữa hai đảng-hai nhà nước, Hà Nội vẫn luôn luôn nhịn nhục, bảo vệ mối quan hệ này. Trước con mắt của nhân dân và thế giới, nhà nước VN rõ ràng đã chọn lựa đứng bên cạnh nhà nước TQ chứ không phải đứng về phía dân chủ, tiến bộ.
Với “kẻ thù” từ bên ngoài là như vậy. Nhưng với những “kẻ thù” cùng chung dòng máu thì khác.
Từ những cá nhân, đảng phái chính trị đối lập tồn tại trước Cách mạng tháng Tám, những nhân vật trong “vụ án xét lại” khoảng thập niên 60-70 của thế kỷ XX, các văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, các thành phần bị xếp vào diện phải đấu tố, trừng trị trong vụ Cải Cách Ruộng Ðất…
Từ hàng trăm ngàn dân quân cán chính của chế độ Miền Nam Cộng Hòa bị bắt đi học tập cải tạo nhiều năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những chính sách phân biệt đối xử dành cho gia đình, con em của họ. Cùng các thành phần nhân dân khác tiếp tục bị “đánh” như tư sản, tiểu tư sản, trí thức chế độ cũ…
Cho đến các thế hệ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị khác.
Ðối với tất cả những “kẻ thù” này, nhà cầm quyền đối xử vô cùng hà khắc. Mối thù được họ nhớ rất lâu.
Chúng ta vẫn còn nhớ người tù chính trị Nguyễn Văn Trại bị kết án 15 năm tù, lúc lâm trọng bệnh đã bày tỏ nguyện vọng được về nhà chờ chết bên gia đình nhưng không được. Và cuối cùng đã chết trong trại giam Z30A-Xuân Lộc Ðồng Nai, vào ngày 11 tháng 7 năm 2011.
Gia đình xin đưa thi hài ông về an táng tại quê nhà “nhưng Ban Giám Thị trại từ chối, với lý do ông “NGUYỄN VĂN TRẠI LÀ MỘT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI.” (“Người tù chính trị Nguyễn Văn Trại đã qua đời,” Dân Làm Báo).
Người tù thế kỷ Trương Văn Sương nguyên trung úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau 33 năm tù đày vì “tội phản động,” được tạm thả về một năm để chữa bệnh rồi lại bị đưa vào trại giam và chết chỉ hai mươi lăm ngày sau, vào ngày 12 tháng 9 năm 2011.
Một người tù thế kỷ khác, Ðại Úy Nguyễn Hữu Cầu bị tù lần thứ nhất từ năm 1975 đến 1980, lần thứ hai từ năm 1982 đến nay trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, sức khỏe suy kiệt, bệnh tật đủ thứ, mắt bị mù, tai bị điếc. Gia đình, dư luận trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu thả ông về để điều trị bệnh nhưng nhà cầm quyền vẫn tảng lờ, v.v…
Và bây giờ là đến thế hệ tù nhân chính trị mới từ luật sư, bác sĩ, mục sư, nhà báo tự do, blogger, sinh viên… tiếp tục phải chịu đựng những điều kiện giam giữ cực kỳ phi nhân.
Có thể có người còn cố biện hộ cho nhà cầm quyền VN rằng ở đâu trên thế giới này thì tù nhân, nhất là tù chính trị lại không phải chịu đựng điều kiện giam giữ khắc nghiệt, dù mức độ có khác nhau?
Người viết bài này không muốn đưa ví dụ nhà tù Na Uy và các nước Bắc Âu vào đây, cũng không muốn so sánh tình trạng trong tù của Anders Behring Breivik, thủ phạm vụ khủng bố kép nổi tiếng ngày 22 tháng 7 năm 2011 tại Na Uy với các tù nhân chính trị VN. Vì thú thật là khập khiễng quá, không thể so sánh nổi!
Nhưng có những tiêu chuẩn tối thiểu thuộc về đạo đức, lương tâm con người mà mọi chế độ dù hà khắc đến đâu cũng nên thực hiện.
Ví dụ như khi người tù bị bệnh nặng thì phải cho họ đi chữa trị. Khi họ gần chết và có nguyện vọng được về nhà chờ chết thì có thể xem xét. Khi họ đã chết thì cho gia đình mang thi hài về nhà an táng. Khi người thân độc nhất của họ qua đời mà người tù lại không phải thuộc diện gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể cho họ về gặp mặt phút cuối (như trường hợp Paulus Lê Sơn không được về gặp khi mẹ qua đời)…
Thế nhưng, nhà nước VN thì không làm được như vậy. Phải hiểu như thế nào về cái nhà nước này đây?

Không có nhận xét nào: